GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Vùng ngoại biên mang tên… MẸ!!!

Từ thuở hồng hoang, tiếng “mẹ" đã trở nên linh thiêng và gần gũi hơn bất cứ một từ nào trên trái đất này. Dù là ai, thuộc màu da, sắc tộc nào, mỗi nguời đều có một người mẹ trên cõi đời này.
Vùng ngoại biên mang tên… MẸ!!!
unknown 2“Thật đáng buồn vì vẫn còn đó những vùng ngoại biên mang tên… Mẹ!”

Từ thuở hồng hoang, tiếng “mẹ" đã trở nên linh thiêng và gần gũi hơn bất cứ một từ nào trên trái đất này. Dù là ai, thuộc màu da, sắc tộc nào, mỗi nguời đều có một người mẹ trên cõi đời này. Dẫu biết lịch sử vẫn còn đó những phận người không đuợc bao bọc, nâng niu bởi tình yêu của mẹ, cũng chẳng bao giờ cảm nhận đuợc thức ăn tốt nhất nơi bầu sữa mẹ, nhưng từ lâu lắm rồi, “mẹ” đã trở thành một “nguyên lý” đuợc lưu truyền qua bao đời mà mỗi lúc một tiếng "mẹ" đuợc cất lên, là bao tâm hồn thổn thức và một khoảng trời thơ hiện ra trong tâm trí với bao kỷ niệm đẹp xen lẫn vui buồn, suớng khổ của một thời để nhớ, để thương. Cho đến nay, biết bao biến chuyển về mọi mặt trong đời sống con nguời, nhưng nguyên lý mẹ vẫn thấm nhuần và sống động cùng với sự ra đời của văn hóa, tín nguỡng, tôn giáo hay trong nghệ thuật. Nguyên lý mẹ đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ nhà thơ, nhà văn, kịch gia... mà chưa bao giờ vơi cạn. Tất cả muốn nói lên tấm lòng biết ơn và hiếu thảo với đấng sinh thành! Mẹ - một di sản đáng quý!

Tuy nhiên, đó đây vẫn còn những góc tối mà “mẹ” bị lãng quên bởi chính những đứa con mà mình mang nặng đẻ đau và hy sinh cả đời vì chúng. Đây đó vẫn còn những “vùng ngoại biên” của lòng biết ơn, sự quan tâm và tình yêu thuơng. Nguời xưa thật chí lý khi nói rằng “một mẹ nuôi đuợc muời con, nhưng muời con không nuôi nổi một mẹ”. Ngày nay, khi mà cuộc sống ngày càng trở nên xô bồ và bận rộn đến mức con nguời ngày càng có ít có thời gian cho nhau, hoặc nếu có cũng chỉ để lang thang trong một thế giới ảo, thì “mẹ" dù đuợc khai thác rất nhiều trong lĩnh vực, nhát là nghệ thuật, nhưng dường như có vẻ "mẹ" đôi khi lại trở thành một chủ đề bị lạm dụng, để buôn bán và làm tiền. Cùng với đó, ngày càng nhiều nơi trong các gia đình, thấp thoáng những hình bóng nguời cha nguời mẹ vật vờ như những bóng ma “tuy vẫn tồn tại mà như chẳng hiện hữu”. Những cụm từ bóng bẩy về nguời mẹ trong các tôn giáo, trong văn hóa hay nghệ thuật đôi khi lại đối lập với những “vùng ngoại biên mang tên mẹ” vẫn diễn ra hằng ngày. Với nhiều nguời, mẹ là lẽ sống, mẹ là ánh sáng đời con, mẹ là … những gì cao cả nhất, tốt đẹp nhất, đáng trân trọng nhất. Nhưng thật đáng buồn với nhiều nguời, mẹ chỉ là một bà già độc ác, khó tính khó nết, già cả yếu đau và vô dụng. Nơi đó, Mẹ bỗng trở thành một vùng ngoại biên bị lãng quên mà thấp thoáng đâu đó là chính “mẹ tôi”!

Buớc qua cửa! Lập lòe ngọn nến mà đĩa kê đã đầy sáp. Mất điện! Trời đen như mực! Những cơn gió, di chứng của cơn lốc sau mưa vẫn vồ vập nơi những khe cửa…lạch cạch … lạch cạch! Tí tách những hạt mưa vẫn miệt mài trở về nơi tình yêu bắt đầu sau một hành trình dài và mết mỏi… Duới ánh lửa, dập dờn hình bóng nhỏ xinh của mấy đứa cháu, duờng như đã quen với tiếng ngáy quen thuộc của bố tôi, vẫn thở đều êm ả trong giấc ngủ say.

Đêm! Nơi góc tối, dưới ngọn nến đang vuơn mình thể hiện bản thân khi có cơ hội, thấp thoáng hình dáng quen thuộc một “nguời đàn bà" - Mẹ tôi. Nếu truớc đây, trên bàn sẵn một chiếc roi, một chiếc “đồng cời” hay “bàn xúc gio” với vẻ mặt nghiêm khắc, tức giận, thì giờ đây, cũng người đàn bà đó, cũng tâm thế chờ đợi đó, chỉ còn lại cỗ tràng hạt, và những tiếng thở dài lo lắng chờ đợi tôi về.

Đêm tĩnh lặng! thing lặng…Hồi tuởng! Giữa một không gian mà hiếm khi dấu chỉ hiện đại- điện - bị đẩy lui và nhuờng chỗ cho những dấu chỉ mang tính “diễm xưa" là đèn, nến, bóng tối. Từ lâu lắm rồi, một khoảng trời xưa như hiện ra truớc mắt. Lần đầu tiên tôi nhận ra một thực tại mà tôi lãng quên và cách nào đó biến thực tại đó thành một vùng ngoại biên - Mẹ tôi. Và cũng lần đầu tiên, dưới ánh nến lập lờ, những nếp nhăn như hiện rõ trên khuôn mặt, mái tóc đã in màu mây nhiều hơn, bầu sữa đã cạn và rõ dấu hiệu chảy sệ sau tám lần cho bú mớm… Những điều mà hằng ngày có lẽ vì ánh chói lòa của điện, sự vồ vập của cuộc sống mà tôi không thể nhìn ra… Mẹ đã già!.. Một cuộc đời đã, đang chậm chạp buớc những buớc cuối cùng trong khúc quanh của một hành trình dài đầy gió sương…

Cuộc đời chứa đầy những bí ẩn và tôi tin đời mẹ cũng thế! Mẹ tôi - một phụ nữ bình thuờng như bao nguời nữ, một nông dân tầm thuờng như bao nông dân của thập niên 50, mẹ sinh ra và lớn lên trong buổi đầu của những năm mà “miền Bắc tự hào dành độc lập” và sống trọn những ngày tháng…đáng quên của thời bao cấp. Mẹ tôi ít học hay nói đúng hơn là thất học vì nguời ta thuờng nói “một chữ bẻ đôi không biết” thì mẹ một chữ để nguyên cũng chẳng hay - mù chữ.

Một cuộc đời không biết đến ghế nhà truờng, cũng chẳng biết mặt chữ, có chăng cũng chỉ là tính toán theo kiểu chợ búa mà thôi. Thế nhưng, cũng một cuộc đời, một phận nguời đã trôi qua, cũng một gia đình cũng một tuổi thơ đầy biến động của một chị cả trong một gia đình đến 10 miệng ăn, một thời thiếu nữ với những uớc mơ thật nhỏ bé về một tấm chồng, một gia đình. Có nằm mơ, có đuợc nghe kể bao nhiêu tôi cũng không thể tuởng tuợng hay cảm nhận đuợc vất vả gió suơng mà mẹ đã phải trải qua. Một cuộc đời có lẽ đầy những nét chấm phá sự tủi hổ vì cái nghèo, cái đói….

Vận mệnh vần xoay, mẹ tôi “nên một" với bố tôi khi tròn đôi mươi, mẹ cùng bố xây dựng một mái ấm, dẫu cái nghèo vẫn cứ đeo đuổi. Nào là đi chợ, đi buôn làm đủ thứ để kiếm miếng cơm mang áo, vun vén cho gia đình nhỏ nơi những đứa con cứ lần luợt ra đời và dần khôn lớn, mà chẳng bao giờ nghĩ đến kiểu nghỉ thai sản… Mẹ tôi là một nguời đàn bà ít học, nhưng có lẽ có tầm nhìn xa, dù đông con, nhưng cũng bóp mồm bóp miệng để đổi trác, để mua bán cho mỗi đứa một miếng đất, chỉ mong sau này chúng nó dù nghèo, vẫn có chỗ để cắm dùi, để chui ra chui vào.

Cuộc đời mẹ tôi là thế, biết bao đắng cay, tủi hờn cùng với niềm hạnh phúc vô bờ nơi tổ ấm của mình, nơi chồng, nơi con, nơi xứ họ, xòm giềng… Chắc chắn tôi không thể hiểu hết đuợc niềm vui ngày mẹ và bố buớc lên bàn thờ cam kết trung thủy, tôi cũng chẳng hiểu nổi niềm hạnh phúc vô bờ sau những lần vuợt cạn, cùng với tiếng khóc chào đời của các anh chị và tôi, và rồi tôi cũng chẳng thể sống cảm xúc vui vẻ tự hào khi những nguời anh, nguời chị và tôi dần khôn lớn, khỏe mạnh, ngoan ngoãn và có đức tin. Nhưng làm sao tôi thấu hiểu nỗi đắng cay, tủi hờn đã và đang gặm nhấm tâm hồn mẹ tôi khi phải lo toan, nhất là khi mất đi đứa con mà mình đứt ruột sinh ra cùng với bao vất vả về cuộc sống mưu sinh đầy truân chuyên, khó nhọc, những lắng lo khi những đứa con lần lượt rời khỏi vòng tay để đối diện với đời, với người. Với tôi, có lẽ mẹ cũng phải khóc nhiều, đau khổ thật nhiều vì sự ngỗ nghịch nhưng nhất là khi phải can đảm cùng bố giữ lại tôi khi mẹ hoài thai, dù bố không thể tiến thân. Tôi tự hào vì điều đó, vì bố mẹ đã chọn Chúa và chọn tôi, bởi không có sự chọn lựa đó, có lẽ tôi đã không bao giờ hiện hữu... Dù tôi có thả hồn cũng không thể có thể sống đuợc những cảm xúc đã đen xen và làm nên cuộc đời mang tên “mẹ".

“Mẹ tôi là thế, giống như bao mẹ quê, thuơng con trọn bề”, luôn lo lắng cho tổ ấm, nuôi dạy từng đứa con bằng chính kinh nghiệm, mồ hôi, và cả nuớc mắt của mình chỉ mong con nên nguời, để chúng dù ít học nhưng vẫn giữ đức tin và sống đạo một cách sắt son. Chắc chắn với mẹ tôi, những ngày như sinh nhật, 8/3, 20/10, hay kỉ niệm ngày cưới… là một thứ “xa xỉ phẩm” không bao giờ có trong từ điển của bà, phần vì thế hệ, phần vì chúng tôi cách nào đó vô tâm và bất hiếu...Thời gian lạnh lùng trôi và dần đẩy mẹ ra phía sau sân khấu cuộc đời. Mẹ vẫn âm thầm dõi theo và lặng nhìn những đứa con mỗi ngày một truởng thành, lần luợt rời khỏi vòng tay mình để buơn trải, xây dựng gia đình và lập nghiệp. Có lẽ hòa lẫn trong nuớc mắt của niềm tự hào, hạnh phúc của mẹ, là những lắng lo, buồn khổ khi “nó ngã" và nhất là vì sự vô tâm, quên lãng của chính tôi và các anh chị của tôi mà đôi khi mẹ phải chịu sự gặm nhấm của cảm giác bị bỏ rơi hay trở nên vô dụng và trở thành gánh nặng, trở thành vùng ngoại biên của chính những đứa con của mình… mà trong đó có tôi!

Thời gian là một thứ thuốc có thể chữa lành mọi vết thuơng và mang lại niềm hạnh phúc. Nhưng cách nào đó, nó cũng là một thứ thuốc độc có thể giết chết những tâm hồn, những phận người, một thứ thuốc ru ngủ nhiều thế hệ, và cũng có thể trở thành một kẻ đánh cắp: đánh cắp tuổi thơ, đánh cắp tuổi thanh xuân… đánh cắp hạnh phúc và đánh cắp sự sống…Nó cũng mang lại những niềm đau khôn nguôi, dày vò, đẩy tuổi xế chiều vào nỗi cô đơn khôn tả mà nơi đó chỉ còn ta với ta. Mẹ tôi có lẽ cũng phải nhấm nháp nỗi cô đơn mang tên “thời gian”. Thời gian thấm thoát trôi, mẹ dần lui về phía sau cánh gà và đôi khi chỉ còn là cái bóng dù vẫn hiện hữu giữa bầy con cháu mà hôm nay tôi nhận ra mẹ đã già và nhận ra sự vô tâm bao lâu nay của tôi. Tôi muốn chạy lại ôm lấy mẹ và nói lên những lời cám ơn, những lời xin lỗi, những câu chúc mừng có cánh mà tôi dễ dàng nói với bao người trong cuộc đời. Thế nhưng sự ngại ngùng đáng xấu hổ ngăn tôi lại và cướp mất cơ hội để tôi thổ lộ cách trực tiếp với người mà có nhắm mắt xuôi tay, tôi không thể đáp đền công ơn….

Điện! Ánh nến vụt tắt như đẩy lùi kí ức xưa vào bóng tối… và kéo tôi về với thực tại… Những cơn gió, những tiếng lạch cạch cũng dần lịm tắt và nhường chỗ cho những con gió nhân tạo….

 “Muộn rồi! Đi ngủ đi con!” Giọng nói quen thuộc như quét sâu vào tâm hồn tôi, khiến tôi trực trào nước mắt… Vẫn là mẹ, người phụ nữ đã làm tất cả những gì có thể vì đàn con và giờ đây vẫn phải từng phút lo cho chúng tôi dù nhiều khi chúng tôi đã đẩy mẹ ra khỏi cuộc đời này và biến mẹ thành một vùng ngoại biên bị lãng quên! “Con xin lỗi”! Nhưng chỉ dám mấp máy không thành tiếng….

 Nếu ánh điện đã từng che mờ mắt tôi khiến tôi không nhận ra mẹ, thì nhờ ánh nến, nhờ cơn mưa mà giờ đây sức mạnh của văn minh, của sự xô bồ không thể ngăn tôi nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương của mẹ và thúc bách tôi phải làm gì để “gánh mẹ”, để bù đắp dù nhỏ bé công ơn trờ bể của mẹ vì con sợ “khi con muốn đáp đền thì giờ mẹ đã xa khuất”[1] nên xin mẹ hãy cho con “gánh mẹ một lần” vì “cả đời mẹ đã tảo tần gánh con” và “cho con gánh cả đầu non” vì “cả đời mẹ đã đời mẹ đã hiến con biển trời”, rồi “để con gánh mẹ đừng can” vì “mẹ già lá sắp xa cây, sợ khi lá rụng, tội này gánh sao” và“sợ khi mẹ mất, muộn màng gánh ai” [2]. Có thể con sẽ không bao giờ dám mở lời để nói lên nỗi lòng, nhưng có sẽ làm tất cả những gì có thể cho mẹ để mẹ không còn phải khóc và không để buồn lên mắt mẹ nữa….

“Mỗi người chỉ có một mẹ thôi, đừng để mẹ trở thành một vùng ngoại biên như tôi!”

[1] Tìm về với mẹ, Phan Đinh Tùng - https://www.youtube.com/watch?v=kSZoFNTSVuA

Tác giả: Lăng Nguyễn - Trích tạp chí Ra khơi!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây