Thiên Chúa thinh lặng trong cơn đại dịch?

Chủ nhật - 19/04/2020 03:45  1712
“Có Thiên Chúa không? Nếu có, tại sao lại có sự dữ? Ngài ở đâu khi con người đau khổ? Ngài là Thiên Chúa đầy quyền năng sao không tạo dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn mà không có sự dữ?” Bạn thân mến, có bao giờ bạn gặp hay nghe ai đó hỏi những câu như thế chưa? Hay chính bản thân bạn đã có lúc đứng trước sự nghi ngờ về Thiên Chúa, nhất là khi có quá nhiều tội ác, bất công và đau khổ diễn ra hằng ngày. Nếu có thì câu trả lời bạn nhận được là gì? Nó có làm thỏa mãn, lấp đầy những hoài nghi, ngờ vực của bạn hay không?
 
00 00 priere dans pandemie 1

Ngày nay, dường như thế lực của sự dữ và bóng tối đang vây phủ lấy toàn thể nhân loại. Nhất là trong mấy tháng qua, từ khi đại dịch Covid 19 xuất hiện và bùng phát. Đâu đâu chúng ta cũng thấy chết chóc tang thương; không khí thì u sầu, ảm đạm. Hầu như mọi công việc, ngành nghề đều tạm dừng hoạt động. Con người, từ giàu đến nghèo, ai cũng phải chững lại trước virut Corona – một con virut cực kỳ nhỏ bé nhưng lại có sức tàn phá kinh khủng. Trước đại dịch này, con người ta mới nhận thấy mình thật nhỏ bé, bất lực giữa vũ trụ bao la rộng lớn. Và rồi mọi thất vọng, chán nản, ngờ vực, đau đớn và cả phẫn nộ đang bủa vây xung quanh cuộc sống khiến nhiều người bất giác thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, tại sao Ngài thinh lặng?” Mới đây, một người theo chủ nghĩa vô thần đã cười khẩy và hỏi: “Thiên Chúa ở đâu trong đại dịch Covid 19?”

Là người có đức tin Công giáo, chúng ta trả lời câu hỏi đó như thế nào? Sách Giáo lý Hôi thánh Công giáo số 309 có đưa ra câu trả lời trước vấn nạn về sự dữ như sau: “Trước một câu hỏi vừa khẩn thiết vừa, vừa bi thảm lại vừa bí nhiệm này, không câu trả lời vội vàng nào là đầy đủ được. Chỉ có toàn bộ đức tin Kitô giáo mới là câu trả lời cho câu hỏi ấy” (GLHTCG 309). Thiên Chúa với quyền năng vô biên, Ngài có thể tạo nên một thế giới tốt hơn nhưng Ngài đã tự ý muốn dựng nên một trần gian “trong tình trạng lên đường” hướng về sự hoàn hảo cuối cùng của nó (x. GLHTCG 310). Từ đây, lại có nhiều người cho rằng chúng ta tin như thế có phải là một đức tin máy móc, lý thuyết sách vở hay không?

Chúng ta có bằng chứng xác thực: khi nhìn vào vũ trụ vạn vật, ngay từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ thật hoàn hảo và đẹp đẽ. Những trang đầu của trình thuật Sáng Thế đã kể lại công trình của Thiên Chúa và Ngài đã thấy rõ mọi sự Ngài đã làm ra quả thật là tốt đẹp. Qua đó, chúng ta thấy một điều là Thiên Chúa không tạo nên sự dữ và đau khổ. Nhưng sự dữ từ đâu mà có? Đó là con người bị ma quỷ dụ dỗ đã lạm dụng sự tự do của mình, bất trung chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người, ngược lại, “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Nguồn ân sủng dồi dào ấy được thể hiện qua chính Đức Giêsu Kitô – Con Một Duy Nhất của Chúa Cha đã vâng lời xuống trần gian như một tội nhân để cảm thương với những yếu hèn của con người. Ngài đã chịu ngược đãi, xỉ nhục, cô đơn và cuối cùng là cái chết trên thập giá.

Trong cuộc sống thường ngày, mỗi khi gặp đau khổ, thách thức, chúng ta lại thường kêu trách, than van, kể lể. Đau khổ của chúng ta có thể ví với đau khổ mà Đức Giêsu đã phải chịu không? Đại dịch Covid 19 có lẽ sẽ là một biến cố lịch sử đối với nhân loại. Qua đại dịch, chúng ta hãy kiểm điểm lại xem vị trí của Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi người. Ngài có là cùng đích, là duy nhất, là tất cả của chúng ta không? Hay Người chỉ là viên thuốc “Paradon” mà chúng ta cần khi giảm các cơn đau; còn khi mạnh khỏe, hạnh phúc, bình an thì chúng ta chẳng đến với Ngài. Chỉ khi bế tắc, đau khổ cùng cực chúng ta mới đến để cầu xin rồi than van. Nhưng rồi chúng ta tìm thấy gì ngoài sự im lặng, sự thinh lặng trên cây thập giá và sự im lặng tận sâu cõi lòng mình.

Nhìn lại biến cố lịch sử này, tôi bất chợt nhớ đến cuốn tiểu thuyết “Nơi trái tim hội ngộ” của tác giả người Canada – William Paul Young. Cuốn thiểu thuyết kể về chàng Mack đã từng là con chiên ngoan đạo nhưng cuộc đời, niềm tin vào Thiên Chúa của anh đã thay đổi khi Missi – con gái út của Mack bị bắt cóc. Mọi sự như bế tắc, những nỗ lực tìm kiếm, hiện trường của vụ án làm mọi người liên tưởng đến vụ sát hại tàn bạo bởi những tên sát gái trong một căn chòi bỏ hoang ở rừng sâu. Nỗi đau, sự dằn vặt cứ đeo bám Mack dai dẳng và nó cũng che mờ hình ảnh Thiên Chúa với tất cả những điều tốt đẹp đã có. Từ đây, tương quan giữa Mack và Thiên Chúa ngày càng rạn nứt, anh vẫn cứ cố lờ đi như để chôn vùi nỗi đau. Nhưng có lẽ con đường của Thiên Chúa lại khác. Bốn năm sau vụ thảm sát đó, Mack nhận được lá thư mời anh đến căn chòi ấy mà người ký tên là “Papa” – tên mà Nan – vợ Mack hay gọi Thiên Chúa cách thân mật. Nỗi đau như được khơi lại và còn mạnh mẽ hơn nhưng với tất cả lý trí cùng sự liều lĩnh của kẻ dám thách thức Mack quay trở lại căn chòi ấy một mình. Và tại đây, cuộc gặp gỡ giữa anh và Thiên Chúa đã phá tan mọi cánh cửa. Đau đớn, căm phẫn, thù ghét và cả nghi ngờ đã nhường chỗ cho sự bình an và yêu thương.

Trong nỗi đau của Mack hay của tác giả cũng chính là nỗi đau mà chính chúng ta đang phải đối diện. Rồi chúng ta nhìn Thiên Chúa như những một kẻ bị giam hãm trong căn phòng đóng kín của định kiến, tức giận, u tối mà chỉ có một lỗ hở bé xíu để nhìn ra ngoài. Câu truyện đã chạm đến những ngóc ngách của tâm linh mà mỗi Kitô hữu đều trải qua: “Thiên Chúa – Ngài ở đâu?” Đọc câu truyện không chỉ như những câu chuyện thường nhưng như một cuộc gặp gỡ, đối thoại, giải đáp mọi thắc mắc giữa ta với Thiên Chúa để chũa lành chúng ta đang đắm mình trong đau khổ và dửng dưng với Thiên Chúa.

Bạn thân mến! Đau khổ nào rồi cũng sẽ qua đi, mỗi người cũng sẽ có những cảm nhận, những cách thức đón nhận và vượt qua hay diệt trừ chúng đó là cảm nghiệm riêng của từng cá nhân. Nhưng hãy để Thiên Chúa đi vào cuộc đời của bạn, làm chủ cả những đau khổ vì Ngài có thể rút ra những điều lành từ chính điều dữ. Hãy để Ngài làm cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn.

Dã Quỳ, MTG BC

 
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập296
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm277
  • Hôm nay28,948
  • Tháng hiện tại890,483
  • Tổng lượt truy cập69,950,357
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây