Lễ Mân Côi

Thứ bảy - 30/09/2023 04:57  421
stdominic rosary“Và người môn đệ đem Mẹ về nhà của mình” (Ga 19,27b)

Giữa lưng chừng đèo Ngoạn mục trên đường từ Đà Lạt đi Phan Rang, có một cái am nhỏ bên đường hầu như lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Hàng tháng, có một cụ già không biết từ đâu đón xe đến đây và dừng lại bên đường. Mắt cụ hướng về nơi xa xăm và thành kính đứng lần hạt một mình. Khi hỏi chuyện, cụ già mới kể lại một biến cố đã xảy ra khá lâu. Cụ xúc động thuật lại : “ Hồi ấy, tôi đi trên chuyến xe đò từ Đà Lạt xuôi về Phan rang. Chiếc xe chở đầy khách. Giữa trưa hè oi bức, mọi người trên xe đều thiu thiu ngủ, còn tôi, tôi ngồi lần hạt. Thế rồi tôi cảm thấy dường như có một bàn tay vô hình xô đẩy tôi thật mạnh. Tôi văng ra khỏi cửa xe và ngã dập dụi xuống đất. Bỗng có những tiếng ầm ầm vang lên rung chuyển cả một vùng đồi núi. Chiếc xe đò đứt thắng và lao nhanh xuống vực. Tài xế và mọi hành khách trên xe đều tử nạn, duy nhất mình tôi sống sót. Tôi cảm nghiệm rằng chính Đức Mẹ đã cứu tôi. Vì vậy cứ vào ngày 13 mỗi tháng, tôi đến đây để cầu nguyện và tạ ơn Đức Mẹ vì phép lạ lớn lao này, đồng thời cũng cầu nguyện cho vong linh những người xấu số trong chuyến xe định mệnh hôm ấy”. Câu truyện cụ già thuật lại giúp chúng ta thâm tín điều mà Cha thánh Gioan Bosco đã nói cho các học sinh của Ngài: “Chúng con cứ tin tưởng vào Mẹ Maria, chúng con sẽ thấy phép lạ là gì.”

Lược sử lễ mân côi

Kinh mân côi đã có từ lâu, và Cha thánh Đaminh đã cổ vũ mạnh mẽ việc đạo đức này ngay từ thế kỷ 12. Đó là thứ vũ khí rất hiệu nghiệm Đức Mẹ đã chỉ cho thánh nhân để chống lại lạc giáo. Nhưng lễ mân côi chính thức xuất hiện trong phụng vụ từ thế kỷ 16. Bối cảnh xã hội bấy giờ rất rối ren, nhất là xảy ra cuộc thánh chiến đẫm máu giữa đội quân Thánh giá Âu Châu và quân Hồi Giáo Thổ Nhỹ Kỳ. Cuộc chiến thắng vang dội ở vịnh Lepanto năm 1572 là một phép lạ vĩ đại nhờ kinh mân côi. Vì vậy, vào tháng Ba năm ấy Đức Piô thứ 5 đã lập ra lễ ‘Đức Mẹ Chiến thắng’ để ghi nhớ biến cố lịch sử này. Năm sau, tức năm 1573, Đức Giáo Hoàng Grêgoriô đổi tên là lễ Mân côi để bày tỏ lòng tri ân đối với Đức Mẹ, đồng thời cũng quảng bá việc lần hạt Mân côi rộng khắp trong phụng vụ công giáo toàn cầu.

Ý nghĩa kinh mân côi

Trong Tông huấn Marialis Cultus (Lòng tôn sùng Đức Maria), Đức Thánh Cha Phaolô đệ lục đã viết: “ Kinh mân côi có khả năng phát triển một lối cầu nguyện có tính chiêm niệm, vừa là chúc tụng, vừa là khẩn cầu. Hơn nữa, kinh này có một hiệu năng nội tại giúp ta tiến bộ trong đời sống Kitô hữu và trong dấn thân hoạt động tông đồ” ( số 44 ). Trong kinh mân côi, chủ đề về các mầu nhiệm để suy gẫm đều trích từ Kinh thánh. Kinh Kính mừng bắt đầu bằng lời chào chúc của sứ thần Gabriel và sự thành tín đón nhận ý Chúa nơi Đức Maria. Tất cả đều được gợi hứng từ Tin mừng. Phần sau của lời kinh do Giáo hội thêm vào diễn bày sự tín thác của chúng ta đối với Đức Mẹ, là thầy dạy đức tin, và cũng là người đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin trần thế. Kinh Lạy Cha là lời kinh ý nghĩa nhất và đầy đủ nhất do chính Đức Giêsu chỉ dạy. Cũng vậy, lời vinh tụng ca trong kinh Sáng danh chúng ta đọc lên sau mỗi mầu nhiệm được suy ngắm là lời kinh truyền thống đã có từ xa xưa mà Giáo hội vẫn xướng lên khi kết thúc các thánh vịnh để ca tụng Thiên Chúa Ba ngôi. Như vậy ý nghĩa các mầu nhiệm và các lời kinh chúng ta đọc lên không phải là ngẫu hứng do cảm tính đạo đức con người tạo ra, nhưng tất cả đều khởi nguồn cảm hứng từ Thánh kinh.

Tuy nhiên, chúng ta thấy hiện nay đang có một cuộc khủng hoảng lan rộng về việc bỏ đọc kinh mân côi thậm chí còn tẩy chay một cách quá khích. Người ta dễ suy nghĩ theo lập luận của một số anh em hệ phái Tin lành, khi áp dụng cứng ngắc và sai lạc tư tưởng của Thánh Phaolô “ Sola Fides, Sola Scriptura” được viết trong thư Rôma. Họ cho rằng chỉ cần tin (sola fides) và đọc Kinh thánh (sola scriptura) là đủ. Vì thế, nhiều người đả kích việc tôn sùng Đức Mẹ và coi việc lần hạt như là một việc đạo đức vô bổ.

Chúng ta phải rất thận trọng trước những tư tưởng xem ra có vẻ cấp tiến nhưng không đúng với giáo huấn của Giáo hội như thế. Tư tưởng đó sẽ đúng trong thực tế, nếu chúng ta ‘tôn thờ’ Đức Maria như một “siêu Thiên Chúa”, hoặc nếu chúng ta không đào sâu ý nghĩa của kinh mân côi và chỉ đọc đi đọc lại những câu kinh vô hồn giống hệt một cái máy. Tư tưởng đó sẽ rất sai, khi chúng ta biết dùng kinh mân côi để cùng Đức Maria đi vào trọng tâm của mầu nhiệm cứu độ, gẫm suy Lời Chúa, và sống các mầu nhiệm ấy trong cuộc lữ hành đức tin hằng ngày. Kinh mân côi không phải là một việc đạo đức lạc hậu hay lỗi thời, nhưng đây là phương thế tuyệt hảo để chúng ta biết nhìn lên Đức Maria và học với Ngài như là thầy dạy đức tin. Thời của Don Bosco có một vị ân nhân đến thăm Ngài và hứa cho Ngài một số tiền lớn để nuôi các em học sinh, với  điều kiện là Don Bosco phải nói cho các học sinh đừng lần hạt nữa. Ông ta khó chịu khi thấy các em cứ đọc đi đọc lại những kinh kính mừng mà ông ta cảm thấy nhàm chán và vô nghĩa. Don Bosco mời ông ta bước ra khỏi nhà mình ngay và nói với ông cách thẳng thừng: “Xin ông cút đi khỏi nơi đây. Chúng tôi không có tiền, nhưng chúng tôi cần Đức Mẹ hơn là cần đến ông”. Vì thế Ngài đã nói với các con cái: “ Chúng con cứ tin tưởng vào Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria chúng con sẽ thấy phép lạ là gì.”

Đức Maria, Thầy dạy đức tin

Ngày nay người ta rất hay dùng lối nói cường điệu hóa, với hạn từ “siêu” ở mọi lãnh vực. Về giao thông có siêu xa lộ, ngay cả chợ búa cũng có siêu thị. Cầu thủ đá bóng được ngưỡng mộ gọi là siêu sao. Tài tử đóng phim giỏi được gọi là siêu minh tinh và nói chung về con người có các siêu nhân. Nhưng Đức Maria mà chúng ta tôn vinh không phải là “siêu Thiên Chúa”. Đức tin là một nhân đức đối thần. Đối tượng đức tin của chúng ta là Thiên Chúa, và chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa mà thôi. Đức Maria cho dầu được quý trọng đến đâu, vẫn không thể sánh với Thiên Chúa, cho dầu Mẹ được đặc tuyển trở nên Mẹ Thiên Chúa. Mẹ cũng là thụ tạo, nhưng là thụ tạo trổi vượt. Mẹ được chọn để trở nên mẹ Đấng Cứu thế, Mẹ Giáo hội và cũng là Mẹ của chúng ta. Khi lần hạt, cũng như khi biểu tỏ lòng tôn sùng Mẹ, chúng ta nhìn lên Mẹ như là khuôn mẫu đức tin. Chúng ta đến với Mẹ như Thầy dạy đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy bắt chước Thánh Gioan khi đứng dưới chân thập giá, người môn đệ đã “ đem Mẹ về nhà mình” (Ga 19, 27b). Đức Maria chính là hiền mẫu của chúng ta.

Kết luận
Để kết luận, tôi xin trích mượn lá thư của một tù nhân công giáo từng bị giam giữ ở Liên xô trước đây. Lá thư anh viết năm 1976, gửi cho một anh công an vô thần đã được đăng trên báo La Croix. Đây là nội dung bức thư: “Người anh em thân mến. Tôi không biết anh tên là gì, và ngay cả khuôn mặt của anh giờ đây tôi vẫn không nhớ rõ. Cuộc gặp gỡ giữa chúng ta diễn ra chớp nhoáng khiến tôi không đủ thời gian ghi nhận hình ảnh của anh. Tuy nhiên anh đã để lại tâm hồn tôi một niềm vui và sự ấm áp tình người giữa một nơi chỉ có bạo lực, hống hách và đàn áp. Tôi nhớ mãi buổi sáng hôm ấy, anh xuất hiện trong phòng giam. Anh nhìn tôi chăm chú và lục soát cẩn thận mọi thứ trên người tôi. Anh hăm hở thò tay vào túi áo tôi và kiểm tra. Trong nháy mắt, tôi tưởng chừng tim tôi ngừng đập. Anh rút vật ấy ra khỏi túi và chăm chú nhìn vào nó, một cỗ tràng hạt. Tôi chuẩn bị lắng nghe những lời chửi bới thậm tệ từ miệng anh: “ Đồ khốn nạn, đồ mê tín..” Tôi biết cỗ tràng hạt ấy là đồ quốc cấm, và nó có thể là nguyên cớ đưa tôi đến phòng biệt giam. Bốn mắt nhìn nhau. Tôi, người tù mang số 5982, và anh, một viên công an, là người cai tù, cũng có thể là tay lý hình. Tôi lo lắng chờ đợi điều sẽ xảy ra. Tôi thấy anh lưỡng lự và tỏ dấu đăm chiêu. Anh lau vuốt vật ấy trên tay, điều đó khiến tôi bủn rủn chân tay như một tên tử tù sắp bị đem đi bắn. Đó là kỷ vật duy nhất vợ tôi trao cho tôi ngày tôi bị bắt. Tôi đứng bất động, con tim thắt lại.

Ngày hôm sau, trước khi lên đường chuyển trại, tôi được nhận lại túi đồ của tôi, đặt trước cửa buồng giam số 172. Chúng tôi lại bị còng tay, bị xếp hàng dẫn đi, có công an chĩa súng đi kèm, có cả chó dữ theo sát chúng tôi nữa. Trưa hôm đó, khi thò tay vào túi xách để lấy ra ít vật dụng cá nhân, tay tôi chạm phải một cái bao nhỏ. Thì ra, đó chính là vật anh đã bắt được trong túi áo của tôi: tràng chuỗi mân côi đã được gói lại kỹ lưỡng và cẩn thận. Khi vào buồng giam mới, tôi mở gói để lấy ra cỗ tràng hạt. Bất chợt, tôi bắt gặp một tờ giấy nhỏ trên đó có hàng chữ do chính anh viết, nét chữ nghệch ngoạc: “ Bạn hãy cầu nguyện cho tôi.”

Luc đó trong lòng tôi rộn lên một niềm vui khôn tả, và tim tôi dâng trào niềm mến thương đặc biệt đối với anh. Giờ đây, mỗi khi cầm cỗ tràng hạt để lần chuỗi mân côi kính Đức Mẹ, tôi vẫn nhớ đến anh và cầu nguyện cho anh. Tôi tin chắc chắn rằng Đức Mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi anh, cho dù có thể bây giờ anh vẫn còn là người vô thần.

Lạy Đức trinh nữ Maria rất thánh Mân côi, xin cầu cho chúng con.

Tác giả: Lm. GB Trần văn Hào SDB

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập420
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm402
  • Hôm nay39,880
  • Tháng hiện tại159,367
  • Tổng lượt truy cập71,525,713
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây