Lễ Hiển Dung

Thứ bảy - 05/08/2023 06:49  1272
“PHÉP LẠ VĨ ĐẠI  NHẤT”
LỄ HIỂN DUNG

Đn 7,9-10,13-14; 2 Pr 1, 15-19; Mt 17,1-19

chua hien dungHiển dung hay biến hình là một trong những phép lạ xảy ra trong cuộc đời Chúa Giêsu. Phép lại được tường thuật lại trong ba Tin Mừng nhất lãm: Mt 17, 1-9, Mc 9,2-8, Lc 9, 28-36 và được nhắc đến trong thư thứ hai của Thánh Phê rô: 2 Pr 1, 16-18.

Thánh Tôma tiến sĩ đã coi biến cố Chúa hiển dung là “phép lạ vĩ đại nhất” vì biến cố này cho thấy tầm quan trọng của Bí tích Thánh tẩy và tỏ lộ sự sống hoàn hảo ở trên trời. Đây là một trong năm cột mốc quan trọng của trình thuật Tin Mừng về cuộc đời Chúa Cứu Thế: chịu phép rửa, bị đóng đinh, phục sinh và thăng thiên. Chính vì thế, Thánh Gioan Phaolô II cũng đã đặt mầu nhiệm thứ Tư của Sự Sáng để suy niệm về biến cố này.

Nếu như thời xưa có thuật “dịch dung” để “thay hình đổi dạng”, thì hôm nay người ta nói nhiều đến thuật giải phẫu thẩm mỹ. Việc Chúa “biến đổi hình dạng” trên núi khác xa với những điều này, vì đây không phải là “phép thay đổi khuôn mặt để che giấu danh tính, đánh lừa kẻ thù”, cũng không phải là “thay da đổi thịt” để có hình tượng đẹp nhờ dao kéo, nhưng là “tỏ lộ vinh quang thần linh của Chúa” và giúp các môn đệ “nếm trước hạnh phúc thiên đàng”.

Biến hình trước mặt…

Chúa Giêsu biến hình trước mặt các môn đệ, mặt Ngài chiếu sáng như mặt trời, áo Ngài trở nên trắng như tuyết. Đây là một sự tỏ lộ vinh quang phát xuất từ thần tính của Ngài, giống như được mô tả theo thể văn khải huyền ở Đaniel về Con Người (x. Bài đọc 1: Đn 7,9-10, 13-14). Ngài là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Ngài “vốn dĩ là Thiên Chúa” nhưng đã ẩn mình qua việc “trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế” (x. Pl 2,6-11). Giờ đây, Ngài chỉ tỏ lộ vinh quang thần linh của thần tính ấy trong một lát. Ánh sáng và màu trắng tinh khôi diễn tả vinh quang siêu vời bất diệt. Vinh quang ấy rất cao cả, nhưng cũng rất hấp dẫn, làm cho các môn đệ cứ muốn sống mãi trong vinh quang ấy: “Lạy Thầy, nếu chúng con được ở đây thì tốt quá”.

Sự tỏ lộ vinh quang nơi Chúa Giêsu là một khoảnh khắc tuyệt vời, khoảnh khắc giao thoa giữa trời cao và đất thấp, giữ tạm bợ và vĩnh cửu, giữa con người với Thiên Chúa. Sự xuất hiện của các chứng nhân Cựu Ước càng làm nổi bật nên vai trò của Chúa Giêsu như là Đấng Trung Gian vì Ngài hoàn thành các lời hứa của Cựu Ước và đưa nhân loại vào Giao Ước mới (Tân Ước) với Thiên Chúa.

Đây là Con yêu dấu…

Cũng như trong biến cố chịu phép rửa, tại đây Chúa Cha đã tuyên bố Chúa Giêsu là “Con rất yêu dấu, rất đẹp lòng Ta”. Đây có thể coi là mạc khải đỉnh cao của biến cố này, vì vén mở cho thấy chính căn tính của Chúa Giêsu. Ngài là Con Một chí ái của Thiên Chúa, đến để kiện toàn Luật Môsê và các ngôn sứ. Ngài sẽ là Môsê mới, là Ngôn sứ vĩ đại, đến để thiết lập Vương Quốc đích thực của Thiên Chúa, “thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật” (x. Ga 4, 22-24).

Tất cả những ai muốn thuộc về Nước Thiên Chúa thì hãy “nghe lời” Chúa Giêsu, vì Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6). Ngài là Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc (x. Rm 8,26-30; Cl 1,15.18), sẽ dẫn dắt và quy tụ mọi người về với Chúa Cha. Dầu vậy, “nghe lời” Ngài hay đi theo Ngài cũng đồng nghĩa với “bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” Ngài (x. Mt 16,24). Qua thập giá mới tới vinh quang, để đến với vinh quang mà các ông đang chứng kiến, các ông cần đi qua một cuộc “xuất hành” mà Ngài sắp thực hiện và các ông cũng sẽ trải qua.

Ngã sấp… trỗi dậy…

Người ta thường diễn tả cuộc đời “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”. Hình ảnh các môn đệ lên núi và xuống núi, hình ảnh các ông ngã sấp xuống và sợ hãi, rồi lại được Chúa cho đứng dậy và được trấn an, như diễn tả đường đời chìm nổi của người môn đệ. Người môn đệ của Chúa “không hơn Thầy”, cũng sẽ phải trải qua những đau khổ để có thể đạt tới vinh quang Nước Trời.

Biến cố hiển dung xuất hiện ngay sau lời loan báo về cuộc thương khó lần thứ nhất. Nghe xong lời loan báo này, các ông sợ hãi và hoang mang. Việc Chúa tỏ vinh quang trên núi cao như đưa các ông lên một tầm cao hơn để đón lấy ánh sáng trên cao mà soi rọi vào các huyền nhiệm dưới đất. Đó là một sự chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ có thể đón nhận mầu nhiệm vượt qua nơi cuộc thương khó mà Ngài sắp thực hiện. Như thế, biến cố hiển dung đi xa hơn khi báo hiệu vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu và vinh quang của tất cả những ai tin tưởng và bước theo Ngài.

***
Lời Chúa hôm nay khích lệ chúng ta trong tinh thần nỗ lực biến đổi mỗi ngày nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Căn tính Kitô hữu, ơn gọi làm con Chúa, cần phải được biểu tỏ mỗi ngày một sáng rõ hơn qua cung cách sống của chúng ta. Điều đó đòi hỏi một cuộc vượt qua liên lỉ: vượt qua tội lỗi để sống công chính, vượt qua ích kỷ để sống quảng đại, vượt qua thù hận để sống bao dung, vượt qua ghen ghét để sống yêu thương, vượt qua lười biếng để sống dấn thân, vượt qua “bảo tồn” để sống nhiệt thành…

Chúa Giêsu luôn đồng hành với chúng ta, Ngài gọi chúng ta trỗi dậy khi chúng ta ngã sấp, Ngài khuyên chúng ta “đừng sợ” khi chúng ta hãi hùng, Ngài ban lời soi sáng và thêm sức khi chúng ta mờ tối chán chường. Chúng ta được mời gọi theo sát Chúa Giêsu bằng việc “nghe lời” Ngài như thánh Phêrô khuyên dạy: “Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên núi thánh. Và chúng tôi có lời nói chắc chắn hơn nữa là lời nói tiên tri: anh em nên nghe theo lời đó, nó như ngọn đèn sáng soi trong nơi u tối, cho đến khi rạng đông và sao mai mọc lên trong lòng anh em”.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập195
  • Máy chủ tìm kiếm83
  • Khách viếng thăm112
  • Hôm nay45,341
  • Tháng hiện tại595,289
  • Tổng lượt truy cập71,961,635
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây