Cái ác - một thực tại không thể phủ nhận

Thứ năm - 21/03/2024 22:12  596
hinh nen buon dep nhat tam trang va cam xucKhi tư tưởng về một “thế giới phẳng” gắn liền với sự tiến bộ và phát triển – nhiều hạnh phúc, ít đau khổ trở nên thịnh hành và được nảy mầm trong não trạng nhiều người, con người ngày nay tự tin và ảo tưởng về một thứ tự do tuyệt đối trong một xã hội tuyệt đối tự do. Với sự bùng nổ của mạng xã hội và công nghệ số, cùng lượng thông tin khổng lồ được cập nhật hàng giờ, con người dễ lướt qua với sự vô cảm mà không nhận ra một sự thật đáng báo động. Thay vì một cuộc sống an toàn và hạnh phúc, số phận con người ngày càng trở nên bấp bênh và mong manh giữa một thế giới tràn ngập bạo lực, rủi ro và đau khổ. Những nhân tai khi chính con người hằng ngày vẫn gây đau khổ cho nhau: chiến tranh, khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, giết người, những mâu thuẫn… cùng những thiên tai mà con người đang phải oằn mình chống đỡ... Trong vỏ bọc của sự hào nhoáng giả tạo, con người ngày càng mất ý thức về sự hiện hữu của một thực tại đang vùng vẫy khắp nơi trong mọi nẻo đường của cuộc sống và mọi ngóc ngách của lòng người. Dù luôn muốn chối bỏ, nhưng con người không thể phủ nhận sự hiện tồn của một thực tại mà nhiều khi càng muốn phủ nhận hay loại bỏ, thậm chí bằng chính thực tại đó, thì nhận ra thực tại đó ngày càng vươn móng vuốt sắc nhọn của nó hằn thêm những nỗi đau. Đó chính là cái ác.

Cái ác – một thực tại không thể phủ nhận trong lịch sử hiện hữu. Con người dù cố gắng loại bỏ cái ác, nhưng hoàn toàn bất lực và phải đầu hàng. Nhìn nhận được sự bế tắc này, thay vì tìm cách loại bỏ, con người dần học cách chấp nhận và sống chung với nó. Con người không ngừng ưu tư về cái ác và không ngừng tìm cách giảm bớt cũng như tìm thủ phạm gây ra nó: cái ác là gì? Cái ác đến từ đâu? Tại sao có cái ác? … và rất nhiều câu hỏi khôn cùng liên quan đến thực tại này. Từ những câu hỏi đó, con người lần mò tìm câu trả lời. Nhưng đúng như E. Kant đã nói “mỗi câu trả lời luôn đặt ra những câu hỏi mới.” Cái ác có mặt khi nào? Không ai biết, nhưng chắc chắn ngay khi có khả năng suy tư, con người đã nhận ra sự tồn tại của nó mọi lúc và mọi nơi. Nghịch lý thay, con người nghĩ rằng xã hội càng phát triển, cuộc sống được dư giả thì cũng là dấu chấm hết cho cái ác. Nhưng khi con người ảo tưởng và vỗ ngực tự xưng hạnh phúc song hành cùng phát triển, thì cùng lúc đó, cái ác ngày càng “tự tung tự tác” và len lỏi sống sượng khắp nơi dưới nhiều bộ mặt khác nhau, thậm chí tinh vi và nguy hiểm hơn. Cái ác, thay vì để cho tự do cá nhân giải phóng con người, thì cái ác lại vui vẻ và ngang nhiên song hành với tự do, thoái hóa tự do và bóp chết tự do đích thực, để biến tự do đó thành một thứ tự do “tự tung tự tác” hay chính là cái ác.

Dù muốn phủ nhận, nhưng con người luôn nhận thức rất rõ sự hiện diện của cái ác trong đời sống và ngay chính tâm hồn. Con người thường muốn phủ nhận những gì không thể phủ nhận. Tất cả ngôn ngữ của con người dường như có từ ngữ cho cái ác. Phần lớn thời gian của con người được dùng để nỗ lực đối phó với những cái ác khác nhau trong đời sống như đói kém, bệnh tật, ngu dốt, tội ác và cái chết. Con người nhận thức sự dữ trong nhiều cách: nó có đó trong sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên; một cơn bão, một trận hạn hán, động đất, núi lửa; hay nó ngẩng cao đầu trong những bệnh tất làm khổ đau những tạo vật có sự sống; rồi nó hiện hữu trong chính hữu thể người nơi những khiếm khuyết và yếu đuối của bản tính, sự hèn nhát ngăn cản con người đối diện với một cuộc sống đầy tràn, những đam mê hỗn loạn khiến con người không thể có những sự lựa chọn khôn ngoan, việc lấy mình làm trung tâm khiến con người không còn nhạy cảm với thiên nhiên, với đồng loại và Thiên Chúa. Như là tạo vật có lý trí, con người bị thách đố để hiểu nó dù không thể.[1] Tuy nhiên, dường như càng cố gắng giải nghĩa cái ác, con người càng bất lực và mơ hồ về nó, nên thật không ngạc nhiên khi trong lịch sử, không ít tác giả cố gắng giải thích cái ác theo quan niệm của mình và theo một khía cạnh nào đó.

Trong lịch sử, cái ác là một chủ đề đã làm nhân loại chao đảo và hoài nghi về ý nghĩa sự hiện hữu của mình. Cách riêng trong lịch sử triết học, tương quan giữa cái ác với sự hiện hữu của Thiên Chúa và con người luôn là một trong những chủ đề được các triết gia suy tư và trăn trở nhiều nhất. Có thể nói thật hiếm có trường phái triết học hay triết gia nào, trong hành trình hình thành và phát triển tư tưởng của mình mà không đề cập hay không lưu tâm đến những thực tại trên, những thực tại luôn gắn liền với những câu hỏi căn bản nền tảng về sự hiện hữu con người và thế giới. Dẫu vẫn còn đó những triết gia muốn ngó lơ cái ác, vẫn còn đó những trường phái muốn phủ nhận cái ác và coi đó là phi lý, vẫn còn đó những triết gia muốn chạy trốn để ẩn mình vào một nơi an toàn của tự do, nơi cái ác không thể xâm lấn và hoành hành, thì rất nhiều nhà tư tưởng nhìn nhận cái ác như một thực tại không thể chối bỏ, không thể phủ nhận. Thay vì chạy trốn hay phủ nhận, họ đối diện với cái ác, nhìn nhận sự thực hữu của nó để đấu tranh, tìm hiểu và đào sâu nó đến tận căn, để cuối cùng tìm ra được ý nghĩa đích thực của sự hiện hữu và tìm con đường giải thoát con người khỏi cái ác.

[1] Cf. MICHAEL D. MOGA, Trong sự tìm kiếm tôn giáo đích thực, triết học về tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Tp. Hồ Chí Minh năm 2019, tr. 193-194

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập134
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm106
  • Hôm nay50,503
  • Tháng hiện tại1,143,060
  • Tổng lượt truy cập71,170,817
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây