Khôn ngoan lựa chọn

Thứ ba - 18/07/2023 20:53  1225
image 20230719075416 1Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Thường Niên XVII, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nếu không có Chúa, thì sẽ chẳng có chi là bền vững, chẳng có chi là thánh thiện. Chúa chính là niềm hy vọng, nguồn trông cậy vững vàng của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải xin cho mình: đang khi, dùng những của cải chóng qua này, thì cũng biết gắn bó với những của cải muôn đời tồn tại.

Muốn biết đâu là của cải chóng qua, đâu là của cải muôn đời tồn tại, chúng ta cần phải biết biện phân. Trong bài đọc một, sách Các Vua quyển thứ nhất, cho chúng ta thấy: Vua Salômôn đã không xin cho được tuổi thọ, của cải, và chiến thắng quân thù, nhưng, ông xin cho được tài phân biệt: để xét xử. Chúa đã nhậm lời ông, và ban cho ông một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi, trước ông, chẳng một ai sánh bằng, và sau ông, cũng chẳng có ai bì kịp. Tuy nhiên, sự khôn ngoan của vua Salômôn cũng mới chỉ là sự khôn ngoan của thế gian, bằng chứng là: vua đã đem thân mình trao nộp cho các mụ đàn bà và làm những điều kinh tởm trước mắt Đức Chúa…

Bài Đáp Ca, với Thánh Vịnh 118, vịnh gia cho thấy một sự khôn ngoan khác, quý hơn cả vàng y muôn lượng: Con coi trọng luật Chúa truyền ban hơn vàng muôn bạc triệu; mệnh lệnh Ngài, con yêu quý, quý hơn vàng, hơn cả vàng y; giải thích lời Ngài là đem lại ánh sáng, cho kẻ đơn sơ thông hiểu am tường. Bước theo đường lối huấn lệnh Chúa là một chọn lựa khôn ngoan để đạt đến niềm hy vọng Chúa hứa ban, vì lời Chúa hứa thì ngọt ngào hơn cả mật ong trong miệng…

Trong bài đọc hai, thánh Phaolô cụ thể hóa sự khôn ngoan để đạt được niềm hy vọng mà Chúa đã hứa ban, bằng cách nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Khi nghe nói đến: đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, đồng thừa kế với Đức Kitô, chúng ta nghĩ ngay đến: đồng hiển trị với Người, đồng hưởng vinh quang danh dự với Người, đó cũng là chuyện bình thường, bởi vì, thông thường, khi nghe “thừa kế” là chúng ta nghĩ ngay đến: thừa kế bao nhiêu tài sản, đất đai, nhà cửa, xe cộ, tài khoản trong ngân hàng, chứ ít khi, chúng ta nghĩ đến đồng thừa kế những đau khổ, tai ương, hoạn nạn. Tuy nhiên, trong bài đọc hai, thánh Phaolô khẳng định: Chúa Cha đã tiền định cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, những ai Người đã tiền định, thì Người kêu gọi: một tiếng kêu, thì cần một tiếng đáp, để Người làm cho ta nên công chính và cho hưởng vinh quang với Con của Người.

Trong bài Tin Mừng, sự khôn ngoan được thể hiện qua việc: biết biện phân cái gì là quý giá và quyết đánh đổi tất cả, để đạt cho bằng được điều quý giá đó, như người kia bán tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng có kho báu, và cũng như thương gia đi tìm ngọc đẹp, đi bán tất cả những gì mình có để mua cho bằng được viên ngọc đẹp ấy.

Lịch sử ơn cứu độ là lịch sử của một “tiếng gọi” và một “tiếng đáp”. Chúa cất tiếng mời gọi, và chúng ta lên tiếng đáp lời. “Tiếng gọi”: kêu mời chúng ta bước vào hiện hữu, tiến vào một mầu nhiệm, đi vào một giao ước, và trải nghiệm một cuộc phiêu lưu dựa trên uy tín của Đấng mời gọi chúng ta dấn thân và nhập cuộc, luôn hứa hẹn nhiều chông gai và thử thách. Ơn cứu độ chỉ được thành toàn nơi chúng ta, khi chúng ta biết mở lòng ra: để đáp lời trước ân sủng của Thiên Chúa.

Chúa Cha đã tiền định cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, đó là điều Người nhắm đến trước tiên, trước cả sứ mạng, mà Người sẽ trao phó cho chúng ta. Không chấp nhận được biến đổi để trở nên: đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, chúng ta không thể chu toàn sứ mạng đến nơi đến chốn được: hoặc sẽ bỏ dở nửa chừng, hoặc sẽ làm hư hại, phản tác dụng: thay vì làm sáng danh Chúa, thì lại làm ô danh Chúa; thay vì phục vụ danh Chúa, thì lại lợi dụng danh Chúa để được người khác phục vụ; thay vì loan báo Tin Mừng, thì lại gieo rắc tin dữ, tin buồn độc hại khắp nơi… Khi đó, chúng ta sẽ giới thiệu, trình bày cho người khác một Đức Kitô vô cùng lạ lẫm: một Đức Kitô bị méo mó theo hình ảnh của chúng ta, hơn là, một Đức Kitô mà chúng ta phải rập khuôn, và phải nên đồng hình đồng dạng với Người.

Lịch sử cứu độ là lịch sử của lòng thương xót, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn đợi chờ chúng ta. Tuy nhiên, có gieo, ắt phải có gặt: lúa tốt bỏ vào kho, còn cỏ lùng phải đốt đi; có quăng lưới, ắt phải có kéo lưới: cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu phải vứt đi. Lúa tốt hay cỏ lùng; cá tốt hay cá xấu, tất cả đều tùy thuộc vào sự khôn ngoan chọn lựa của chúng ta. Ước gì chúng ta cũng như vị kinh sư khôn ngoan đã được học hỏi về Nước Trời: biết lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ, rượu mới thì phải đổ vào bầu da mới, hầu, chúng ta biết phân định, để có được những chọn lựa khôn ngoan, cho dẫu sự khôn ngoan đó là ngu dại và điên rồ trước mắt thế gian. Chắc chắn, khi gắn bó với những của cải muôn đời tồn tại, chúng ta sẽ bị thế gian bách hại, loại trừ, khinh khi, nhục mạ, nhưng, đó mới chính là sự khôn ngoan đích thực, sự khôn ngoan mà Chúa đã dùng để cứu độ chúng ta.

Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập223
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm185
  • Hôm nay127,116
  • Tháng hiện tại288,291
  • Tổng lượt truy cập71,654,637
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây