Tràng chuỗi truyền giáo

Thứ bảy - 22/10/2016 02:39  2661
Đức TGM Fulton Sheen đã có sáng kiến là đưa ra cỗ tràng hạt ngũ sắc (5 màu) để cầu nguyện cho năm châu. Tràng châu Mân Côi phải như mạng lưới liên kết chúng ta với Mẹ Maria và với con cái Mẹ trên toàn thế giới, nhờ tình yêu của Chúa Kitô, Con của Mẹ.
 
Thánh Gioan Phaolô II trong tông thư Kinh Mân Côi, cũng đã có những chỉ dẫn rất cụ thể mà ít người thực hiện. Đó là:
 
1- QUY KITÔ: Kinh Mân Côi hướng về Chúa Kitô
 
2- LỜI CHÚA: Cần lắng nghe Lời Chúa để giúp suy ngắm các mầu nhiệm; suy ngắm bằng cặp mắt và trái tim của Mẹ Maria...
 
3- THINH LẶNG: Cần có những phút thinh lặng sau khi công bố các mầu nhiệm và sau mỗi chục kinh...
 
4- CỘNG ĐOÀN: Rất nên lần hạt chung trong gia đình và cộng đoàn
 
5- DẤN THÂN: Kinh Mân Côi là trường dạy cầu nguyện và yêu thương, phải giúp ta hoán cải đời sống và trở nên giống Chúa hơn theo gương Mẹ...
(xem Tông thư Kinh Mân Côi, số 29-41)
 
Để giúp mọi người cầu nguyện cho việc truyền giáo bằng chuỗi Mân Côi, ban truyền giáo Đại Chủng Viện Bùi Chu đã soạn thảo bản suy niệm này và thực hiện vào chiều thứ Bảy thứ hai trong tháng Mân Côi vừa qua. Xin chia sẻ cùng mọi người.
 
1. Thánh hóa
 
- Dấu thánh giá.
- Hát một bài hát thích hợp.
 
2. Suy niệm và lần hạt
 
Lời dẫn hướng ý cầu nguyện
 
Qua mọi nơi và giữa mọi thời, hoạt động truyền giáo của Giáo Hội vẫn là thách thức lớn nhất và là nhiệm vụ hàng đầu của Hiền Thê Chúa Ki-tô. Nhưng làm sao, làm thế nào để mỗi người Ki-tô hữu dấn thân cho công cuộc truyền giảng này ? Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô trong sứ điệp nhân ngày thế giới Truyền giáo 2016 đã mời gọi mọi người hãy “đi ra” như những môn đệ truyền giáo, mỗi người hãy quảng đại cống hiến tài năng, tính sáng tạo, sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình để đem sứ điệp tình thương dịu hiền của Thiên Chúa đến cho toàn thể gia đình nhân loại. Thêm vào đó, nơi tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, Ngài đã gợi mở một hình thức cầu nguyện thúc đẩy chúng ta dấn thân cho công cuộc truyền giáo và tìm kiếm ích lợi cho người khác là kinh nguyện chuyển cầu. Một trong những kinh nguyện có giá trị chuyển cầu hơn cả cho việc truyền giáo chính là Kinh Mân Côi.
     
Trong những giờ phút này, chúng ta cùng suy niệm mầu nhiệm Năm Sự Vui để phần nào đó nhận ra con đường Tin Mừng của Đức Maria, Người mà Đức Giáo Hoàng gọi là Mẹ của Hội Thánh Truyền Giáo, Ngôi sao của cuộc Tân Phúc Âm hóa. Không có Mẹ, chúng ta không bao giờ có thể thực sự hiểu rõ tinh thần của cuộc Tân Phúc âm hóa. Và nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria Mân Côi, xin cho mỗi người chúng ta cũng có được “phong cách Maria” trên bước đường rao truyền niềm vui và vẻ đẹp tiềm ẩn của Tin Mừng.
 
a. Thứ nhất thì ngắm: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà Maria.
 
+ Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca
 
Khi ấy, Sứ thần nói với đức Trinh Nữ Maria: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. (Thinh lặng trong giây lát).
 
+ Suy niệm:
 
Sau những giây phút bối rối, lo sợ, ngỡ ngàng trước ý định của Thiên Chúa qua lời sứ thần Gáp-ri-el, Đức Maria đã đón nhận Thánh ý của Thiên Chúa vào trong cuộc đời mình qua tiếng Xin Vâng. Lời Xin Vâng của Mẹ là một sự chọn lựa dứt khoát đem lại hạnh phúc, bình an và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Và cũng từ đó, hạt giống Lời được nảy nở, phát triển và lan ra tới tận cùng cõi đất.
 
Lạy Mẹ Maria, bởi tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã đón nhận Lời Sự Sống với tất cả niềm tin và thái độ cậy trông. Xin cho Giáo Hội ngày càng có nhiều người quảng đại đáp lại lời mời gọi dấn thân cho công việc loan báo Tin mừng.  Xin cũng giúp mỗi người chúng con biết thưa Xin Vâng như Mẹ trước lời mời gọi ra khỏi cái tôi vị kỷ để có thái độ vị tha, ra khỏi não trạng hưởng thụ mà hun đúc nhuệ khí truyền giáo, ra khỏi vỏ bọc hào nhoáng chóng qua để tìm về căn tính của mình, ra khỏi vùng đất tiện nghi của bản thân để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng.
 
+ Đọc 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng danh.
 
b. Thứ hai thì ngắm: Đức Mẹ đến thăm bà Ê-li-sa-bét.
 
+ Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca
 
Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Thinh lặng trong giây lát).
 
+ Suy niệm:
 
Sau khi đón nhận thánh ý Thiên Chúa qua lời Xin Vâng, Mẹ Maria đã vội vã lên đường đến thành của chi tộc Giu-đa nơi gia đình của người chị họ Ê-li-sa-bét. Sự vội vã của Mẹ Maria khi lên đường, thăm viếng nói lên niềm vui của ơn cứu độ mà Mẹ đã nhận được qua sự hiện diện của Chúa Giêsu, người con Mẹ vừa mới cưu mang bởi phép Chúa Thánh Thần. Sự hiện diện ắp đầy niềm vui ấy mang lại sự bình an đích thực không chỉ cho người chị họ mình mà còn khiến trẻ Gioan Tẩy giả nhảy lên vui sướng trong lòng bà Ê-li-sa-bet.
 
Lạy Mẹ Maria, xưa kia Mẹ đã mau mắn đem niềm vui của Tin Mừng đến cho người khác. Xin thắp lên nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của những giá trị Tin Mừng đến cho tha nhân qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con. Xin cũng giúp chúng con nhận ra tính khẩn thiết của việc loan báo Tin Mừng mà mặc lấy tinh thần và thái độ hăng hái lên đường trong sự ý thức như Thánh Tông đồ Phao-lô: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).
 
+ Đọc 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng danh.
 
c. Thứ ba thì ngắm: Đức Mẹ sinh Chúa Giê-su trong hang đá.
 
+ Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca
 
Khi ấy, bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. (Thinh lặng trong giây lát)
 
+ Suy niệm:
 
Có một sự đối chọi, nghịch lý mà không phải ai cũng có thể hiểu thấu được về cái vô hạn trong sự hữu hạn. Thiên Chúa vốn không lệ thuộc vào không gian, thời gian nhưng đã tự nguyện để mình vào trong vòng xoay của đất trời. Cuộc Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa đã gây thắc mắc cho bao người. Cao sang, uy quyền là thế mà Ngài lại chọn sinh ra nơi thấp hèn thay vì một lầu son gác tía, một dinh cơ tráng lệ ?  Chắc chắn, Thánh Giuse và Đức Mẹ đã không hề kêu ca hay phản kháng đường lối Nhập Thể khiêm hạ của Thiên Chúa trong hoàn cảnh khó nghèo này, vì các ngài đã tin tưởng vào sự quan phòng của Đấng Tối Cao.
 
Và hơn ai hết, Mẹ Maria hiểu rằng Thiên Chúa đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa mà lựa chọn con đường nghèo khó, thấp hèn, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân để đến với loài người. “Người đã tự đồng hoá mình với những người trẻ, những người bị gạt ra bên lề, và những người bị áp bức (x. Đnl 4,31; Tv 86,15). Người là vị Thiên Chúa hiền từ, quan tâm chăm sóc và trung thành, Đấng gần gũi những ai gặp khốn khó, nhất là những người nghèo; Người dịu dàng đi vào thực tại của loài người giống như người cha người mẹ đi vào đời sống của con cái họ (x. Gr 31,20)” (trích sứ điệp Truyền Giáo 2016)
 
Lạy Ngôi Sao của cuộc Tân Phúc Âm hóa, xin cho các nhà truyền giáo trên khắp thế giới và mỗi người chúng con cũng mặc lấy tinh thần Nhập Thể của Con Mẹ trong nếp sống giản dị, thanh thoát với tinh thần hy sinh từ bỏ mà nên những chứng nhân cho tình bác ái phục vụ, cho đức tin nồng cháy và quảng đại, cho công lý và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người nghèo để ánh sáng, vẻ đẹp của Tin Mừng được lan tỏa tới hết mọi người, nhất là những kiếp người nơi “bờ rìa” thế giới.
 
+ Đọc 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng danh.

d. Thứ bốn thì ngắm: Đức Mẹ dâng Chúa Giê-su trong đền thánh
 
+ Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca
 
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. (Thinh lặng trong giây lát)
 
+ Suy niệm:
 
Đến ngày luật định, Mẹ Maria và thánh cả Giuse đã đưa trẻ Giê-su lên đền thờ Giê-ru-sa-lem để thánh hiến cho Thiên Chúa. Chắc hẳn, Mẹ Maria đã ý thức rất rõ việc tiến dâng Giê-su cũng là đặt chính cuộc đời của mình trong sự liên đới mật thiết với con của Mẹ, dẫu biết rằng “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn” (Lc 2,35) như lời ông Si-mê-on loan báo. Việc dâng Chúa Giê-su cũng chính là dấu chứng cho niềm phó thác của Đức Mẹ để cùng với Con của Mẹ thực thi Thánh ý Thiên Chúa trong hiến tế cuộc đời.
 
Suy ngẫm về việc truyền giáo, Đức Giáo hoàng Phan-xi cô trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng cho thấy rằng “Truyền giáo không giống như một vụ giao dịch kinh doanh hay đầu tư, hay thậm chí như một hoạt động nhân đạo. Nó không phải là một buổi trình diễn ở đó chúng ta đếm xem có bao nhiêu khán giả đến xem do quảng cáo của chúng ta; nó là một cái gì sâu hơn nhiều, không lấy thước nào mà đo được” (số 279). Thật vậy, truyền giáo là một công việc mang tính chiều sâu tâm linh, vì không chỉ có cố gắng của con người nhưng ẩn tàng nơi công việc ấy còn có sự hoạt động, soi sáng, hướng dẫn, điều khiển của Chúa Thánh Thần.
 
 Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con nhận ra dấu vết của Chúa Thánh Thần trong công cuộc truyền giáo, ngõ hầu mỗi người chúng con biết phó trao và dâng hiến mọi sự như Mẹ cho Đấng có thể đổi mới mọi sự và thánh hóa mọi loài, vì tin rằng Chúa Thánh Thần chính là tác nhân làm cho những cố gắng của chúng con sinh hoa kết quả đúng thời đúng buổi.
 
+ Đọc 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng danh.

 
e. Thứ năm thì ngắm: Đức Mẹ tìm thấy Chúa Giê-su trong đền thờ
 
+ Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca
 
Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm. (Thinh lặng trong giây lát).
 
+ Suy niệm:
 
Hiểu sao hết, nói sao vừa tâm trạng lo lắng, bồn chồn của Thánh Giu-se và Mẹ Maria khi các ngài “không thấy con đâu”. Trở lại lối đường lên Giê-ru-sa-lem, các ngài đã cực lòng kiên nhẫn tìm kiếm cậu bé Giê-su giữa bao thử thách về đức tin hiện lên trong tâm trí. “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ” (Lc 2,46). Niềm vui tìm thấy con chưa kịp vỡ òa thì một lần nữa, cha mẹ trẻ Giê-su lại phải đối diện với thử thách mới khi nghe con mình nói: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).
 
Công cuộc truyền giáo trên thế giới đã và đang phải đối diện với những khó khăn thử thách khi Tin Mừng tiếp cận với nhiều nền văn hóa, tôn giáo khác nhau. Làm sao ta có thể tìm kiếm và nhận ra Đức Giê-su giữa dòng đời đa nguyên tôn giáo ? Làm sao ta có thể tìm thấy Ngài giữa một thế giới mà thế thượng phong của nền văn hóa thịnh hành là cái bề ngoài, cái trực tiếp, cái có thể thấy được, cái nhanh, cái phù phiếm, cái tạm bợ ? Làm sao có thể nói về Ngài khi chưa tìm thấy Ngài, chưa thực sự sống lời dạy của Ngài trong chính cuộc đời của mỗi người chúng ta ?
 
Lạy Mẹ Maria, xin cho mỗi người chúng con ý thức và nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng con và trên thế giới này. Ngõ hầu, giữa bao giông tố của cuộc đời, chúng con biết không ngừng dấn thân, can đảm làm chứng và loan truyền lòng thương xót của Thiên Chúa, trái tim đang đập của Tin Mừng đến cho những người mà chúng con gặp gỡ. Mong Mẹ hiền trợ giúp con hèn !

+ Đọc 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng danh.
 
3. Lời nguyện kết thúc

4. Kết thúc: Hát một bài hát kính Đức Mẹ
 
Lm. Dominic Trần, ĐCV Bùi Chu
 
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập431
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm383
  • Hôm nay67,777
  • Tháng hiện tại728,370
  • Tổng lượt truy cập70,756,127
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây