GIÁO XỨ TRUNG LINH
1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ Giáo xứ Trung Linh thuộc xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; là giáo xứ có địa bàn thuộc trung tâm huyện nhất với lợi thế về giao thông đi lại và sự phát triển kinh tế.
2. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Theo Sử Ký Địa Phận Trung (1916): Năm 1659 Đức Giáo Hoàng Alexandre VII đặt Đức Cha Lambert làm Giám mục Đàng trong và Đức Cha Pallur, Giám mục Đàng ngoài.
Vì Đàng ngoài đang gặp cơn bách hại, Đức Cha Pallu không vào được địa phận, nên Ngài ủy quyền cho Đức Cha Lambert coi sóc thay. Đồng thời Ngài xin Bề Trên dòng Đaminh ở Manila sai các Đấng sang giảng đạo…Bề trên ở Manila chọn Thầy Joan de sancta Crux (là Đức cha Thập sau này) và Thầy Joan ARJona. Hai vị đến Phố Hiến ngày 7 tháng 7 năm 1676. Bấy giờ cả Đàng ngoài mới có cha Deydier làm tổng quản thay cho Đức cha Pallu với hai Đấng Dòng Tên và 9 Thầy cả bản quốc. Hai Ngài ở lại đó cách trộm vụng mấy tháng, rồi phải đi ẩn trốn ở làng Trung Linh về tỉnh Nam Định, vì bấy giờ làng ấy đã có họ đạo do các Đấng Dòng Tên lập ra từ lâu về trước…
Đây là một sử liệu rõ ràng, đánh dấu chắc chắn : Giáo xứ Trung Linh đã được đón nhận Tin mừng vào những thời kỳ đầu của các nhà truyền giáo.
Cha Chính Thập (Joan de Sancta Crux) 1676, trong thư đệ trình Bề trên tại Manila Phi luật tân ngày 9 tháng 12 năm 1706, có kể về việc xứ Trung Linh bị quân quan vây khám bắt Ngài năm 1686. Không bắt được ngài, chúng đánh đòn nhiều người khác, đốt ảnh tượng, cùng phạt làng 110 quan tiền, lại giáo hữu phải đút cho lính 300 quan tiền nữa để chúng khỏi phá nhà thờ, nhà xứ…
Tháng 9 năm 1681, Cha Raymundo lezoli (là Đức Cha Cao sau này) đến Phố Hiến và được cha Thập đón về Trung Linh để cùng giảng đạo…
Cha Thập ở Đàng Ngoài 45 năm, làm Cha Chính 21 năm, làm Giám quản và Giám mục 14 năm. Sau cùng Đức Cha Thập đã qua đời tại Trung Linh ngày 14 tháng 8 năm 1721.
Ngày 16-8-1730 Cha Chính Đăng (Pedro Martyr ponsgrau) đến địa phận, Ngài làm Cha Chính ở Trung Linh 8 năm, lập 3 nhà Mụ chị em dòng ba Thánh Đaminh. Cha chính Huy (Pluis ESprinosa), 20 năm 1747-1767.
Năm 1757 Đức cha Hy qua đời, Tòa thánh đặt cha Tuấn làm Giám mục, nhưng vì ngài đang ở bên Tòa thánh, nên ủy quyền cho cha chính Huy làm Giám quản và cha Thao (Benito) làm phó, cha Thao chép nhiều sách, nổi tiếng nhất là sách “Giống má thiêng liêng”.
Năm 1793, thầy Triệu được Đức cha Phê truyền chức linh mục cho, rồi coi xứ Trung Linh…
Ngày 5 tháng 8 năm 1861 vua Tự Đức ra chiếu chỉ cấm đạo triệt để, dân Trung Linh được phân sáp vào các làng ngoại giáo: Cứ 5 người ngoại quản thúc một người giáo, nhà thờ, nhà xứ, nhà chung Trung Linh bị phá bình địa, các điền thổ lấy ra cấp cho lương dân, giáo hữu phải thích tự “TẢ ĐẠO” một bên má, bên kia là tên Phủ- Huyện…
Thời kỳ này giáo xứ Trung Linh hiên ngang anh dũng được 24 vị anh hùng tử đạo. Trong số đó có Đaminh Trần Duy Ninh 21 tuổi, đã được Đức Thánh Cha Pio XII tôn phong Chân phúc ngày 29/04/1951 và ngày 19/06/1988, Đức Gioan Paulo II đã suy tôn ngài lên Hiển thánh.
"Vị nghĩa xã mạnh gương muôn thuở
Trung thành mến Chúa Sáng ngàn thu
Đức tin hun đúc thành nhân chứng
Quê hương tôi luyện nên anh hùng".
23 vị khác với án tích đầy đủ là:
Giuse Tri | Đaminh Chung | Phêrô Tuyên | Đaminh Vệ |
Đaminh Thiện | Đaminh Cân | Đaminh Tố | Giuse Chu |
Đaminh Huỳnh | Đaminh Nha | Phêrô Siêu | Đaminh Biến |
Đaminh Đạo | Phêrô Hùng | Đaminh Thuộc | Phaolô Kim |
Đaminh Cương | Đaminh Nghiễm | Đaminh Đạt | Phêrô Hộ |
Gioan Chữ | Phêrô Đá | Đaminh Luông | |
Cũng có bà mụ “Kính” là một nữ tu ở Trung Linh, theo khẩu truyền: Bà được giáo dân trong xứ tặng cho danh hiệu là ‘Mẹ của làng’, vì bà đã kiên trì hy sinh, dày công gian khổ để tiếp tế, thăm nuôi các cha, các thầy, cùng giáo dân khi bị lưu đầy tù tội, chính bà cũng phải trị những hình khổ đến ghê sợ. Thi hài bà được an táng ở sân cạnh nhà thờ còn đến ngày nay. Ngoài ra còn nhiều vị khác, đều là cha ông của chúng ta, tuy không có án tích đầy đủ, nhưng đã phải chết mòn mỏi vì bị lưu đầy, kìm kẹp, tù tội ở những nơi xa xôi hẻo lánh, ít người biết đến, khi binh an trở lại, đã được các đấng Bề trên công nhận, cho đưa hài cốt các ngài về an táng trong khu khuôn viên Thánh đường. Đó là kết quả của 300 năm vất vả, gieo vãi hạt giống Phúc âm của các Đấng truyền giáo trên mảnh đất Trung Linh, quê hương thân yêu này. Những hoa quả đầu mùa đã được dâng lên Thiên Chúa là chính các ngài, những người con hiếu thảo, tiền nhân của chúng ta.
Chữ rằng: Hiếu Tử trần ai vui khổ nhục
Trung Thần Thiên quốc hưởng vinh quang.
Nhờ ân phúc của các thánh tử đạo, ngôi Thánh đường băng gỗ lim đồ sộ, hiên ngang mọc lên năm 1892; là một công trình kiến trúc dân tộc, cổ kính của hơn một thế kỷ về trước, vẫn còn vững chắc đang kiêu hãnh trước mặt chúng ta hôm nay. Theo sau là một loạt các cơ sở: nhà chung, nhà xứ, nhà dòng được khôi phục.
Cũng nên biết rằng: Trải qua những thời cấm đạo khốc liệt, giáo xứ Trung Linh nhiều phen trở nên hoang tàn, các Đấng truyền giáo không còn cơ sở, phương tiện để sinh hoạt nữa, nên có một thời, Trung Linh phải tháp nhập vào xứ Lục Thủy Hạ (liên Thủy) gồm 5 xã gọi là ngũ xã.
Cho đến đời Đức cha Trung Munagri (1906) khi mở lại trường Kẻ giảng Trung Linh, lúc đó Trung Linh mới được tái biệt lập xứ (sử ký Địa Phận Trung).
Năm 1936 Đức cha Hồ Ngọc Cẩn về nhận Địa phận, ngài mở trường Thánh Gia Trung Linh (Sainte Famille), trường Kẻ giảng và trường Thử. Ngài qui hoạch các nhà Dòng, nhà Phước...
Năm 1950 Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi về nhận địa phận: Người mở trường học HỒ- NGỌC- CẨN 1951-1954: đào tạo giới trí thức trong Giáo Phận, không phân biệt Lương- Giáo.
Năm 1954, Đức cha Giuse Maria. Phạm Năng Tĩnh quản nhiệm địa phận, ngài đã mở trường chủng viện Mẫu Tâm Bùi Chu.
Trong những thời kỳ khó khăn, ngặt nghèo và thiếu thốn, giáo dân Trung Linh và nhà Dòng Mân Côi đã tận tụy bằng mọi cách, mọi hình thức và phương tiện cùng cả địa phận hướng về chủng viện. Kết quả là 29 linh mục đã được thụ phong vào ngày lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, tại Đền Thánh Phú Nhai ngày 8-12-1963. Tiếp đến: dưới thời Đức cha Đaminh Lê Hữu Cung, 1947 và Đức cha Giuse Maria Vũ Duy Nhất, 1987: giáo phận đã có thêm 21 linh mục phục vụ trên cánh đồng truyền giáo.
Đến nay, giáo xứ Trung Linh có 2097 nhân danh (2014), gồm 2 giáo họ: Nhà Xứ và Phú An. Quan thầy đệ nhất của giáo xứ là Đức Mẹ ROSA (7/10. Quan thầy đệ nhị là Thánh Đaminh Trần Duy Ninh (2/6).
3. QUÝ CHA PHỤC VỤ GIÁO XỨ
Danh sách quý cha xứ từ khi thành lập giáo xứ đến thời Đức cha Hồ Ngọc Cẩn:
Cha Tràng Thiều (Fr Joan Sera), cha Tràng Nhân (Joan Gimenẻ), cha Kiên (Eugério Andrés), cha Đaminh Đốc (1912), cha Đaminh Phúc (1914), cha Fanxicô (1915), cha Nhân (1918), cha Joan Độ (1925), cha Đaminh Cẩm (1930), Đức cha Đaminh Lê Hữu Cung (1935). Đức cha Hồ Ngọc Cẩn (1936).
Quý cha từ thời Đức cha Hồ Ngọc Cẩn đến năm 1954:
Cha Vinhsơn Khán (1937), cha Giuse Ước (1938), cha Giuse Dương (1940), cha Giuse Vận (1942), cha Gioan Baotixita Hưởng (1945), cha Vinhsơn Liễn (1948), cha Đaminh Huyên (1952).
Quý cha xứ từ sau năm 1954 đến nay là:
1. Đức cha Giuse Maria Phạm Năng Tĩnh, 1955
2. Cha Giuse Phạm Xuân Thu, 1957
3. Cha Đaminh Phạm Kim Bảng, 1961
4. Cha Đaminh Phạm Ngọc Tiên, 1965
5. Đức cha Giuse Maria Vũ duy Nhất và cha Giuse Phạm Ngọc Oanh 1977-1999
6. Cha Micael Trần Minh Tiến, 1999-2002
7. Cha Vinhsơn Nguyễn Tốt Nghiệp, 2002-2004
8. Cha Giuse Phạm Quang Vinh, 2004-2005
9. Cha Đaminh Ngô văn Viễn, 2005-2009
10. Cha Giuse Thịnh, 2009-2010
11. Cha Vinhsơn Đinh Minh Thỏa, 2010-2011
12. Cha Giuse Đinh Công Phúc, 2011-2015
13. Cha Đaminh Phạm Văn Hồng 2015 đến nay.
Quý cha bản hương:
14. Cha Đaminh Trần Đình Đóa, 1880-1950:
15. Cha Tadéo Maria Trần Trung Thần, 1936-2007:
16. Cha Giuse Trần Viết Thái, 2011...
17. Cha vinh Sơn Trần Văn Đường, 2012...
18. Cha Giuse Trần Duy Khấn, 2013...
19. Cha Giuse Phạm Công Minh, 2013...
4. CƠ CẤU GIÁO XỨ & CÁC CÔNG TRÌNH TIÊU BIỂU
Hội đồng mục vụ giáo xứ: Ban hành giáo giáo xứ giáo họ & Các đoàn hội: Gia trưởng, Hiền mẫu, Huynh đoàn giáo dân Đaminh, Thiếu nhi Thánh Thể, Giới Trẻ, Con Đức Mẹ, Cầu nguyện (Tận hiến), Lòng thương xót, Gia Đình Phạt tạ Thánh Tâm, Hội kèn, Hội trống, Ca đoàn, Lễ sinh, Giáo lý viên, Ơn gọi. Giáo xứ có sự hiện diện của Hội dòng Mân Côi và Hội dòng Mến Thánh Giá.
Các công trình tiêu biểu: Nhân dịp mừng Ngôi Thánh đường Giáo xứ tròn trăm tuổi 1892-1992. Đức cha Giuse Maria Vũ Duy Nhất đã cho đại tu Thánh đường năm 1997 và cắt băng khánh thành năm 1999. Kế đến giáo xứ còn đại tu, tôn tạo ngôi nhà xứ và hai hội quán đối diện nhau trước sân, cuối Thánh đường và đã hoàn thành năm 2002.
Đến thời các cha Vinhsơn Nguyễn Tốt Nghiệp, cha Giuse Phạm Quang Vinh, cha Đaminh Ngô Văn Viễn, cha Giuse Đinh Công Phúc và cha đương nhiệm Đaminh, các ngài đã tìm lại cho giáo xứ lưu bút về 26 vị chứng nhân Đức Kitô, không ngừng tu sửa, tân trang khu nhà xứ, Thánh đường và Thánh đài Đức Mẹ, Thánh địa an táng, Lễ đài ở giữa, Nhà truyền thống, cảnh quan khuôn viên thêm khang trang nhiều phần… Ngoài ra, giáo xứ còn có Nhà giáo lý, và Trung tâm mục vụ.