GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Ba cản trở của ân sủng

Theo truyền thống, ba cản trở lớn trong hành trình đức tin của chúng ta được gọi là thế gian, xác thịt và ma quỷ. Tôi thích nói về chúng như là ba “Ps” hơn: Của cải (Possessions), lạc thú (Pleasure) và quyền lực (Power). Cả ba điều này đều được Thiên Chúa dựng nên bởi thế tự bản chất chúng đều là tốt lành bao lâu chúng được đặt để theo đúng vị trí của mình.
Ba cản trở của ân sủng
17123251389 80282733ce zTheo truyền thống, ba cản trở lớn trong hành trình đức tin của chúng ta được gọi là thế gian, xác thịt và ma quỷ. Tôi thích nói về chúng như là ba “Ps” hơn: Của cải (Possessions), lạc thú (Pleasure) và quyền lực (Power). Cả ba điều này đều được Thiên Chúa dựng nên bởi thế tự bản chất chúng đều là tốt lành bao lâu chúng được đặt để theo đúng vị trí của mình. Vấn đề là ở chỗ chúng rất hữu ích và quá hấp dẫn đến nỗi chúng ta có khuynh hướng thần thánh hóa và thờ phượng chúng. Thay vì nhìn nhận chúng như là những thụ tạo có giới hạn thì ta lại bị cám dố biến chúng trở thành những thứ hoàn hảo. Bởi thế, chúng thay thế Thiên Chúa vốn là cùng đích của đời ta. Chúng ta đã tạo ra một thượng đế từ một thứ có giới hạn và làm thế là đã phạm tội thờ ngẫu tượng.

 Của cải, lạc thú và quyền lực đem lại cho ta sự bảo đảm có giới hạn trong một thế giới không mấy bền vững. Nhưng trên thực tế, sự không bảo đảm này lại là một điều cần thiết của cuộc sống nơi trần gian và là một điều thiết yếu của loài thụ tạo. Tuy nhiên, không phải tất cả là không bảo đảm, chúng ta phải luôn thận trọng với những gì có thể mang lại cho chúng ta cảm giác về sự bảo đảm. Niềm tin và sự tín thác vào Thiên Chúa chính là phương thế giúp ta có được sự bình an tuyệt đối trên trần gian. Nếu thiếu tin tưởng nơi Thiên Chúa, chúng ta sẽ có khuynh hướng đi tìm thứ gì đó trên trần gian có vẻ mang lại cho chúng ta một giải pháp để có được sự không bảo đảm này. Tiền bạc hay của cải mang lại sự bảo đảm có giới hạn cho đời sống trần gian của chúng ta. Bởi thế, nó dễ dàng trở thành sự ưu tiên số một trong cuộc sống. Càng tích lũy tiền bạc và của cải cho riêng mình, chúng ta càng tưởng tượng ra nhiều sự bảo đảm. Sự lạc thú thể xác là cách thức thứ hai của việc tìm kiếm thêm nhiều sự bảo đảm trên trần gian. Nếu thân xác chúng ta chứa đựng toàn lạc thú thì chúng ta không còn cảm thấy không bảo đảm nữa. Thứ ba, việc có được sức mạnh trên người khác, trên thiên nhiên, trên bản thân, trên tương lai và trên thế gian có thể dễ dàng trở thành thần tượng cho chúng ta tôn thờ. Nếu chúng ta có sức mạnh, chúng ta sẽ không còn cảm thấy bị yếu thế hay không còn được bảo đảm nữa. Một từ ngữ khác để diến tả quyền lực là “tự do”. Tự do để làm bất cứ điều gì ta chọn làm. Hay một từ khác nói về quyền lực là sự “kiêu hãnh”. Qua sự kiêu hãnh, chúng ta đề cao tự do cá nhân trên tự do của Thiên Chúa và làm cho ý riêng của chúng ta trổi vượt thánh ý Thiên Chúa. Bằng việc sử dụng một hoặc nhiều hơn trong ba cản trở này, chúng ta cố gắng đạt được một sự bảo đảm giả mạo nơi trần thế hơn là tìm kiếm sự bảo đảm nơi Thiên Chúa.

Điều thú vị là ba cản trở này có dính líu đến ba mối tương quan căn bản trong suốt cuộc đời nơi dương thế của chúng ta. Lạc thú có liên hệ đến chính bản thân chúng ta, đặc biệt là thể xác. Của cải liên quan đến mối tương quan của ta với tha nhân. Quyền lực liên can đến thái độ của ta đối với Thiên Chúa. Khi chúng ta tôn thờ quyền lực là chúng ta đang cố lấy cắp khỏi Thiên Chúa quyền năng vô hạn của Người và làm cho chính chúng ta trở thành người có sức mạnh tuyệt đối. Khi chúng ta tôn thờ lạc thú và làm cho nó trở thành một trong những cùng đích tối thiểu của cuộc đời là chúng ta đang tạo ra một thượng đế tầm thường từ chính thân xác chúng ta. Khi chúng ta tôn thờ của cải và cho những gì mà chúng ta giành được từ tiền bạc trở thành cùng đích của cuộc đời, chúng ta sẽ phạm phải những sai lầm thiết yếu trong bổn phận yêu thương và phục vụ tha nhân.

Ba cám dỗ của Chúa Giêsu trong suốt cuộc hành trình trong sa mạc có thể được xem như sự cám dỗ của Satan dành cho Người để tạo nên điều tuyệt hảo từ của cải, lạc thú và quyền lực. Cám dỗ đầu tiên là biến đá thành bánh ăn. Đây là cám dỗ rất tinh vi. Satan đã cám dỗ Chúa Giêsu sử dụng quyền năng làm phép lạ mà Người hiện có để tự bằng lòng với những lạc thú thể xác. Trên thực tế, những quyền năng được trao ban từ Thiên Chúa chỉ được dùng để giúp đỡ người khác và để thi hành sứ vụ của Người như là Đấng Mêsia. Cám dỗ thứ hai theo Tin mừng Luca: Satan sẽ cho Chúa Giêsu mọi sự trên trái đất nhưng đổi lại, Người phải thờ phượng nó. Việc phụng thờ Satan có vẻ như là một cái giá chúng ta phải trả khi chúng ta biến những thứ chúng ta dành được từ tiền của và những sở hữu trần gian thành cùng đích của cuộc đời. Cám dỗ thứ ba là một sự xuất hiện rất tinh xảo để quyền năng của Chúa Giêsu được thể hiện trên tự nhiên bằng việc gieo mình xuống sân đền thờ từ thượng đỉnh của đền thờ. Đây là một cách sử dụng sai quyền năng của Chúa Giêsu và là hành động tự kiêu trong vai trò của Người qua việc phô trương quyền năng siêu phàm của Người. Bởi thế, Chúa Giêsu đã từ chối làm việc này cũng như những đề nghị khác của Satan. Bất kể quyền lực của chúng ta có lớn thế nào đi chăng nữa, chúng ta không bao giờ được sử dụng một cách vị kỷ mà chỉ được sử dụng trong việc thi hành thánh ý Thiên Chúa. và điều này cũng phải được áp dụng cho cả lạc thú và của cải mà chúng ta sở hữu.

Một trong những nhiệm vụ chính của nhà linh hướng là giúp cho người thụ hướng ý thức đến sự tồn tại của cả ba cản trở này trong suốt đời sống của họ nơi trần thế. Thật không thích hợp gì khi nói về những cản trở trong lần đồng hành thiêng liêng đầu tiên hay thứ hai trừ khi người thụ hướng đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, qua lần gặp gỡ đồng hành thiêng liêng thứ ba, nhà linh hướng nên đề nghị về cách thức mà người thụ hướng giải quyết ba cản trở này trong suốt cuộc đời của họ. Điều này sẽ làm cho vị linh hướng có những hiểu biết sâu sắc liên quan đến hướng đi tương lai của người thụ hướng.

Báo trước một điều là Satan rất khôn khéo trong nhiều cách tinh vi khác nhau khiến chúng ta bị cám dỗ để phóng đại tầm quan trọng của của cải, lạc thú và quyền lực trong đời sống hiện tại. Vì trên thực tế, ba cản trở của ân sủng này đều tốt lành và được Thiên Chúa dựng nên cho lợi ích của chúng ta nên nó dễ dàng đánh lừa chúng ta theo đuổi nó. Thay vì việc nắm giữ chúng như là những mục tiêu có giới hạn trong đời sống thì chúng ta lại bị cám dỗ để biến chúng trở thành những mục tiêu tuyệt đối trong suốt cuộc đời của chúng ta. Chúng ta có thể đặt một hay nhiều hơn những điều đó lên trên Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày. Và như thế chúng ta đã trở nên tội lỗi với những thần tượng mà chúng ta sùng bái hay những thượng đế giả mạo mà chúng ta tôn thờ.

Có thể không sợ sai lầm khi nói rằng, mỗi người thụ hướng đều bị cám dỗ thần tượng hóa của cải, lạc thú và quyền lực. Cội rễ sinh ra tội lỗi nhân loại có thể được phát sinh từ việc đề cao một cách quá đáng giá trị của một trong ba điều này. Ta có thể sử dụng sự kiêu căng thay cho quyền lực như trong thư của thánh Phaolô nói rằng ham mê tiền của là cội rễ của mọi sự xấu xa (1Tm 6,10). Nói một cách chính xác hơn là kiêu hãnh hay yêu bản thân một cách quá đáng là ngọn nguồn của mọi tội lỗi. Bảy mối tội đầu là những cách thức khác nhau trong việc phóng đại vị trí của của cải, lạc thú và quyền lực trong đời sống chúng ta. Tham lam và đố kỵ là những nết xấu liên quan đến thái độ của chúng ta hướng đến sự sở hữu trần thế. Chúng ta tham lam khi chúng ta thổi phồng những giá trị trần gian. Chúng ta đầy đố kỵ khi chúng ta ghen tị với người khác có nhiều lợi ích trần gian hơn ta. Tham lam, ham muốn và lười biếng là những sai lạc khác nhau về những lạc thú khiến chúng ta đi đến lầm đường lạc lối. Sự tham lam thổi phồng giá trị của những đồ ăn thức uống. Sự ham muốn giống như những lạc thú về tính dục và sự lười biếng mang lại những dục vọng thái quá về những an nhàn thảnh thơi. Kiêu căng và nóng giận liên quan đến quyền lực. Sự kiêu căng xuất hiện khi chúng ta đặt những ước muốn và ý riêng của chúng ta lên trên ý Thiên Chúa. Sự nóng giận mang tính chất tội lỗi xuất hiện bất cứ khi nào chúng ta ham muốn có hành vi bạo lực với người khác, những người mà đe dọa tự do và quyền lực của chúng ta.

Trong mỗi lần đồng hành thiêng liêng, sau những lần hướng dẫn, vị linh hướng sẽ yêu cầu người thụ hướng bày tỏ những vấn đề, những cám dỗ, những đấu tranh và những thất bại của mình trong từng cản trở của ân sủng. Có sự coi trọng đặc biệt nào dành cho những của cải trần gian, những lạc thú thể xác hay sử dụng quyền lực và tự do một cách vị kỷ không? Ngoài việc nhận thức cá nhân về nó, chúng ta thường tìm thấy những cám dỗ của bản thân chúng ta làm cho một hay nhiều những thứ khác trong ba cản trở này trở thành những mục tiêu tối hạu của cuộc đời chúng ta. Một trong những nhiệm vụ chính của vị linh hướng là làm cho người thụ hướng nhận biết một cách có ý thức hơn nữa về sự có mặt và sức hấp dẫn của của cải, lạc thú và quyền lực trong đời sống hằng ngày của họ. Vì chúng quá hấp dẫn nên chúng dễ trở thành ông chủ của chúng ta. Chúng ta bắt đầu phụng sự chúng như là thượng đế của chúng ta thay vì phụng sự Thiên Chúa thật. Đây là sự bóp méo toàn bộ sự thật đến nỗi nếu chúng ta làm cho bất cứ một trong ba cản trở của ân sủng trở thành mục tiêu tuyệt đối của cuộc đời ta thì chúng sẽ ngừng mang lại lợi ích và trở thành xấu xa. Vì có quá nhiều sức mạnh tiềm ẩn đằng sau mỗi một trong ba giá trị này nên mục đích tối hậu là chúng mang vào những nhân cách của thần khí xấu. Những tà lực này đưa ra một sự đe dọa liên tiếp tới sự cứu độ vĩnh củu của chúng ta cũng như là thiện ích gian trần của chúng ta. Khi chúng ta tuyệt đối hóa bất cứ một trong ba giá trị có giới hạn này, chúng ta sẽ bị sức lực xấu của chúng sở hữu. Một hạn từ phổ biến mà ngày nay hay dành cho của cải đó là “sự nghiện ngập”. Chúng ta trở nên nghiện ngập của cải, lạc thú và quyền lực. Mỗi tội lỗi và sự xấu xa trong thế giới ngày nay có thể được đánh dấu qua việc chúng ta quá dính bén tới một hay hơn ba cản trở của ân sủng này. Chỉ có Thiên Chúa và thánh ý Thiên Chúa là đáng được yêu một cách tuyệt đối. Chúng ta không bao giờ được yêu bất cứ một vinh quang tạo vật hay bất cứ một tạo vật nào một cách tuyệt đối hay một cách vô hạn.

Tác giả: Hoa nhỏ

Nguồn tin: Chester P. Michael, An Introduction to Spiritural Direction – A Psychological Approach for Directors and Directees, Paulist Press, New York, N.J, 2006.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây