Suy niệm 7 sự đau đớn Đức Mẹ trong đại dịch

Chủ nhật - 05/04/2020 23:37  7985
Suy niệm 7 sự đau đớn Đức Mẹ trong đại dịch

Cộng đoàn quì, làm dấu thánh giá, hát Chúa Thánh Thần.

Dẫn nhập: Kính thưa cộng đoàn!

Trong tông thư Rosarium Virginis Mariae, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Mẹ Maria là mẫu gương vô song cho ta về việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô vì không ai say sưa chiêm ngưỡng dung nhan Chúa một cách trung thành như Mẹ. Đôi mắt tâm hồn của Mẹ hướng về Người ngay từ lúc truyền tin… tìm Người thất lạc trong đền thờ… hoặc cái nhìn chiêm ngưỡng trong đau buồn khi chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của Người”.

Về mặt tự nhiên, Mẹ Maria như bao người mẹ trên thế gian, cũng sinh thành, dưỡng dục và yêu thương con hết mực. Về phương diện thiêng liêng, Mẹ đã đồng hành với Chúa Giêsu trong công cuộc Cứu Chuộc. Chiêm ngắm cuộc đời Mẹ, nhiều khi chúng ta không khỏi thắc mắc, nhờ đâu và làm thế nào Mẹ có thể đứng vững được qua những biến cố đã xảy đến như vậy? Bí quyết chính là nhờ Mẹ luôn biết giữ tâm hồn thinh lặng "mà suy đi nghĩ lại" những lời nói, việc làm và cả đòi hỏi mà Thiên Chúa muốn qua sự cộng tác của Mẹ. Cùng với Giáo Hội suy ngắm Bảy Sự Thương khó Đức Mẹ trong ngày thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta có cơ hội trải nếm và học hỏi từ Mẹ lòng trung thành, tín thác và yêu thương không tính toán.

Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết lắng nghe, thấu hiểu và cảm nhận được tâm tư, tình cảm, và nỗi đau của Mẹ trên đường thập giá xưa. Cũng trong giờ phút quý giá này, chúng con xin dâng lên Mẹl ời nguyện cầu cho thế giới, cho Giáo Hội, cho cộng đoàn và cho các gia đình chúng con trong cơn đại dịch này.

Hát: Lời Nguyện Trong Cơn Đại Dịch, câu 4
(Kính mời cộng đoàn ngồi)
Nỗi đau thứ 1: ÔNG SIMÊON NÓI TIÊN TRI CÙNG ĐỨC MẸ
 
1

“Ông Simêon nói với Đức Maria: Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2, 34-35).

Cuộc hội ngộ với cụ già Simêon, một người ‘công chính và sùng đạo’ đã đưa cha mẹ Hài Nhi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trước tiên là lời chúc tụng Thiên Chúa khi ẵm Hài Nhi trên tay, rồi lời chúc phúc cho thánh Giu-se và Mẹ Maria, tiếp đến là lời tiên tri về số phận Hài Nhi. Hài Nhi là dấu hiệu, là "duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên". Sau cùng là tiên báo về chính Mẹ "một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà". Trước một loạt những lời tiên báo xem ra chẳng có gì là may mắn, tốt đẹp về  tương lai của Con cũng như của Mẹ, ta chỉ thấy Mẹ thinh lặng. Đặc biệt đối với Mẹ, lời tiên báo hôm nay như cửa ngõ dẫn vào những thách đố trong hành trình đức tin.

Lạy Mẹ Maria, sự thinh lặng của Mẹ trước thánh ý Chúa là mẫu gương cho chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con biết noi gương Mẹ, giữ thinh lặng trước những biến cố xảy đến, nhất là trong nạn dịch Covid này được vững lòng trông cậy, không hoang mang lo sợ nhưng biết phó thác hoàn toàn cho bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.

Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 7 Kinh Kính Mừng.
Hát: Lời Nguyện Trong Cơn Đại Dịch, câu 1
 
Nỗi đau thứ 2: ĐỨC MẸ ĐEM CHÚA GIÊSU TRỐN SANG AI-CẬP
 
2

“Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập” (Mt 2:13-14)
Là một người luôn ghi nhớ và suy đi nghĩ lại các sự kiện trong lòng, hẳn Mẹ Maria cũng nhận ra biến cố trốn sang Ai-cập là một lời tiên báo cho Mẹ thấy một khởi đầu đầy gian nan và bấp bênh đã mở ra. Ngày đón nhận sứ điệp con Thiên Chúa ngự trong cung lòng cũng là ngày Mẹ dấn thân vào hành trình thử thách rồi. Thế nêntrước tình thế này, Mẹ không đắn đo, suy nghĩ mà mau mắn cùng thánh Giuse trỗi dậy tiến vào đêm tối đức tin.Suy tư về nỗi đau thứ hai của Mẹ Maria đã hé lộ cho chúng ta thấy phương thế giúp Mẹ luôn giữ được sự bình tâm trước mọi biến cố của cuộc sống.

Lạy Mẹ Maria, cả cuộc đời Mẹ là một bài ca không lời, không ngừng dâng lên Thiên Chúa. Xin giúp chúng con biết dâng cho Chúa một tình yêu trọn vẹn qua đời sống thinh lặng và cầu nguyện, nhờ đó chúng con cũng được biến đổi những tâm tình, cảm nghĩ và hành động nên giống tâm tình, cảm nghĩ và hành động như Mẹ.

Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 7 Kinh Kính Mừng.
Hát: Tận hiến cho Mẹ, sách Ngợi ca tình Chúa 2, trang 30, câu 2.
 
Nỗi đau thứ 3: ĐỨC MẸ LẠC MẤT CON TRONG ĐỀN THỜ
 

“Hằng năm, cha mẹ Ðức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ.” (Lc 2: 41-46)

Nỗi hoang mang lo lắng vì để lạc mất Con đã khiến trái tim Mẹ thắt lại vì đau đớn. Cuộc tìm kiếm con của hai ông bà cũng dạy chúng ta rằng, trong cuộc đời điều không may vẫn thường xảy đến như một hệ quả tất yếu của cuộc sống. Có vui ắt có buồn. Khi gặp thử thách tưởng như không lối thoát đừng vội nản chí thoái lui, hãy trở về nguồn như hành trình trở về với Thiên Chúa để tìm lại những gì đã mất, như cách Mẹ Maria xưa khi kiên trì tìm kiếm Con, trở lại đền Giêrusalem Mẹ đã nhận lại được nguồn yêu thương.

Lạy Mẹ Maria, đại dịch Covid đã cướp đi biết bao sinh mạng trên thế giới, nhưng nỗi đau lớn nhất chính là tiếng khóc của những đứa trẻ mất mẹ, mất cha. Xưa Chúa Giêsu đi lạc còn có Mẹ chạy đôn đáo khắp nơi tìm kiếm, nay nhiều đứa trẻ mồ côi không được thấy tình thương yêu của cha mẹ nữa. Nhân loại hiện nay có nhiều người chẳng khác đứa trẻ bơ vơ, mất phương hướng không biết tìm đâu ra điểm tựa nương giữa giông tố Covid. Xin Mẹ cầu cùng Chúa Giêsu sớm hiển lộ vinh quang của Ngài xua đi bóng tối sự dữ Covid để ánh sáng Phục sinh của Ngài bao phủ khắp vũ hoàn.

Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 7 Kinh Kính Mừng.
Hát: Lời Nguyện Trong Cơn Dịch Bệnh, câu 2
 
Nỗi đau thứ 4: ĐỨC MẸ GẶP ĐỨC GIÊSU VÁC THẬP GIÁ
 
4

“Bấy giờ ông Philatô trao Ðức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Họ điệu Ðức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá.” (Ga 19: 16 – 18)

Khi Đức Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, ta hiểu rằng Ngài đã đi đến chặng cuối của hành trình khổ giá, nhưng với Mẹ Maria thì chưa. Mẹ còn phải chứng kiến cảnh lính tráng chia nhau áo của Chúa Giêsu. Chiếc áo Mẹ đã dệt, đã khâu cho con với tất cả thương yêu trìu mến. Tấm áo che mưa nắng như tình mẹ bao bọc thân thể người con Mẹ hết dạ yêu thương. Giờ lính tráng xé nó ra để chia nhau có khác nào xé nát tâm hồn Mẹ. Lại còn cả những đinh nhọn đang ghim chặt chân tay Con của Mẹ vào thập giá nữa. Kể từ lúc ấy trái tim Mẹ như đã bị đóng làm một với con trên thập tự vậy.

Lạy Mẹ Maria, xưa trên hành trình thập giá có lẽ Chúa Giêsu cũng được yêu ủi nhiều vì có Mẹ song hành. Chúng con cũng ước ao mời Mẹ đến và ở lại trong cuộc đời chúng con mọi ngày. Có Mẹ ở cùng chúng con tin bất cứ điều gì chúng con nguyện dâng lên Thiên Chúa, chắc chắn Ngài sẽ nhận lời. 

Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 7 Kinh Kính Mừng.
Hát: Dâng lễ với Mẹ, Thánh ca cộng đồng, trang 72, câu 1
 
Nỗi đau thứ 5: ĐỨC MẸ ĐỨNG DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ
 
5

“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.” (Ga 19: 25 – 27)

Người ta thường nói nỗi đau lớn nhất là nỗi đau của sinh ly tử biệt. Trong bóng chiều tà, trên đỉnh đồi kia có người mẹ chết lặng chứng kiến đứa con yêu dấu trút hơi thở cuối cùng trên cây thập tự. Hiện diện trong cuộc hành hình ấy cũng có một số người, mỗi người có những thái độ khác nhau, lính tráng ở đó vì bổn phận thực thi bản án, có người đến vì hiếu kỳ, có người vì tình nghĩa thầy trò mà đến. Nhưng rồi họ cũng lần lượt ra về, chỉ còn lại mẹ Maria cứ đứng lặng dưới chân thập giá. Không một lời oán thán nào đã thốt ra từ Mẹ. Dáng ‘đứng’ im lặng như một lời phó thác tuyệt đối, hiến lễ tình yêu cuối cùng Mẹ dâng trọn vẹn lên Thiên Chúa chính là đây.

Lạy Mẹ Maria, chiêm ngắm nỗi đau của Mẹ càng khiến con thấy rõ sự yếu nhược nơi mình. Lẽ thường đón nhận hạnh phúc thì ai ai cũng vui nhưng trước bất hạnh, đau khổ mới biết được giá trị lòng kiên trung là gì. Xin Mẹ cầu cùng Chua Giêsu nâng đỡ những tâm hồn đang đau khổ, những bệnh nhân, các y bác sĩ và soi sáng cho các nhà khoa học, các vị hữu trách để họ sớm tìm ra phương cách giải trừ vi rút Corona.

Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 7 Kinh Kính Mừng.
Hát: Lời Nguyện Trong Cơn Dịch Bệnh, câu 3.
 
Nỗi đau thứ 6: HẠ XÁC ĐỨC GIÊSU TRAO CHO ĐỨC MẸ
 
6

“Sau đó, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xếp này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xếp đến hạ thi hài Người xuống.” (Ga 19: 38 – 40)

Khi sinh hạ con nơi hang đá, trong cảnh thiếu thốn nhưng lúc đó tâm hồn Mẹ tràn đầy hạnh phúc. Cái nghèo của vật chất cũng không làm vơi bớt niềm vui của Mẹ sau bao tháng ngày chờ đợi cũng tới lúc Con được sinh ra. Giờ đây Mẹ cũng đang ôm con trong lòng, nhưng sao tâm hồn Mẹ quá đỗi xót xa. Con nằm bất động, lạnh ngắt trong lòng Mẹ. Đây có lẽ là lúc Mẹ cảm nhận rõ hơn bao giờ lưỡi gươm đang xuyên thấu tâm hồn. Niềm vui lúc con chào đời nơi hang Bê-lem đã không còn, giờ chỉ còn đau thương tử biệt.

Lạy Mẹ Maria, khi Mẹ nhận và ôm xác Chúa Giêsu vào lòng thì cũng như Mẹ đã ôm trọn nhân loại khổ đau, tội lỗi. Trước những thách đố về đời sống đức tin cùng những nỗi đau mà Giáo Hội của Chúa đang chịu, xin Mẹ thương đồng hành với những ai đang mang gánh nặng đớn đau, bệnh tật về thể xác cũng như tinh thần được luôn vững tin vượt qua mọi khó khăn, thách đố trong hành trình tiến về quê hương vĩnh cửu.

Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 7 Kinh Kính Mừng.
Hát: Mẹ Đồng Công, Ngợi ca tình Chúa 2, trang 12, câu 1-2.
 
Nỗi đau thứ 7: TÁNG XÁC ĐỨC GIÊSU TRONG HANG ĐÁ
 
7

“Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó” (Ga 19, 41-42).

Ngôi Hai Thiên Chúa sinh ra trong một hang đá và mồ an táng Người cũng là một hang đá. Từ lúc nào hang đá đã gắn liền với số phận của Chúa Giêsu? Đây có phải là ngẫu nhiên hay sự an bài khôn ngoan từ ngàn đời của Chúa Cha? Sinh ly, tử biệt của con Mẹ được ghi khắc vào đá ngàn đời chẳng phai mờ. Hang đá vững tựa lòng Mẹ kiên trung trước gió mưa, thử thách. Tấm lòng Mẹ lặng lẽ mà vững như thạch động. Huyệt đã tĩnh mịch, sâu thẳm không chỉ lưu giữ thân xác Con yêu của Mẹ, nó còn chứa đựng tất cả nỗi đau cũng như niềm hy vọng của Mẹ. Từ lúc mai táng con, mỗi ngày Mẹ vẫn trông đợi khối đá chặn cửa mồkia sớm mở ra, và ánh sáng Phục sinh sẽ tỏa chiếu khắp thế gian.

Lạy Mẹ Maria, cũng như Mẹ đã trông chờChúa Giêsu sống lại thế nào, thì giờ đây chúng con cũng đang trông mong được thấy ánh sáng Phục sinh như vậy. Xin Mẹ cầu thay nguyện giúp để ngày Chúa sống lạinhân loạicó hy vọng được thoát khỏi bóng tối sự dữ Covid. Chúng con xin dâng lên Mẹ những người đã qua đời trong cơn đại dịch, những người đang chán chường thất vọng, đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Xin Mẹ thương đón nhận, nâng đỡ để họ biết đứng lên và tin tưởng vào Chúa Giêsu, là Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết.

Đọc: 1 Kinh Lạy Cha,7 Kinh Kính Mừng.
Hát: Mẹ Đồng Công, sách Ngợi ca tình Chúa 2, trang 12, câu 3-4.
Kính mời cộng đoàn quỳ

Lời nguyện kết: Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ðức Mẹ đứng kề bên thập giá khi Con Chúa chịu khổ hình mà thông phần đau khổ với Người. Xin giúp chúng con trong những lúc vui hay buồn cũng biết chiêm ngắm những nỗi đau của Mẹ, nhờ đó uốn nắn cặp mắt tâm hồn chúng con theo cách nhìn của Mẹ. Để nhờ đó trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống dù bận rộn với trăm ngàn hoạt động, hay gặp những khó khăn thử thách thì tâm hồn chúng con vẫn an bình qui hướng trọn vẹn về Chúa như Mẹ. Vì từ nơi Mẹ chúng con chỉ thấy sự hiện diện của Tình Yêu, một tình yêu không thể diễn tả bằng lời.

Lạy Mẹ Maria, trong đêm tối của cuộc lữ hành trần thế. Chúng con hướng về Mẹ như người lữ hành trong đêm nương nhờ ánh Sao. Xin Mẹ phù hộ, chuyển cầu cho chúng con và đánh thức trái tim nhân loại bằng niềm đau mà Mẹ đã thông hiệp với Chúa trong công trình cứu chuộc. Xin giúp chúng con biết đón nhận những đau khổ trong cuộc đời như một cơ hội để làm sáng danh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen!

Hát: Mẹ Thiên Chúa, sách Ngợi ca tình Chúa 2, trang 5, câu 2.

Tác giả: Nt. Scholastica Vũ Hiền, ĐMBC

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập260
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm237
  • Hôm nay41,673
  • Tháng hiện tại628,555
  • Tổng lượt truy cập70,656,312
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây