8. Thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm (1780-1859)

Thứ tư - 26/07/2023 21:48  758

 QUAN ÁN, TỬ ĐẠO NGÀY 13/ 01/1859


picture1 1Thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm sinh năm 1780 trong một gia đình bảy anh em giàu có tại làng Quần Cống, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Quần Cống, giáo phận Bùi Chu). Thân phụ là cụ Phạm Tri Khiêm, một hương chức danh giá được dân làng trọng vọng. Hấp thụ được nhiều tính tốt của cha, cậu Khảm nổi tiếng là người con có hiếu. Năm 18 tuổi, anh vâng lời cha mẹ kết hôn cùng cô Anrê Phượng, một thiếu nữ đạo hạnh trong làng. Hai vợ chồng sống thuận hòa, được dân làng tin phục mến yêu. Đặc biệt hai người biết hiệp lực giáo dục, khích lệ con cái học hành và sống giữ đạo. Con trai ông là cai Thìn cũng làm đến chức chánh tổng, được mọi người kính nể, cũng trung kiên làm chứng cho đức tin đến hơi thở cuối cùng với cha mình.

Đa Minh Phạm Trọng Khảm thi đậu đời vua Gia Long, ra làm quan lên đến chức quan án sát, nổi tiếng tài ba, đáng tôn trọng. Sang tới triều Minh Mạng cấm đạo, khi còn giữ chức án sát tỉnh Nam Định, quan án Khảm bị tố cáo là người Công Giáo. Ông bị vua cách chức đuổi về làm bạch đinh. Tuy bị đuổi quan cách oan ức chỉ vì theo đạo Công Giáo, ông vẫn sống điềm nhiên với niềm hân hoan trong đức tin. Dân làng vẫn yêu mến, kính trọng và vẫn gọi ông là quan án.

Năm 1858, khi Đức Cha Thánh Vinh (Valentino Berrio Ochoa) vừa được tấn phong giám mục ở Ninh Cường, quan quân đi truy lùng các giáo sĩ rất gắt gao. Bốn vị thừa sai ban đêm phải vội vã bỏ Ninh Cường chạy lên Quần Cống ẩn tránh và ngụ tại gia đình cụ án Khảm. Án sát Nam Định được mật báo rằng tây dương đạo trưởng trốn ở làng Quần Cống, tức tốc đem lính đến vây làng. May mắn, cụ án Khảm biết tin sớm, đã vội vã đem 4 thừa sai là Đức Cha Thánh Xuyên (Melchior Garcia Sampedro), Đức Cha Thánh Vinh, cha Riano Hòa và cha Carreras Hiển sang làng khác ẩn tránh. Khi biết chắc các vị thừa sai đã đi xa, cụ cho mõ làng đi trước và chính cụ cầm roi đi theo và bảo mõ rao lớn tiếng rằng: «Trình quan viên làng nước, có lệnh cụ án truyền rằng kẻ nào bước qua Thánh Giá thì bị phạt 3 roi và bị đuổi ra khỏi làng».

Quan quân rầm rộ kéo vào làng, bắt dân tập hợp rồi gọi vị tiên chỉ kiêm lý trưởng Khảm ra trình diện, quan lớn tiếng: «Mau nộp ngay lập tức các đạo trưởng Tây và bản quốc, cũng như bọn thầy giảng trong làng. Nếu bất tuân, lão sẽ bị bắt, bị tịch thu tài sản, nhà cửa sẽ làm mồi cho lửa, còn chính lão sẽ bị kết tội chống lại nhà vua». Biết chắc các thừa sai đã đi xa, cụ dõng dạc trả lời: «Đúng, chúng tôi chứa đạo trưởng, nhưng các ngài đang ở đâu, giờ này ai biết được. Xin quan cứ tự tiện lục soát, nếu tìm thấy vị nào trong làng thì quan muốn làm gì tùy ý». Lính chia nhau lục soát các nhà, tất nhiên là họ không tìm thấy Tây dương đạo trưởng. Nhưng lính phát hiện một số ảnh tượng, áo lễ và chén thánh. Các chủ nhà bị kết án chứa chấp đạo trưởng. Cụ án Khảm đã nhận mua các đồ đó, dù vậy các chủ nhà kia vẫn bị quan bắt trói.

Tại nơi tập trung, quan cho đặt một Thánh Giá ở giữa, rồi bắt mọi người bước qua. Nhưng quan đã thất bại, dù lính đi tới đi lui, hò hét nạt nộ, toàn thể dân làng hôm đó không ai bước qua Thánh Giá. Một bô lão, có lẽ vì quá sợ, run rẩy bước tới vài bước, định làm theo lệnh quan, nhưng cụán Khảm đã nhanh chân cản lại và khiển trách. Quan thấy vậy, tức giận quát lớn: «Ta sẽ mất chức nếu không kết tội được lão Khảm và bọn người vô phúc này».

Sau đó quan cho trói cụán Khảm, cai Tả em cụ và cai Thìn con cụ và một số người khác. Tất cả bị áp giải về Nam Định. Cụ được chở đi trong thuyền quan, bị giam riêng để khỏi ảnh hưởng tới người khác. Khi tới tỉnh, hai cha con cụ Khảm gặp lại nhau trong những lần ra tòa, sau này được giam chung. Hai cha con khích lệ lẫn nhau, quyết tâm trung thành với đức tin, dù phải hy sinh mạng sống. Riêng cụ Khảm, nhiều lần thay mặt cả nhóm đối đáp với quan và lựa lời giải thích giáo lý Công Giáo cách xác đáng.

Khi bắt được Đức Cha Xuyên, quan cho dẫn ba ông đến trước mặt Đức Cha. Các ông kính cẩn chào hỏi và không giấu niềm vui khi gặp lại vị chủ chăn của mình. Quan cho đó là bằng chứng các ông đã chứa chấp Tây dương đạo trưởng. Tuy đã để Đức Cha ở nhà mình nhiều ngày, cụ Khảm vẫn bình tĩnh trả lời: “Là người tín hữu Công Giáo, chúng tôi luôn kính trọng và yêu mến bất cứ linh mục nào, dù chưa hề quen biết».  

Sau khoảng bốn tháng rưỡi bị giam cầm, cả ba bị kết án xử giảo. Cụ án Khảm nghe được, liền hân hoan nói: «Cha con chúng tôi hôm nay được về nước Thiên Đàng ». Cụ án Đa Minh Phạm Trọng Khảm bị xử giảo tại pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định ngày 13 tháng 01 năm 1859. Đức Thánh Cha Piô XII đã tôn phong Chân Phước cho ngài ngày 29 tháng 04 năm 1951. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh cho ngài vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Tác giả: Vp. TGM Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập234
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm180
  • Hôm nay54,781
  • Tháng hiện tại1,147,338
  • Tổng lượt truy cập71,175,095
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây