Vâng phục – Hành trình đi đến tự do nội tâm

Chủ nhật - 23/08/2015 02:45  10564
Quyền bính và vâng phục trở thành một dấu chỉ sáng ngời của tình phụ tử duy nhất đến từ Thiên Chúa, của tình huynh đệ phát xuất từ Thánh Thần, của tự do nội tâm nơi những con người đã phó thác cho Thiên Chúa
(TH, số 92)
 
Đức Phaolô VI đã coi đức tuân phục như là tâm điểm của công cuộc thích nghi và canh tân đời tu[1]. Dĩ nhiên, đó là một quyền bính được thi hành không phải để thống trị mà là phục vụ trong đức ái như lời dạy của thánh Augustinô[2]. Thánh Tôma đã không ngần ngại coi lời khấn vâng phục là “lời khấn cao trọng nhất (maximum est) trong tất cả các lời khấn”, vì qua đó người tu sĩ dâng cho Thiên Chúa điều cao quý nhất là ý chí tự do và quyền định đoạt về đời sống[3]. Tuy nhiên, lời khấn vâng phục cao cả nhưng lại không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh hôm nay, vì lời khấn này đòi hỏi chúng ta phải hi sinh chính mình, hi sinh ý chí, hi sinh ý riêng, hy sinh chính bản ngã như là một hiến lễ dâng tiến Thiên Chúa, noi gương tuân phục khiêm hạ của Chúa Kitô, “Đấng đã tự huỷ mình, nhận lấy thân phận tôi tớ... và vâng lời cho đến chết” (Pl 2, 7-8; GH 42d)[4].
 
Công đồng Vatincanô II làm nổi bật giá trị cứu độ và tư tế của hành vi tuân phục nơi Chúa Giêsu (x. GH 3, 36, 37, 41; TG 24) và vai trò tích cực đầy trách nhiệm của Mẹ Maria (x. GH 56, 61, 63). Đức tuân phục tu trì chói lọi như một hiến lễ toàn thiêu dâng tiến Chúa, noi gương Chúa Kitô tuân phục và Mẹ Maria “xin vâng” (DT 14)[5].
 
Ở đây chúng ta bàn đến những khía cạnh cần lưu tâm hơn dưới lăng kính tình yêu.

 

Vâng phục sáng tạo và có trách nhiệm: vì yêu mến

 
Lời khuyên sống vâng phục được rút ra từ “sự vâng phục cho đến chết” của Chúa Giêsu (HA 13). Quả thực, trong đức tin, người thánh hiến sống đức vâng phục “để yêu mến theo gương Chúa Kitô, Đấng đã vâng phục cho đến chết” (YT 22). Các tu sĩ vừa noi gương vừa tham gia vào sự vâng phục cứu độ của Chúa Giêsu, nhằm cứu độ thế giới (HL 15b).

Người tu sĩ được mời gọi “vâng phục các bề trên theo tiêu chuẩn quy luật và hiến pháp, trong tinh thần tin kính và yêu mến đối với thánh ý Chúa” (DT 14, GL 601). Chính tình yêu giúp họ vâng phục cách tích cực, cởi mở, chân thành và vui tươi sáng tạo, để không những không làm giảm bớt phẩm giá mà còn nâng cao “tự do của con cái Chúa” nơi họ (DT 14, HL 15). Do đó, trong khi vẫn coi trọng “tính vô điều kiện” của đức tuân phục Ki tô giáo (x. CT 27), chúng ta cần cổ võ sự nội tâm hoá và tinh thần đối thoại cũng như tạo ra khoảng trống cần thiết cho những sáng kiến và quyết định riêng, để tạo nên một nếp sống tuân phục tích cực và có trách nhiệm (HL 15c).
 
Điều này cần gắn kết với việc tìm kiếm và thi hành ý Chúa trong tư cách một người con ngoan hiền, hiếu thảo, vì “tìm kiếm ý Chúa có nghĩa là tìm kiếm một ý muốn thân thiết và nhân từ, ý muốn đó ước mong sự thành toàn của chúng ta, trên tất cả, ý muốn đó khát mong một sự đáp trả tự do trong tình yêu đối với tình yêu, để làm chúng ta trở thành dụng cụ của tình yêu linh thánh. Chính theo via amoris (con đường tình yêu) này mà đoá hoa lắng nghe và vâng phục nở bung” (QBVP 4)[6]. Đó là thái độ yêu mến, thảo hiền, thân thiết của một người con trước Cha của mình (QBVP 5), của một người yêu với một Người Yêu (QBVP 6), của một thụ tạo với Đấng Tạo Hoá trong một sự hoà điệu “interior intimo meo” - thân mật hơn cả con đối với bản thân con:
 
“Như một lời đáp trả tự do và giải phóng của Israel mới đối với đề nghị của một giao ước mới, vâng phục phát xuất từ sự lắng nghe. Vâng phục là một phần của Giao ước Mới, với sự vâng phục như là nét đặc trưng riêng biệt của nó. Từ điểm này sẽ tiến đến sự vâng phục có thể được hiểu một cách hoàn toàn chỉ trong logic tình yêu, thân mật với Thiên Chúa và tuyệt đối thuộc về Đấng mà cuối cùng làm cho mọi sự được tự do”(QBVP 6).

 

Cùng nhau lắng nghe và thi hành ý Chúa

 
“Sức mạnh thánh hoá và canh tân chứa đựng trong một cuộc sống vâng phục, mà mục tiêu duy nhất là thi hành thánh ý Thiên Chúa vì phần rỗi thế giới” (XPL 17). Huấn thị Phục vụ Quyền bính và Vâng phục đã nêu bật khía cạnh đó khi chọn câu chủ đề là Faciem tuam, Domine, requiram, “Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài”! Quả thực, lý do của toàn bộ đời thánh hiến là tìm kiếm và thực thi ý Chúa, và điều đó đúng hơn trong đức vâng phục (QBVP 12).
 
Những thách đố của vâng phục thường nằm ở cụm từ “tự do” và ở khâu trung gian, vì chúng ta vâng phục ý Chúa qua “trung gian nhân loại” (QBVP 9).
 
Đức tuân phục thực ra là lời mợi gọi hướng về sự tự do đích thực của con cái Chúa, khi con người được giải thoát khỏi mọi ràng buộc khiến họ xa rời ý Chúa. Lời khấn tuân phục vì thế phải được hiểu như là “lắng nghe” và “thi hành” thánh ý của Thiên Chúa, cả dưới góc độ cá nhân cũng như tập thể[7]. Qua việc tìm kiếm và thi hành ý Chúa, người thánh hiến tìm được tự do đích thực và tìm thấy con đường tốt nhất để thực hiện và tăng tiến sự tự do đích thực đó. Vì chính qua vâng phục, họ tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc đời, là thi hành ý muốn cứu độ của Ngài trên đời mình, là tháp nhập ý mình vào ý Chúa, hiệp nhất với cộng đoàn để thực thi cùng một chứng tá và cùng một sứ vụ trong tinh thần con thảo với Chúa và hiệp thông huynh đệ với anh chị em mình (x. TH 91-92)[8].

Khi sống tuân phục, người tu sĩ thể hiện tinh thần phó trác trọn vẹn nơi Thiên Chúa: “Lời khấn vâng phục đặt cuộc sống hoàn toàn trong bàn tay Đức Kitô ngõ hầu Người có thể sử dụng theo kế hoạch của Thiên Chúa và biến nó trở nên một tuyệt tác” (XPL 22). Chính Chúa Kitô đã vâng phục trong tinh thần phó thác của một Người Con. Mầu nhiệm vâng phục của Ngài “mở ra cho chúng ta tính chất làm con của sự vâng phục Kitô giáo: chỉ người con mới cảm được mình được Cha yêu và yêu Cha bằng toàn thể con người, chỉ người con mới có thể đạt tới loại vâng phục triệt để này” (QBVP 8).
 
Khó khăn thứ hai đến từ “trung gian”. Để giải quyết vấn đề, một đàng “các bề trên cần thi hành quyền bính trong tinh thần phục vụ”. Họ phải thi hành quyền bính thế nào để thế nào “để các anh em/ chị em có thể hiểu được rằng khi họ ban một mệnh lệnh, khi họ làm như thế chỉ là để vâng phục Thiên Chúa” (QBVP 12). Đàng khác, các tu sĩ cũng cần “ý thức sự mỏng dòn của riêng mình và sự chấp nhận giá trị của những trung gian đặc biệt vẫn còn giá trị, ngay cả khi những lý do được trình bầy không được hiểu thấu hoàn toàn” (QBVP 9). Nhưng trên hết, cả hai (bề trên và các tu sĩ) cần từ bỏ ý riêng, để cùng nhau khám phá, tìm kiếm, lắng nghe và thi hành ý Chúa cho cộng đoàn cũng như bản thân. Chính đức ái và đời sống huynh đệ cộng đoàn là môi trường lý tưởng để nhận định và đón nhận ý Chúa (TH 92). Sự thi hành quyền bính và vâng phục như thế được bảo đảm là cả hai đang nỗ lực thi hành sứ mạng và bước theo Chúa, chứ không phải là thi thố ước muốn hay theo cảm hứng của riêng mình (TH 92).
 
Điều này đòi hỏi một sự mở ra với Chúa Thánh Thần, như Huấn thị Phục vụ Quyền bính và Vâng phục đã viết: “Nếu trong những lúc khó khăn những người được kêu gọi vâng phục kêu xin không ngừng Chúa Cha ban Thánh Thần, thì Người sẽ ban Thánh Thần cho họ và Thánh Thần sẽ ban ánh sáng và sức mạnh để vâng phục và sẽ giúp họ biết sự thật – và đó là sự thật làm cho họ được tự do. [...]
 
 “Vì thế, tuyệt đối cần thiết mọi người phải mở lòng ra với Thánh Thần, bắt đầu từ các bề trên là người lãnh nhận quyền bính từ Thánh Thần và “dễ dạy với ý Chúa” dưới sự hướng dẫn của Người phải thi hành điều đó.” (QBVP 11)

 

Khiêm nhường, bỏ mình

 
Trong thực tế, đức tuân phục đòi hỏi sự khiêm nhường thẳm sâu và sự hiệp thông trong cộng đoàn. Nếu như thánh Biển Đức đã trình bày về đức vâng phục trong tương quan với đức khiêm nhường và các nhân đức khác, thì thánh Basiliô và thánh Đa Minh lại đề cao tính hiệp thông và bác ái của lời khấn này[9]. Huấn thị Phục vụ Quyền bính và Vâng phục đã nói đến tính cách khiêm tốn và hiệp thông đó của đức vâng phục.
 
Trước hết là khó khăn liên quan đến những người phục vụ quyền bính. Họ cần bỏ mình và khiêm tốn đủ để có thể “tôn kính ý Chúa” và ngày càng hành động phù hợp với ý Chúa nhiều hơn. Họ cần phải “tìm kiếm một cách cần mẫn với sự trợ giúp của cầu nguyện, suy tư, và lời khuyên của người khác về những gì Chúa thật sự muốn. Nếu khác đi, thay vì đại diện Chúa, các bề trên liều lĩnh đặt mình một cách cẩu thả trong vị trí của Chúa” (QBVP 12).
 
Về phía người có nghĩa vụ vâng phục, thì cần phải “học vâng phục” qua đau khổ hoặc qua những tình huống rất đặc biệt và khó khăn (như khi được yêu cầu rời bỏ những kế hoạch cá nhân hoặc ý tưởng nào đó, từ bỏ lý do tự giải quyết cuộc đời và sứ vụ của mình; hoặc có những lúc trong đó điều đuợc đề nghị (hoặc người yêu cầu) dường như không thuyết phục một cách nhân bản lắm).
 
Trong tình huống ấy, họ cần khiêm tốn tột cùng để chân thành “đối diện với một mệnh lệnh được ban hành một cách hợp pháp rằng, Chúa đòi phải vâng phục người nắm quyền bính mà lúc đó đại diện Người[10] và rằng Đức Kitô cũng ‘học vâng phục từ những đau khổ Người chịu’( Dt 5,8)”.
 
Đức Phao lô VI mời gọi các tu sĩ trong tình huống đó nhìn lên Thánh giá: “Các con phải cảm thấy một sức mạnh nào đó đã lôi kéo Đức Kitô đến Thánh giá của Người – phép rửa đó Người vẫn phải chịu, nơi đó bốc cháy ngọn lửa sẽ thiêu đốt các con – (xc Lc 12,49-50) các con phải hiểu ít nhiều về “sự điên dại” mà Thánh Phaolô cầu chúc cho tất cả chúng ta, bởi vì chỉ có sự điên dại ấy làm cho chúng ta được khôn ngoan (xc 1 Co 3,18-19). Chớ gì đối với các con, cũng như xưa đối với Đức Kitô, Thánh giá trở nên bằng chứng của tình yêu vĩ đại nhất. Phải chăng đã chẳng có một mối tương quan nhiệm mầu giữa thái độ từ bỏ và niềm vui, giữa hy sinh và sự đại lượng, giữa kỷ luật và tự do thiêng liêng đó sao ?”[11].
 
Đúng vậy, trong những trường hợp đau khổ này mà người thánh hiến học vâng phục Đức Chúa ( x. Tv 119,7), lắng nghe Người và tận tình chỉ với Người, chờ đợi một cách kiên nhẫn và đầy hy vọng cho Lời mạc khải của Người ( x. Tv 118,81), trong sự cởi mở quảng đại và hoàn toàn với việc hoàn thành ý muốn của Chúa chứ không phải ý riêng mình ( x. Lc 22,42)[12].
 
Kết luận: Vâng phục với ước muốn tìm kiếm và thi hành ý Chúa, noi gương Chúa Giêsu, trong sự tự do của con cái Chúa và lòng yêu mến quảng đại.
 
Đức vâng phục mang lại cho ta tự do đích thực, vì giải thoát chúng ta khỏi chủ nghĩa cái tôi, óc vị kỷ, các yếu đuối và ảo tưởng, thói ham hố quyền lực và các đam mê. Sống vâng phục là sử dụng tự do một cách tốt nhất và cao thượng nhất để đạt tới điều toàn hảo nhất, đó là được liên kết trọn vẹn với thánh ý Thiên Chúa (x. CT 29)[13].
 
Sống đức vâng phục là của lễ toàn thiêu nhờ thực thi tình yêu liên lỉ. Đó là một hành vi thờ phượng, nên cần được thực hiện với một sự phục tùng khiêm nhường và ngoan thảo, tôn kính và mến yêu, đón nhận những gì được giao phó, như một biểu hiện của tình yêu[14].
 
Gợi ý:
 
- Chúng ta đang thi hành quyền bính thế nào?
- Chúng ta có vâng phục trong thái độ con thảo, tìm kiếm và thực thi ý Chúa với lòng yêu mến không?
- Đâu là những khó khăn và tồn đọng?
 
Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

(Cũng có thể xem bài này trong cuốn sách của tác giả Thắp sáng đời dâng hiến, Tủ sách Ra Khơi 2015, tr. 56-64)
 

[1] X. Phaolô VI, Bài diễn văn trước các bề trên thượnng cấp nước Ý, ngày 12.1.1967. http://www.vatican.va/holy_father/paul_vi/speeches/1967/january/documents/hf_p-vi_spe_19670112_superiore-maggiori_it.html.
 
[2] “Ipsa vero non se existimet potestate dominante, sed c-haritate serviente” (Ep. 211; P.L. 33, 964).
 
[3] X. Tôma Aquinô, Summa Theologica II-IIæ, q.186, 7-8.
 
[4] Bối cảnh hôm nay đề cao tự do và trách nhiệm cá nhân, chủ nghĩa tự do quá trớn, chủ nghĩa tiện nghi và hưởng thụ, chú nghĩa nhân bản và tự nhiên thái quá, sự suy yếu về đức tin… đang làm cho việc thực thi đức tuân phục trở nên khó khăn. X. Essai de réflexion prospective, Paris: U.S.M.F. 1968, tr. 11-27. Được đề cập trong Elio Gambari, “Vita Religiosa oggi” secondo il Concilio e il Nuovo Diritto Canonico [Đời tu dưới ánh sáng Công đồng và Giáo luật], quyển 1, bản dịch Việt ngữ 2000, tr. 391t, 487.
 
[5] X. E. Gambari, Sđd, bản dịch Việt ngữ, tr. 392-401.
 
[6] BỘ đỜi sỐng thánh hiẾn và hiỆp hỘi tông đỒ, Huấn thị Phục vụ Quyền bính và Vâng phục, 11/5/2008.
 
[7] X. J. T. Culliton, “Religious Obedience: Its ‘Grace and Sin’ History”, trong Religious Life Renewed… Formation Renewed!, Canadian Religious Conference, Ottawa 1983, tr. 123.
[8] X. Sebastian George, Sđd, tr. 24-26.
 
[9] X. Phan Tấn Thành, Sđd, 506-511; 515-523.
 
[10] Xc. CĐ.Vaticanô II, Sắc lệnh Canh tân đời tu, 14; Bộ Giáo luật, can. 601.
 
[11] Phaolô VI, Tông thư Chứng tá Phúc âm (29-6-1971), số 29.
 
[12] BỘ đỜi sỐng thánh hiẾn và hiỆp hỘi tông đỒ, Huấn thị Phục vụ Quyền bính và Vâng phục, số 10.
 
[13] X. E. gambari, Sđd, 406t.
 
[14] X. Ibidem, 406-414.

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập378
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm322
  • Hôm nay39,003
  • Tháng hiện tại981,220
  • Tổng lượt truy cập71,008,977
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây