Bản hỏi - đáp về Năm Lòng Thương Xót

Thứ năm - 24/03/2016 22:22  3189
              HỌC HỎI TÔNG SẮC
         MISERICORDIÆ VULTUS
 “DUNG MẠO LÒNG THƯƠNG XÓT”
            của ĐGH PHANXICÔ
 
BẢN HỎI – ĐÁP
***
Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin - Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
 
 
LOGO VÀ KHẨU HIỆU NĂM THÁNH

 
 
Logo và Khẩu hiệu của Năm Thánh Lòng Thương Xót đã được giới thiệu trong cuộc họp báo tại Vatican. Được thực hiện bởi linh mục dòng Tên, cha Marko Rupnik, logo được giới thiệu như là một tiểu tổng hợp thần học về chủ đề lòng thương xót: THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA.

Hình ảnh Chúa Giêsu vác người lầm lạc trên vai. Đôi mắt của Ngài hòa vào đôi mắt con người. Vị Mục Tử Nhân Lành chạm đến cách sâu xa thân xác con người bằng một tình yêu rất mãnh liệt đến nỗi Ngài làm thay đổi cuộc sống của người ấy.

Logo cho thấy Chúa Kitô, Ađam mới, mang trên vai Ađam cũ (có râu), mà Ngài đã cứu độ trên thập giá (những dấu đinh).
Điều cảm động trong logo này là hình ảnh «má kề má» của hai khuôn mặt, trong đó đôi mắt của Ađam cũ hòa vào đôi mắt của Chúa Giêsu.
Cảnh phông được trình bày trong hình một « quả hạnh », biểu tượng hai bản tính, thần tính và nhân tính, của Chúa Kitô.
Cha Marko sinh năm 1954 ở Slovênia, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ezio Aletti, ở Rôma.
 
HỌC HỎI TÔNG SẮC CÔNG BỐ NĂM THÁNH NGOẠI THƯỜNG VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT
“DUNG NHAN LÒNG THƯƠNG XÓT”
 
DẪN NHẬP
 
1. Hỏi : Tông Sắc (Chiếu) là gì?
Đáp: Tông Sắc (Chiếu) là một văn kiện qua đó Đức Thánh Cha đưa ra một phán quyết quan trọng như công bố năm thánh, bổ nhiệm giám mục hay định tín, triệu tập công đồng, phong thánh v.v… vì lợi ích của toàn thể các tín hữu.
2.   Hỏi : Qua Tông Sắc “Dung Nhan Lòng Thương Xót”, Đức Thánh Cha ấn định điều gì?
Đáp : Qua Tông Sắc “Dung Nhan Lòng Thương Xót”, Đức Thánh Cha ấn định Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót sẽ bắt đầu từ ngày 8 tháng 12 năm  2015, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyện Tội và kết thúc vào ngày 20 tháng 11 năm 2016, lễ Chúa Kitô Vua.
3. Hỏi: Năm Thánh là gì?
Đáp: Năm Thánh là năm Toàn xá, tức là thời điểm được qui định để chúng ta hoán cải, hòa giải, hiệp thông, hầu đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa một cách đặc biệt hơn.
4. Hỏi: Năm Thánh có từ khi nào?
Đáp : Năm Thánh có từ thời Cựu Ước, được tiếp tục trong lịch sử Giáo Hội. Giáo Hội đã cử hành năm thánh đầu tiên vào năm 1300, và từ năm 1470, cứ 25 năm cử hành năm thánh một lần, gọi là thường kỳ. Ngoài ra, còn có những năm thánh ngoại thường kỷ niệm những biến cố trọng đại trong lịch sử cứu độ.

DUNG NHAN LÒNG THƯƠNG XÓT
 
5. Hỏi: Trong phần mở đầu, Tông Sắc đề cập tới những gì?
Đáp: Trong phần mở đầu, Tông Sắc long trọng giới thiệu “Chúa Giêsu Kitô là dung nhan lòng thương xót của Chúa Cha” và khẳng định chúng ta cần phải “chiêm ngắm mầu nhiệm Lòng Chúa Thương Xót”.
 
6. Hỏi: Tại sao Tông Sắc giới thiệu “Chúa Giêsu Kitô là dung nhan lòng thương xót của Chúa Cha”?
Đáp: Vì “trong Chúa Giêsu thành Na-da-rét, lòng thương xót của Chúa Cha trở nên sống động và rõ ràng, đồng thời tìm thấy đỉnh điểm của nó”.
 
7. Hỏi: Trong Chúa Giêsu thành Na-da-rét, lòng thương xót của Thiên Chúa được cảm nghiệm một cách sống động và rõ ràng như thế nào?
Đáp: Trong Chúa Giêsu thành Na-da-rét, lòng thương xót của Thiên Chúa được cảm nghiệm một cách sống động và rõ ràng đến nỗi ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9) đồng thời qua lời Ngài nói cũng như những công việc Ngài làm, chúng ta có được kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa (x. số 1).
 
8. Hỏi: Tại sao chúng ta cần phải “chiêm ngắm mầu nhiệm Lòng Chúa Thương Xót”?
Đáp: Vì Lòng Chúa Thương Xót vừa là nguồn mạch của “niềm vui, sự thanh thản và bình an”, vừa là điều kiện để chúng ta được cứu độ  (x. số 2).

Ý NGHĨA NĂM THÁNH
 
9. Hỏi : Đối với Đức Thánh Cha, Năm Thánh về Lòng Thương Xót có ý nghĩa gì?
Đáp: Năm Thánh về Lòng Thương Xót là thời điểm các tín hữu được mời gọi chiêm ngắm Lòng Chúa Thương Xót cách chăm chú hơn, để có thể trở nên dấu chỉ hữu hiệu của mầu nhiệm Thiên Chúa hành động trong cuộc đời mình. Năm Thánh còn là cơ hội thuận tiện, để chứng từ của họ nên mạnh mẽ và hữu hiệu hơn. 
 
10. Hỏi: Phương châm (khẩu hiệu) của Năm Thánh là gì?
Đáp: Đó là: “Thương xót như Chúa Cha”.
 
11. Hỏi : Nghi thức chính yếu để khai mạc Năm Thánh là nghi thức nào?
Đáp: Đó là nghi thức mở Cửa Thánh, cánh cửa của lòng thương xót mà bất cứ ai bước vào, sẽ có được kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, Đấng “an ủi, tha thứ và ban cho niềm hy vọng”.
 
12. Hỏi: Những cánh cửa nào sẽ được mở ra và mở ra lúc nào?
Đáp: Trước hết, Cửa Đền thờ Thánh Phêrô sẽ được mở ra vào ngày 8 tháng 12. Kế đến, cửa nhà thờ chánh tòa giáo phận Roma và các giáo phận khác trên thế giới sẽ được mở ra vào Chúa Nhật, ngày 13 tháng 12 (số 3).
 
13. Hỏi: Việc các Giáo Hội địa phương tham gia vào việc cử hành và sống Năm Thánh có ý nghĩa gì?
Đáp: Việc các Giáo Hội địa phương được Đức Thánh Cha mời gọi cử hành và sống Năm Thánh là dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông trong toàn thể Giáo Hội.

Ý NGHĨA LÒNG THƯƠNG XÓT
 
14. Hỏi: Tông Sắc giải thích thế nào về từ ngữ “lòng thương xót”?
Đáp: Tông Sắc nói đến 4 ý nghĩa của  “lòng thương xót” ?
- Thứ nhất, “lòng thương xót” mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi;
- Thứ hai, “lòng thương xót” là hành động cao cả Thiên Chúa đến gặp gỡ con người;
- Thứ ba, “lòng thương xót” là qui luật nền tảng, ngự trị trong tim của mỗi người, giúp ta nhìn về anh chị em với cặp mắt chân thành;
- Thứ tư, “lòng thương xót” là con đường gắn kết Thiên Chúa  với con người, hướng lòng ta về niềm hy vọng rằng mình được yêu thương mãi, dù còn nhiều tội lỗi.
 
THỜI GIAN NĂM THÁNH
 
15. Hỏi: Tại sao Đức Thánh Cha chọn khai mạc Năm Thánh vào ngày 8 tháng 12?
Đáp: Vì Đức Thánh Cha muốn kỷ niệm 50 năm sau ngày bế mạc Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II, Công Đồng đã mở ra cho Giáo Hội một trang sử mới trong việc loan báo Tin Mừng, nhằm giúp các tín hữu dấn thân làm chứng cho đức tin với tất cả niềm hăng say và có sức thuyết phục hơn. Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm là dấu chỉ sống động cho tình yêu của Chúa Cha trên trần gian. 
 
16. Hỏi: Đức Thánh Cha đã nhắc lại những gì trong lời khai mạc Công Đồng của Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII?
Đáp: Đức Thánh Cha đã nhắc lại những lời đầy ý nghĩa này:
-“Ngày nay, Hiền Thê của Đức Ki-tô thích dùng phương dược chữa lành của Lòng Thương Xót hơn là khí giới của sự nghiêm khắc. […]
-Giáo Hội Công Giáo khi giương cao ngọn đuốc của chân lý tôn giáo, muốn là người mẹ khả ái của mọi người, người mẹ tốt lành, nhẫn nại, đầy khoan dung và nhân hậu với những người con lìa xa Giáo hội”.
 
17. Hỏi: Đức Thánh Cha đã nhắc lại những gì trong lời bế mạc Công Đồng của Chân phúc Phao-lô VI?
Đáp: Đức Thánh Cha đã nhắc lại điều này: “Qui luật của Công Đồng trước hết là Đức Ái […] Mọi sự phong phú về giáo thuyết chỉ nhằm một mục đích duy nhất là phục vụ con người, cho dù họ đang sống trong hoàn cảnh nào, đau khổ nào và có những nhu cầu nào ”.
 
18. Hỏi: Tại sao Đức Thánh Cha chọn kết thúc Năm Thánh vào ngày 20 tháng 11 năm 2016 với lễ Chúa Kitô Vua?
Đáp: Vì Đức Thánh Cha muốn trao phó đời sống của Giáo Hội cùng toàn thể nhân loại và vũ trụ cho Vương quyền của Chúa Ki-tô, để Ngài gieo vãi lòng thương xót như sương mai vào trong lịch sử và làm cho nó đơm hoa kết trái, thúc đẩy mọi người dấn thân lo cho tương lai sắp đến (số 5).
 
TÂM TÌNH – THÁI ĐỘ SỐNG NĂM THÁNH

19. Hỏi: Đức Thánh Cha muốn chúng ta bước vào Năm Thánh với tâm tình và thái độ nào?
Đáp: Đức Thánh Cha muốn :
-      nhờ sức mạnh của Chúa Phục sinh nâng đỡ, chúng ta bước vào Năm Thánh với tâm tình biết ơn về ân huệ Giáo Hội đã lãnh nhận và ý thức trách nhiệm của mình.
-      Ngài xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nâng đỡ từng bước đi của các tín hữu, để họ cộng tác vào công trình cứu độ mà Đức Kitô mang lại, và giúp họ chiêm ngắm dung nhan của lòng thương xót (số 4).
 
20. Hỏi: Đức Thánh Cha mong ước Năm Thánh đem lại những gì cho mọi người?
Đáp: Đức Thánh Cha mong ước:
- những năm sắp tới thắm đẵm lòng thương xót, để chúng ta có thể mang đến cho mọi người lòng nhân hậu và sự dịu hiền của Thiên Chúa.
-Ngài cũng ước mong hương thơm của lòng thương xót có thể lan tỏa đến tất cả mọi người, như là dấu chỉ của Triều Đại Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. (số 5)
 
21. Hỏi: Lòng thương xót có phải là dấu chỉ của yếu đuối và đối nghịch với quyền năng của Thiên Chúa không?
Đáp: Không, lòng thương xót không là dấu chỉ của sự yếu đuối, nhưng là phẩm tính toàn năng của Thiên Chúa, vì «Chúa biểu dương quyền năng của Chúa trong sự thương xót và tha thứ ». Trong lịch sử nhân loại, Thiên Chúa luôn hiện diện, gần gũi, chăm sóc, thánh thiện và thương xót.(số 6)
 
CỰU ƯỚC DIỄN TẢ LÒNG THƯƠNG XÓT
 
22. Hỏi: Để diễn tả bản tính của Thiên Chúa, Cựu Ước thường dùng cặp từ nào?
Đáp: Để diễn tả bản tính của Thiên Chúa, Cựu Ước thường dùng cặp từ “chậm bất bình và giầu lòng thương xót”. Trong Cựu Ước, lòng thương xót của Thiên Chúa biểu lộ cách cụ thể trong các biến cố của lịch sử cứu độ, nơi mà lòng nhân hậu vượt trên sự trừng phạt và hủy diệt. (số 6)
 
23. Hỏi: Các Thánh Vịnh cho thấy hành động của Thiên Chúa cao cả thế nào?
Đáp: Các Thánh Vịnh cho thấy Thiên Chúa :
-      “Ngài tha cho ta muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật của ta, cứu ta khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ta bằng ân nghĩa với lượng hải hà” (Tv 103, 3-4)”,
-      “ Ngài xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn, giải phóng những ai tù tội, mở mắt cho kẻ mù loà, cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, yêu chuộng những người công chính,  phù trợ những khách ngoại kiều,  nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” (Tv 146, 7-9),
-      “Ngài chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành. […] Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen” (Tv 147,3.6).
 
24. Hỏi: Lòng thương xót có phải là một khái niệm trừu tượng không?
Đáp: Không, lòng thương xót là một thực tại cụ thể, qua đó, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài như là tình yêu sâu thẳm trong lòng của người cha hay người mẹ dành cho con cái; một tình yêu sâu xa và tự nhiên, bắt nguồn từ sự dịu dàng và thương xót, khoan dung và tha thứ (x. số 6).
 
25. Hỏi: Điệp khúc “Vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời” của Thánh Vịnh 136, theo Đức Thánh Cha, có ý nghĩa gì?
Đáp: Điệp khúc này cho thấy : lòng thương xót của Thiên Chúa đã làm cho lịch sử Israel trở thành lịch sử cứu độ, phá vở chu kỳ không gian và thời gian, đi vào mầu nhiệm vĩnh cửu của tình thương. Không những trong lịch sử, mà từ muôn đời, con người luôn sống dưới cái nhìn đầy thương xót của Chúa Cha. (số 7) 
 
TÂN ƯỚC DIỄN TẢ LÒNG THƯƠNG XÓT
 
26. Hỏi: Theo thánh sử Mát-thêu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Thánh vịnh của lòng thương xót (Tv 136) này khi nào?
Đáp: Chúa Giêsu đã cầu nguyện với thánh vịnh của lòng thương xót này trước khi chịu nạn và chịu chết. Trong chính bối cảnh của lòng thương xót, Ngài đã chịu nạn và chịu chết, với ý thức sâu xa về mầu nhiệm cao cả của tình yêu mà Ngài sẽ hoàn thành trên thập giá.  
 
27.   Hỏi: Việc Chúa Giêsu cầu nguyện với Thánh vịnh của lòng thương xót này nhắc nhớ các tín hữu điều gì? 
Đáp: Việc Chúa Giêsu cầu nguyện với Thánh vịnh của lòng thương xót nhắc nhớ các tín hữu qúy chuộng Thánh vịnh này và thúc đẩy chúng ta cầu nguyện mỗi ngày với điệp khúc : “vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời” (x. số 7).  
 
28. Hỏi: Tại sao nhìn ngắm Chúa Giêsu và dung nhan đầy lòng thương xót của Ngài, chúng ta có thể đón nhận được tình yêu của Ba Ngôi chí thánh? (số 8)
Đáp: Vì thánh Gio-an đã xác quyết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16) và tình yêu này đã được thể hiện cách hữu hình và có thể chạm tới được trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu.
-Bản thân của Chúa Giê-su là tình yêu, một tình yêu được trao ban cách nhưng không.
-Mọi sự nơi Chúa Giê-su đều bày tỏ và mang dấu ấn của lòng thương xót : Ngài đến gặp những người tội lỗi, nghèo khổ, bệnh hoạn tật nguyền, cảm thông và đáp ứng những nhu cầu sâu xa nhất của họ.
 
29. Hỏi: Câu chuyện nào trong Tin Mừng Mátthêu đã gây ấn tượng mạnh cho Đức Thánh Cha?
Đáp: Đó là câu chuyện Chúa Giêsu chọn gọi ông Mát-thêu, một người thu thuế trở thành một trong Nhóm Mười Hai. Chúa đã nhìn ông với cái nhìn thương xót, đã tha thứ tội lỗi cho ông, dẫu các môn đệ khác có phật lòng.
     Thánh Bê-đa đã chú giải đoạn Tin Mừng như sau: Chúa Giêsu đã nhìn Mát-thêu với lòng thương xót và đã chọn ông : “miserando atque eligendo” (chạnh lòng thương và tuyển chọn). Lời này đã  đánh động Đức Thánh Cha đến nỗi Ngài đã lấy nó làm khẩu hiệu giám mục của mình (x. số 8).
 
30. Hỏi: Trong các dụ ngôn về lòng thương xót, ba dụ ngôn con chiên lạc, đồng tiền bị mất và người cha có hai người con trai mô tả Thiên Chúa thế nào?
Đáp: Ba dụ ngôn này mô tả Thiên Chúa như người cha nhân hậu luôn tràn đầy niềm vui, đặc biệt khi tha thứ. Nơi các dụ ngôn, chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như một sức mạnh vượt thắng tất cả, lấp đầy trái tim bằng tình yêu và an ùi, qua sự tha thứ. 
 
THƯƠNG XÓT LÀ THA THỨ
 
31. Hỏi: Sau khi kể dụ ngôn “kẻ mắc nợ không có lòng thương xót”, Chúa Giêsu kết luận thế nào?
Đáp: Chúa Giêsu kết luận rằng “Cha của Thầy ở trên trời cũng đối xử với các anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).
 
32. Hỏi: Với kết luận này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì?
Đáp: Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng : lòng thương xót qua việc tha thứ, không chỉ là hành động của Chúa Cha, mà còn là mệnh lệnh và là tiêu chuẩn để nhận biết ai thực sự là con cái của Chúa. 
 
33. Hỏi: Chúng ta phải làm gì để sống thương xót?
Đáp: Chúng ta phải “tha thứ cho những xúc phạm đến chúng ta”, vì lòng thương xót đã được ban cho chúng ta trước.
 
34. Hỏi: Sự tha thứ đem lại lợi ích gì cho chúng ta?
Đáp: Sự tha thứ đem lại cho chúng ta bình an nội tâm, hóa giải oán thù, sống đời hạnh phúc. Sự tha thứ còn là bằng chứng của niềm tin và sự hoàn thiện. (số 9)
 
35. Hỏi: Mối phúc nào thúc đẩy chúng ta dấn thân trong Năm Thánh?
Đáp: Đó là “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).
 
36. Hỏi: Khi khẳng định lòng Chúa thương xót là trách nhiệm của Chúa đối với chúng ta, Đức Thánh Cha muốn nói điều gì?
Đáp: Đức Thánh Cha muốn nói Thiên Chúa cảm thấy có trách nhiệm, nghĩa là Ngài muốn chúng ta được hưởng mọi sự tốt lành và muốn chúng ta được hạnh phúc, được tràn đầy niềm vui và bình an. Đến lượt mình, người Kitô hữu cũng phải có trách nhiệm đối với tha nhân (x. số 9). 
 
 
LÒNG THƯƠNG XÓT LÀ NỀN TẢNG
CỦA ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
 
37. Hỏi: Tại sao lòng thương xót là nền tảng của đời sống Giáo Hội?
Đáp: Vì mọi hoạt động mục vụ cũng như lời loan báo và chứng từ của Giáo Hội không thể thiếu lòng thương xót.
 
38. Hỏi: Có cách nào giúp Giáo Hội trở nên khả tín không?
Đáp: Chỉ có cách thực thi lòng thương xót và trắc ẩn.
 
39. Hỏi: Tại sao Giáo Hội có một ước muốn bất tận để thực thi lòng thương xót, lại có thể quên điều hệ trọng này?
Đáp: Vì hai lý do này:
-một là Giáo Hội chiều theo cám dỗ đòi hỏi và chỉ đòi hỏi công bình mà thôi;
-hai là kinh nghiệm tha thứ ngày càng trở nên hiếm hoi trong nền văn hóa của chúng ta.
 
40. Hỏi: Thiếu chứng tá về sự tha thứ, cuộc sống trở nên cằn cõi và vô sinh, y hệt như sống trong sa mạc. Trong hoàn cảnh này, Giáo Hội phải làm gì?
Đáp: Giáo Hội phải tìm lại niềm vui loan báo về sự tha thứ, đồng thời trở về với những điều căn bản để mang lấy những yếu đuối và khó khăn của anh chị em chúng ta, vì sự tha thứ là sức mạnh khơi nguồn cho sự sống mới và mang lại sự can đảm để nhìn về tương lai trong hy vọng (x. số 10).
 
41. Hỏi: Tông Sắc nhắc đến Thông điệp “Thiên Chúa giầu lòng thương xót” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ghi nhận những điểm nào?
Đáp: Tông Sắc ghi nhận hai điểm này:
-một là chủ đề lòng thương xót bị lãng quên trong nền văn hóa hiện nay;
-hai là thúc đẩy việc loan báo và làm chứng cho lòng thương xót trong thế giới đương đại.
 
42. Hỏi: Tông Sắc nhận định về giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thế nào?
Đáp: Đó là giáo huấn hết sức hợp thời và đáng được tìm hiểu trong Năm Thánh này.
 
43. Hỏi: Khi dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa, Giáo Hội cần quan tâm đến chủ đề lòng thương xót như thế nào?
Đáp: Giáo Hội phải quan tâm đến chủ đề lòng thương xót với lòng nhiệt thành mới và qua hoạt động mục vụ được đổi mới  (x. Số 11).
 
44. Hỏi: Để có được sự tín nhiệm và lời loan báo về lòng thương xót có được sự khả tín, Giáo Hội phải làm gì?
Đáp: Giáo Hội phải sống và làm chứng cho lòng thương xót.
 
45. Hỏi: Để sống và làm chứng cho lòng thương xót, Giáo Hội phải làm gì?
Đáp: Giáo Hội phải thông truyền lòng thương xót qua ngôn ngữ và cử chỉ của mình, thứ ngôn ngữ và cử chỉ có khả năng chạm đến con tim của mọi người và khuyến khích họ trở về với Chúa Cha. Nói cách khác, Giáo Hội phải hiến mình làm đầy tớtrung gian cho tình yêu của Đức Kitô: yêu đến độ tha thứ và trao ban chính mình. Nhờ đó, Giáo Hội hiện diện ở đâu, thì mọi người nhận ra lòng thương xót của Chúa Cha đến đó (x. Số 12).
 
NHỮNG CHỈ DẪN SỐNG NĂM THÁNH
 
46. Hỏi: Tông Sắc mời gọi chúng ta sống Năm Thánh dưới ánh sáng của câu Tin Mừng nào?
Đáp: Dưới ánh sáng của câu Tin Mừng này: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót” (Lc 6:36). Đó cũng là “phương châm” của Năm Thánh.
 
47. Hỏi: “Hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót”, câu này có nghĩa gì?
Đáp: Câu này có nghĩa là lòng thương xót của Chúa Cha vừa là nguồn mạch vừa là khuôn mẫu cho lòng thương xót của chúng ta. Chính Thiên Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi thân phận yếu đuối và giúp chúng ta có thể đến gần Ngài. Từ đó, chúng ta cũng có thể thương xót như Chúa đã xót thương, tức hiến trọn thân mình và không cần đền đáp (x. Số 14).
 
48. Hỏi: Để có khả năng thương xót, trước tiên chúng ta phải làm gì?
Đáp: Chúng ta phải lắng nghe suy niệm Lời Chúa.
 
49. Hỏi: Để có thể lắng nghe cũng như suy niệm Lời Chúa, chúng ta phải làm gì?
Đáp: Chúng ta phải khám phá lại giá trị của sự thinh lặng. Nhờ đó, chúng ta mới có thể chiêm ngưỡng lòng thương xót của Thiên Chúa và biến lòng thương xót làm lối sống của mình (x. Số 13).
 
50. Hỏi: Dấu chỉ đặc biệt của Năm Thánh là gì?
Đáp: Dấu chỉ đặc biệt của Năm Thánh là hành hương.
 
51. Hỏi: Tại sao hành hương lại là dấu chỉ đặc biệt của Năm Thánh? (số 14)
Đáp: Vì cuộc sống là một cuộc hành hương và chúng ta là những kẻ lữ hành đang tiến về đích điểm mong đợi. Tất cả chúng ta phải thực hiện một cuộc hành hương tới lòng thương xót: một cuộc hành hương đòi hỏi dấn thân và hy sinh. Nhờ đó, chúng ta tìm được sức mạnh để đón nhận lòng Chúa thương xót, đồng thời hiến mình cho lòng thương xót anh em, như Chúa Cha đã thương xót chúng ta.
 
52. Hỏi: Để đạt tới lòng thương xót, cuộc hành hương trong Năm Thánh phải trải qua những chặng đường nào?
Đáp: Chúa Giê-su đã dạy ta những chặng đường để đến lòng thương xót, đó là:
-“Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị xét đoán.
-Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị lên án.
-Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được thứ tha.
-Anh em hãy cho, thì sẽ được cho lại.
-Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6: 37-38).
 
53. Hỏi: Việc chúng ta xét đoán anh em xuất phát từ những nguyên nhân nào và gây ra những hậu quả nào?
Đáp: Chúng ta xét đoán anh em vì cái nhìn phiến diện do ghen tương và đố kỵ, và vì sự giả định mình biết hết mọi sự. Rốt cuộc, chúng làm cho cuộc sống của anh em trở nên ảm đạm, làm cho họ mất uy tín và bỏ mặc họ cho sự đàm tiếu của thiên hạ.
 
54. Hỏi: Để khỏi xét đoán và lên án anh em, chúng ta nên làm gì?
Đáp: Chúng ta nên tránh nói xấu và nhận ra điều tốt đẹp nơi người anh em.
 
55. Hỏi: Ngoài việc đừng xét đoán, chúng ta còn phải làm gì để tỏ lòng thương xót.
Đáp: Chúng ta còn phải tha thứ sẵn sàng cho đi, vì chính bản thân chúng ta đã được Chúa tha thứ và ban cho biết bao ơn lành hồn xác.
 
SỐNG THƯƠNG XÓT CÁCH CỤ THỂ
 
56. Hỏi: Chúng ta được mời gọi làm gì trong Năm Thánh này?
Đáp: Một mặt chúng ta được mời gọi :
-nhìn ra những nỗi khốn cùng của thế giới,
-lắng nghe tiếng kêu cứu của những người cùng khổ,
-quan tâm và chăm sóc cho những người bị bỏ rơi.
Mặt khác, chúng ta được mời gọi phá đổ những rào cản được dựng lên do sự thờ ơ lãnh đạm, giả hình và ích kỷ.  
 
57. Hỏi: Chúng ta còn được mời gọi làm gì nữa trong Năm Thánh này?
Đáp: Chúng ta còn được mời gọi khám phá lại:
- các mối thương thể xác như : cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết.
-các mối thương linh hồn như : lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
 
58. Hỏi: Theo Thánh Gio-an Thánh Giá, khi lìa đời, chúng ta sẽ được phán xét trên cơ sở nào?
Đáp: Theo Thánh Gioan Thánh Giá: “vào cuối cuộc đời, chúng ta sẽ chịu phán xét về tình yêu” (Số 15).
 
59. Hỏi: Trong Tin Mừng thánh Lu-ca, có câu chuyện nào giúp chúng ta sống đức tin trong Năm Thánh?
Đáp: Có câu chuyện Chúa Giêsu về thăm Na-da-rét, nơi Ngài sinh trưởng. Ngài vào hội đường và đứng lên đọc Sách Thánh, đoạn trích từ sách Ngôn sứ I-sai-a: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4, 18-19).
 
61. Hỏi: Qua câu chuyện này, Đức Thánh Cha mong ước điều gì về Năm Thánh?
Đáp : Đức Thánh Cha mong ước các Kitô hữu trong Năm Thánh: hãy làm cho sứ mạng của Chúa Giêsu được mô tả trong lời của Ngôn sứ I-sai-a, trở nên hữu hình và phong phú, nhờ sự đáp trả đức tin mà họ thực hiện qua chứng tá của mình
 
MÙA CHAY – SỐT SẮNG SỐNG NĂM THÁNH
 
62. Hỏi: Vì sao mùa Chay trong Năm Thánh là thời gian thuận tiện để cử hành và trải nghiệm lòng Chúa thương xót? (số 17)
Đáp: Vì các trang Thánh Kinh trong Mùa này giúp chúng ta khám phá lại dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng chuộng lòng nhân từ và luôn thứ tha mọi tội lỗi của chúng ta.
 
63. Hỏi: Theo ngôn sứ Is-ai-a, đâu là cách ăn chay mà Thiên Chúa ưa thích?
Đáp: Theo ngôn sứ Is-ai-a, cách ăn chay mà Thiên Chúa ưa thích là: xóa bỏ xiềng xích bất công, trả tự do cho người bị áp bức, chia cơm xẻ áo cho người đói rách, không ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi khốn cùng của tha nhân (x. Is 58, 6-11).
 
64. Hỏi: Đức Thánh Cha cổ võ cho sáng kiến “hai mươi bốn giờ cho Chúa” cử hành vào thứ Sáu và thứ Bảy trước Chúa nhật thứ IV Mùa Chay thế nào?
Đáp: Đức Thánh Cha khuyến khích các giáo phận cử hành sáng kiến này, vì có rất nhiều người tìm đến Bí tích Hòa Giải để quay về với Chúa, để cầu nguyện và để tìm lại ý nghĩa cho cuộc đời của mình.
 
65. Hỏi: Bí tích Hoà Giải quan trọng nơi hối nhân thế nào?
Đáp: Bí tích Hoà Giải giúp hối nhân đụng chạm đến sự cao cả của lòng thương xót và đem lại bình an trong tâm hồn. 
 
LINH MỤC GIẢI TỘI NĂM THÁNH
 
66. Hỏi: Đức Thánh Cha mong mỏi điều gì nơi các linh mục giải tội?
Đáp: Đức Thánh Cha mong mỏi các linh mục giải tội là dấu chỉ đích thực lòng thương xót của Chúa Cha và trở thành các linh mục giải tội tốt lành, nhờ trở nên những hối nhân hằng tìm kiếm lòng thương xót của Người.
 
67. Hỏi: Vì sao các linh mục có trách nhiệm giải tội?
Đáp: Vì các ngài đã được lãnh nhận Thánh Thần để tha tội.
 
68. Hỏi: Các linh mục giải tội có phải là chủ nhân của Bí Tích Hòa Giải không?
Đáp: Không, các ngài chỉ là tôi tớ trung thành phục vụ cho Thiên Chúa giầu lòng thương xót và hay tha thứ.
 
69. Hỏi: Các linh mục giải tội phải có thái độ nào đối với hối nhân?
Đáp: Các linh mục giải tội phải đón nhận hối nhân như người cha trong dụ ngôn “người cha nhân hậu”; nghĩa là “vui mừng vì họ đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
 
70. Hỏi: Đức Thánh Cha cầu cho các linh mục giải tội những gì?
Đáp: Đức Thánh Cha cầu cho các linh mục giải tội đừng hỏi những câu vô ích, đồng thời biết đón nhận lời hối nhân xin trợ giúp và ơn tha thứ thốt lên từ đáy lòng của họ.
 
71. Hỏi: Đức Thánh Cha mời gọi các linh mục giải tội làm gì?
Đáp: Đức Thánh Cha mời gọi các linh mục giải tội mọi nơi mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh, trở thành dấu chỉ về sự ưu việt của lòng Chúa thương xót (x. Số 17).
 
CÁC VỊ THỪA SAI LÒNG THƯƠNG XÓT
 
72. Hỏi: Trong Mùa Chay của Năm Thánh, Đức Thánh Cha gửi các vị Thừa sai của Lòng Chúa thương xót đến với các giáo phận nhằm mục đích gì?
Đáp: Các vị Thừa sai của Lòng Chúa thương xót được sai đến với các giáo phận nhằm mục đích bày tỏ sự quan tâm từ mẫu của Giáo Hội đối với Dân Chúa và để Dân Chúa cảm nghiệm được sự phong phú của mầu nhiệm căn bản này của đức tin.
 
73. Hỏi: Với tư cách là Thừa sai của Lòng Chúa thương xót, các vị ấy sẽ làm gì?
Đáp: Với tư cách là Thừa sai của Lòng Chúa thương xót, các vị ấy sẽ rao giảng về lòng Chúa thương xót và có quyền tha thứ cả những tội lỗi chỉ Tòa Thánh mới có quyền xá giải.  Các ngài sẽ là dấu chỉ sống động về cách Chúa Cha, sẵn sàng tiếp đón những ai tìm kiếm sự tha thứ của Ngài và là khí cụ của sự gặp gỡ đầy tình người, để khắc phục những chướng ngại và nhận lại cuộc sống mới của Bí tích Rửa Tội.
 
74. Hỏi: Đức Thánh Cha xin các giám mục mời và đón tiếp các vị Thừa sai của Lòng Chúa thương xót thế nào?
Đáp: Đức Thánh Cha xin các giám mục:
- tạo điều kiện để các vị Thừa Sai có thể rao giảng về lòng Chúa thương xót và tổ chức “tuần đại phúc”,
- để các vị này cử hành Bí tích Hòa Giải cho anh chị em giáo dân;
- nhờ đó, nhiều người được trở về với Thiên Chúa là Cha trong Mùa Chay Thánh này (x. Số 18).
 
KÊU GỌI CÁC PHẦN TỬ TRỞ VỀ
 
75. Hỏi: Nhân danh Con Thiên Chúa, Đức Thánh Cha tha thiết mời gọi những ai thay đổi cuộc sống và trở về với Thiên Chúa?
Đáp: Đức Thánh Cha tha thiết mời gọi những người đã xa rời ân sủng của Thiên Chúa do cách ăn ở của mình, đặc biệt là thành viên của các tổ chức tội phạm, cần thay đổi cuộc sống và trở về với Thiên Chúa.
 
76. Hỏi: Vì sao Đức Thánh Cha mời gọi những người này thay đổi cuộc sống và trở về với Thiên Chúa?
Đáp: Vì ba lý do này:
- thứ nhất, vì thiện ích của chính họ;
- thứ hai vì tiền bạc không đem lại cho họ hạnh phúc đích thật và bạo lực cũng không làm cho họ trở nên quyền năng và bất tử;
- thứ ba vì họ không thể thoát khỏi sự phán xét của Thiên Chúa. 
 
77. Hỏi: Đức Thánh Cha còn mời gọi những ai cần thay đổi cuộc sống và trở về với Thiên Chúa?
Đáp: Đức Thánh Cha còn mời gọi những kẻ tham nhũng hoặc ai đồng lõa với sự tham nhũng, cần thay đổi cuộc sống và trở về với Thiên Chúa, vì tham nhũng là một tội ác. Nó hủy hoại đời sống cá nhân và xã hội, đồng thời ngăn cản những người yếu đuối và nghèo khổ nhìn về tương lai với niềm hy vọng.
 
78. Hỏi: Theo Đức Thánh Cha, chúng ta phải làm gì để chiến thắng chước cám dỗ này?
Đáp: Chúng ta phải làm hai việc này:
-một là phải khôn ngoan, tỉnh thức, trung thực, minh bạch và can đảm khước từ;
-hai là phải công khai chống lại sự tham nhũng, bằng không sớm muộn rồi chúng ta sẽ đồng lõa với nó và để cho nó hủy hoại cuộc sống của mình.
 
79. Hỏi: Vì sao Năm Thánh là thời gian thuận tiện để thay đổi cuộc sống?
Đáp: Vì Năm Thánh:
-là thời gian để con tim của chúng ta rung động;
-là lúc để chúng ta lắng nghe tiếng khóc của những người vô tội bị tước đoạt tài sản, nhân phẩm, cảm xúc và cả cuộc đời của họ; 
-là cơ hội để chúng ta chấp nhận lời mời gọi hoán cải và quy phục đức công chính (x. Số 19).
 
CÔNG CHÍNH VÀ THƯƠNG XÓT
 
80. Hỏi: Công chính và lòng thương xót có đối nghịch với nhau không?
Đáp: Không, công chính và lòng thương xót không đối nghịch nhau, nhưng là hai mặt của một thực tại duy nhất; thực tại này phát triển dần cho tới tột đỉnh của nó là tình yêu trọn hảo.
 
81. Hỏi: Trong Thánh Kinh, công chính được hiểu như thế nào?
Đáp: Trong Thánh Kinh, công chính có khi được hiểu như là việc giữ trọn lề luật Chúa và sống theo lệnh truyền của Ngài. Cách hiểu này mang nặng tính pháp lý và nghiệm nhặt, làm sai lệch ý nghĩa ban đầu: Đức công chính chủ yếu là sự tín thác hoàn toàn vào  thánh ý Thiên Chúa.
 
82. Hỏi: Chúa Giêsu hiểu công chính là gì?
Đáp: Chúa Giêsu hiểu công chính không đơn thuần là việc tuân thủ pháp luật, nhưng là ơn tha thứ và cứu độ của Thiên Chúa, dành cho những người tội lỗi. Vì cách hiểu mang tính giải phóng và đổi mới này, mà Chúa Giêsu đã bị những người Pha-ri-sêu và luật sĩ chống đối. Đối với Ngài, việc tuân giữ lề luật không được phép cản trở lòng thương xót và nghịch lại với phẩm giá của con người. 
 
83. Hỏi: Để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng Chúa thương xót trong đời sống của các môn đệ, Chúa Giêsu trích dẫn câu nào của tiên tri Hô-sê?
Đáp: Để nhấn mạnh đến lòng Chúa thương xót trong đời sống của các môn đệ, Chúa Giêsu thường trích dẫn câu: “Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế” (Hs 6,6)
 
84. Hỏi: Vì sao lòng Chúa thương xót là chiều kích căn bản của sứ mạng của Chúa Giêsu?
Đáp: Vì Chúa Giêsu luôn vượt trên lề luật, để giúp cho những người coi trọng việc tuân giữ lề luật cần phải hiểu và đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa.
 
85. Hỏi: Việc trở lại với Chúa Giêsu đã thay đổi thánh Phao-lô, vị tông đồ của dân ngoại như thế nào?
Đáp: Việc trở lại với Chúa Giêsu đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn của thánh Phao-lô về công lý, đến nỗi Ngài đã viết trong thư gửi tín hữu Ga-la-ta: “Chúng ta được nên công chính nhờ lòng tin vào Ðức Kitô, chứ không phải nhờ những công việc của lề luật” (Gl 2,16). Đức công chính của Thiên Chúa giờ đây trở thành sự giải phóng cho những ai bị áp bức bởi nô lệ tội lỗi và những hậu quả của nó (x. số 20).
 
86. Hỏi: Lòng Thương Xót đem lại cho tội nhân những gì?
Đáp: Lòng Thương Xót đem lại cho tội nhân một cơ hội mới để sám hối, trở lại và tin tưởng.
 
87. Hỏi: Kinh nghiệm của tiên tri Hô-sê cho thấy lòng thương xót trỗi vượt trên công bình như thế nào?
Đáp: Kinh nghiệm của tiên tri Hô-sê cho thấy Thiên Chúa chậm bất bình và giầu lòng thương xót. Cơn giận của Ngài chỉ thoáng qua, nhưng lòng thương xót của Ngài tồn tại mãi.
 
88. Hỏi: Khi đi xa hơn công bình với lòng thương xót và tha thứ, Thiên Chúa có phủ nhận công bình không?
Đáp: Không, Thiên Chúa không phủ nhận công bình, nhưng bao trùm và vượt qua nó nhờ biến cố cao đẹp hơn, nhờ đó, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu, vì tình yêu chính là nền tảng của công bình đích thực.
 
89. Hỏi: Công bình của Thiên Chúa là gì?
Đáp: Công bình của Thiên Chúa là lòng Chúa thương xót được ban cho tất cả chúng ta, như là ân sủng tuôn tràn từ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô (x. Số 21).
 
ÂN XÁ TRONG NĂM THÁNH

90. Hỏi: Chúng ta phải hiểu về  ân xá trong Năm Thánh thế nào?
Đáp: Chúng ta phải hiểu về ân xá trong Năm Thánh thế này: Dù chúng ta đã được tha thứ tội lỗi qua bí tích Hòa Giải, cuộc sống của chúng ta vẫn còn mang dấu tích của những mâu thuẫn do tội gây ra và ảnh hưởng tiêu cực của nó vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ và cách sống của chúng ta. Trước tình trạng ấy, Thiên Chúa đã chạnh lòng thương xót và giải thoát chúng ta khỏi mọi hậu quả của tội lỗi, đồng thời cho chúng ta khả năng hành động với đức ái và lớn lên trong tình yêu.
 
91. Hỏi: Ân xá trong Năm Thánh cho chúng ta kinh nghiệm gì về Giáo Hội ?
Đáp: Ân xá trong Năm Thánh cho chúng ta kinh nghiệm về sự thánh thiện của Giáo Hội, cho ta hưởng nhờ thành quả ơn Chúa cứu chuộc; nhờ đó, ơn tha thứ đạt tới hiệu quả tột cùng là gặp được tình yêu của Thiên Chúa (x. Số 22).
 
LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ ĐẠI KẾT
 
92. Hỏi: Vì sao lòng Chúa thương xót có khả năng liên kết chúng ta với Do Thái giáo và Hồi giáo?
Đáp: Vì Công giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo đều coi lòng thương xót là một trong những ưu phẩm của Thiên Chúa.
-Các trang sách Cựu Ước thắm đẫm lòng thương xót, vì thuật lại những kỳ công mà Chúa đã thực hiện cho Dân Do Thái vào những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử của họ.
-Còn Hồi giáo thì luôn kêu cầu Thiên Chúa, Đấng giầu lòng thương xót và rất mực từ bi, nâng đỡ họ trong những yếu đuối hàng ngày.
 
93. Hỏi: Đức Thánh Cha ước mong Năm Thánh Lòng thương xót đem lại những gì cho cuộc đối thoại giữa các tôn giáo cũng như giữa các dân tộc?
Đáp: Đức Thánh Cha ước mong Năm Thánh Lòng thương xót:
- thúc đẩy cuộc gặp gỡ với những tôn giáo và những truyền thống tôn giáo cao quý khác;
- mở rộng hơn cuộc đối thoại để có thể hiểu biết nhau hơn;
- xua đi mọi hình thức khép kín và khinh khi lẫn nhau;
- đẩy lùi mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử (x. Số 23).
 
KẾT: HƯỚNG VỀ MẸ THƯƠNG XÓT
 
94. Hỏi: Hướng về Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót, và sống dưới ánh mắt dịu hiền của Mẹ trong Năm Thánh này, chúng ta có thể khám phá lại điều gì?
Đáp: Chúng ta có thể khám phá lại niềm vui vì được Chúa xót thương.
 
95. Hỏi: Đức Maria đã trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa thế nào?
Đáp: Đức Maria đã trải nghiệm sâu xa lòng thương xót của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, chịu nạn, chịu chết và sống lại.
 
96. Hỏi: Được tuyển chọn và chuẩn bị để làm Mẹ của Đấng Cứu Thề, Đức Maria kinh nghiệm thế nào về lòng thương xót của Thiên Chúa?
Đáp: Đức Maria đã kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa trải qua từ “đời nọ sang đời kia”.
 
97. Hỏi: Dưới chân Thập Giá, Đức Maria kinh nghiệm thế nào về lòng thương xót của Thiên Chúa?
Đáp: Đức Maria đã kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa không có giới hạn và mở ra cho hết mọi người, bất kể họ là ai.
 
98. Hỏi: Hướng về Đức Maria trong kinh Lạy Nữ Vương, chúng ta cầu xin Mẹ điều gì?
Đáp: Chúng ta xin Mẹ ghé mắt thương xem chúng ta và cho chúng ta được thấy Dung mạo của lòng thương xót, là Chúa Giê-su, con của Mẹ.
 
99. Hỏi: Hướng đến thánh Faustina Kowalska, chúng ta xin ngài điều gì?
Đáp: Chúng ta xin ngài chuyển cầu cho chúng ta luôn biết sống và bước đi trong sự tha thứ của Thiên Chúa và trong niềm tín thác vào tình yêu của Ngài (x. Số 24).
 
100. Hỏi: Mở Năm Thánh Ngoại Thường này, Đức Thánh Cha muốn chúng ta làm gì để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa?
Đáp: Mở Năm Thánh Ngoại Thường này, Đức Thánh Cha muốn chúng ta: hãy để cho Thiên Chúa làm cho mình phải kinh ngạc trước tình yêu của Ngài, Đấng không ngừng mở lòng và ngỏ lời yêu thương chúng ta, Ngài muốn thông truyền sự sống của Ngài cho chúng ta.
 
101. Hỏi: Giáo Hội ý thức thế nào về nhiệm vụ loan báo lòng Chúa thương xót?
Đáp: Giáo Hội ý thức rằng: loan báo lòng Chúa thương xót là nhiệm vụ hàng đầu của mình, đặc biệt trong bối cảnh của một thế giới đầy hy vọng và nhiều mâu thuẫn.
-Giáo Hội cũng ý thức rằng: đời sống của mình chỉ đích thực và đáng tin khi trở thành chứng nhân của lòng thương xót, qua việc tuyên xưngsống thương xót như là trọng tâm mạc khải của Chúa Giêsu Kitô.
 
102. Hỏi: Tông Sắc kết thúc với những ý nguyện nào?

Đáp: Tông Sắc kết thúc với những ý nguyện này:
-một là Giáo Hội mong làm vang vọng Lời của Chúa, của sự tha thứ, đỡ nâng, trợ giúp và yêu thương;
-hai là Giáo Hội trao ban lòng thương xót không mỏi mệt và luôn nhẫn nại để khích lệ và thứ tha ;
-ba là Giáo Hội muốn thành tiếng nói của mọi người, và luôn van xin với niềm tín thác: “Lạy Chúa, xin nhớ lại tình lân ái và lòng thương xót của Chúa, như vẫn có từ ngàn xưa“ (Tv 25,6).
 
103. Hỏi: Tông Sắc được ban hành tại đâu và lúc nào ?
Đáp: Tông Sắc được ban hành tại Rôma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 11 tháng 04 năm 2015, năm thứ ba triều giáo hoàng Phan-xi-cô.

Nguồn tin: Uỷ ban Giáo lý Đức tin - HĐGMVN

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập447
  • Máy chủ tìm kiếm55
  • Khách viếng thăm392
  • Hôm nay53,753
  • Tháng hiện tại953,335
  • Tổng lượt truy cập70,981,092
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây