Người trẻ trưởng thành toàn diện

Thứ tư - 20/05/2020 00:02  2608
Các Kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo Hội. Vì thế, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 đã bàn về chủ đề: “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”. Ngay sau khi kết thúc Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông huấn Chúa Kitô đang sống - Christus vivit (Cv), gửi người trẻ và cộng đoàn dân Chúa. Trong đó ngài mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người: Trong thời gian sống tại Nadarét, Đức Giêsu vâng lời cha mẹ, ‘lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta’ (Lc 2,52) (x. Cv, số 26-27).

Cùng chung những thao thức ấy, Hội đồng Giám mục Việt Nam quyết định chọn chủ đề Mục vụ Giới trẻ cho Giáo Hội Việt Nam trong ba năm tới (2020-2022): Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện; năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình; năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo Hội và xã hội[1]. Như vậy, chủ đề năm 2020 là đồng hành với người trẻ trong tiến trình hướng tới sự trưởng thành toàn diện. Vậy một câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Như thế nào được gọi là trưởng thành toàn diện?

1 1Tiến sĩ tâm lý học Đinh Đoàn cho rằng dưới góc nhìn khoa học, toàn diện, biện chứng ngày nay, có thể nói về ba loại, hay ba khía cạnh trưởng thành của con người: Trưởng thành sinh lý, trưởng thành tâm lý và trưởng thành văn hoá - xã hội.[2]

Trong ba loại trưởng thành nói trên, trưởng thành sinh lý là điều dễ nhận thấy nhất và cũng là điều dễ đạt được nhất nơi mỗi người, bởi nó được đo bằng chiều cao, cân nặng... Người trưởng thành về sinh lý là người có khả năng xây dựng gia đình, lấy vợ hoặc gả chồng và nếu không có bệnh tật gì đặc biệt, thì có thể sinh con. Trên thế giới, tại nhiều quốc gia, người đủ mười tám tuổi được coi là trưởng thành xét theo pháp luật, nghĩa là người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi của mình gây ra[3].

Trưởng thành tâm lý thì ở cấp độ cao hơn, là thứ khó đạt hơn, bởi nó không có sẵn, mà mỗi người tự phấn đấu rèn luyện, thì mới có thể đạt được. Vì thế, không thể đánh giá chính xác tiêu chuẩn trên tuổi tác của con người. Trưởng thành tâm lý được đánh giá bởi sự tự lập, suy nghĩ chín chắn, nhìn trước ngó sau, ứng xử phải đạo, không hấp tấp, vội vàng. Trưởng thành về tâm lý đồng nghĩa với khả năng giải quyết những khủng hoảng, những khó khăn, lấn cấn về mặt tình cảm. Người trưởng thành không để những xô lấn của tình cảm, của những xung đột bên trong và bên ngoài cuộc sống ảnh hưởng đến lề lối suy nghĩ, cung cách và thái độ sống của mình. Ngoài ra, trưởng thành tâm lý cũng giúp phát triển và trưởng thành tâm linh, vì trong tâm lý cũng có sự phát triển về đạo đức và luân lý. Trưởng thành tâm lý cũng gắn với những thứ “có”: Có vợ hoặc chồng, có con cái, có nghề nghiệp, có địa vị xã hội nhất định (là ai đó trong xã hội, chứ không nhất thiết phải là ông nọ, bà kia), có nhà để ở, có tiền để tiêu cho những nhu cầu của bản thân và gia đình.

Loại trưởng thành cuối cùng là trưởng thành về mặt văn hoá - xã hội, cũng là đòi hỏi ở mức cao nhất, không phải ai cũng đạt được. Người trưởng thành về văn hoá - xã hội không chỉ thấu hiểu quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, mà còn dành nhiều thời gian nghĩ đến người khác, nghĩ đến “đạo lý”, đến “lương tâm”, nghĩ đến phận người, kiếp người. Người trưởng thành về văn hóa - xã hội luôn có xu hướng vị tha hơn vị kỉ, sống hướng đến những người xung quanh nhiều hơn là sống cho bản thân mình. Trong gia đình, họ sống có trách nhiệm và chu toàn bổn phận của mình, là một người con hiếu thảo với cha mẹ, một người chồng trung tín, yêu thương chia sẻ cuộc sống cùng vợ, đồng thời một người cha luôn hết lòng yêu thương chăm sóc và giáo dục con cái. Ngoài xã hội, họ chú trọng và quan tâm đến những thiếu thốn của người khác, và tìm cách giúp đỡ, đồng thời họ sống theo đạo lý, theo tiếng nói của lương tâm, tôn trọng quyền lợi của người khác và không vì danh vọng mà bán rẻ lương tâm.

Đối với các Kitô hữu, những người có niềm tin vào Thiên Chúa, ngoài ba khía cạnh trưởng thành theo các nhà tâm lý học nói đến như sinh lý, tâm lý và văn hoá - xã hội chúng ta vừa đề cập ở trên. Đối với các Kitô hữu hay những người có niềm tin, trưởng thành về đời sống tâm linh cũng là một đòi hỏi cần thiết. Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống rằng: “Nhiều người trẻ quan tâm đến thân thể mình, tìm cách phát triển thể lý hoặc ngoại hình. Những người trẻ khác thì cố gắng phát huy tài năng và kiến thức của mình... Một số người trẻ khác nhắm cao hơn, cố gắng dấn thân hơn và tìm kiếm một sự phát triển tâm linh...” (Cv, số 158).

Quả thật, việc gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Kitô, Đấng đang sống, là điều thật quan trọng và cần thiết cho mỗi người Kitô hữu, nhất là những Kitô hữu trẻ. “Bởi lẽ, dù chúng ta có sống và trải nghiệm đến đâu chăng nữa, cũng sẽ không bao giờ chạm đến ý nghĩa sâu xa nhất của tuổi trẻ và không nhận biết được tuổi trẻ đầy đủ nhất, nếu chúng ta không gặp gỡ Người Bạn lớn mỗi ngày, nếu chúng ta không sống trong tình bạn với Đức Giêsu” (x. Cv, số 150). Vì “Đức Giêsu là ‘người trẻ giữa những người trẻ để nên mẫu gương cho người trẻ và thánh hiến họ cho Chúa.” (Cv, số 22). Qua việc gặp gỡ Chúa, người trẻ sẽ được Người hướng dẫn, đồng hành giúp đỡ trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Người trẻ gặp gỡ “Người Bạn lớn” nhờ cầu nguyện với Lời Chúa, tôn thờ Thánh Thể, tham dự phụng vụ cách tích cực và sốt sắng.

Bên cạnh đó, theo Đức Thánh Cha: Dấu hiệu của người trẻ trưởng thành là khi họ đưa ra lựa chọn và đi đến quyết định trong những vấn đề nghề nghiệp, xã hội, chính trị. Ngoài ra, họ còn phải đưa ra những quyết định khác, triệt để hơn, những quyết định mà sẽ định đoạt đến hướng đi dứt khoát cho cuộc đời họ, quyết định liên quan đến tình yêu, việc chọn lựa người bạn đời và việc có những đứa con đầu tiên (x. Cv, số 140). Ngài nói tiếp: Dấu hiệu của người trưởng thành là khi người ta bắt đầu đi làm... Việc làm xác định và ảnh hưởng đến căn tính và ý thức về chính mình của một người trẻ, đồng thời là nơi chủ yếu để phát sinh tình bằng hữu và các mối tương quan khác (x. Cv, số 268). Đối với người trẻ, việc làm cũng là điều cần thiết cho cuộc sống, là con đường để trưởng thành, để phát triển nhân bản và hoàn thiện con người mình hơn (x. Cv, số 269). Hơn nữa, với người trẻ chúng ta, việc làm không đơn thuần chỉ là để kiếm tiền, mà còn là thể hiện phẩm giá con người, một con đường để trưởng thành và hòa nhập xã hội (x. Cv, số 271).

2 2Ngoài ra, người trẻ sống trưởng thành là người biết khôn ngoan phân định điều gì tốt, cần phát huy và điều gì xấu, cần xa tránh. Điều này đòi hỏi người trẻ phải luôn luôn huấn luyện lương tâm ngay thẳng, “việc huấn luyện này bao hàm để cho Chúa Kitô biến đổi mình, đồng thời, đó là một thói quen làm điều thiện, kiểm điểm lại việc thực hành này khi xét mình” (Cv, số 282).

Đức Thánh Cha mong người trẻ biết quý trọng bản thân mình, thật nghiêm túc với chính mình và cố gắng phát triển bản thân về đời sống thiêng liêng. Nhiệt huyết đặc trưng của những người trẻ trưởng thành là việc tìm kiếm “sự công chính, đức tin, đức ái, bình an” (2 Tm 2,22) (x. Cv, số 159). Đồng thời, người trẻ trưởng thành cũng là những người “sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi hoạt động thiện nguyện, trở nên công dân tích cực và sống tình liên đới trong xã hội” (Cv, số 170).

Dựa vào hướng dẫn từ chính Tông huấn, Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Thư chung gửi cộng đoàn dân Chúa và đặc biệt người trẻ năm 2019, mời gọi các mục tử, những người làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ, hãy đồng hành để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành. Cũng như chính mỗi người trẻ chúng ta được mời gọi tự đào luyện về thể lý, tâm lý, tâm linh, để có thể sống hoàn thiện hơn trong mọi phương diện hầu trở nên người có ích cho xã hội và Giáo Hội.

Trước hết về thể lý, người trẻ được mời gọi rèn luyện thân thể khỏe mạnh, giữ kỷ luật đối với chính bản thân, phòng ngừa các đam mê nguy hại như rượu, bia, ma túy, cờ bạc, nghiện game.

Thứ đến về phương diện tâm lý, người trẻ tập luyện các đức tính nhân bản, đặc biệt tính trung thực, ý thức công bằng, lương tâm ngay thẳng, tinh thần trách nhiệm. Người trẻ tập sinh hoạt cộng đồng, nhờ đó hướng mở tới tha nhân, tập sống chung và làm việc chung với tinh thần liên đới, quảng đại, vị tha. Những người đồng hành mở các lớp kỹ năng sống giúp người trẻ nhận diện giá trị bản thân, trưởng thành tâm lý và tính dục, phát triển tương quan hài hòa với mọi người.

 Ngoài ra, đời sống tâm linh, các bạn trẻ được mời gọi gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Kitô, Đấng đang sống, nhờ cầu nguyện với Lời Chúa, tôn thờ Thánh Thể, tham dự phụng vụ cách tích cực. Để thực hiện mục tiêu này, các mục tử và giáo lý viên cần canh tân việc dạy giáo lý cho giới trẻ bằng cách tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận theo chuyên đề, nhất là những vấn đề thiết thân với giới trẻ.

Về văn hóa, “không thể tách rời việc đào tạo tâm linh ra khỏi đào tạo về văn hóa” (Cv, số 223). Đào tạo văn hóa đích thực là phát triển sự khôn ngoan, tức là tri thức nhân văn và phát triển nhân bản, chứ không chỉ tìm lợi ích vật chất và hiệu quả cụ thể tức thời.

Cuối cùng là việc phân định ơn gọi, người trẻ cũng cần được đồng hành và hướng dẫn trong việc phân định tiếng gọi của Thiên Chúa, kêu mời họ bước vào đời sống tu trì hoặc đời sống hôn nhân, để họ có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa với tất cả tự do, ý thức đức tin và quảng đại dấn thân.

3 1Như vậy, để là một người trưởng thành, ngoài sự nở nang và sự phát triển về thể xác, mỗi người còn phải được phát triển về tâm lý. Điều này được kiểm chứng bằng sự quân bình trong giao thiệp, nói năng, cư xử và giải quyết những khó khăn, khủng hoảng trong cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra, theo tôn giáo, sự trưởng thành thể lý và tâm lý cần thiết để giúp con người phát triển và đi tới sự trưởng thành tâm linh. Thay cho lời kết, xin được nhắc lại lời của một học giả gửi đến cho chúng ta: Trưởng thành không phải là lúc ta làm được những chuyện lớn lao mà là lúc ta hiểu được những điều bé nhỏ. “Hiểu những điều bé nhỏ”, để quan tâm đến người khác và muốn cho họ sống vui. Đó là bí quyết của hạnh phúc. 

[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung gửi cộng đoàn dân Chúa, đặc biệt là các bạn trẻ năm 2019.
[2] Đinh Đoàn, Tâm lý học: Thế nào là người trưởng thành? http://dinhdoan.net/tam-ly-hoc-the-nao-la-nguoi-truong-thanh/, truy cập ngày 09/3/2020.
[3] x. Trần Mỹ Duyệt, Người Kitô hữu trưởng thành, http://tinmung.net/GIADINH/GiaDinhKitoHuu/KitoHuuTruongThanh/NguoiKitoHuuTruongThanh.htm, truy cập ngày 08/3/2020.

Tác giả: Vinc. Thiên Phúc

Nguồn tin: Tạp chí Ra Khơi số 22

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập141
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm78
  • Khách viếng thăm62
  • Hôm nay64,043
  • Tháng hiện tại987,921
  • Tổng lượt truy cập78,991,372
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây