Khi cuộc sống gia đình trở nên như cái chợ

Thứ hai - 21/05/2018 22:13  1969
Cái chợ là nơi con người dùng để trao đổi hàng hóa và qua đó tìm kiếm lợi nhuận. Có thể nói, chợ là một trong những nơi không thể thiếu của cuộc sống con người, dù là thời đại nào đi chăng nữa. Nơi đó, xuất hiện những âm thanh “chợ búa”, những ồn ào, những lời qua tiếng lại và ai cũng muốn thu vén lợi ích về cho mình dù là người bán hay người mua. Cuộc sống gia đình của chúng ta hiện nay nhiều khi cũng biến thành một phiên chợ, nếu ở đấy không còn sự đầm ấm của tình gia đình, sự hy sinh cho nhau, sự thấu hiểu và cảm thông với nhau.

cai choDường như nơi các gia đình, đặc biệt các gia đình trẻ hiện nay, những câu chuyện thường xoay quanh việc kiếm tiền, toan tính lợi nhuận, phải tìm kiếm công việc ra sao, buôn bán, làm việc thế nào? Nhiều gia đình đặt nền tảng của sự hạnh phúc trên của cải vật chất với phương châm “hạnh phúc có thể không được mua bằng tiền nhưng có thể sắm được hạnh phúc bằng rất nhiều tiền”. Khi đó, họ không còn coi gia đình là ngôi nhà nữa mà nơi đấy chỉ là chốn để mưu tính lợi ích mà thôi. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu lên thực trạng này trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của tình yêu) số 50: “Các gia đình thường phải gánh chịu những áp lực, lo âu, nặng nề. Xem ra các gia đình bận tâm đến việc lo toan cho tương lai hơn là cùng chia sẻ cuộc sống hiện tại”.

Vậy nên, sự xuất hiện những vụ cầu lợi vật chất ở chính trong cuộc hôn nhân mà mình hướng đến là điều khó tránh khỏi. Thế mới nảy sinh chuyện một “hotgirl” nọ đang nổi đình nổi đám trong giới showbiz năm nay khoảng chừng 27 tuổi, kết hôn với một đại gia kia đã gần... 72 tuổi. Những cuộc hôn nhân kiểu như vậy đều biện minh với mọi người và giới truyền thông rằng vì yêu nhau mà đến với nhau hay kết hôn vì một tình yêu trong sáng và vô vị lợi. Hỏi rằng chúng ta có tin được thứ tình yêu không ngần ngại về vấn đề tuổi tác quá chênh lệch như vậy không? Hay những “gia đình” đó chỉ đặt lợi ích trên tiền bạc mà thôi? Những người tiến tới hôn nhân theo kiểu như vậy thủ đắc hạnh phúc đích thực được chăng?

Lại nữa, khi trở về nhà sau giờ làm việc, người chồng và người vợ cũng đều nghĩ rằng mình đã vất vả nên cần người bạn đời của mình phải phục vụ mình, còn mình cần được nghỉ ngơi và có quyền đòi hỏi. Ai cũng mong muốn vun vén lợi ích cho mình và về mình. Nhưng thánh Phaolô tông đồ đã khuyên nhủ tín hữu Philipphê cũng là nói với chúng ta: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác(Pl 2,4). Trong các cuộc nói chuyện hay tranh luận giữa vợ chồng cũng vậy, ai cũng mong muốn giành phần thắng cho mình. Từ đó, nảy sinh những cuộc tranh cãi nảy lửa với nhau. Tông huấn về gia đình đã nêu ra phương cách cho vấn đề này: “Trong mỗi giai đoạn mới của cuộc sống hôn nhân, đôi bạn cần phải ngồi xuống và thương thảo lại các điều đã thỏa thuận, làm sao để đừng có người thắng kẻ thua, nhưng là cả hai cùng thắng”(Tông huấn Amoris Laetitia, số 220).

Chắc hẳn chúng ta đều có cảm nghiệm, về thực trạng gia đình thời nay đã và đang nhường quyền và không gian cho những công nghệ ồn ào: Tivi, mạng truyền thông, hay những chuyện như mua sắm, chè chén, tiệc tùng... Điều đó làm cản trở những khoảng thời gian để lắng nghe nhau và lắng nghe chính mình. Vì thế, sự hiểu nhau nơi những gia đình trẻ càng ngày càng ít đi, và hậu quả tất nhiên là sự đổ vỡ sẽ đến cách dễ dàng hơn, vì không lắng nghe để hiểu và cảm thông. Như vậy, gia đình trở nên ồn ào, náo động bề ngoài như cái chợ mà không còn lắng nghe nhau và lắng nghe chính mình. Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn nêu trên đã cảnh báo về thực trạng này của các gia đình: “Nhiều cha mẹ từ sở làm trở về nhà mệt lả, không còn muốn nói chuyện; nhiều gia đình thậm chí không còn giữ thói quen dùng bữa chung với nhau; và ngoài chứng nghiện truyền hình còn có vô số những phương tiện giải trí khác nhau” (Tông huấn Amoris Laetitia, số 50).

tekst 7Trong Thánh Kinh, chúng ta gặp một gia đình là gương mẫu cho chúng ta noi theo, một gia đình được xây dựng trên nền tảng hạnh phúc đích thật và bền vững, đó là gia đình Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh cả Giuse. Các Ngài đã sống đùm bọc lẫn nhau, luôn có trách nhiệm với nhau, luôn sử dụng tự do theo thánh ý Chúa. Hơn thế nữa, các Ngài không tìm kiếm nhu cầu của bản thân, không chiều theo xu hướng cá nhân nhưng luôn sống cho nhau và vì nhau. Nhất là, các Ngài biết sống theo thánh ý Thiên Chúa, luôn lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong cuộc đời. Thánh Giuse vì an nguy của Đức Maria và Hài nhi Giêsu đã sẵn lòng đón “Nữ tì khiêm nhường của Chúa” về làm bạn đời của mình. Đức Maria đã không sợ hiểm nguy khi nói lời “xin vâng” để ý Chúa được nên trọn. Chúa Giêsu dầu là Thiên Chúa nhưng vẫn sống khiêm tốn vâng lời Thánh Giuse và Mẹ Maria.

Cuộc đời sẽ đẹp biết bao khi mỗi thành viên trong gia đình biết từ bỏ ý riêng để sống có trách nhiệm với gia đình. Khi đó, chính gia đình đó biết bỏ đi cái ích kỷ để sống với xã hội: “Gia đình sống linh đạo đặc thù của mình nhờ, cùng lúc, vừa là một Hội Thánh tại gia, vừa là một tế bào sống động để biến đổi thế giới” (Tông huấn Amoris Laetitia, số 324). Gia đình sẽ không còn khổ đau nếu mỗi người biết sống hy sinh cho gia đình, và gia đình biết sống vì xã hội, mỗi thành viên biết làm việc để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Gia đình lý tưởng là khi: người chồng nói ít và làm nhiều; người vợ luôn “suy đi nghĩ lại trong lòng”; còn người con “lớn lên mỗi ngày và hằng vâng phục bố mẹ” (x. Lc 2,51-52). Và nhất là, các gia đình Công Giáo biết đặt ý Chúa trên mọi ý hướng cá nhân để vì Chúa họ sống yêu thương và có trách nhiệm với nhau.

 
Bảo Linh
 
ĐCV Bùi Chu, Tập san Ra Khơi, số 18 tháng Năm 2018, tr. 42-45
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập329
  • Máy chủ tìm kiếm66
  • Khách viếng thăm263
  • Hôm nay30,190
  • Tháng hiện tại891,725
  • Tổng lượt truy cập69,951,599
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây