Yêu thương đi, rồi làm gì hãy làm

Chủ nhật - 29/10/2023 05:29  548
jesus with phariseesĐoạn Tin Mừng hôm nay mô tả bầu khí tranh chấp đố kỵ của thời Chúa Giê-su.[1] Người thuộc phe Biệt phái, kẻ thuộc nhóm Sađđucêô. Bên này gài bẫy bên kia và hí hửng khi đối thủ gặp nạn. Tranh chấp từ lãnh vực chính trị xã hội đến tôn giáo nên “khi những người Biệt phái nghe tiếng Chúa Giê-su đã làm cho những người Sađđucêô câm miệng, thì họp nhau lại. Một người trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” (Mt 22,34-36). Họ hỏi như vậy là vì Luật Môse có tới 613 khoản: 248 lệnh truyền và 365 điều cấm, nhưng khoản nào trọng hơn khoản nào và khoản nào quan trọng nhất là vấn đề nóng bỏng. Tùy theo người ta nghiêng về phụng vụ hay xã hội, Ðền thờ hay đền vua, mà người ta có thể biện minh cho thái độ Biệt phái hay phái Sađđucêô. Họ hỏi Chúa Giê-su cũng là để gài bẫy Chúa nữa. Ðược hỏi Chúa liền trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: “Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi” [2] (Mt 22,37-39).

Trước hết, việc mến Chúa phải được thể hiện ra bên ngoài. Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, thúc đẩy mọi hoạt động, cả tinh thần lẫn thể xác. Đức Giêsu yêu mến Chúa Cha, bằng việc luôn cầu nguyện, và sống đẹp lòng Cha. Ngài chấp nhận đau khổ để biểu hiện tình yêu đối với Cha Ngài và với nhân loại. Như vậy, yêu Chúa không chỉ bằng lời nói suông, mà phải biết đáp trả tình yêu Chúa bằng hành động cụ thể. Đàng khác, mến Chúa hết lòng cũng là điều mà mỗi Kitô hữu cần có. Người ta phải yêu mến Chúa bằng cả con tim, để được Ngài hướng dẫn mọi tình cảm, hành vi và lòng muốn. Nếu không có tấm lòng, tức là thiếu trái tim, người ta chỉ là cái xác không hồn trong hình hài con người.

Tuy nhiên, có nhiều người mến Chúa chỉ để xin ơn, cầu lợi. Kitô hữu yêu Đấng đã yêu mình đến cùng. Vì Thiên Chúa yêu họ đến cùng nên họ phải đáp trả tình yêu bằng tất cả tâm hồn, sẵn lòng dành thời gian tham dự Lễ, đọc Kinh hay làm bác ái, và trên hết là mến Chúa hết linh hồn. Nhân học Hípri cho rằng, trái tim là cội nguồn tình yêu; còn linh hồn là sinh lực của con người. Nhiều người nói mến Chúa, nhưng linh hồn họ xa Chúa, vẫn sống tội lỗi, đam mê vật chất. Kitô hữu phải mến Chúa hơn cả chính mình bằng cách vượt qua cám dỗ lợi lộc, tiền tài vì Thiên Chúa ‘là dũng lực, là đá Tảng, chiến lũy, cứu tinh, là sơn động, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ’ (Tv 17,2-3).  Mến Chúa hết linh hồn và cùng với đó là hết trí khôn. Đó là tình yêu chân thật bắt nguồn từ khối óc biết phán đoán, biết suy tính, chọn lựa. ‘Hết trí khôn’ ở đây bao hàm tư tưởng và trí tuệ con người. Yêu Chúa không được coi là tình cảm trừu tượng, mà là thực tế, bằng tất cả kiến thức của trí hiểu. Nhiều người chỉ coi vật chất là trên hết. Kitô hữu phải là nhân chứng cho Tin mừng, lấy tình yêu làm lẽ sống và xả thân đến cùng cho Thiên Chúa.

Yêu mến Chúa thì đồng thời cũng phải là yêu những gì bởi Chúa và những gì Chúa yêu: Yêu Luật Chúa, yêu thiên nhiên, Tổ quốc, yêu Giáo Hội, yêu mình, tha nhân, yêu kẻ thù. Nhiều người yêu Chúa theo cảm hứng, tùy thời. Đức Giêsu đã yêu con người đến cùng. Mỗi người phải thực hành với tất cả nhiệt tình: hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn để đáp trả tình yêu cao cả của Thiên Chúa, và để xứng đáng được Chúa ban ơn cứu độ muôn đời.

Một trong những mẫu gương về đời sống yêu thương mà chúng ta có thể kể đến là Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta. Mẹ là một người đã sống lời Chúa Giêsu dạy cách triệt để: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,34). Mẹ Têrêxa đã thực thi lời Thánh Phaolô: “Anh em đừng mắc nợ gì ai ngoài món nợ tương thân tương ái, vì ai yêu người thì đã chu toàn lề luật. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,8-10).

Tựu trung lại, truyền giáo không gì khác là nói về Chúa Giêsu cho mọi người biết bằng chính cuộc sống yêu thương của mình. Truyền giáo khởi sự bằng cuộc sống và con tim. Cuộc sống và con tim đòi hỏi các môn đệ Chúa Kitô sống có tấm lòng “yêu người lân cận như chính mình”.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho nhân loại hai giới răn quan trọng nhất là yêu Chúa và yêu người. Xin dạy chúng con nhận biết những hồng ân Chúa ban, xin cho chúng con biết yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi người. Xin dạy chúng con nhận ra hình ảnh của Chúa nơi anh em để chúng con yêu Chúa và yêu người với tâm hồn bác ái rộng mở.

[1] Theo thánh Mátthêu, sau khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng về vấn đề kẻ chết sống lại, nhóm Pharisêu lại xuất hiện và bày mưu tính kế hãm hại Đức Giêsu. Trước đây, họ đã liên minh với nhóm Hêrôđê để giăng bẫy Ngài về vấn đề chính trị: “Có được phép nộp thuế cho Xêda không?” (Mt 22, 15-22), nay về vấn đề tôn giáo: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, giới luật nào là giới luật quan trọng nhất?”. Quả thật, sách Luật Môsê, tức bộ Ngũ Thư, chứa đựng vô số những lệnh truyền và lệnh cấm, tổng cộng đến 613 điều phải tuân giữ. Làm thế nào nhận ra trong muôn vàn giới luật nầy giới luật nào quan trọng nhất để rồi từ đó chú tâm tuân giữ giới luật quan trọng bậc nhất này là có thể chu toàn các giới luật còn lại? Trong một thời gian dài từ thế hệ này đến thế hệ khác, các nhà thông luật tranh luận với nhau nhưng không đưa ra một giải pháp nào thỏa đáng cả. Vì thế, đây là một vấn đề có tính thời sự vào lúc đó, nhưng trong hoàn cảnh nầy, vấn đề được nêu ra là nhằm gài bẫy Đức Giêsu, điều đó cho thấy ác tâm của nhóm Pharisêu này.
 
[2] Việc hiệp nhất hai giới luật mến Chúa và yêu người là nét đặc trưng của Kitô giáo: vì mỗi người đều được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa (St 1, 26-27) mà Công Đồng Va-ti-can II gọi là “thiên chức toàn vẹn của con người” (“Niềm Vui và Hy Vọng”, 11). Hơn nữa, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người, tự đồng hóa mình với mỗi người, đặc biệt là những người nghèo khổ, những người thấp cổ bé miệng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25; 40, 45). Như vậy, hai giới luật cùng nhau hình thành nên nền tảng cuộc sống của người Kitô hữu. Giới luật yêu người chỉ gặp thấy điểm quy chiếu và ý nghĩa trọn vẹn của nó chỉ trong giới luật mến Chúa. Trong toàn bộ Tân Ước, thánh Gioan cho chúng ta lời giải thích ngắn gọn nhất và dễ hiểu nhất về sự duy nhất của mến Chúa và yêu người:

“Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’

mà lại ghét anh em mình,

người ấy là kẻ nói dối;

vì ai không yêu thương

người anh em mà họ trông thấy,

thì không thể yêu mến Thiên Chúa

mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20).

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập175
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm160
  • Hôm nay58,518
  • Tháng hiện tại446,871
  • Tổng lượt truy cập71,813,217
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây