Lễ Đầu Dòng xưa và nay

Thứ bảy - 06/08/2016 06:01  3138
“Đến hẹn lại lên!”. Cứ ngày mồng Tám tháng Tám hằng năm, con dân Bùi lại quy tụ về bên cha thánh tổ Đa Minh mà chúng ta quen gọi ‘thánh Đô-mi-ni-cô’. Có lẽ tên gọi ‘Lễ Đầu Dòng’ được bà con Bùi Chu quen gọi nhất, với bao kỷ niệm thân thương. Sự kiện đặc biệt này của giáo phận diễn ra từ chiều ngày 07 đến chiều ngày 08 tháng Tám dương lịch hằng năm. Có lẽ chẳng mấy ai không biết lý do kỷ niệm ngày trọng đại này của giáo phận, nhưng ắt hẳn không phải ai ai trong giáo phận cũng đều nắm rõ được lịch sử và ý nghĩa ngày mừng kính thánh Quan thầy đệ nhị giáo phận.
 
 
Ngay từ thế kỷ XVII, giáo phận Bùi Chu chúng ta thuộc giáo phận Đàng Ngoài và được Đức cha francois Palu coi sóc. Với sắc lệnh Apostolatus Officium ngày 05 tháng Chín năm 1848, giáo phận Đàng Ngoài được chia đôi, và Bùi Chu thành giáo phận Trung, vì nằm giữa Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài. Đặc biệt, ngay từ năm 1677 giáo phận đã có ba cha Dòng Đa Minh người Tây Ban Nha đến phục vụ. Từ đó, Dòng Đa Minh liên tiếp gửi các linh mục từ Manila, Philippines đến phục vụ giáo phận Bùi Chu. Lòng đạo Đa Minh dần nở rộ như lễ kính trọng thể thánh tổ Đa Minh, tinh thần cầu nguyện lần hạt mân côi,…Từ những công ơn lớn lao của các cha Dòng Đa Minh, con dân Bùi đã chọn nhận thánh tổ của Dòng làm Quan thầy đệ nhị sau lễ kính Quan thầy đệ nhất Đức Trinh Nữ Maria
 
Ngay từ nhỏ, tôi đã được bà và mẹ kể cho nghe nhiều về ngày Lễ Đầu Dòng, càng nghe tôi càng cảm phục tinh thần đạo của con dân Bùi Chu mình. Ngay từ ngày hôm trước (07/08), lườm lượp người từ khắp các nẻo đường trong giáo phận đổ về nhà thờ Chính tòa với nụ cười rạng rỡ trên môi. Từng nhóm người đi bộ, vừa đi vừa đọc kinh Mân côi, hay kể chuyện xóm chuyện làng, chuyện làm ăn,… Có những người khá giả hơn thì đi bằng xe đạp, nhưng tất cả họ cùng chung niềm vui ngày mừng Lễ Đầu Dòng. Hành trang họ mang theo bên mình là những chiếc bị, hoặc những bọc áo mưa gói ghém cẩn thận. Chiếc áo dài - nét đẹp người tín hữu ngoan đạo, nay họ cũng mang theo để mặc trong các buổi lễ trọng này. Lương thực mà họ mang theo bên mình là cơm nắm, củ sắn, củ khoai,… Kể đến đây, lòng tôi trào dâng niềm cảm xúc về lòng đạo của các cụ nhà mình, mà ngày nay người trẻ đang làm mai một đi nét đẹp đạo quý giá này.
 
Những chiếc áo mưa dùng để bao bọc chiếc áo dài, cơm nắm, củ sắn, củ khoai,…trở thành những chiếc chiếu cho họ nghỉ qua đêm nơi gốc nhãn, hay bên hè của nhà thờ Chính tòa. Họ không cảm thấy khổ hay bất tiện vì phải nằm ngủ vật vờ nơi gốc nhãn, hay ngoài sân nhà thờ dưới màn trời đêm sương sa xuống làm họ se lạnh. Đặc biệt, những cơn mưa rào bất chợt của mùa hè ập xuống trên họ lúc nào không hay. Có thể giấc mộng đẹp trong đêm bỗng vụt tắt khi trận mưa rào ào ạt đổ xuống đánh thức họ; những gốc nhãn hay những góc khuất của nhà thờ lại trở thành nơi trú chân cho nhiều người đang tránh những cơn mưa bất chợt đổ ào ạt. Họ không cảm thấy chật chội chỗ trú chân vì cõi lòng mọi người đều mở rộng, cõi lòng họ cùng chung một mối tình – mối tình dành cho thánh Đa Minh Quan thầy. Những chiếc áo mưa lúc này lại trở về đúng với chức năng của mình, là che mưa cho mọi người. Dường như lúc này chiếc áo mưa cứ muốn căng mình rộng hơn để có thể là chỗ trú chân cho nhiều người hơn. Lúc này tinh thần sẻ chia càng được thể hiện rõ nét, mọi người í ới kêu nhau tìm đến những chiếc áo mưa để trú chân. Họ chia sẻ những nắm cơm, củ khoai hay củ sắn cho nhau. Thật là đẹp và ý nghĩa biết bao về tình người và tình đạo mà con dân Bùi mình đã từng một thời tỏa sáng!
 
Còn tinh thần Lễ Đầu Dòng ngày nay thì sao? Ắt hẳn những nét đẹp xưa không còn nữa, vì nhiều lý do: Có thể do điều kiện sống đã khác, người trẻ ngày nay có quan điểm về lòng đạo khác hẳn các cụ ngày xưa. Điều kiện kinh tế đã khác hẳn xưa, nên thay vì đi bộ như xưa thì ngày nay bà con dân Bùi mình đi bằng xe máy, hay xe hơi sang trọng hơn. Họ không phải đem theo cơm nắm, củ sắn, củ khoai nữa, nhưng mang theo tiền và tìm đến những quán phở, quán cơm bình dân rất tiện lợi. Giới trẻ coi ngày lễ như một ngày hội vui hơn là ngày mừng kính thánh Quan thầy trọng đại. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là lòng đạo con dân Bùi Chu mình không còn tươi thắm. Vẫn còn đó những lớp người cao niên, họ là những người ông, người bà chúng ta vẫn túc tắc đạp chiếc xe đạp cũ kỹ tiến về trung tâm giáo phận để mừng Lễ Đầu Dòng, ngày lễ đã ăn sâu vào tâm trí họ ngay từ hồi nhỏ. Họ vẫn đang là những ngọn đuốc thắp sáng hầu làm gương và thức tỉnh lòng đạo nơi người con, người cháu của mình qua những nỗ lực mà họ còn có thể.

 
 
Tuy tinh thần và cách diễn tả lòng đạo ngày Lễ Đầu Dòng giữa xưa và nay có khác, nhưng ắt hẳn con dân Bùi sẽ luôn ý thức trong mình ngày trọng đại này, ngày mừng kính thánh Đa Minh – Quan thầy đệ nhị giáo phận. Dẫu rằng, giới trẻ ngày nay không nhiều người hiểu rõ được lịch sử và ý nghĩa sự kiện trọng đại này, nhưng trong tâm trí họ đều mang một ý niệm ‘Lễ Đầu Dòng’ – ngày hội vui mà họ không thể bỏ qua. Cách nhìn nhận về ngày lễ tuy đã khác, nhưng cứ vào ngày này hằng năm (08/08), mọi người con Bùi Chu đều quy tụ về nhà thờ Chính tòa để tận hưởng niềm vui ngày Đại Lễ. Nét đẹp này ắt hẳn không phải giáo phận nào cũng có. Do vậy, ước mong sao nét đẹp và truyền thống Đa Minh luôn sáng mãi trên bầu trời đất Bùi. Để có được như vậy, con dân Bùi cần phải chuẩn bị tâm hồn mình thật sốt sắng, thành những bông hoa tươi sắc kính dâng lên cha thánh Quan thầy, hầu xin người cầu thay nguyện giúp chúng ta trước Tòa Chúa ban cho con cái Bùi luôn tỏa sáng tinh thần ngày Lễ Đầu Dòng ý nghĩa này.

Tác giả: Nhựa Sống

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập292
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm260
  • Hôm nay73,711
  • Tháng hiện tại687,845
  • Tổng lượt truy cập70,715,602
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây