Lý tưởng Phan Sinh (Thế kỷ XIII)

Chủ nhật - 09/08/2015 14:37  2122
1. Thánh Phanxicô Assidi (1182-1226)
 
Ngài là một trong những nhân vật tu đức ấn tượng nhất thế giới công giáo. Đây là một trong những bậc thầy tu đức được lắng nghe nhất. Dòng xuất phát từ ngài, các anh em hèn mọn, hay các tu sĩ Phan Sinh có hơn 3000 tu viện ở châu Âu (trong đó 1200 ở Ý và 400 ở Pháp) và khoảng 60.000 tu sĩ vào cuối thời Trung Cổ.
 
Tất cả được sinh ra trong kinh nghiệm cá nhân của Phanxicô. Sinh ra trong một môi trường thương gia quí tộc ở Assidi, thuộc vùng Ombrie, ngài là anh hùng của giới trẻ Assidi. Ngài được ơn và biến đổi nhờ tương quan mầu nhiệm với Đức Ki-tô thập giá và ngài hiểu rằng tìm kiếm Đức Ki-tô phải là mục đích của đời sống. Ngài đau khổ khi đoạn tuyệt với lý tưởng thương gia của gia đình để đi vào sống nghèo khó gần nhà nguyện ở bình nguyên Assidi, nhà nguyện thánh Maria các thiên thần. Quả vậy, Đức Ki-tô đã chỉ cho ngài phải sửa lại nhà thờ xuống cấp này. Ban đầu ngài nghĩ điều đó theo mặt chữ và theo đời sống ẩn tu trong khó nghèo, cầu nguyện và làm việc tay chân. Nhưng vào năm 1208 hay 1209, ngài nghe đọc tin mừng Mát thêu trong thánh lễ, chương 10, câu 9 và tiếp theo, ngài đã xác định được ơn gọi tông đồ của mình. Thế là ngài bắt đầu giảng về Nước Thiên Chúa, sám hối và bình an. Các đệ tử đã liên kết với vị "tông đồ của thời đại mới này". Chẳng mấy chốc Đức Giáo hoàng Innôcentê III đã phê chuẩn, phong trào lan rộng như lửa. Những năm đầu được đánh dấu bởi niềm vui và thoải mái lạ lùng, trong đó còn lưu lại trong cuốn Fioretti, tên người môn đệ của ngài, như thánh Antôn Pađua (1195-1231). Phanxicô đã viết một số tài liệu, nhất là cuốn Luật. Những năm cuối đời được đánh dấu bằng những kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa hơn. Cuối cùng, ngài đã nhận những dấu thánh mà ngài là người nam đầu tiên được ghi và qua đời tại Alverne trong sự liên đới sâu xa với Đức Ki-tô trên thập giá. Trong cùng ý hướng, thánh Clara (1194-1253) thiết lập dòng mang tên ngài, sống cùng tu đức, dưới hình thức tu kín (lễ kính thánh nữ ngày 11/8 này).
 
Phanxicô có cảm tưởng có lẽ đã đi xa hơn ai hết về sự kết hợp với Đức Ki-tô. Đối với ngài, không phải là chỉ nhìn Đức Ki-tô mà hoàn toàn đồng hình đồng dạng với Ngài, bắt chước Đức Ki-tô đến độ mặc lấy Ngài, như thể điều đó đang xảy ra. Người ta đã nói về thánh nhân : "Ngài cần gì phải đến với Chúa vì ngài đang ở trong Chúa Giê-su? Ngài mang Chúa trong tim, trên môi, trong tai, trong mắt, trong tay, trong mọi phần khác của thân thể[1]". Về mặt này, ngài đi theo hướng của thánh Bernard, với tinh thần giản dị hơn, bình dân hơn. Ngài đã đưa tất cả mọi người ki-tô hữu kết hợp với Đức Ki-tô.
 
Kết hợp với Đức Ki-tô nghĩa là nhìn Ngài trên trái đất này, trong "khiêm tốn nhập thể và bác ái của khổ nạn". Chỉ qua Đức Ki-tô mà chúng ta biết Thiên Chúa. Clara nói : "Con Thiên Chúa đã thành đường mà cha đáng kính của chúng ta, người yêu thật và người bắt chước của Đức Ki-tô đã chỉ và đã dạy chúng ta bằng lời và bằng gương sáng." Vì thế, Phanxicô muốn tái diễn lại chính những cử chỉ của Đức Ki-tô. Ngài muốn đặt bước chân mình trong bước chân Chúa, sao chép lại những hành vi của Chúa, không chỉ bên ngoài mà cả bên trong. Chính vì thế, nếu không phải là sáng kiến, ngài đã giản dị hóa máng cỏ, vì ngài nhìn đó là phương thế hữu hình khi chiêm ngắm sự khiêm hạ và tình yêu của một Thiên Chúa chấp nhận bất lực là trẻ thơ. Kết hợp với Đức Ki-tô, đó cũng là chấp nhận theo Ngài trong khổ nạn, không chỉ bằng lời, nhưng cũng bằng hành động, khi tái diễn lại trong chúng ta cuộc khổ nạn này. Vì vậy, Phanxicô đã đón nhận dấu thánh. Cuối cùng, kết hợp với Đức Ki-tô, đó là tôn thờ Ngài và đón nhận Ngài trong Thánh Thể. Phanxicô có lòng sùng kính đặc biệt Mình và Máu Chúa Ki-tô, cũng như Lời Chúa, cách hiện diện khác của Thiên Chúa. Thánh nhân đọc thánh vịnh, như người ta nói, "như ngài hiện diện trong Chúa".
 
Để đi vào con đường này, cần phải yêu mến Mẹ Maria và đón nhận các nhân đức. Ngài yêu mến Đức Trinh nữ với tình yêu không thể diễn tả vì Mẹ đã làm cho Chúa cao cả thành anh em của chúng ta". Cũng cần phải có một số thái độ nội tâm, một vài nhân đức. Thật vậy, không ai có thể hoàn toàn bắt chước Đức Ki-tô. Người ta chỉ có thể sống một vài chiều kích theo đời sống của Chúa. Điều đó thể hiện qua các đoàn sủng của các dòng tu khác nhau. Cho nên, người ta nói đúng là "những nhân đức Phanxicô". Trước tiên là nghèo khó, thứ hai là khiêm hạ. Phanxicô muốn rằng dòng của ngài gọi là : các anh em hèn mọn, tức là nhỏ bé, khiêm tốn, và người ta gọi Phanxicô là "người nghèo nhất của Đức Ki-tô". Trong sự hạ mình xuống trần gian, Chúa Giê-su đã là người nghèo nhất và khiêm hạ nhất. Nếu người ta đầy kiêu căng, khép mình lại trong của cải riêng, Thiên Chúa tránh xa họ. Sự nghèo khó và khiêm hạ không nên sống kiểu tự biện. Đó là những nhân đức áp dụng thật sự và cụ thể. Đời sống Phanxicô như vậy sẽ là nghèo, các tu viện khiêm tốn, nhỏ bé, không thu nhập, sống khất thực, được nuôi dưỡng bằng bái ái của mọi người và sự quan phòng của Thiên Chúa. Dòng sẽ cố gắng khước từ sức mạnh. Không áp đặt.
Cũng yêu Giáo Hội bằng tình yêu cao cả. Phanxicô là con của Giáo Hội theo nghĩa mạnh nhất của từ. Ngài không bao giờ đặt kinh nghiệm của mình trên Giáo Hội. Ngài yêu mến, vâng phục và muốn cải cách Giáo Hội, nhưng từ bên trong, trong bình an, trong niềm vui, trong tình mến các ki-tô hữu.
 
2. Ảnh hưởng Phan Sinh
 
Cuộc đời thánh Phanxicô tạo ra ấn tượng sâu rộng trong Giáo Hội thời đó. Một chút như vậy, qua ngài, Đức Ki-tô trở lại nói với con người. Người ta nói về ngài : Franciscus al-ter Christus, "Phanxicô là Ki-tô khác", để diễn tả sự hiệp nhất này giữa Phanxicô và thầy mình. Đó cũng như là Tin mừng được rao giảng lần nữa và người ta có thể chỉ ra rằng ngài có thể sống theo mặt chữ một cách thực sự. Điều này diễn ra trong bầu khí huyền nhiệm rất mạnh mẽ, nhưng không phải là không quân bình, trong một cách hòa giải con người với Thiên Chúa và với chính thiên nhiên.
 
Khi rao giảng sự sám hối, tức là sự trở lại của con tim, các tu sĩ Phan Sinh lay động cách sâu xa xã hội thời đó, họ là cội rễ đưa thế giới ki-tô tiến lên trong lãnh vực thiêng liêng. Hơn một học thuyết, họ sống tinh thần thực tế. Chúa Giê-su được chiệm ngưỡng như một anh em, một người bạn rất gần gũi, Đức Mẹ hơn cả một người mẹ, mà như một nữ hoàng. Các tu viện Phan Sinh, thường nhỏ nhất, đơn giản nhất, tập họp số nhân sự rất khác với các nhà của Biển Đức. Họ đề ra một đời sống giản dị, khiêm tốn, vui tươi và huynh đệ. Sống hành khất, không thu nhập cố định (Phan Sinh và Đaminh là những dòng khất thực đầu tiên), họ làm chứng bằng đời sống hoàn toàn Tin mừng.
 
Các tu viện được thiết lập trong các thành phố nhỏ nhất. Cạnh mỗi tu viện, có dòng ba giáo dân nam và nữ muốn sống lý tưởng Phan Sinh. Họ sống trong gia đình và làm việc như mọi người, nhưng họ có thời gian cầu nguyện chung, họ hỗ trợ nhau bằng trợ giúp và bác ái, họ quan tâm đến người nghèo, họ tham gia vào đời sống phụng vụ của tu viện. Trong các thành phố lớn, một số dòng ba chiếm được con số quan trọng người tham gia. Các gia đình gắn bó cách lâu dài với các tu sĩ Phan Sinh và cung cấp cho họ những ơn gọi nam và nữ. Bầu khí ki-tô giáo ngày càng chặt chẽ, tiếp xúc với mọi người ngày càng trực tiếp và đơn giản. Như vậy các tu sĩ Phan Sinh là một dòng rất bình dân, hơn cả nghĩa của từ.
 
Thế nhưng, việc thành lập Dòng không bao giờ dễ dàng, vì những lý do khác nhau. Trước hết, vì bản chất tự nhiên của linh đạo. Có áp lực giữa đặc sủng và thành lập, giữa tự do và sự cần thiết tổ chức. Điều đó nhanh chóng phát sinh những lệch lạc thiêng liêng rất phiền hà tới Dòng. Đặc biệt sự quân bình được thành lập bởi những nhân vật như thánh Bonaventura (1221-1274), giảng dạy tại đại học Paris, vị tổng quyền thứ ba của Phan sinh. Trong con người và tác phẩm, ngài đã làm tổng luận về kinh nghiệm Phan Sinh, tổng luận học thuyết truyền thống Giáo Hội và kinh viện. Ngài có công diễn tả đặc sủng riêng của Dòng dưới hình thức khôn ngoan cần có và thích đáng. Các tác phẩm của ngài, đặc biệt cuốn Itinerarium mentis ad Deum (hành trình thiêng liêng đến với Chúa) và cuốn De triplici via (ba con đường) lập tức trở thành những tác phẩm kinh điển.
 
Minh Sáng chuyển ngữ
Nguồn: Bernard Peyrous, Histoire de la spiritualité chrétienne, Editions de l’Emmanuel 2010

[1] Thomas de Celano, Vita prima, số 115.
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập258
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm235
  • Hôm nay45,024
  • Tháng hiện tại631,906
  • Tổng lượt truy cập70,659,663
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây