GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Thánh lễ tôn phong 5 Chân phước tử đạo tại Paris

Đứng đầu danh sách là cha Henri Planchat (1823-1871), thuộc Dòng thánh Vinh Sơn Phaolô, quen gọi là Dòng Lazariste. Cha vốn được gọi là “Tông đồ ngoại ô”. Tiếp đến là bốn linh mục tu sĩ thuộc Dòng Thừa sai Picpus. Năm vị bị bắt giam gần hai tháng trước đó, trước khi bị hành quyết trên đường Haxo thuộc quận 20 ở thủ đô Paris và xác của các vị bị quăng xuống một huyệt mộ tập thể.
Thánh lễ tôn phong 5 Chân phước tử đạo tại Paris
beatification du pere henri planchat et de ses compagnons martyrs 1Thứ Bảy, ngày 22 tháng Tư vừa qua, Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã đại diện Đức Thánh cha Phanxicô chủ sự thánh lễ tôn phong chân phước cho năm linh mục tử đạo, bị sát hại ngày 25 tháng Sáu năm 1871, dưới thời Công xã Paris bài Công giáo.
 
Đứng đầu danh sách là cha Henri Planchat (1823-1871), thuộc Dòng thánh Vinh Sơn Phaolô, quen gọi là Dòng Lazariste. Cha vốn được gọi là “Tông đồ ngoại ô”. Tiếp đến là bốn linh mục tu sĩ thuộc Dòng Thừa sai Picpus. Năm vị bị bắt giam gần hai tháng trước đó, trước khi bị hành quyết trên đường Haxo thuộc quận 20 ở thủ đô Paris và xác của các vị bị quăng xuống một huyệt mộ tập thể.
 
Án phong chân phước cho cha Planchat và các bạn được khởi sự năm 1896, nhưng bị kẹt trong thế kỷ XX và mãi đến thập niên 1990 mới được mở lại. Ngày 25 tháng Mười Một năm 2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của năm vị tôi tớ Chúa.
 
Hiện diện trong thánh lễ tôn phong, tại nhà thờ Saint-Sulpice, là nhà thờ chính tòa tạm thời của Giáo phận Paris, có mười hai giám mục, hàng tram linh mục và tu sĩ, trong đó có 700 thành viên thuộc Dòng thánh Vinh Sơn Phaolô và 500 vị thuộc Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, quen gọi là các Thừa sai Picpus. Ngoài ra, có hàng ngàn nữ tu và giáo dân ngồi chật thánh đường.
 
Đầu thánh lễ, Đức Tổng giám mục Laurent Ulrich, đã nhân danh Tổng giáo phận Paris sở tại, xin Đức Thánh cha tôn phong năm vị tử đạo lên bậc chân phước, rồi hai vị thỉnh nguyện viên đã đọc tiểu sử của năm vị. Tiếp đến, Đức Hồng y Semeraro đã công bố tông sắc của Đức Thánh cha cho phép tôn kính năm vị tử đạo như chân phước, hằng năm vào ngày 26 tháng Năm, ngày các vị chịu chết vì đức tin, tại những nơi và theo thể thức luật định.
 
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Hồng y Semeraro đã diễn giải bài Tin mừng về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô Phục Sinh và hai môn đệ trên đường Emmaus. Ngài gợi lại cuộc sống và tử đạo của năm vị chân phước, đồng thời nhận xét rằng: “Lịch sử các vị tử đạo này cũng là một lời cảnh giác cho ngày nay, nhưng trong viễn tượng Kitô, đây cũng là một lịch sử hy vọng, vì “sự thiện chiến thắng, và đôi khi sự thiện có vẻ là thất bại vì những đàn áp và gian xảo, nhưng trong thực tế sự thiện tiếp tục hoạt động trong thinh lặng và âm thầm mang lại những hoa trái về lâu về dài”.
 
Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Phong thánh khích lệ các tín hữu cầu nguyện và tham gia công cuộc truyền giáo của Hội thánh, noi gương các tân chân phước và nói: “Việc cầu nguyện mang lại sức mạnh để tin tưởng và chiến đấu cho sự thiện, cho dù chúng ta bị cám dỗ nản chí, xét về mặt con người”.
 
Bên ngoài thánh đường, hiến binh đã tăng cường các biện pháp an ninh. Cách đây hai năm, ngày 29 tháng Năm năm 2021, một cuộc rước đã được Giáo phận Paris tổ chức để tưởng niệm cuộc thảm sát các vị tử đạo và nhiều con tin khác của Công xã Paris. Nhưng có một nhóm người đấu tranh cực tả phá rối và tấn công hung bạo những người tham dự cuộc rước. Giáo phận Paris đã kín đáo trong việc thông tin và dùng thành ngữ “Các vị tử đạo năm 1871” thay vì từ “Các vị tử đạo thời Công xã”.
(fr.aleteia.org 22-4-2023, Vatican News 22-4-2023)

Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây