Thực thi việc sống niềm tin

Thứ bảy - 26/08/2023 05:30  767
5Có thể nói Giáo Hội là nguồn mạc khải do Đức Kitô trao tặng, được ví như cánh cửa, vốn tượng trưng cho sức mạnh của thành phố có thành thời cổ, và như tảng đá biểu hiện sự mạnh mẽ, vững chắc. Ngày nay có nhiều nhóm phái xuất hiện với nhiều danh xưng, như ‘nhóm trừ quỉ,’ phong trào ‘đặt tay chữa bệnh,’ nhóm ‘Thánh Linh’ hay ‘Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ.’ Tất cả đều không thuộc về Giáo Hội.

Trong bài Tin Mừng, đối với Phêrô, đức tin là một hành trình tiệm tiến. Như bao người trẻ Do thái, ông đã nghe nói về Đấng Mêssia, dùng Thánh vịnh của Đavid để cầu nguyện, nghe các thầy Do thái tại Capharnaum hát về niềm hy vọng của dân Israel. Hạt giống rơi vào đất tốt, hôm nay, bén rễ nhờ Lời Chúa Giêsu. Hành trình ấy khởi đi từ lần đầu tiên gặp gỡ Chúa Giêsu qua Anrê, em ông, cũng là môn đệ của Gioan Baotixita làm trung gian bên bờ sông Gio-đan. Anrê là người tìm Chúa: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia” (Ga 1, 41).

Không phải Phêrô là người được gọi trước, nhưng là Anrê. Điều này không cản trở ông thành người lãnh nhận trách nhiệm củng cố đức tin cho anh em mình. Thứ đến, tại tiệc cưới Ca-na, chính Phêrô là người chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu hóa nước thành rượu và “các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11). Sau một đêm trắng lưới, Phêrô và em ông là Anrê được gọi: “Hãy theo Thầy và Thầy sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ lưới người” (Mt 4,19). Ngày hôm đó, họ để lại tất cả mọi thứ, gia đình và nghề nghiệp để đi theo Chúa. Trên một ngọn núi cao, Phêrô đã được Chúa Giêsu cho thấy vinh quang Thiên Chúa (x. Mt 17,1-9). Ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu của bộ ba, những người sẽ trực tiếp chứng kiến sự phục sinh một cô gái nhỏ (x. Mc 5,37). Một sự kiện đánh dấu bước tiến đức tin của Phêrô!

Đức Giêsu hỏi các môn đệ hai lần, trước là để biết ý kiến dân, sau là trắc nghiệm niềm tin môn đệ, trước khi trao sứ vụ, Người hỏi: “Người ta bảo Con Người là ai?” (Mt 16,13). Quần chúng hiểu khác nhau, nhưng điểm chung là họ xem Đức Giêsu như là một ngôn sứ: “Kẻ nói là Gioan Tẩy Giả, kẻ bảo là Êlia, người cho là Giêrêmia hay một ngôn sứ” (Mt 16,14). Phêrô đã đồng hóa Con Người với Đức Kitô, Con Thiên Chúa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Trong đời sống của người Kitô hữu, niềm tin phải được thể hiện một cách đúng đắn và tròn đầy. Trước hết, niềm tin phải được nối kết với Thiên Chúa. Người không có niềm tin dùng đủ cách để thuyết phục là không có Chúa, và phê phán các tín hữu là mê muội, cả tin, dại khờ. Kitô hữu buộc phải tuyên xưng Đức tin vì Đức Kitô nói: Ai tuyên xưng Ta ra trước mặt loài người. Ta cũng sẽ xưng tên người ấy trước mặt Cha Ta. Người ta còn phải đáp trả tình yêu Chúa và sự hy sinh của Chúa Giêsu để cứu độ nhân loại.

Hơn nữa, niềm tin là phải vượt qua thử thách. Phêrô vốn đã nhiều lần gặp khó khăn, từng thả lưới suốt đêm mà không bắt được con cá nào, thậm chí còn yếu đuối, sợ hãi đến nỗi chối Thầy ba lần trước đứa đầy tớ gái, Tôma còn thách thức Chúa vì tính hồ nghi. Ngày nay, Giáo Hội tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhiều đảng phải thù địch tìm cách chống Giáo Hội. Nhiều người đòi hỏi, lãnh đạo Giáo Hội phải là thánh, trong khi Chúa vẫn tiếp tục trao nhiệm vụ cho những người yếu đuối, tội lỗi, vì họ cũng là con người.

Và cuối cùng, đã tin là phải thực hành sống đạo. Phêrô đã tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Kitô, quyết sống với Người và đã được Người tuyển chọn. Ngày nay vì thiếu niềm tin, nhiều tín hữu sống khô khan, tội lỗi, gây ra gương mù gương xấu, phong trào đòi bãi bỏ độc thân linh mục lan rộng, Phụng vụ Bí Tích chỉ còn mang tính hình thức. Họ mang tên Kitô hữu, nhưng sống ngược với niềm tin, gây ra ảnh hưởng nặng nề trong Giáo Hội.

Chính lúc Simon đã trả lời đúng về niềm tin của mình, trả lời đúng về sứ mạng của Chúa Kitô, cũng là lúc ông được tiết lộ một ơn gọi đặc biệt. Simon trở thành “Kepha” nghĩa là “tảng đá”, “đá”. Simon, con người bằng xương bằng thịt, mỏng giòn, dao động như bao nhiêu người khác, nhờ ân sủng đã vượt qua được giới hạn của chính mình. Nếu ông là “đá”, là vì Chúa Kitô là đá tảng. Đức tin của ông chỉ lớn lên, khi đặt nền tảng trên Chúa. Thử thách trong cuộc Khổ Nạn của Thầy đụng chạm tới cùng sự mỏng giòn của Phêrô, lúc ấy, ông phải dựa vào sức mạnh của Chúa, xây dựng đời mình trên Chúa.

Khi chúng ta khám phá ra Chúa Kitô, là chúng ta khám phá ra chính bản thân, và căn cội của chính mình. Bước vào trong quan hệ cá nhân với Chúa Kitô, Người sẽ mạc khải cho chúng ta căn tính của chính mình, đó là điều Phêrô làm. Khi nghe lời Chúa, bước đi với Chúa, ta thực sự trở nên chính mình. Điều quan trọng không phải là việc thực hiện ý muốn của riêng ta, nhưng là ý Chúa, cuộc sống sẽ trở nên đáng tin hơn. Và nếu ta thực sự muốn được kiện toàn bản thân mình, không có cách nào khác ngoài việc mở rộng đường cho Chúa Kitô.

Lạy Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, con tin, con thờ lạy Chúa.

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập221
  • Máy chủ tìm kiếm44
  • Khách viếng thăm177
  • Hôm nay65,502
  • Tháng hiện tại312,105
  • Tổng lượt truy cập71,678,451
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây