GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Giáng sinh… tội nghiệp Chúa?

Khi những chiếc lá cuối cùng của mùa thu tìm được bến đỗ, những cánh chim bắt đầu hành trình, để lại nơi quen thuộc để di cư đến miền đất hứa của sự ấm áp, báo hiệu một mùa đông đã đến tràn ngập khắp muôn làng.
Giáng sinh… tội nghiệp Chúa?
unknown 2Khi những chiếc lá cuối cùng của mùa thu tìm được bến đỗ, những cánh chim bắt đầu hành trình, để lại nơi quen thuộc để di cư đến miền đất hứa của sự ấm áp, báo hiệu một mùa đông đã đến tràn ngập khắp muôn làng. Những cơn gió bấc đầu mùa tràn ngập không khí, len lỏi và ướp lạnh mọi tạo vật mà nó lướt qua, khiến khung cảnh có gì đó thật tiêu điều xơ xác bởi sự lạnh lẽo và hanh khô đặc trưng của miền Bắc. Giữa nhịp sống ngày càng bộn bề, vội vã, con người dường như bị nuốt chửng bởi một nhịp sống nhanh đến ngộp thở và không còn thời gian dành cho nhau khiến người giàu cũng phải khóc vì sự cô đơn, lãnh đạm. Rõ nét nhất tại nơi các miền quê, khi dòng xoáy di cư ngày càng biến những ngôi làng, xóm ngõ trở nên vắng teo, già cỗi, những gia đình thiếu hơi ấm của những người cha, người mẹ, những giáo xứ, cộng đoàn thiếu đi hay mất hẳn tính năng động của những người trẻ, thì ước mơ của những người ở lại về những dịp được đoàn tụ lại càng trở nên thiêng liêng và chan chứa tình người mà ngày đại lễ Giáng Sinh ấm áp là một trong những dịp được mọi người không phân biệt tôn giáo mong chờ nhất.

Đã từ lâu trong tâm thức của nhiều người Việt nói riêng và mọi người trên thế giới nói chung, Giáng sinh đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi độ thu qua đông tới. Cứ đến hẹn lại lên, không khí Giáng Sinh tràn ngập trên mọi nẻo đường, mọi ngôi thánh đường, không chỉ “phố đã lên đèn”, nhưng mọi ngóc ngách, mọi con hẻm, mọi con đường làng… đều được trang hoàng lộng lẫy không chỉ với cây thông, ngôi sao, đèn điện, cờ quạt, mà với một nét đặc trưng không thể thiếu làm nên tính trọng đại của biến cố này là “Hang đá”. Cùng với vô số món đồ trang trí, những cánh thiệp với muôn ngàn lời chúc, những món quà đơn sơ, ý nghĩa, thì các hang đá với đủ loại ý tưởng, thể loại, kích cỡ, vật liệu… cứ mọc lên khắp nơi hay được bày bán nơi các cửa tiệm báo hiệu Giáng sinh đã tới gần. Cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, thế giới ngày càng phẳng lại và không còn biên giới, khi những hang đá vơi nhiều ý tưởng độc lạ thể hiện sự phong phú của tư tưởng nhân loại, sự đa dạng của các nền văn hóa được lan tỏa trên mạng, có thể được du hành khắp năm châu cũng như được chia sẻ để mọi người có thể tham khảo, học nhau để thực hiện tại nơi mình đang ở. Chỉ cần đánh vào google hai chữ “hang đá” là hàng triệu triệu kết quả được hiển thị với vô số muôn hình muôn vẻ các thể loại, thiết kế xoay quanh các nhân vật trong gia đình thánh gia mà trung tâm là chính Ngôi Hai Thiên Chúa trong hình hài của một trẻ thơ năm trong máng cỏ.

Đó là một nét đẹp văn hóa mà nền văn minh Ki-tô giáo gieo vào lòng thế giới tự thuở nào, mà ngày nay, nó đã trở thành một thứ không thể thiếu với mọi người trên thế giới dù màu da, sắc tộc hay tôn giáo nào. Có biết bao câu chuyện đẹp về tình yêu, biết bao ca từ đẹp được dệt lên, bao câu chuyện, cử chỉ đầy tình người cảm động, ý nghĩa ngay giữa mùa đại dịch hay giữa chiến tranh… đã diễn ra như những phép lạ diệu kì, như những món quà Giáng sinh vô giá sưởi ấm bao cõi lòng và chữa lành bao vết thương giữa một nhân loại đang cần lắm hơi ấm của tình người, của sự vị tha và chia sẻ vượt qua mọi biên giới, mọi ngăn cách và mọi khác biệt….

Không những thế, cùng với việc mừng biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, gặp gỡ con người, để cứu nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, thì Giáng Sinh cũng là dịp để con người gặp gỡ nhau, hòa chung với nhau trong niềm vui, sự sẻ chia gần gũi và ngày hội đoàn viên. Nếu người mỹ có lễ tạ ơn là dịp để mọi người trở về, quây quần bên nhau, người việt hay Á Đông có tết âm lịch, thì nhiều người phương Tây, cách riêng với người ki-tô hữu, Giáng sinh đã trở thành dịp đoàn viên, quy tụ nhau nơi gia đình giáo xứ, trong tâm tình cầu nguyện cùng những bản thánh ca Giáng Sinh du dương nơi những hang đá, nhất là chia sẻ không khí gia đình dù chỉ ngắn ngủi, nhưng ấp áp giữa cái lạnh của mùa đông, nhất là giữa một thế giới dường như ngày càng trở nên giá lạnh tình người bởi sự xa cách, bởi sự vô cảm dửng dưng của con người. Không những thế, Giáng sinh giờ đây không chỉ còn đơn thuần là một ngày lễ nhưng còn là một lễ hội, một ngày hội của con người trên khắp thế giới, giúp mọi người có cơ hội và thời gian chậm lại để xích lại gần nhau hơn, trao cho nhau hơi ấm của tình người cùng với đó là những món quà, những cánh thiệp những lời chúc ý nghĩa và nhất là trao cho nhau chính Đấng Cứu Thế - Hài nhi Giê-su.

Tuy nhiên, trong một xã hội ngày càng đề cao vật chất, khi vật giá tăng cao, khi dường như nhân phẩm ngày càng bị trượt giá một cách thê thảm, thì Giáng Sinh có lẽ cũng trở thành một đối tượng ưa thích đang bị lạm dụng, biến chất khi bị thương mại hóa, kinh tế hóa, thậm chí cả chính trị hóa.... Không chỉ với người không có niềm tin, mà thật đáng báo động là nơi chính những tín hữu, Giáng Sinh lại trở thành một dịp mà “tính hội” của ngày lễ đang lấn át và làm mất tính “chất lễ” của biến cố trọng đại mừng kính Con Thiên Chúa làm người và chờ đợi trong niềm hy vọng Chúa sẽ đến trong vinh quang. Sự hào nhoáng của việc trang trí hay những hoạt động bên ngoài lấn át và làm lu mờ Thánh Lễ, trung tâm của Giáng Sinh để thay vào đó là biết bao những toan tính, những chiêu bài kinh doanh, những âm mưu chính trị được diễn ra dưới lớp vỏ hoàn hảo của một ngày lễ, mà nay chỉ còn là một dịp mang tính chất hội đơn thuần. Những món quà không phải để gói gém niềm hy vọng, sự biết ơn hay niềm vui, nhưng ẩn giấu trong đó là những thứ giả tạo cùng những âm mưu, những đòi hỏi….

Cùng với đó, việc tổ chức và “hội hóa” lễ Giáng Sinh khiến nhiều người lầm lẫn Giáng Sinh là đỉnh cao của năm phụng vụ, là lễ quan trọng nhất của người công giáo. Điều đó có thể chỉ đúng trong phương diện quy mô tổ chức và sức ảnh hưởng, bởi giờ đây Giáng Sinh có thể nói không còn chỉ là ngày lễ của riêng người Ki-tô giáo, nhưng còn là một ngày hội, một văn hóa của toàn thế giới hay về cái không khí mà nó mang lại… Trong khi đó, ngày lễ lớn nhất, quan trọng nhất đối với mỗi người Công Giáo là Lễ Phục Sinh… Đây có lẽ là một trong những hiểu lầm đối với nhiều người Công Giáo, và đối với hầu hết người tôn giáo bạn, khi chính sự thiếu hiểu biết và cung cách tổ chức của những người có đạo khiến họ hiểu lầm….

Không những thế, thật đáng buồn khi cùng với đà tiến của sự tục hóa, Giáng Sinh lại trở thành một phong trào của việc trang trí, của những cái hang đá siêu to khổng lồ đến kệch cỡm, lớn nhất, tốn kém nhất, hay những cái hang độc lạ nhất… cái gì cũng nhất mà đôi khi không phải để thể hiện lòng tôn thờ Chúa hay truyền tải sứ điệp Tin Mừng, nhưng lại biến Giáng sinh, biến Chúa thành bức bình phong để thể hiện chính bản thân mình, không phải để mang đến cho nhau niềm vui nhưng là mang đến cho nhau sự đố kị, ganh đua, thành tích và nhất là thể hiện sự kiêu ngạo của chính mình….

Hơn nữa, Giáng sinh nhiều khi lại bị biến dịp thuận tiện để con người đua nhau hợp pháp hóa cái tôi ích kỉ, cái cá tính của mình khi biến hang đá trở thành một món trang trí rẻ tiền bày, biến cây thông hay đèn hoa trở thành dịp để thể hiện độ giàu, độ chơi của một cộng đoàn, một giáo xứ, hay của những cá nhân, thậm chí công ty, tập đoàn không có niềm tin theo kiểu giáo xứ tôi mới là nhất, hang đá cây thông, chương trình của giáo xứ tôi, của hội tôi, của công ty tôi mới là nhất thế. Bên cạnh đó, những đêm hoan ca của chúng tôi mới hoành tráng và tốn kém nhất mà quên đi bản chất đich thực đầy cao đẹp của biến cố Giáng sinh là Thiên Chúa làm người, ở với con người, đó phải là dịp mà mọi người trao cho nhau tình yêu cứu độ mà Hài nhi Giê-su đã mang đến cho nhân loại. Đó cũng phải là dịp mà con người xích lại gần nhau hơn thay vì ganh đua tranh đấu, đó là dịp mà con người biết cho đi sẻ chia sưởi ấm bao phận người còn đang đói, đang khát, đang giá lạnh không chỉ sự sống vật chất mà còn cả đời sống tinh thần… Nhưng thật đáng buồn là những mục đích cao đẹp ấy đôi khi lại bị lãng quên hay che khuất trong đà tiến của thế giới ngày nay….

Dẫu vẫn biết còn đó rất nhiều tâm hồn khao khát đến Giáng Sinh để tận hưởng và trao gửi những thông điệp thật sự của tình yêu thương, của niềm hy vọng, những cành thiệp với những thông điệp đầy ý nghĩa, những cuộc gặp gỡ của sự giao hòa, của nềm vui đoàn viên hay những món quà, những hang đá đơn sơ nhưng đầy tình Chúa cùng niềm tin trong đó, thì Giáng sinh trong một phương diện nào đó, có vẻ cũng bị lạm dụng, biến chất, trở thành một hiện tượng xã hội hơn là một lễ tôn giáo, khi Thiên Chúa trở thành một hình nền hoàn hảo, một bình phong tuyệt mỹ cho những kế hoạch cho con người thể hiện mà sau sự thể hiện ấy là một sự lãng quên, một sự hoang tàn đổ nát mà những hang đá, những cây thông, những bức tượng lại bị cho váo một xó… Đau buồn hơn là ngay giữa bầu khí Giáng Sinh, hang đá, nơi có Chúa ngự lẽ ra phải là nơi được tôn kính nhất, là nơi để cầu nguyện, để tôn thờ, thì thay váo đó, những hang đá ấy đôi khi không còn sự tôn kính nhưng là nơi để con người thay vì hội nhau ca tụng Chúa với những bài thánh ca hay những bữa tiệc thánh thiện, lại là những cuộc nhậu thâu đêm, nhưng “sòng bạc dã chiến” được dựng nên ngay dưới chân và trước sự hiện diện của Chúa; những hang đá thậm  chí với những bộ tượng không được làm phép, hay có làm phép thì nhiều người cũng chẳng ý thức về sự hiện diện đích thực cua Ngôi Hai Thiên chúa mà chỉ lướt qua hang đá như một món đồ trang trí lộng lẫy; rồi hang đá trở thành một background hoàn hảo cho những bức ảnh check-in để phô diễn những bộ quần áo, thậm chí những hành động đầy khiếm nhã của các cặp đôi cùng biết bao sự nhiễu nhương vẫn đã và đang diễn ra mà nhiều người coi đó như là chuyện bình thường tất yếu của thời đại và cuối cùng biến nhân vật chính của ngày lễ này trở thành kẻ tội nghiệp đáng thương nhất…

Giáng Sinh luôn và mãi là nét đẹp của người Ki-tô giáo dù cho nơi đây vẫn còn những góc tối bởi những lạm dụng của con người, bởi một chân lý không thể chuển lay đó chính là việc chính Thiên Chúa đã đến viếng thăm và ở với con người. Thiên Chúa chấp nhận trở nên người, nên đòn bẩy, thành hình nền cho con người vươn lên khỏi vũng lấy nhơ nhớp của tội để hướng tới Chúa cùng biết bao ý nghĩa tốt đẹp mà ngày đại lễ này có thể mang đến cho con người không phân biệt màu da sắc tộc hay tôn giáo. Hơn nữa, đây là ngày đất trời giao duyên, con người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau trong tình yêu, niềm vui và niềm hy vọng về một thế giới ngày càng tốt đẹp và ấm áp hơn… Ước mong, mỗi dịp Giáng Sinh luôn đến với mọi người với đúng ý nghĩa của nó và mỗi người sẽ cảm nhận được thực sự ý nghĩa mà đại lễ này mang lại để mọi người xích lại gần nhau hơn để sẻ chia và làm vơi đi những nỗi đau, những rẽ chia mà nhân loại đang phải hứng chịu và trải qua….

Tác giả: Khiêm Nhu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây