Truyện ngắn: Phép lạ mùa Covid

Thứ tư - 19/07/2023 23:44  398
1Chập chờn… chập chờn… Tiếng xe cứu thương hú lên rồi xa dần, cứ rộn ràng như ngày hội mà chẳng ai muốn trở thành khách mời bất đắc dĩ và trong tình trạng bất đắc kì tử. Những chiếc xe cứu thương dường như cũng uể oải kiệt sức vì bị quá tải. Nó đến mang theo sự ám ảnh không chỉ cho những người được đem đi, mà còn nhả một bầu khí ảm đạm chết chóc của những kẻ ở lại. Nó cứ đến nhưng rồi lại ra đi, cướp nốt giọt hy vọng cuối cùng của một sự trở về…

Sáng hay chiều, ngày hay đêm… thời gian như chẳng còn nghĩa lý gì ngoài sợ hãi hoang mang. Giờ đây chỉ còn sống hay chết… đói khát cả thể xác lẫn tâm lý, nhất là tâm linh… hôn mê hay tờ mờ tỉnh… được cứu hay bị bỏ rơi… được ở nhà hay bị cách ly… Tất cả niềm hy vọng chỉ còn leo lét như chiếc đèn cầy đã cạn dầu… mọi thứ như sụp đổ chẳng còn nghĩa lý gì. Gian nhà hằng ngày ấm cúng hơi thở của tình yêu, nay chỉ còn lại sự lạnh lẽo nơi những con bệnh đang sống bòn. Kẻ bị đưa đi mà chẳng có hy vọng trở về, người ở lại lay lắt bám vào nhau mà níu kéo sự sống như đang dần tan biến… Những con bệnh thoi thóp hay những xác chết cứ lần lượt được chất lên xe rồi biệt vô âm tín khiến không khí cả Sài Thành ảm đạm và đáng sợ hơn bao giờ hết. Tiếng còi, tiếng hú, tiếng khóc, kêu cứu, mùi xác chết, mùi hóa chất… Tất cả chẳng còn lại gì ngoài sự tuyệt vọng, mà có chăng chỉ le lói đốm hy vọng đang dần vụt tắt… Giữa sự lặng im đáng sợ ấy, nơi gian nhà đang dần bị nuốt chửng bởi hơi lạnh của thần chết, vẫn còn đó niềm tin vào một Thiên Chúa tưởng như đã xa vời, nhưng chưa bao giờ bị mất trong hồn Nguyệt…

***
Thằng nhỏ thoi thóp nhưng vẫn còn cựa cuội, còn thằng lớn… Thần chết như đang gõ cửa dồn dập hơn…
  • Thắng… Thắng ơi… mẹ đây, đừng ngủ… tỉnh dậy nào… con không được ngủ… dậy giúp mẹ chút việc đi… mẹ xin con… Tay Nguyệt lay mạnh vào thân dần mềm nhũn và ngày càng thiếu sức sống của nó.
  • Dạ… Nó thều thào, dụi mắt…
Khuôn mặt nó tím bặt, sự sống như đang vẫy tay chào tạm biệt nó. Thế nhưng, một sức mạnh nào đó, có lẽ những sức mạnh cuối cùng trong thân xác đã quá mệt bởi sự tàn phá của con virus quái ác đỡ nó đứng dậy, dù thân lảo đảo… Nó lồm ngồm bò dậy, cố giơ tay với lấy cái chổi và bắt đầu một công việc mà nó chỉ muốn kết thúc ngay để lại nằm tiếp.

Thằng em dù chưa bị thâm nhập sâu bởi virus cứ lẽo đẽo theo mẹ như muốn nói điều gì mà mãi mới thành tiếng…
  • Mẹ! Nó thảng thốt.
  • Sao con, mẹ đây! Nguyệt với tay ôm, nhẹ nhàng vuốt mái tóc cứng đơ do mấy ngày không dám cho nó tắm vì những cơn sốt dai dẳng…
  • Ba đi đâu? Khi nào ba mới về? Con nhớ ba… Nó nấc từng tiếng khiến Nguyệt bồi hồi, trái tim Nguyệt như bị cắt từng mảnh…
Những giọt nước mắt đầy chua xót cứ tự nhiên trào ra khỏi khóe mắt Nguyệt. Những giọt nước mắt mà Nguyệt đã dùng tất cả sức mạnh còn lại của mình ngăn nó khỏi chảy thành dòng. Những cảm xúc kìm nén bởi bao sợ hãi, hoang mang, lo lắng và cả nỗi nhớ người chồng bị đưa đi mà không dám nghĩ có ngày trở lại, dù chưa bao giờ Nguyệt mất niềm tin và hy vọng vào lòng thương xót của Chúa… Trong tiếng khóc, sức mạnh của niềm tin vãn đủ để Nguyệt lẩm bẩm không thành tiếng: “Lạy chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa.”

Thấy mẹ òa khóc như một đứa trẻ, thằng Thắng vẫn còn đủ khả năng để hiểu điều gì đang xảy ra với ba, với mẹ và với cả nhà mình. Nó vất cái chổi lao lại chỗ mẹ và em, và thế là mẹ, con, cả ba ôm lấy nhau… rồi cùng khóc. Những tiếng nấc của niềm hy vọng dần vụt tắt không chỉ với người chồng, người ba mà cả với cả gia đình…

***
Thời gian cơn đại dịch hoành hành chẳng hề có dấu hiệu dừng lại và buông tha nhân loại. Trái lại cơn đại dịch như càng ngày càng gia tăng và gây ra những hậu quả thảm khốc mà thống kê của nhà nước thật quá nhỏ so với thực tế mà từng người dân Sài Gòn phải tận mắt chứng kiến từng giờ. Nguyệt biết điều đó qua những cuộc điện thoại của người thân hay hàng xóm về cách mà người thân của họ ra đi trên xe cứu thương và trở về trong hũ tro nhưng vô danh. Cũng vậy, trên những trang mạng cũng lan tỏa một không khí ảm đạm nhuộm mùi chết chóc. Nơi đó tràn lan những bức ảnh, những video đầy tang tóc của những con người, những gia đình bị cái chết không chỉ bởi covid, mà còn vì cái đói, cái sợ viếng thăm và cướp đi từng người một, thậm chí cả gia đình... Và đau lòng hơn, sợ hãi hơn khi chính Nguyệt tận mắt chứng kiến những chiếc xe cứu thương chất đầy con bệnh thoi thóp, trong đó có chồng Nguyệt và nhiều xác chết, hay những chiếc grab chở đầy hũ tro gõ cửa từng gia đình mà nó đến để lấy đi và trả lại mà nhiều khi không đúng địa chỉ… Nỗi kinh hoàng và sự tuyệt vọng dần nuốt chửng tâm hồn Nguyệt. Sự sợ hãi gặm nhấm niềm hy vọng nhỏ nhoi còn sót lại về sự trở về thần kì của chồng kể từ ngày anh bị đưa đi. Niềm hy vọng ấy lóe lên và dần tắt lịm kể từ tin nhắn cuối cùng của chồng cách đây ba ngày: “Cố lên em, đừng bỏ cuộc, vì anh và vì các con…”

Tiếng điện thoại rung lên… niềm hy vọng như vụt sáng. Nguyệt chạy như một kẻ điên dù chả còn mấy sức sống… Nguyệt vồ lấy điện thoại với hy vọng đó là chồng Nguyệt… thế nhưng mọi hy vọng như vụt tắt… Nguyệt nhanh chân chạy vào nhà tắm và chốt cửa để mấy đứa nhó không chứng kiến cuộc điện thoại…
  • Con gái? Con khỏe không? Chồng con sao rồi, mấy đứa nhỏ không sao chứ?... Tiếng mẹ Nguyệt dồn dập…
Nguyệt nén hết những giọt nước mắt còn sót lại trên khóe mắt, gồng mình lấy lại sự bình tĩnh của một thủ lĩnh đang gánh trên vai cả một gia đình, dù nhiều lúc muốn buông xuôi mặc cho cái chết viếng thăm...
  • Dạ! Con chào mẹ, mọi thứ hiện tại vẫn ổn, bố mẹ đừng lo, chồng con đang được điều trị… mấy đứa đang ngủ ạ… Nguyệt nói mà lòng đau bị cắt từng thớ thịt… Mắt Nguyệt cay như bị ớt sát vào mà không dám òa khóc…
  • Ừ, vậy thì mẹ an tâm rồi, mẹ nghe đài báo mà lo quá, chỉ cầu nguyện với Chúa cho gia đình con bình an vô sự. Sau đợt dịch này về thôi con ạ, về với bố mẹ, về với quê hương… Mẹ Nguyệt ôn tồn, giọng đầy an ủi…
  • Vâng, dịch ổn là gia đình con sẽ về ngay ạ, chúng con cũng sợ lắm rồi, cả nhà cầu nguyện cho chúng con nhé. Thôi con phải đi rồi. Bố mẹ giữ gìn sức khỏe nhé…
  • Ừ chào con. Cố lên con! Tiếng dập máy như dập tắt cuộc đời leo lét của Nguyệt vậy…
Buông điện thoại, Nguyệt lại òa khóc. Khóc vì đau đớn, khó vì phải giấu sự thật. Khóc vì niềm hy vọng trở về trở nên xa vời vì Nguyệt và mấy đứa đều đã nhiễm bệnh. Khóc vì niềm hy vọng nhìn thấy mặt chồng dù chỉ lần cuối chỉ là một phép lạ. Và khóc vì niềm hy vọng trở về với gia đình, với xóm giềng đang tiến dần về không. Thế nhưng, nhìn hai đứa con trai, nhờ lời động viên của mẹ, nhớ lại tin nhắn của chồng cùng những lời động viên của bao người đồng hương, đồng đạo, đồng niềm tin giúp Nguyệt tự dặn lòng mình không được phép bỏ cuộc hay đầu hàng...

Nghĩ thế, Nguyệt lau nước mắt, tự dặn mình phải mạnh mẽ. Nguyệt quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện, Nguyệt bám lấy Chúa như sức mạnh cuối cùng. Vì các con, Nguyệt tìm mọi cách để liên lạc với chồng, để cứu anh hay ít ra cũng để nhìn anh lần cuối... Nguyệt lên face, trên nhóm đồng hương, nơi những con người đang liên kết với nhau trong sức mạnh của niềm tin vào một Thiên Chúa để an ủi nhau, động viên nhau và tìm mọi cách giúp nhau vượt qua cơn kinh hoàng này… Nguyệt không phủ nhận cơn sợ hãi đang bao trùm, nhưng chính giữa cơn nguy nan này, Nguyệt nhận ra con người gần nhau và cần nhau hơn, những điều mà bình thường bị nhịp sống vội cuốn trôi…

Nguyệt như tìm được nguồn sức mạnh của niềm tin và nhất là Nguyệt nhận ra sự hiện diện sống động của một Thiên Chúa hơn bao giờ hết. Nguyệt tin Thiên Chúa không bao giờ là nguyên nhân của cái ác cũng như của đại dịch, nhưng tất cả do sự tự do của con người. Cũng vậy, nơi những con người cùng niềm tin, có những người khỏe mạnh và cả những con bệnh như Nguyệt. Nguyệt nhận ra Thiên Chúa như đang ra tay giúp đỡ con người, cùng đau đớn với con người và Ngài luôn khao khát con người chạy đến với lòng thương xót của Ngài. Thiên Chúa như đang dùng chính mạng xã hội, nơi con người dùng để gặp gỡ nhau nhiều hơn, nhất là thời đại dịch, như một phương tiện để tỏ lộ lòng thương xót và Tin Mừng của Ngài. Những bài giảng, những bài chia sẻ, những lời an ủi, động viên hay những video truyền cảm hứng  được gợi hứng từ Tin Mừng như liều thuốc kì diệu vực dậy lòng tin và nhất là niềm hy vọng về sự sống, niềm hy vọng rồi cơn hoạn nạn sẽ sớm trôi qua. Nguyệt cùng mọi người cầu nguyện trên mạng xã hội, dâng lễ qua mạng xã hội, bàn hỏi trên mạng xã hội và nhất là tìm sự giúp đỡ trên mạng xã hội… Giữa nguy khốn, con người như mạnh mẽ hơn và xích lại gần nhau hơn…

Hằng ngày, Nguyệt tiếp tục chăm sóc hai đứa con đang bị bệnh cũng như níu kéo sức lực đang bị bào mòn của chính mình… Nguyệt phải chạy cơm từng bữa khi tiền tiết kiệm và vay mượn ngày càng cạn dần, cùng với những loại thuốc hiếm hoi được cấp phát hay tự chế với hy vọng chiến thắng con virus đáng sợ… Nguyệt tiếp tục nuôi hy vọng nhỏ nhoi về sự trở về của chồng… Thế nhưng, càng hy vọng thì thời gian càng đẩy xa niềm hy vọng nhỏ nhoi ấy…

***
Qua những thông tin cùng những hình ảnh về khu cách ly được lan tràn trên mạng, Nguyệt thấy mình và các con còn chút may mắn khi không bị đưa vào đó… Nhưng người chồng đáng thương của Nguyệt đang ở đó mà không biết sống chết ra sao. Khu cách ly tập trung, nơi người người được đổ về đó mà không biết đến ngày trở về, nơi đó có chồng Nguyệt, người đang phải đối diện với nanh vuốt tử thần…

Khi hy vọng về sự sống sót của chồng, thậm chí hy vọng nhận lại hũ tro của chồng ngày càng bé lại, Nguyệt dường như bắt đầu buông xuôi và chấp nhận cái chết của chồng. Nguyệt xin Chúa giúp Nguyệt vững lòng tin để tiếp tục chiến đấu để sống vì các con. Trong một lần Nguyệt lướt trên face trong nhóm hội đồng hương, một tia hy vọng, dù rất nhỏ lóe lên khi những người quê hương giới thiệu đến một bác sĩ cùng quê để cậy nhờ sự giúp đỡ… Nguyệt nhanh tay bấm số và làm theo hướng dẫn của những người đã nhận sự giúp đỡ của người bác sĩ ấy, dù Nguyệt không biết ông ấy là ai…

Sau gần chục lần bấm số Nguyệt mới có thể kết nối được với người mà Nguyệt coi là hy vọng cuối cùng…
  • Alo! Bác sĩ Hùng xin nghe… Một giọng nói nhẹ nhàng, dù không giấu khỏi sự mệt mỏi…
  • Em chào bác sĩ… Nguyệt lắp bắp hổn hển, thở không ra hơi
  • Chị cứ bình tĩnh, đừng lo… Bác sĩ trấn an Nguyệt
  • Dạ, em xin lỗi… Bác sĩ ơi, xin cứu chồng em, nhà em còn con nhỏ, chúng em không biết phải làm sao nếu chồng em… Nguyệt nghẹn lời…
  • Chị ạ, chúng tôi cũng đang cố gắng hết sức, nhưng… Chị cứ bình tĩnh, nói tôi nghe, chồng Nguyệt ở đâu.. hiện trạng ra sao…
Sau khi nghe đủ thông tin, bác sĩ lấy giọng thông cảm, động viên… - Chị cứ an tâm, tôi sẽ cố gắng liên lạc với người tôi quen trong khu cách ly để hỏi thăm hiện tình của chồng Nguyệt. Tôi sẽ gọi lại cho chị khi có thông tin…
  • Dạ, em cảm ơn bác sĩ nhiều. Em xin bác sĩ thương gia đình em. Xin Chúa chúc lành cho bác sĩ…
  • Cảm ơn chị, chị cứ an tâm, tôi sẽ cố gắng… Chúa chúc lành cho chị. Chào chị… Nói rồi, bác sĩ dập máy…
Nguyệt leo lét niềm hy vọng, Nguyệt chạy vào xem hai đứa con, tay không quên cầm theo chiếc điện thoại như chiếc phao cứu sinh… Sáng qua, chiều đến rồi đêm lại tàn, Nguyệt không thể chợp mắt. Nguyệt cứ liên tục với lấy chiếc điện thoại với hy vọng bác sĩ sẽ gọi cho Nguyệt… Thế rồi gần trưa hôm sau, điện thoại lại reo lên…
  • Chào chị, tôi bác sĩ Hùng đây!
  • Dạ em chào bác sĩ, chồng em sao rồi ạ… Nguyệt hồi hộp
  • Chị cứ yên tâm, chồng chị vẫn còn sống, anh ấy mới trải qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn còn hôn mê. Các bác sĩ đang cố gắng hết sức để giúp anh ấy hồi sức và bình phục. Chị hãy cầu nguyện cho anh ấy. Khi nào tỉnh, anh ấy sẽ liên lạc với chị…
Nguyệt mừng như phát điên, nói không thành tiếng mà nước mắt cứ trào ra… Nguyệt lắp bắp cảm ơn bác sĩ mà không biết phải nói gì hơn.
  • Chị không cần cảm ơn, tôi đâu. Đó là tất cả những gì tôi có thể. Chúa chúc lành cho Nguyệt. Nói xong, bác sĩ mỉm cười và dập máy…
***
Phía cuối đường hầm lại lóe lên một tia sáng… Niềm hy vọng tưởng như đã vụt tắt, lại được thắp lên phía cuối con đường. Nguyệt tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại cái chết cùng với hai đứa nhỏ nhờ niềm tin và hy vọng chồng sẽ trở về. Niềm tin ấy như được củng cổ khi hai đứa con dần dần vượt qua cơn bệnh, dù di chứng vẫn còn đeo bám. Còn với bản thân Nguyệt, cơn bệnh dường như vẫn chưa chịu buông tha, phần vì Nguyệt dùng tất cả những gì tốt nhất để chăm sóc hai con, phần vì Nguyệt phải hao mòn bởi biết bao lo lắng đan xen sợ hãi dù vẫn vững tin… Nhưng rồi, như một phép lạ, Nguyệt dần hồi phục, nhờ bao lời động viên cùng chia sẻ và nhất là niềm tin. Nguyệt cố gắng nghĩ tích cực lạc quan và luôn động viên và tự dặn mình mình bám lấy Chúa, phải sống để chờ chồng trở về, cũng như sống vì con vì Chúa. Nguyệt hứa với Chúa nếu Ngài làm phép lạ để cho chồng Nguyệt thoát lưỡi hái tử thần, Nguyệt nguyện làm tất cả để làm vinh danh Chúa dù có bất cứ chuyện gì xảy ra. Nghĩ như vậy, Nguyệt lên mạng nhiều hơn không phải để giải trí, nhưng để gặp gỡ, cầu nguyện, để chia sẻ và để truyền cảm hứng cho người khác nhất là về chính phép lạ đang diễn ra với gia đình Nguyệt…

***
Thời gian thấm thoát trôi, Nguyệt không ngừng hy vọng với niềm tin khi nào chưa thấy hũ tro, Nguyệt tin chồng mình còn sống. Nguyệt tin vị bác sĩ tốt bụng ấy. Hằng ngày, cùng với việc chạy cơm từng bữa, Nguyệt vẫn đợi điện thoại và ngóng ra ngoài cửa, nơi các xe cứu thương vẫn vùn vụt qua với hy vọng hình bóng người chồng xuất hiện. Nguyệt chờ điện thoại, đợi tin nhắn hy vọng và tiếp tục hy vọng, cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện. Nguyệt dạy các con cũng làm như vậy. Ba mẹ con bám lấy nhau sống lay lắt dựa vào lòng tốt của mọi người và tin rằng mình còn may mắn bởi còn sống, còn may mắn bởi còn niềm tin, và nhất là còn may mắn vì có Chúa…

Một tuần sau… Như một phép lạ, Thiên Chúa đã đáp lời Nguyệt. Vào ngày Chúa Nhật, khi Nguyệt đang cùng các con dự lễ online, tiếng điện thoại kêu lên đúng lúc Thánh Lễ kết thúc… Nguyệt chạy lại thì Nguyệt như không tin vào mắt mình, cuộc gọi đến từ chồng, Nguyệt cũng sợ vì sợ khi nghe là giọng người khác… Nguyệt run rẩy cầm điện thoại, lưỡng lự bấm nút nghe. Nhưng khi Nguyệt đặt tay gạt sang bên nghe thì đã muộn, điện thoại tắt… Nguyệt điên cuồng nhanh chóng bấm gọi lại nhưng số máy kêu thuê bao… Nguyệt như tuyệt vọng để rơi chiêc điện thọai tưởng mình bị hoang tưởng… Điện thoại lại kêu. Nguyệt lao tới và bấm nghe không suy nghĩ, cũng như không để cơ hội qua đi…
  • Vợ à! tiếng thều thào nhưng thật thân thương, quen thuộc…
  • Chồng, anh Vàn phải không? Nguyệt xúc động, vỡ òa vì vui mừng, tưởng như đang mơ…
  • Anh đây, các con và em vẫn ổn chứ? Anh vẫn thều thào…
  • Chúng em ổn, anh sao rồi… Nguyệt hổn hển, nghẹn lời
  • Đừng lo, anh qua cơn nguy kịch rồi, mấy ngày nữa, anh sẽ về. Em hãy chăm sóc các con, giữ gìn sức khỏe và đợi anh về nhé… Anh đã thấy và đã tin… Những gì xảy ra nơi đây ngoài sức tưởng tượng của con người… Anh may mắn thoát lưỡi hái tử thần, anh tin Chúa đã cứu anh. Nhưng còn nhiều người đã không được may mắn như vậy em ạ…
  • Dạ… Vâng, thôi anh đừng nói thêm nữa, giữ gìn sức khỏe để mau trở về… Em và các con đợi anh từng ngày và luôn cầu nguyện cho anh… Anh nghỉ ngơi, mau khỏe và về với chúng em… Em và các con nhớ anh..
  • Ừ… Chào em, anh cũng nhớ mọi người, cho anh gửi lời chào mấy đứa… Khi nào khỏe hơn anh sẽ liên lạc… Đừng lo, hãy chăm sóc các con thật tốt… Nói rồi, anh tắt máy…
Nguyệt dập máy, lòng tràn đầy một niềm vui sướng khôn tả. Nguyệt gọi các con và báo cho chúng tin vui. Ba mẹ con ôm trầm lấy nhau và cùng khóc, khóc vì vui sướng. Rồi cả ba cùng quỳ gối, mắt hướng lên bà thờ và cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau tạ ơn…

***
Những tia nắng nhẹ đầu ngày đã lan tỏa khắp nẻo đường. Đã quen rồi cảm giác nhẹ nhàng thư thái, bình yên của miền quê đầy ắp tình người. Hai năm nhẹ nhàng trôi qua sau cơn đại dịch tạm lắng xuống và buông tha con người. Cuộc sống dần trở lại yên ổn dù còn đầy dẫy khó khăn. Những câu chuyện về cơ đại dịch cũng dần lắng xuống, nhưng những kí ức kinh hoàng về những khu cách ly tập trung, những cái chết vẫn còn ám ảnh và in sâu trong nhiều người. Gia đình Nguyệt đã vượt qua cơn đại dịch ấy một cách thần kì, mà mọi người đều tin chỉ có Chúa mới có thể. Tránh xa nhịp sống ồn ào của đô thị, vợ chồng Nguyệt quyết định khăn gói quả mướp trở về với nơi chôn nhau cắt rốn, với những cánh đồng và những công việc tại quê để tiếp tục cuộc sống dù đơn giản, bình dị, nhưng đầy hạnh phúc, nhất là trong bầu khí của gia đình đức tin. Nơi đây, có xóm giềng, có cha mẹ, có họ hàng anh em, bạn hữu, những con người đã gắn với bó họ cả một tuổi thơ và giờ là cả cuộc đời…

Chồng Nguyệt, anh Vàn, từ một người không phải quá sốt sắng, giờ đã trở thành một tông đồ năng động và hết lòng vì mọi người, vì giáo xứ và vì Chúa, nhất là trong việc bác ái. Anh đã trải qua cái chết cách thần kì, anh biết Chúa thương anh. Những gì xảy ra trong trại cách ly và trong thời gian nhiễm bệnh giúp anh nhận ra nhiều điều, nhất là về giá trị của sự sống và giá trị của đức tin. Từ đó, anh trân quý cuộc sống và hạnh phúc mà anh đang có, điều mà nhiều người trong khu cách ly như anh đã không bao giờ còn cơ hội. Anh tự hứa sẽ sống tốt hơn, vì vợ, vì con, vì mọi ngươi hơn và vì Chúa hết lòng. Anh không bao giờ quên cầu nguyện cho những người đã khuất vì đã không được may mắn và phép màu như anh… Cuộc sống mới bắt đầu…
Còn Nguyệt…
  • Thiếu nhi! Nguyện dõng dạc…
  • Hy sinh! Học sinh của Nguyệt hớn hở…
  • Các em đứng để chúng ta cùng thánh hóa buổi học nhé… Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen… Lạy cha chúng con ở trên trời… Cả lớp sốt sắng…
  • Về đất…
  • Hứa!...
  • Các em thân mến, hôm nay chúng ta sẽ cùng học bài giáo lý: Thiên Chúa Sáng tạo và quan phòng…
Cơn gió nhẹ nhàng lướt qua khiến mái tóc mềm mại của Nguyệt khẽ rung lên. Khuôn mặt Nguyệt toát lên vẻ tự tin đầy khiêm tốn của một người luôn tâm niệm và sống tâm tình tạ ơn. Với Nguyệt, giờ đây cuộc sống luôn được đan kết bởi những phép mầu đến từ Thiên Chúa. Những phép mầu từ bình dị nhất hằng ngày đến kì diệu nhất để làm nên sắc màu cuộc sống. Đó chính là cuộc sống mới của Nguyệt, cuộc sống của một người vợ, người mẹ, người con trong gia đình và một Giáo lý viên của Chúa. Một cuộc sống tươi mới của những con người đã có kinh nghiệm đức tin, kinh nghiệm về sự hiện hữu sống động của một thực tại mang tên Thiên Chúa. Thực tại ấy đâu đó giữa thế giới đã đang và vẫn sẽ bị lãng quên, nhưng vẫn hiện hữu vô cùng sống động và đầy yêu thương đối với những kẻ có lòng tin. Dù cuộc sống còn chất đầy bóng tối của sự ác, tội lỗi và chết chóc, vượt lên tất cả Thiên Chúa luôn yêu và muốn cứu vớt con người… Nguyệt hướng mắt lên Chúa và Chúa đã đặt ánh mắt Ngài trên cuộc đời của cô… Trời vẫn tiếp tục đổ nắng…

Tác giả: Khiêm Nhu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập217
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm185
  • Hôm nay51,965
  • Tháng hiện tại1,144,522
  • Tổng lượt truy cập71,172,279
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây