Đối thoại... đối đầu

Thứ ba - 08/06/2021 04:54  1508
untitled 3“Chúng ta thường hay đối thoại với những thực tại mà lẽ ra phải đối đầu, nhưng lại thích đối đầu với những thực tại chúng ta cần đối thoại” (Sưu tầm).

“Con người là một huyền nhiệm”[1](G. Marcel) bởi con người trong đó có chúng ta là một hữu thể mà những vấn đề xoay quanh nó luôn là những bí ẩn và không thể có lời giải đáp một cách trọn vẹn. Không ai có thể hiểu hết được người khác và chắc chắn không thể hiểu chính mình. Con người cũng là một hữu thể của gặp gỡ và đối thoại và thích đối thoại, trong đó ngôn ngữ chính là một phương tiện của riêng con người bởi con người cũng là một hữu thể ngôn ngữ. Thế nhưng, thay vì đối thoại với những thực tại cần đối thoại là Thiên Chúa, thiên nhiên và tha nhân để tìm kiếm bình an và xây dựng hòa bình đích thật, thì chúng ta lại hay đối đầu và không chấp nhận đối thoại, trong khi lại thích đối thoại với những thực tại mà lẽ ra luôn phải đối đầu và chống trả không khoan nhượng là ma quỷ, thế gian và thân xác. Từ đó xây nên những bức tường chia rẽ và đau khổ cho nhau mà núp bóng dưới những thứ hòa bình giả tạo.

Trước hết, dường như nhiều người ngày nay thích đối đầu với Thiên Chúa, thậm chí muốn phủ nhận và loại trừ Ngài, nhất là khi Ngài luôn im lặng và như chẳng hiện hữu hay chẳng có liên quan gì đến cuộc sống của con người hay thế giới. Nhiều người dường như khó chịu và không thể chấp nhận sự hiện hữu chứ đừng nói đến việc đối thoại với một hữu thể được coi là toàn năng và yêu thương mà lại luôn im lặng trước đau khổ và những vấn nạn của con người. Điều đó khiến nhiều người không thể chịu nổi, nhất là khi con người ngày càng đạt được nhiều thành tựu trên mọi lãnh vực và nghĩ rằng mình làm chủ mọi sự, tuyệt đối hóa tự do cá nhân, thì thật dễ hiểu khi nhiều người muốn nổi loạn chống lại Thiên Chúa, phủ nhận và thay thế Thiên Chúa và xây dựng thiên đường của chính mình bằng khả năng của mình nơi trần thế bằng vật chất và khoái lạc.

Nhưng con người đã sai bởi càng lún sâu vào vật chất và những giá trị tầm thường mà con người thần hóa, thì con người thay vì tránh đau khổ và cái ác thì lại càng phải đối diện với nhiều cái ác lớn hơn và phải chịu nhiều đau khổ hơn mà thực tế là thế giới ngày càng ngập chìm trong sự bấp bênh và đứng trước nguy cơ của tận thế, không phải do Thiên Chúa mà do chính con người gây ra cho nhau.

Là những người có niềm tin, chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào sự toàn năng của một Thiên Chúa luôn yêu thương và làm tất cả vì con người, nhất là qua Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, nên khi nhìn vào đau khổ, chúng ta tìm được ý nghĩa của cuộc đời và nhận ra Thiên Chúa không thinh lặng và vắng mặt những luôn hiện diện và đồng hành.

Tiếp đến, môi trường thiên nhiên, ngôi nhà chung của chúng ta, lại trở thành đối thủ, trở thành nạn nhân ưa thích của sự tàn phá mang tên con người. Thay vì đối thoại với thiên nhiên, như người mẹ và là đồng minh, thì con người nhân danh tự do ngồi trên mỗi quy chuẩn, muốn làm bá chủ mọi thứ, coi thường mọi sự, phá hủy tàn nhẫn môi trường và cân bằng sinh thái, chỉ phục vụ cho những nhu cầu ích kỉ của một số người, bất chấp những tiếng rên siết và những giọt nước mắt cùng với những cơn nổi giận của thiên nhiên đã và đang chống lại con người, mà nạn nhân của những thiên tai không phải những kẻ thù ác trực tiếp gây ra đau đớn cho thiên nhiên, mà lại là vô số những con người bé cổ thấp miệng, đang phải oằn mình chịu đựng những hậu quả do một nhóm lợi ích gây ra… Nhiều người không muốn đối thoại với thiên nhiên, bởi khi đó, họ phải phục vụ thiện ích chung và phải sống vì người khác, nên họ phải hy sinh quyền lợi trước những món lợi béo bở mà thiên nhiên mang lại, đó là điều họ không thể chấp nhận, nên dù có tiếng nói của những cơ quan tổ chức, nhất là Giáo hội, những hiệp ước, những yêu sách có được đưa ra thì họ cũng ngó lơ và tiếp tục và điên cuồng phá hủy thiên nhiên, đối đầu với thiên nhiên mà chẳng mảy may quan tâm đến người khác và đến tương lai.

Cùng với đó, con người dù là một hữu thể biết suy tư và biết yêu thương, nhưng sự ích kỉ và tham lam lại khiến con người chúng ta thật khó đối thoại và sống chung với nhau. Hậu quả là trên thế giới và ngay trong cuộc sống hằng ngày, vẫn còn quá nhiều đau khổ, bất an, bạo lực, hận thù mà con người vẫn không ngừng gây ra cho nhau và không ngừng chất lên vai nhau những gánh nặng không thể chịu nổi, mà nếu bao dung hơn, biết đối thoại và lắng nghe, con người sẽ cùng nhau chung sống hòa bình và một nền văn minh tình thương sẽ được xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, có lẽ đó mãi chỉ là một giấc mơ đẹp và hão huyền mà thôi…

Con người luôn là một hữu thể quá kì lạ, và thật đúng như thánh Phaolô đã nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Con người thường bất nhất trong lời nói và việc làm, con người thích thay đổi những điều không thể đổi thay để rồi đến lúc những điều lẽ ra đáng thay đổi và có thể thay đổi thì con người lại không muốn đổi thay. Chính vì thế mà trên thế giới và trong phận người, con người vẫn phải gánh chịu những đau khổ, những bất công mà rất nhiều lần do chính con người gây ra cho môi trường, cho vạn vật và cho đồng loại. Vì là sinh vật có tự do, con người luôn phải lựa chọn, lựa chọn giữa thiện và ác. Do đó, khi chấp nhận, thậm chí ưa thích đối thoại với ma quỷ, thế gian và xác thịt, con người luôn dễ dàng sập bẫy và thất bại để rồi nhiều cuộc đời phải bị chôn vùi trong sự tội và đau khổ không lối thoát. Con người không thể thắng được “tam thù” vì “tam thù” mà thủ lãnh là ma quỷ luôn khôn ngoan hơn, sừng sỏ hơn, quỷ quyệt hơn con người chúng ta rất nhiều, đúng như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Hãy nhớ rõ điều này trong tâm trí và con tim: Với ma quỷ, không bao giờ đối thoại, chỉ có Lời Chúa”[2] bởi vì theo Đức Thánh Cha, chúng ta “phải tránh đối thoại với Satan. Vì nếu chúng ta bắt đầu đối thoại với nó thì chúng ta sẽ thua, nó thông minh hơn chúng ta… và nó lật nhào chúng ta, nó làm chúng ta quay đầu và chúng ta thua…

Không, nó phải cút đi”[3]. Hơn nữa, Satan không bao giờ ngủ và chúng ta không phải là đối thủ xứng tầm để có thể đối thoại với nó[4], chúng luôn đáp ứng và lôi kéo con người bằng những nhu cầu mà con người luôn khát khao được thỏa mãn, thậm chí đôi khi những nhu cầu đó được ngụy trang dưới những hình thức thật mỹ miều và tưởng chừng thật hợp lý và tốt đẹp. Chính vì thế thật dễ hiểu tại sao mà con người dù ghét tội, dù sợ tội, ghét cái ác nhưng lại thường chọn cái ác. Kinh nghiệm trong cuộc đời mỗi người cho thấy rất rõ điều này bởi trong cuộc đời hơn một lần, con người đã thất bại và sa ngã trước những cơn cám dỗ, vì ba thù luôn rình rập “như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8), nên nếu không tỉnh táo và chống trả quyết liệt, chắc chắn con người sẽ luôn và mãi không thể đứng vững trước sức tấn công và luôn gục ngã trước những vũng lầy êm ái đó.

Con người là thế và cuộc đời là vậy. Con người và cuộc đời luôn là những nghịch lý mà họ phải chấp nhận như một sự thật không thể chối bỏ. Tuy nhiên, cuộc đời này sẽ tươi đẹp hơn, phận người sẽ bớt nhiễu nhương và bớt đi những gánh nặng, đau khổ nếu con người biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối và mong manh của phận người, để từ đó sẵn sàng và mau mắn đối thoại với những thực tại cần đối thoại và phải đối đầu và đấu tranh quyết liệt với những thế lực không thể đối thoại ngoại trừ cách duy nhất là đối đầu. Chỉ có như vậy cuộc đời con người mới có giá trị và những giá trị đó mới thường tồn và bền vững!

 

Tác giả: Ánh Quang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập208
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm181
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại864,856
  • Tổng lượt truy cập69,924,730
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây