Con cứ ngỡ rằng...

Thứ hai - 06/01/2020 09:57  2402
imagesCon cứ ngỡ rằng.. P/S: Các bạn thân mến! Dưới đây là kỷ niệm của tôi về người Cha đã khuất. Viết lên dòng chữ này giúp  tôi lần dở lại ký ức đẹp về người Cha. Đồng thời, tôi cũng muốn nói với các bạn, những người còn cha, còn mẹ: Hãy quan tâm, dành thời gian ở bên Cha bên Mẹ. Hãy chậm lại nghe những lời khuyên dạy bảo ban của các ngài. Đừng để đến ngày các ngài lìa xa mình mới “giật mình” hối tiếc. Khi ấy đã quá muộn màng!

Sr nhạc sĩ Trầm Hương đã viết trong ca khúc “Khi Thái Sơn ngã bóng cuối trời” những lời hết sức thấm thía: “Con cứ ngỡ rằng, núi Thái sơn không bao giờ ngã xuống. Con cứ ngỡ rằng bàn tay cha mãi mãi bên con... Con cứ ngỡ rằng núi đá kia muôn đời đứng vững, con cứ ngỡ rằng rồi mai đây được báo hiếu công ơn, nhưng hôm nay tấm thân cha về với cát bụi, núi Thái sơn chìm giữa biển đời có dòng lệ thấm xuống hồn con”. Khi viết lời ca này, có lẽ Sr nhạc sĩ cũng trong tâm trạng của tôi lúc này: Một tâm trang nhớ thương về người cha đã khuất.

Người Cha trong tâm trí tôi luôn cao lớn, vững chắc. Chưa khi nào tôi nghĩ đến một ngày ông sẽ xa tôi, xa cuộc sống này. Cho đến một ngày, ngày Bố ra đi. Cái ngày tôi phải xa ông thực sự, tôi mới dần hiểu: chết là cuộc chia li dài nhất trong các mối liên hệ của tôi từ trước tới giờ. Trong khoảng lặng của thời gian, tôi thấm thía sự mất mát ấy là to lớn. Sự chết đã chia cắt sự gặp gỡ, sự quan tâm yêu thương của Bố dành cho tôi. Tôi mới hiểu tại sao người ta hay ví “mất Bố như mất cả bầu trời”.

Đúng vậy, từ ngày xa Bố, tôi mất đi bầu trời “vô ăn vô lo”. Ngày còn Bố, những vấn đề liên quan đến kinh tế, hay việc lo lắng cho gia đình, cho Mẹ, cho các em tôi chẳng phải bận tâm. Bố đi rồi, tôi đã biết những đêm khắc khoải  lắng lo cho Mẹ, cho em. Ngày còn Bố, mỗi dịp nhà dòng có việc chỉ cần điện thoại về, ngay lập tức ngày hôm đó ông sẽ đến và còn mang quà cho tôi. Bố đi rồi, những dịp như thế mắt  tôi đã không còn dáo dác tìm người nhà.

Tôi cứ ngỡ rằng BỐ sẽ không rời xa tôi. Vậy mà, ông đã xa tôi 7 năm 4 tháng. Tính đến ngày ông ra đi, tôi chẳng làm được gì cho ông, chỉ cho ông những lo lắng. Ngày con bé, tôi là cô con gái ông phiền lòng vì tôi ngang bướng, chẳng ngoan hiền. Lớn lên, ông hy vọng tôi học hành đoàng hoàng thì một mực tôi nghỉ học đi làm. Tôi nhớ như in ngày vào Sài Gòn, Bố nằm trên ghế không quay ra nhìn, tôi ương bướng nhưng không nhường bước vẫn ra đi. Bố đành chịu, lại ngồi dậy viết địa chỉ nhà ông bà nội và nhét thêm tiền cho tôi rồi dặn “nếu có vấn đề gì nhớ vào nhà ông bà”. Tôi biết ông lo cho tôi, tôi biết ông không hề muốn tôi rời xa ông, nhưng đứa con nít là tôi ngày ấy còn muốn chạy theo hào nhoáng, thích những điều phù vân nên đã bỏ qua nỗi lòng của người Cha.

Lớn lên, ông tưởng rằng tôi sẽ chọn cho mình một bến đỗ như hai chị: một người chồng bình thường và sống một đời bình thường. Thì đùng một cái tôi đòi đi tu. Cái tin tôi muốn đi tu như “sét đánh bên tai”, ông phản đối dữ dội, còn nói sẽ không nhận tôi là con nếu tôi cứ quyết ra đi. Vậy mà cuối cùng ông cũng phải chịu, vẫn để cho tôi ra đi. Khi tới nhà dòng, ông  nói với bề trên “Con cũng chẳng biết làm sao nữa, thôi đành tôn trọng quyết định của cháu, xin các Dì dạy dỗ cháu”, rồi ông lại nhét thêm tiền cho tôi. Khuôn mặt khi  ấy của ông, không khi nào tôi quên, một khuôn mặt lắng lo cho tương lai con mình. Lần đầu tiên tôi khóc khi ông rời xa tôi. Ông sợ tôi không thể tu trọn vẹn, ông lo vì ông biết rằng tôi đang bắt đầu một cuộc hành trình với hai bàn tay trắng.

 Khi đã đi tu, mỗi khi được về thăm nhà, Bố luôn là người vui nhất. Dù đang ở đâu, biết tôi về, ông cũng sẽ về nhà ngay. Nhà làm đầm, mỗi khi ở nhà, bắt được con cua, con tôm, ông sẽ không bán mà mang về bảo Mẹ nấu cho tôi ăn..Sự quan tâm, lo lắng của ông trở thành sự quen thuộc khó lìa xa của tôi. Sở dĩ tôi bướng bỉnh, tôi ngang tàn vì tôi biết, dù có thế nào, tôi vẫn có ông đàng sau chống đỡ.

Dịp này, gia đình tôi cải mộ cho Bố, bao nhiêu ký ức nhớ thương trong tôi dâng trào. Tôi nhớ, nhớ và rất nhớ. Ngày cải mộ anh em họ hàng đều hiện diện. Ai ai cũng nhắc lại những kỷ niệm về Bố. Tôi biết, đối với anh em xóm làng, Bố luôn là người hiền lành, chịu khó nên mọi người rất yêu quý và nể phục.  Còn đối với các con, ông là người Cha khiến con cái “nặng lòng” biết ơn. Với Mẹ tôi, ông là người chồng yêu thương, chăm lo cho vợ. Tôi được mọi người quý mến một phần do tôi là con của ông.

Ngày cải mộ, anh em  không ai nói nói với nhau, nhưng tôi biết trong lòng các anh chị em là nỗi nhớ khuôn nguôi về người cha đã sinh thành dưỡng dục nên mình. Cử chỉ báo hiếu hiện tại, sao sánh được với một đời Bố hy sinh cho chúng tôi. Tôi nhận ra: chỗ đứng của Bố trong lòng gia đình tôi là “cao cả”. Sự cao cả được đánh đổi bằng hành trình một đời người.

Tác giả: Hoa Cát

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập135
  • Máy chủ tìm kiếm47
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay11,917
  • Tháng hiện tại530,420
  • Tổng lượt truy cập69,590,294
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây