Nhịp cầu Bạn trẻ 16: Người xưa dựng vợ gả chồng

Thứ tư - 27/12/2023 04:53  338
dungvogachongQuan niệm về hôn nhân và gia đình trong xã hội ngày nay đã và đang thay đổi rất nhiều. Dường như những chuẩn mực đạo đức, ràng buộc luân lý trong lĩnh vực hôn nhân không còn được coi trọng đúng mức. Tư tưởng hiện đại xem ra đang biến chuyển theo hướng “thoáng” hơn, ít muốn ràng buộc hơn, cho nên đe doạ tới bản chất và tính thánh thiêng của hôn nhân. Trong đó phải kể tới tình trạng ly dị, ly thân giữa các cặp đôi; cha/mẹ đơn thân (phụ nữ hiện đại không ngại đơn thân!); chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Cùng với đó là các hiện tượng, trào lưu tân thời đáng lo ngại như: “sống độc thân không khiết tịnh” (không muốn kết hôn nhưng lại không giữ sự trinh khiết), kết hợp đồng tính…

Trong bối cảnh ấy, tôi mời Bạn cùng đọc lại một số tư tưởng của người xưa xoay quanh chuyện “dựng vợ gả chồng”. Khá nhiều điều phong phú, thú vị và cũng rất sâu sắc mà chúng ta có thể khám phá và học hỏi từ người xưa.
  1. Khi trai gái đến tuổi cập kê
Trước hết, phải khẳng định việc lập gia đình là công việc hệ trọng của cả đời người, có liên quan đến cả gia đình dòng tộc chứ không phải chuyện của riêng cá nhân: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/ Trong ba việc ấy đều là khó thay”. Vì thế, chuyện dựng vợ gả chồng phải được xem như việc cha mẹ phải quan tâm trước nhất khi con cái trưởng thành: “Trai khôn dựng vợ, gái khôn gả chồng”. Chính bản thân nam nữ thanh niên đến tuổi cập kê[1] cũng phải để tâm coi trọng chuyện xây dựng gia đình: “Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng”.

Trai gái đến tuổi lấy vợ lấy chồng thường tìm cơ hội để giao tiếp với người khác giới, những mong đến với nhau kết hôn. Thế mới có chuyện: “Gái chưa chồng hay đi chợ, trai chưa vợ hay đứng đường”. Trong thâm tâm, ai cũng muốn tìm cho mình một “đối tượng” tâm đầu ý hợp càng sớm càng hay. Vì vậy, ai cũng nôn nao, không lúc nào yên tĩnh: “Gái chưa chồng trông mong đi chợ/ Trai chưa vợ lơ lửng đứng đàng”; “Bao giờ cho đến tháng hai/ Con gái làm cỏ, con trai be bờ”. Còn rất nhiều chuyện ve vãn tình tứ chúng ta có thể tìm thấy trong kho tàng ca dao tục ngữ, mà ở đây không tiện nói tới.

Cũng vì thế, khi con cái đến tuổi mà chưa lập gia đình thì cha mẹ rất lo lắng, như thể có “quả bom nổ chậm” trong nhà, khắc khoải đêm ngày đợi chờ có “chiến sĩ đến tháo bom” cho “nhẹ nợ”: “Gái chậm chồng mẹ cha khắc khoải”; “Gái lớn trong nhà như ma chưa cất”; “Cha chết không lo bằng gái to trong nhà”. Cha mẹ chỉ coi như đã hoàn thành trách nhiệm khi tất cả con cái đã yên bề gia thất. Người Việt thường nói “lo xong việc” có ý ám chỉ rằng khi các con đã lập gia đình hết thì cha mẹ mới cảm thấy thanh thản. Ngoài ra, trong xã hội còn xuất hiện một tầng lớp đặc biệt là các “ông Tơ bà Nguyệt” chuyên mai mối xe duyên. Đây là một công việc khá tế nhị cho nên người xưa hay nhắc nhở: “Ở đời có bốn cái ngu/ Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”.

Hơn nữa, đối với người con gái, tựa như cây lúa có thì, không lo chuyện gia đình khẩn trương dễ thành ra hết duyên, muộn chồng thì rất tội nghiệp:“Còn duyên kén cá chọn canh/ Hết duyên ếch đực cua kềnh cũng vơ”; “Còn duyên như tượng tô vàng/ Hết duyên như tổ ong tàn ngày mưa”; “Còn duyên đóng cửa kén chồng/ Hết duyên ngồi gốc cây hồng lượm hoa”; “Còn duyên kén cá chọn canh/ Hết duyên củ ráy, dưa hành cũng trôi”; “Còn duyên kén những trai tơ/ Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng”; “Cành đào lá liễu phất phơ/ Lấy ai thì lấy, đợi chờ làm chi?”; “Liệu cơm mà gắp mắm ra/ Liệu cửa liệu nhà mà lấy chồng đi/ Lỡ mai quá lứa lỡ thì/ Cao thì chẳng tới, thấp thì chẳng thông!”…

Tuy vậy, hôn nhân là chuyện nghiêm túc, đàng hoàng chứ không thể quyết định qua quýt, vội vàng, gấp gáp được. Tiêu chí xứng đôi vừa lứa, môn đăng hộ đối rất được quan tâm: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Dù rằng“gái tham tài, trai tham sắc”, “con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt” hay “đàn ông xem mũi, đàn bà nhìn miệng” nhưng người xưa cũng luôn đề cao cái đẹp nội tâm, cái đẹp về nhân cách, lối sống hơn cái đẹp thể lý, hình thức bên ngoài: “Cái nết đánh chết cái đẹp”; “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn/ Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”. Ngày nay xu hướng “cái đẹp đòi đè bẹp cái nết”, thậm chí còn cho rằng: chỉ cần đẹp là có quyền?
  1. Trách nhiệm trong chuyện gia đình
Không chỉ nói đến chuyện lập gia đình nhưng người xưa cũng bàn nhiều đến trách nhiệm của vợ chồng trong gia đình. Con trai mà có vợ tất nhiên không được tự do vùng vẫy như khi chưa lập gia đình. Cụ thể, trai thì có nhiều trách nhiệm ràng buộc, như bổn phận làm chồng, làm cha, nên không còn thì giờ rảnh rỗi để nghĩ đến việc rong chơi với bạn bè như trước nữa: “Trai có vợ như rợ buộc chân”. Ở đây, “rợ” từ “nhợ” mà ra, có nghĩa là sợi dây nhỏ và dai.

Cũng vậy, khi đã có chồng, người con gái sẽ bị hạn chế tự do theo nghĩa không còn được bay nhảy, chơi bời như trước, ví như người tù bị gông đeo vào cổ vậy: “Gái có chồng như gông đeo cổ”. Chẳng may gặp phải hôn nhân bất hạnh nữa thì ngồi than thân trách phận: “Chồng con là cái nợ nần/ Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm”. Điều này khác với tư tưởng ích kỷ ngày nay khi một số người chủ trương không lấy vợ lấy chồng để có một cuộc sống tự do và hưởng thụ.

Nói tóm lại, khi lập gia đình thì nơi cả nam lẫn nữ, bao nhiêu trách nhiệm nặng nề đè nặng trên vai. Chồng thì lo sự sống cho gia đình mới, vợ thì lo quán xuyến mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Vì thế, cần cả vợ và chồng đồng thuận trong mọi công to việc lớn của gia đình thì mới êm xuôi: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.
  1. Lập gia đình thì vẫn hơn
Dù biết khi có gia đình sẽ đối diện với những trách nhiệm, gánh nặng nhưng người xưa vẫn cho rằng lập gia đình thì vẫn hơn là “ở vậy”. Câu “Trai có vợ như giỏ có hom” muốn nói đàn ông có vợ thì mới chú tâm đến chuyện làm ăn và của cải làm ra mới có người gìn giữ trông nom. Còn câu “Gái có chồng như gông đeo cổ, gái không chồng như phản gỗ long đanh” có ý nói người con gái có chồng phải tuân theo những ràng buộc rất chặt chẽ, có khi khắt khe về đạo đức và nghĩa vụ đối với gia đình nhưng gái không chồng thì cuộc sống bấp bênh, không ổn định.
Cũng phải thừa nhận rằng, quan niệm xưa đề cao vai trò người đàn ông (trọng nam khinh nữ), phụ nữ lệ thuộc vào đàn ông: “thuyền theo lái, gái theo chồng”, “sống quê cha, ma quê chồng” cho nên đi đến chỗ khẳng định phụ nữ cần thiết phải lập gia đình: “Gái có chồng như chông như mác, gái không chồng như rác như rơm”; “Gái có chồng như rồng có vây, gái không chồng như cối xay chết ngõng”; “Gái có chồng như sông có nước, gái không chồng như lược gẫy răng”; “Ngồi trong cửa sổ chạm rồng/ Chiếu hoa nệm ấm, không chồng cũng hư”.

Dẫu vậy, ở nhiều chỗ ta vẫn đọc thấy những lời khuyên của người xưa dành cho cả hai giới, có vợ chồng thì cuộc sống mới ổn định, vững chắc: “Gái không chồng như nhà không nóc, trai không vợ như cọc long chân”; “Gái không chồng như thuyền không lái, trai không vợ như ngựa không cương”; “Ai ơi trẻ mãi ru mà/ Càng so sắn lắm, càng già mất duyên”.

Đọc và ngẫm chuyện người xưa, chúng ta có thể học được gì? Tất nhiên với những quan niệm xưa cũ, chúng ta cần có một sự phân định, gạn đục khơi trong, loại bỏ những tư tưởng lạc hậu, ít nhiều mang màu sắc định kiến, kỳ thị phụ nữ.

Được Lời Chúa soi sáng và giáo huấn của Giáo hội củng cố, người trẻ Công giáo chúng ta có thể rút ra một vài bài học:

- “Cộng đồng thân mật của đời sống và tình yêu hôn nhân, đã được Đấng Tạo Hoá thiết lập và quy định những luật lệ cho nó. Chính Thiên Chúa là tác giả của hôn nhân”[2]. Vì thế, đời sống hôn nhân gia đình dầu lắm thăng trầm nhưng đáng được con người dấn thân, thậm chí là đôi chút “mạo hiểm”.

- Dấn thân vào đời sống hôn nhân là một cách thức để chống lại tư tưởng hưởng thụ ích kỷ xem ra đang thắng thế trong thời đại chúng ta: “Hôn nhân giúp vượt thắng tình trạng co cụm vào bản thân, ‘chủ nghĩa ích kỷ’, chỉ yêu mình, tìm khoái lạc riêng, và giúp con người mở ra với tha nhân, trợ giúp lẫn nhau, và ban tặng chính mình”[3].

- Chú ý đến cái đẹp nội tâm. Dù cho “cái đẹp đòi đè bẹp cái nết” nhưng cái đẹp nội tâm vẫn được đề cao ở mọi nơi, trong mọi thời đại: “Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân, người phụ nữ kính sợ Đức Chúa mới đáng cho người đời ca tụng” (Cn 31,30).

- Hôn nhân là một ơn gọi, một bậc sống, và cũng là nẻo đường nên thánh của số đông nhân loại.

T/B. Bạn có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ


[1] Kê là trâm. Cập kê là đến kỳ cài trâm. Tục nước Tàu ngày xưa con gái đến mười lăm tuổi là cài trâm, tức gần thời lấy chồng; x. ĐÀO DUY ANH, Hán Việt Từ điển giản yếu, Hãn Mạn Tử hiệu đính, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2013, tr. 71.
[2] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay - Gaudium et Spes (07/12/1965), số 48; x. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 1603.
[3] Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 1609.
Tham khảo:
NGUYỄN NHƯ Ý (Chủ biên), Đại Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Tp. HCM, 2013.
VIỆN NGÔN NGỮ HỌC - HOÀNG PHÊ (Chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2016.
VIỆT CHƯƠNG, Từ điển thành ngữ, tục ngữ - ca dao Việt Nam, Nxb Đồng Nai, 1996.
VŨ NGỌC PHAN, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 2017.

Tác giả: Nhịp cầu Bạn trẻ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập274
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm244
  • Hôm nay44,257
  • Tháng hiện tại1,136,814
  • Tổng lượt truy cập71,164,571
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây