Căn tính và sứ mạng của môn đệ Chúa Kitô

Thứ sáu - 03/02/2023 21:24  690
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM A

cn v tn3 scaledChúa Nhật tuần trước, Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu long trọng công bố tám mối phúc thật như một bản hiến chương của Nước Trời, để mời gọi những ai muốn theo Chúa, muốn được gia nhập Nước Trời hãy sống những mối phúc ấy. Tiếp nối ngay sau đoạn Tin Mừng ấy, Lời Chúa trong Chúa Nhật V thường niên hôm nay nói về căn tính và sứ vụ của người môn đệ Chúa Kitô. Trong đó, Chúa mời gọi môn đệ hãy trở nên như là ánh sáng cho thế gian và là muối cho đời. Hình ảnh “muối” và “ánh sáng” mà Chúa muốn nói ở đây có điều gì đặc biệt? Tại sao Chúa lại muốn đời sống của người Kitô hữu phải trở nên như “muối”, như “ánh sáng” giữa đời?

Trước hết, với hình ảnh muối, muối là một yếu tố gần gũi với hầu hết các nền văn hóa đời sống con người, bởi vì muối thường được dùng để ướp thực phẩm, bảo vệ thực phẩm không bị hư thối, làm cho các món ăn ngon hơn; muối còn dùng để tẩy rửa vết bẩn và sát trùng. Muối đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực ăn uống, bởi vì nếu thức ăn không có muối, thì sẽ đánh mất hương vị của nó, trở nên nhạt nhẽo. Tuy nhiên, sự hiện diện của muối ở trong thức ăn thường không nhìn thấy được, nhưng nếu thức ăn không có muối, thì người ta dễ nhận ra. Cho nên, dù muối vẫn có đó nhưng không ai thấy muối. Không chỉ vì muối bé nhỏ khiêm nhường mà vì muối phải tan biến đi. Phải tan biến đi muối mới có tác dụng.

Khi dùng muối làm hình ảnh minh hoạ cho căn tính của người môn đệ, chắc chắn Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ của Ngài có những đặc tính của muối. Ngài muốn họ hiện diện thật khiêm nhường như những hạt muối bé nhỏ để hiến thân mình cho nhân loại. Giống với muối, người môn đệ cần hiện diện khiêm tốn, hòa nhập, tác động từ bên trong, biến đổi âm thầm. Cũng như muối, người môn đệ Chúa sống trong xã hội, có sứ vụ giữ gìn xã hội cho sạch, tẩy xóa những xấu xa, dơ bẩn và biến đổi xã hội, đời sống con người nên tốt hơn, nhân bản hơn, lành mạnh hơn theo các giá trị Tin Mừng. Trái lại, những ai không sống đúng vai trò “muối mặn”, sẽ là một người môn đệ bị biến chất, không còn là môn đệ thực sự của Đức Kitô nữa, giống như muối nhạt đi, sẽ trở thành đồ vất bỏ đáng bị người đời khinh dể, chà đạp.

 Tiếp đến, với hình ảnh ánh sáng, ánh sáng là một loại vật chất mà nhờ nó, người ta nhìn thấy các sự vật xung quanh mình. Ở những nơi tối, người ta càng cần đến ánh sáng và càng nhận thức rằng ánh sáng rất cần cho cuộc sống. Có thể nói: không có ánh sáng, không thể có sự sống. Ví như sự cần thiết của ánh sáng trong đời sống tự nhiên, Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở nên “ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Thực ra, chỉ có Thiên Chúa mới là ánh sáng (1Ga 1,5) và chỉ có Đức Giêsu mới dám nhận mình là ánh sáng như chính Chúa đã nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Vậy mà hôm nay, Chúa muốn chúng ta trở thành ánh sáng cho thế gian. Muốn trở thành ánh sáng như Chúa Giêsu, chúng ta phải ở gần Ngài và kết hiệp với Ngài, như người ta vẫn thường nói “gần đèn thì rạng”. Chúng ta chỉ trở thành ánh sáng cho thế gian khi phản chiếu vinh quang Chúa bằng đời sống chứng nhân của mình. Chính chúng ta phải là ánh sáng để sưởi ấm những tâm hồn băng giá, xua tan những bóng tối của gian ác bất công. Con người ngày nay bị bóng tối của dối trá che phủ; bóng tối của ma quỷ và tội lỗi đang đè nặng trong tâm hồn, khiến cho cuộc sống và hành động của nhiều người chìm trong tăm tối của sự tội, sự ác. Chúng ta phải can đảm để chiếu những luồng sáng của Tin Mừng vào những góc khuất của buồn chán thất vọng, trở thành ánh sáng, giúp những người chung quanh khỏi vấp ngã và dẫn họ đến hạnh phúc đích thật là Thiên Chúa.

Bên cạnh đó, với hình ảnh cây đèn trong phòng, khi thắp lên cần đặt trên đế để soi chiếu cho mọi người, Chúa muốn chúng ta hãy tỏa chiếu ánh sáng yêu thương của Chúa cho những người xung quanh bằng những việc làm cụ thể, chứ không phải chỉ bằng những lời nói suông hay những khẩu hiệu mang tính hình thức. Điều này đã được nhắc tới trong chính bài đọc một trích trong sách ngôn sứ Isaia, khi ngôn sứ đề cập đến thái độ ăn chay mà Chúa ưa thích đó là: “Ngươi hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục. Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông” (Is 58,7-8).

Hơn thế nữa, ngôn sứ còn nói đến các hiệu quả khi chúng ta thực thi đức bác ái. Những việc làm nhân ái có tác động thật diệu kỳ: khi giúp đỡ ai, thì vết thương nơi mình được chữa lành. Khi thương người nghèo, thì lời cầu nguyện lên Chúa được Ngài nhận lời (Is 58,8-9). Đó là sự kỳ diệu của sẻ chia và phép lạ của lòng nhân ái: “Nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng của người sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58,10). Thiên Chúa là Đấng rộng rãi quảng đại sẽ ban lại cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta trao tặng cho tha nhân.

Trở nên muối và trở nên ánh sáng cho trần gian, luôn là sứ mạng và cũng là thách thức cho mỗi người chúng ta. Để có thể chu toàn sứ vụ này, chúng ta cần luôn gắn bó với Chúa Giêu là nguồn ánh sáng, để Ngài xua tan những tăm tối trong ta và làm cho chúng ta trở nên trong suốt. Đồng thời, chúng ta cùng cầu xin Chúa ướp chúng ta bằng muối tình yêu của Ngài, để chúng ta có đủ vị mặn mà ướp gia đình và xã hội khỏi hư thối, nhờ đó sẽ giúp cho cuộc sống thêm đậm đà yêu thương. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập230
  • Máy chủ tìm kiếm58
  • Khách viếng thăm172
  • Hôm nay70,214
  • Tháng hiện tại1,176,042
  • Tổng lượt truy cập71,203,799
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây