Đi ra

Thứ ba - 09/02/2021 03:56  979
download 1Tâm điểm trong chương trình mục vụ của Đức giáo hoàng Phanxicô được gói trọn trong từ “đi ra” dựa trên nền tảng Lời Chúa nói với các Tông đồ: Anh em hãy ra các đường phố và ngã tư: mời gọi tất cả những người anh em sẽ gặp, không loại trừ ai. Trên hết, anh em hãy đồng hành với những người ở bên vệ đường, người què quặt, mù lòa, câm điếc. Trước nhân loại khổ đau trăm chiều, Đức giáo hoàng mời gọi phải mang Tin Mừng đến các vùng ngoại vi như  lời ngài đã ngỏ với các Giám mục Ý về cách thức của Giáo hội “đi ra”, có khả năng an ủi, trợ giúp, cứu chữa và trên hết là làm cho người ta nhìn thấy tình thương của Chúa[1].

Cảm thức ấy đã trở nên quen thuộc với chúng ta. Thế nhưng, nếu không cảnh giác, chúng ta dễ cứ đi vòng vo, vòng vo mãi mà chẳng tới đích dẫn đến thất vọng. Đức giáo hoàng mời gọi Giáo hội đi ra, nhưng ta phải đi tới đâu? Đi đến bao giờ để thấy được ngoại biên? Đôi khi nó bị đóng khung với một địa lý xa xôi, hẻo lánh nào đó. Mải đi tìm thứ chưa rõ hình hài, ta dễ rơi vào mối nguy đánh mất cái căn cốt, gần gũi nhất. Giáo hội đi ra là một Giáo hội với những cánh cửa mở rộng. Bước về phía người khác để đi đến những vùng ngoại biên của nhân loại không có nghĩa là chạy theo thế gian không có định hướng và chạy theo bất kì hướng nào. Thường thì tốt nhất là nên chậm bước lại, dẹp lo âu sang một bên để nhìn vào mắt và lắng nghe những người khác, hoặc ngưng chạy theo những điều cần làm để ở với kẻ bị bỏ lại bên đường[2].Hiểu sâu xa hơn, ngoại biên còn là việc bước ra khỏi những định kiến, những quy tắc cũ, bước ra khỏi chính mình và đến với một thế giới ngay bên cạnh chúng ta, thế giới của những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống, đôi khi họ bị tước hết nhân phẩm bằng tên gọi: kí sinh trùng. Vì thế,“đi ra” thường được diễn giải như một ân sủng, nhưng cũng chẳng ít khi nó bị hiểu theo chiều hướng kết án loại trừ, đi ra là một sự xua đuổi.

Khi bước ra với những chân trời mới, Giáo hội phải đương đầu với vô vàn vấn đề cấp bách của thời đại và của con người. Trong thời đại hôm nay, nhân loại đang sống ở một khúc quanh lịch sử mà chúng ta có thể nhận ra nơi những tiến bộ đạt được trong nhiều lãnh vực khác nhau. Phải ca ngợi những thành công góp phần vào sự thịnh vượng của con người, chẳng hạn như trong lãnh vực y tế, giáo dục và truyền thông. Tuy nhiên, chúng ta không thể quên rằng hầu hết những người nam nữ trong thời đại chúng ta đang phải sống trong sự bất ổn mỗi ngày do những hậu quả tai hại. Một số bệnh tật gia tăng, sợ hãi và thất vọng xâm chiếm tâm hồn nhiều người, ngay cả tại những nước được coi là giàu có. Niềm vui sống bị tắt ngấm, sự chênh lệch xã hội ngày càng rõ rệt hơn. Người ta phải đấu tranh để sống, và thường sống với chút ít nhân phẩm[3]. Bên cạnh sự cung ứng tiêu thụ đa dạng và tràn ngập trong thế giới hôm nay là sự cô độc và buồn thảm, phát sinh từ một con tim tự mãn những tham lam, từ việc theo đuổi đến điên dại những thú vui phù phiếm, và từ một lương tâm cùn mòn. Khi đời sống nội tâm đóng kín trong những lợi lộc riêng tư thì sẽ không còn chỗ cho người khác nhất là người nghèo, người kém may mắn. Vì vậy, nhiều người không còn hứng thú làm việc thiện và biến thành những kẻ bực bội, bất mãn không còn sức sống[4].

Bên cạnh đó, một nền kinh tế loại trừ và chênh lệch xã hội cũng là một hình thức giết người. Làm sao mà việc một người già vô gia cư bị chết lạnh không phải là một tin tức, trong khi thị trường hối đoái bị xuống hai điểm lại là tin tức? Đó là sự loại trừ. Không thể dung thứ được việc thức ăn dư thừa bị đổ đi trong khi có nhiều người bị đói? Đó là sự chênh lệch xã hội. Ngày nay, mọi người đều tham gia trò chơi cạnh tranh và luật của kẻ mạnh nhất, ở đó kẻ mạnh nuốt chửng kẻ yếu. Hệ quả của tình trạng này là một khối lớn dân chúng thấy mình bị loại trừ và bị gạt ra bên lề xã hội: không có công ăn việc làm, không có triển vọng, không có lối thoát. Chúng ta đang tiến hành một thứ văn hóa loại trừ, thậm chí còn cổ vũ nó. Khi những người bị loại trừ không còn nằm ở dưới đáy, không còn ở vùng ngoại biên, hoặc bị tước hết quyền, thì lúc đó họ không còn là thành phần của xã hội đó nữa. Những người bị loại trừ đó không phải là “những kẻ bị bóc lột”, nhưng là rác rưởi, là “đồ bỏ đi”[5]. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này nằm trong mối liên hệ do chúng ta tạo ra với tiền bạc, chỉ vì chúng ta dễ dàng chấp nhận sự thống trị của nó trên chúng ta và các xã hội của chúng ta. Cũng vì thế, chúng ta trở nên không còn có thể động lòng trắc ẩn trước những tiếng kêu đau khổ của kẻ khác, chúng ta không còn khóc được nữa trước bi kịch của kẻ khác, chúng ta không thấy mình phải bận tâm đến họ. Nền văn hóa sung túc làm chúng ta mải mê, và nó làm chúng ta đánh mất sự điềm tĩnh nếu như thị trường cung cấp một thứ gì mà mình chưa mua được, trong khi tất cả những cuộc đời bị tan vỡ do thiếu cơ hội, đối với chúng ta cũng chỉ đơn thuần là một cảnh tượng, chẳng đánh động gì đến chúng ta[6].

Nguyên nhân sâu xa nhất của tất cả những thảm họa trên là: cuộc khủng hoảng văn hóa sâu xa nơi gia đình. Sự mỏng manh của những mối liên hệ trong gia đình trở nên đặc biệt nghiêm trọng bởi vì nơi gia đình chúng ta học cách sống chung với nhau trong sự khác biệt và học cách thuộc về người khác. Hôn nhân có xu hướng bị xem chỉ đơn thuần là một hình thức thỏa mãn tình cảm mà người ta có thể gầy dựng bằng bất kì cách nào và thay đổi tùy ý. Nhưng sự đóng góp tất yếu của hôn nhân cho xã hội vượt hẳn lên trên các cảm xúc và những nhu cầu nhất thời của đôi bạn. Từ sự thay đổi căn bản này làm suy yếu sự phát triển và sự ổn định của những mối dây liên kết giữa người với người và làm biến dạng các mối liên hệ gia đình[7].

Trước những thách thức sống còn của thời đại, Lời Chúa không ngừng cho chúng ta thấy Thiên Chúa truyền lệnh cho những kẻ tin vào Ngài “đi ra” như thế nào. Chính Thiên chúa đã đi bước trước trong tình yêu, và vì lý do này, cộng đoàn biết đi về phía trước, biết làm thế nào để khởi xướng mà không sợ hãi, biết đi ra đón, biết tìm kiếm những người xa cách mình, và biết đi đến các ngã ba đường để mời những kẻ bị loại trừ qua các việc làm và các cử chỉ, tự đặt mình vào cuộc sống hằng ngày của những người khác, chạm đến thân xác đau khổ của Đức Kitô nơi dân chúng[8]. Chúng ta chỉ có thể nghe được tiếng kêu của những người bị loại trừ, khi bản thân cảm nhận được nỗi đau khổ của kẻ không được cộng đồng đón nhận.

Niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đã trở nên khó nghèo, luôn gần gũi với những người nghèo và những người bị loại trừ, giúp chúng ta có thể đón nhận những người bị bỏ rơi nhất trong xã hội. Bằng những lời nói và hành động của mình, Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta cách nhìn nhận những người khác.Tin Mừng miêu tả rằng, trên đường đi đến nhà ông trưởng hội đường, dân chúng tụ họp quanh Người rất đông. Trong số đó, có một người phụ nữ bị băng huyết đã 12 năm và chị đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi[9]. Đối với người Do Thái, máu là một thứ rất ô uế nên sau khi tiếp xúc với máu người ta sẽ không được cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa cho đến khi làm nghi thức thanh tẩy. Người phụ nữ này trong người lúc nào cũng có máu như thế nên theo đúng luật pháp của người Do Thái, chị luôn luôn bị ô uế và có thể lây uế cho bất cứ ai tiếp xúc với chị. Vì vậy, chị bị loại ra khỏi cộng đồng của mình. Nếu đám đông phát hiện ra có một người phụ nữ bị nhiễm uế ở đó, chắc chắn họ sẽ nổi nóng và xử lí chị theo cách thảm khốc nhất. Thế rồi chị đã sờ được vào vạt áo của Chúa Giêsu với suy nghĩ: chỉ cần sờ vào tua áo của Người là chị sẽ được chữa lành, và chị đã được khỏi bệnh. Chị sung sướng hạnh phúc biết nhường nào! Nhưng trong giây phút đó, Chúa Giêsu liền nhìn xung quanh và hỏi rằng “Ai đã sờ vào vạt áo của tôi vậy?” Người phụ nữ sợ co rúm người lại vì chị đã biết những điều kinh khủng nhất sắp đến với mình. Bệnh tật đã lấy đi tất cả của chị: danh dự, nghề nghiệp, gia đình và cả tương lai. 12 năm chị đi bên lề của xã hội, đi bên lề cộng đoàn Giáo hội và sống trong trạng thái cô đơn. 12 năm không muốn ai nhìn thấy mình. Một người phụ nữ đáng thương như vậy nhưng sao Chúa lại không để cho chị ra về cách lặng lẽ để chị được bình an? Chúa hỏi dồn dập bắt chị phải đứng ra trước đám đông để thú nhận và nói lên căn bệnh của mình.

Tuy nhiên, Chúa không đưa chị ra để kết án, để loại trừ chị; trái lại,Chúa  muốn chị mạnh dạn đứng ra trước đám đông để giải tỏa tâm lí sợ sệt của chị. Đã một thời gian dài chị sống trong bệnh tật và sống cô lập, không dám tiếp xúc với ai thì giờ đây chị có thể đứng trước đám đông để nói cách rõ ràng rằng chị không còn sợ hãi nữa.Điều quan trọng nhất Chúa muốn chị ra mặt để Người nói với chị rằng: Này con! niềm tin của con đã cứu chữa con. Chính niềm tin của người phụ nữ đã tạo nên giá trị con người chị, chị đã có thể hiên ngang đi trước đám đông. Chính mối tương quan giữa người phụ nữ với Chúa Giêsu đã tạo nên giá trị ấy.[10] Đó cũng là lời Chúa Giêsu nói với chúng ta ngày hôm nay: Không phải tiền bạc, thành công hay sắc đẹp làm cho chúng ta trở nên giá trị giữa cộng đoàn, mà một tâm hồn sống có niềm tin, có niềm hy vọng, sự gắn bó của con với Thầy làm nên giá trị của con.


Có một chân lý của hạnh phúc là không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Thiên Chúa đem đến cho chúng ta. Ai rơi vào hoàn cảnh như thế, Chúa sẽ không để cho người ấy thất vọng, và khi người nào cố bước một bước nhỏ về phía Đức Giêsu, người ấy sẽ khám phá ra rằng Chúa đang dang rộng tay để chờ đón họ[11]. Sẽ chẳng có gì khác có thể thay đổi được thế giới ngoài những con người cùng Chúa Giêsu dấn thân cho thế giới, cùng với Người đến với những người sống bên lề xã hội và đi đến ngay cả với các mảnh đời lem luốc nhất[12].
 

[2]Phanxicô, Tông huấn Evangelli Gaudium- Niềm Vui Tin Mừng, số 46
[3]X. Ibid, số 52
[4]X. Ibid, số 2
[5]X. Ibid, số 53
[6] X. Ibid, số 55
[7]X. Ibid, số 66
[8] X. Ibid, số 24
[9]X. Lc 8, 43-48
[10] Tham khảo bài giảng video: Ánh mắt Chúa Giê-su của linh mục Giuse Nguyễn Thể Hiện
[11]Phanxicô, Tông huấn Evangelli Gaudium- Niềm Vui Tin Mừng, số 3
[12] Phaolo Nguyễn Thái Hợp, O.P, Lời giới thiệu DOCAT, 2016

Tác giả: Hương Linh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập219
  • Máy chủ tìm kiếm43
  • Khách viếng thăm176
  • Hôm nay33,159
  • Tháng hiện tại860,936
  • Tổng lượt truy cập69,920,810
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây