GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Mừng mà lo

Người đó trả lời: Thầy thấy đó, càng ngày càng có nhiều các cha, các thầy, lại có nhiều sơ nữa được gửi đi du học thạc sĩ, tiến sĩ ở khắp nơi trên thế giới.
Mừng mà lo
hong an ngay tot nghiep cua linh muc tu si va chung sinh du hoc tai hoa kyCó người phấn khởi nói: Giáo hội Việt Nam chắc chắn sẽ có một tương lai tương sáng.

Tôi hỏi: Sao anh lại khẳng định như vậy?

Người đó trả lời: Thầy thấy đó, càng ngày càng có nhiều các cha, các thầy, lại có nhiều sơ nữa được gửi đi du học thạc sĩ, tiến sĩ ở khắp nơi trên thế giới. Sau này, họ sẽ trở về phục vụ và làm thăng tiến đời sống Đạo của người Công giáo Việt Nam hơn rất nhiều.

Tôi lắc đầu mà nói: Chưa chắc đâu anh ơi.

Anh bạn ngạc nhiên mắt tròn mắt dẹt. Vậy là tôi phải bắt đầu trình bày cái lý của mình để giải thích cho người bạn của mình hiểu: Đúng là có nhiều tu sĩ nam nữ sau khi đi du học về, họ sẽ trở thành những cha giáo, dì giáo và đem cái bồ kiến thức mà họ thu lượm được để giảng dạy, truyền thụ cho những thế hệ kế tiếp.

Đúng là phải có trình độ, bằng cấp và chuyên môn thì mới đủ sức đưa học trò qua sông. Đúng là khi sự học được đầu tư, giáo hội sẽ có những tu sĩ được đào tạo bài bản, và sẽ có những “tăng tài.” Đúng là có những giáo sư du học trở về, mang đầy nhiệt huyết và có thể nói là vừa có tâm lại có tầm.

Tuy nhiên, yếu tố quyết định Đạo có phát triển, có lớn mạnh hay không, không nhất thiết nằm ở những tầng lớp “tinh hoa” này. Dù có nhiều tiến sĩ thần học, kinh thánh, mục vụ…, nhưng đó cũng chỉ là những điều kiện cần, không bao giờ là điều kiện đủ.

Tôi thấy đầy người, mang trên mình nhiều bằng cấp, nhưng về lại Việt Nam cũng trở nên nhạt nhòa, mất dấu. Họ có thể giỏi trong lĩnh vực chuyên môn của mình, nhưng chưa chắc đã là giỏi trong “đường tu.” Ấy là cũng còn chưa chắc liệu sau cái luận án, họ có còn tiếp tục trên con đường nghiên cứu nữa hay không, hay là chuyển sang làm “những nhà quản lý” trong giáo hội. Và như vậy, tấm bằng vô tình trở thành tấm vé thông hành trên con đường hoan lộ.

Tôi lại thấy nhiều tấm gương các cha, các thầy dù chưa từng đặt chân ra nước ngoài du học, nhưng kiến thức của họ thì uyên thâm, đời sống của họ thì thấm đậm chất nhiệt thành tông đồ. Có vị tôi biết khi được bề trên ngỏ ý gửi đi du học, đã nhẹ nhàng trình bày: “Sách trong thư viện, con còn chưa đọc hết, cần chi phải đi đâu?”

Người ta tin Đạo, yêu mến Đạo, không hẳn vì những bài giảng hay, những lời nói văn hoa bóng bẩy. Nếu họ không nhìn thấy tận mắt gương đời sống tốt lành của người tu sĩ, của người giáo dân thì cho dẫu có gửi cho họ hàng trăm cái Youtube thuyết giảng, chắc gì họ đã để ý đến?

Nhiều người, có cả tôi, có thể tạm gọi là những trí thức, nhưng lối sống thì vẫn thiếu cái chất “Tin Mừng” để có thể lôi cuốn, cảm hóa người khác. Nói cách khác, một người có thể có “chức Thánh” nhưng “chất Thánh” thì chưa chắc.

Thường thì khi nghe giới thiệu vị này du học ở Tây phương, nơi văn minh nhất thế giới, vị khác du học ở Roma, kinh thành muôn thuở, đấng này du học ở Philippines, nơi Công giáo là quốc giáo; người ta trầm trồ thán phục vì các ngài “có yếu tố nước ngoài.” Tôi thấy nể thì có thể, nhưng đừng nên đẩy họ lên làm “thần tượng” theo kiểu fan cuồng.

Người đời có thể bị hoa mắt bởi những tấm bằng, nhưng con cái Chúa thì không nên chạy theo kiểu người đời. Coi chừng, người ta có thể nói: “Chúa của anh là kiến thức!”

Tôi thấy ngay từ những trang đầu, Kinh Thánh đã có lời cảnh báo hết sức rõ ràng. Ở giữa vườn địa đàng, có hai cái cây ra trái. Nguyên tổ A-dam và E-và đã chọn lấy trái cây cho biết sự thiện, sự dữ; thay vì ăn trái cho sự sống. Trái cây mà A-dam và E-và đã ăn là gì nếu không phải là miếng bả của “kiến thức”? Họ tôn kiến thức lên làm Chúa của họ.

Xin cầu nguyện cho các linh mục, tu sĩ nam nữ khi trau dồi học vấn thì cũng đừng để mình đắm đuối trong mớ kiến thức, thay vào đó, biết học theo vua Sa-lô-môn tìm kiếm sự Khôn Ngoan của Nước Trời.

Tác giả: Duc Trung Vu, CSsR

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây