Khẩu tụng tâm suy (2)

Thứ hai - 18/01/2016 10:18  1811
KINH MƯỜI BỐN MỐI

Đây chính là kinh nguyện dạy về cách thực hành lòng thương xót.Lòng thương xót ở đây được gọi đơn giản là “thương người”, là một nhân đức tác động vào ý muốn của một người để họ biết cảm thương, và trong điều kiện có thể, xoa dịu nỗi khổ đau bất hạnh của người khác nữa. Như vậy, thương xót tuy xuất phát từ chỗ cảm thương nhưng khác hẳn với sự cảm thương ở chỗ thương xót là biết thể hiện ra bằng hành động: tự nguyện và mau mắn cứu trợ, giúp đỡ bất cứ ai, nhất là sẵn lòng tha thứ và hòa giải với họ[1].

Những hành động thương xót là những phương thế của lời hứa mang lại phúc lành cho các tín hữu. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Phúc cho ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Thương xót cũng là đòi hỏi xa của lệnh truyền: “Hãy yêu tha nhân như chính mình” (Mt 22,35-40).

Trong tin mừng Matthêu (25,34-46), Chúa Giêsu cũng đã nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc thực thi sáu việc “thương xác”: cho ăn, cho uống, cho ở, cho mặc, chăm nom, viếng thăm.

Thánh Thomas Aquinas dạy rằng, mặc dầu lòng thương xót chính là hoa trái phát sinh từ đức ái, nhưng vẫn là nhân đức đặc biệt và khác biệt với đức ái. Sự khác biệt ở đây là lòng thương xót nhấn mạnh tới khía cạnh trắc ẩn trong tâm hồn: một trái tim biết “đau” trước nỗi đau của đồng loại (misericordia). Nghĩa căn bản của lòng thương xót vì thế được diễn tả qua việc: (1) rộng lòng tha thứ; (2) rộng tay giúp đỡ người khốn cùng; (3) rộng mở chân trời yêu thương (xây dựng hòa bình)[2].

Trong Tông thư Dives in misericordia (Thiên Chúa giàu lòng thương xót), Đức Gioan Phaolô II cũng đã kêu gọi: “Đức Giêsu Kitô đã dạy rằng con người không chỉ dừng lại ở việc đón nhận và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, mà còn được kêu gọi ‘thực thi lòng thương xót” đối với tha nhân nữa”[3].

Kinh “Mười bốn mối” chính là bản cẩm nang của lòng thương xót, gồm bảy việc tiêu biểu để “thương xót” thân xác và bảy việc tiêu biểu để “thương xót” linh hồn. Thương xác là phục vụ những nhu cầu căn bản của thân xác: nhu cầu ăn uống (được nuôi sống), nhu cầu ăn mặc (được bảo vệ, che chở), nhu cầu được quan tâm chia sẻ (viếng kẻ liệt), nhu cầu được đón tiếp (cho khách đỗ nhà), nhu cầu được tôn trọng (chuộc kẻ làm tôi), được bảo toàn thân xác (chôn xác kẻ chết). Thương hồn là phục vụ những nhu cầu tinh thần: điều tốt, điều lành, kiến thức, sự an ủi, sự hướng dẫn, sự tha thứ, lòng bao dung, lời cầu nguyện…[4].

Sau đây là bản Kinh Mười bốn mối:

Thương người có mười bốn mối
 
Thương xác bảy mối:
 
Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn
Thứ hai: Cho kẻ khát uống
Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc
Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc
Thứ năm: Cho khách đỗ nhà
Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi
Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết
 
Thương linh hồn bảy mối:
 
Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người
Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội
Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo
Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội
Thứ năm: Tha kẻ dể ta
Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta
Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết
 
Chú thích: mối: đầu mối, tiêu biểu; kẻ liệt: người ốm đau bệnh tật; tù rạc: bị giam cầm tù tội; đỗ nhà: ở lại nhà; làm tôi: người làm đầy tớ, nô lệ; dể: khinh dể, xúc phạm đến.
 

[1] X. J. Hardon, “Thương xót”, trong Từ điển Công Giáo phổ thông, Bản dịch in ronéo, tr. 406.
[2] X. S.Huỳnh Trụ, “Thương xót –Từ bi”, trong Bài giảng Chúa Nhật, Tòa TGM TP HCM, 7/2015, tr. 108-121.
[3] X. Gioan Phaolô II, Tông thư Dives in misericordia, Libreria Editrice Vaticana, November 30, 1980, số 14.
[4] The Catholic Encyclopedia, “Corporal and Spiritual Works of Mercy”, http://www.newadvent.org/cathen/10198d.htm, truy cập 9/11/2015.

Tác giả: Hương Kinh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập210
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm182
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại868,039
  • Tổng lượt truy cập69,927,913
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây