GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Cùng bạn trẻ sống Mùa Vọng

Mùa Vọng khởi đầu năm Phụng vụ, là thời gian vừa chuẩn bị đón mừng lễ Chúa Giáng Sinh, vừa hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai nên mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi[1].
Cùng bạn trẻ sống Mùa Vọng
00 00 aventMùa Vọng khởi đầu năm Phụng vụ, là thời gian vừa chuẩn bị đón mừng lễ Chúa Giáng Sinh, vừa hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai nên mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi[1]. Ở nhiều nơi, người ta có thói quen lần lượt thắp sáng bốn ngọn nến trong bốn tuần lễ để diễn tả tâm tình của mùa phụng vụ này. Tất nhiên, ánh sáng từ Lời Chúa mà phụng vụ Giáo hội lựa chọn đọc hàng ngày trong mùa Vọng sẽ là những chỉ dẫn khôn ngoan giúp các tín hữu sống mùa hy vọng đợi chờ cách hữu hiệu và ý nghĩa nhất. Ở đây, chỉ xin gợi ý cùng các bạn trẻ một vài tâm tình, như một cách thế sống mùa Vọng. Một cách cụ thể, xin cùng những người trẻ thắp lên bốn ngọn nến nơi tâm hồn trong mùa Vọng này.

Ngọn nến thứ nhất: Tỉnh thức

Thái độ tỉnh thức sẵn sàng được chính Chúa Giêsu mời gọi và được phụng vụ Giáo hội nhắc nhớ ngay từ Chúa Nhật đầu tiên của mùa Vọng (x. Mt 24,37-44; Mc 13,33-37; Lc 21,25-28.34-36). Lời Chúa mạc khải cho ta biết, vào ngày Con Người quang lâm, hai người đang cùng làm việc thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại (x. Mt 24,40-41). Lúc đó, ta sẽ biết đâu là trinh nữ khờ dại hay khôn ngoan (x. Mt 25,1-13), đâu là đầy tớ trung thành hay bất trung (x. Mt 25,14-30), ai sẽ được đem về Nước Trời hay bị hư mất mãi mãi. Hai người bề ngoài xem ra giống nhau nhưng chỉ khác ở chính thái độ nội tâm tỉnh thức sẵn sàng. Người được đem đi là người tỉnh thức thanh thoát, người bị bỏ lại là người đangmải mê thế sự. Người khôn ngoan sẵn sàng cầm đèn sáng trong tay, người khờ dại vẫn còn đang say ngủ. Người trung thành mau mắn chu toàn bổn phận, người bất trung thì lười biếng và tồi tệ. Người được cứu thoát đã ở trong ánh sáng, kẻ bị hư mất đang ngập trong bóng tối.

Với những người trẻ sống trong một thời đại có nhiều tiến bộ thuận lợi nhưng cũng đứng trước nguy cơ sinh mệnh và hạnh phúc mong manh hơn, “tình trạng VUCA”[2], việc tỉnh thức càng trở nên quan trọng. Người trẻ thường hay quên, nói đúng hơn, người trẻ không mấy quan tâm để ý về ngày tận cùng của đời người và thế giới này. Trước mắt họ là cả một thế giới hứa hẹn còn tràn đầy niềm vui hấp dẫn. Với lý luận YOLO (You only live once, bạn chỉ sống một lần duy nhất) và cho rằng “mình còn trẻ ấy mà” nên một số trong họ chủ trương: cứ ăn chơi cho hết đời trai trẻ đã, về già rồi tính. Thế nhưng, Chúa Giêsu dạy rằng vào chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến (x. Mt 25,44). Vì vậy, các bạn trẻ phải luôn tỉnh thức để nhìn lại lối sống, để phân định, không rập theo đời này nhưng cải biến con người bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo (x. Rm 12,2).

Tỉnh thức là cầu nguyện kết hợp mật thiết với Chúa luôn. Tỉnh thức là biết thánh hoá giây phút hiện tại. Tỉnh thức là luôn sống trong sự hiện diện của Chúa. Tỉnh thức là ăn năn sám hối, canh tân đời sống như lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả: hãy dọn đường cho Chúa đến, sửa lối cho thẳng để Người đi (Mt 3,3; Mc 1,2; Lc 3,4-5; Ga 1,23; x. Is 40,3-4) bằng cách lấp đầy những thung lũng của hận thù, ghen ghét; bạt cho thấp những núi đồi của ngạo mạn kiêu căng; uốn cho ngay những khúc quanh co của gian dối lọc lừa; san cho phẳng những lồi lõm của toan tính hẹp hòi... Có như thế, chúng ta mới hy vọng đứng thẳng và ngẩng đầu lên trong ngày Chúa đến (x. Lc 21,28) vì đã được trở nên tinh tuyền thánh thiện, không có gì đáng chê trách (x. 1Tx 3,13; 5,23; Pl 1,10; 2Pr 3,14).

Ngọn nến thứ hai: Từ bỏ

Không thể tỉnh thức mà lại không nói đến những hy sinh từ bỏ. Trong Tin Mừng Mátthêu có nhắc đến một chàng thanh niên đến bên Chúa để hỏi thêm Ngài, với tinh thần cởi mở của người trẻ thích đi tìm những chân trời mới và những thách đố lớn (x. Mt 19,16-22). Thế nhưng, chính khi nhận ra rằng anh không thể từ bỏ những gì mình đang có thì anh đã từ bỏ tuổi trẻ của mình[3]. Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nói: Thánh thiện và tội lỗi, lắm lúc chỉ do thắng bại của một phút hy sinh[4].

Người trẻ luôn khao khát tự do nhưng lại quan niệm tự do là muốn làm gì thì làm, kể cả là sự buông thả, phóng đãng theo bản năng. Nhiều khi kiểu tự do đó biến ta trở thành nô lệ cho những điều mình yêu thích. Không phải là không có lý khi người ta nhìn về một số bạn trẻ như những người cuồng loạn, phá phách. Khao khát thể hiện mình cách thái quá dễ dẫn đến những lời nói và hành vi không hay, thậm chí là lố lăng, phản cảm. Tự do đích thực thì không phải là muốn làm gì thì làm nhưng chỉ muốn làm những gì Chúa muốn. Hay nói như Sách Gương Phúc thì chỉ muốn điều Chúa muốn, muốn như Chúa muốn và muốn lúc Chúa muốn[5]. Quả thực, không có tự do nào lớn hơn việc để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, bằng cách từ bỏ cám dỗ muốn lên kế hoạch và kiểm soát mọi sự, và thay vào đó, để cho Người soi sáng, hướng dẫn, điều khiển chúng ta, đưa chúng ta đến bất cứ nơi nào Người muốn[6].

Như vậy, muốn theo Chúa và làm môn đệ Người thì các bạn trẻ cần phải biết từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy (x. Mt 16,24), từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục (Tt 2,12). Hy sinh từ bỏ như thế là chấp nhận được cắt tỉa để lớn lên (x. Ga 15,2), để mặc lấy chính Chúa Giêsu Kitô (x. Rm 13,14). Mùa Vọng này, các bạn trẻ có thể đưa ra quyết tâm sửa chữa một đam mê tật xấu nào đó. Có thể là bỏ thói quen còn sử dụng điện thoại khi tham dự Thánh lễ, không quá lệ thuộc vào mạng xã hội, không vội nổi nóng với người trên, hạn chế nói tục...

Ngọn nến thứ ba: Vui tươi

Những hy sinh từ bỏ thực sự có giá trị khi nó được thực hiện trong vui tươi lạc quan bởi vì lời Chúa Giêsu đã quả quyết: ai hiến mình cho Chúa và Tin Mừng, sẽ nhận lại gấp trăm (x. Mt 19,29; Mc 10,29-30; Lc 18,29-30). Cho nên Tin Mừng -nơi Thập giá Đức Kitô chói sáng rạng ngời- luôn khẩn khoản mời chúng ta đến với niềm vui[7], niềm vui ơn cứu độ, niềm vui đức tin. Lòng vững tin thì sẽ vui tươi sống theo lời Chúa dạy, dầu có gặp phải những thử thách gian truân, chống đối, thiệt thòi. Đầy tín thác thì mới vui vẻ tạ ơn trong mọi hoàn cảnh (x. 1Tx 5,18). Bước đường theo Chúa không loại trừ đau khổ nhưng đòi hỏi người môn đệ biết vui tươi đón nhận thập giá như phương tiện để được cứu độ.

Giáo hội muốn cử hành mùa Vọng trong hạnh phúc hân hoan khi thường xuyên lặp lại lời dạy của thánh Phaolô Tông đồ: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến” (Pl 4,4-5). Con đường nên thánh của thánh Gioan Don Bosco, cha và thầy của giới trẻ, là “phụng sự Chúa trong vui vẻ”. Vui tươi được coi như là “giới răn thứ mười một trong các nhà Saladiêng”. Thánh Đaminh Saviô đã cảm nhận được điều đó: “Nơi này, sự thánh thiện nằm trong sự vui tươi và chu toàn bổn phận cách tuyệt hảo”.

Nhưng đó là niềm vui nào? Thánh Phaolô nói về “niềm vui của Chúa” chứ không phải niềm vui theo kiểu thế gian. Niềm vui của Chúa mới là thành trì bảo vệ chúng ta (x. Nkm 8,10). Chắc hẳn đây không phải là niềm vui được quảng bá nơi nền văn hoá tiêu thụ và cá nhân chủ nghĩa ngày nay. Chủ nghĩa tiêu thụ chỉ làm phù nề trái tim. Nó có thể trao lạc thú chóng qua khi này khi khác, nhưng đó không phải là niềm vui[8]. Đức Thánh cha Phanxicô muốn nói về một niềm vui được người ta sống trong hiệp thông, nó chia sẻ và được chia sẻ, vì “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35) và “Thiên Chúa yêu quý người biết trao ban một cách vui tươi” (2Cr 9,7)[9]. Nói tóm lại, đó là niềm vui có Chúa, sống theo lời Chúa dạy và bước đi trong đường lối của Người. Niềm vui khi hết long phụng sự Chúa và tận tâm phục vụ tha nhân, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.

Ngọn nến thứ tư: Dấn thân

Không thể có niềm vui trọn vẹn mà lại không dấn thân lên đường. Niềm vui đòi phải được chia sẻ. Thế nhưng, nơi một bộ phận người trẻ lại đang chịu ảnh hưởng của những trào lưu, hiện tượng đáng lo ngại như “triết lý nằm thẳng”[10] hay “lười biếng xã hội”[11]. Tuổi trẻ đầy năng lượng đáng ra phải nhiệt huyết hăng say, tích cực cống hiến thì đâu đó vẫn tồn tại những người trẻ ngại vác thánh giá, ngại dấn thân, ngại hy sinh khi chọn cho mình giải pháp an phận, “cầu bại”, theo kiểu “sống qua ngày, chờ qua đời”. Có một nguyên tắc rất đơn giản mà hiệu quả, được coi như “chìa khoá” để giúp các bạn trẻ dấn thân phục vụ, đó là nguyên tắc TSA+, viết tắt của Thinking Positive, Speaking Positive và Acting Positive. Tạm dịch sang tiếng Việt là ba châm ngôn cho bạn trẻ: Nghĩ cho đúng, Nói cho thật và Làm cho hay[12].

Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh cha Phanxicô tha thiết mời gọi những người trẻ nhập cuộc, những người trẻ xuống đường, những người trẻ muốn trở thành những tác nhân đem lại sự thay đổi (số 174). Vị cha chung cũng đề nghị các bạn trẻ làm ơn đừng về hưu non, đừng ngắm nhìn cuộc sống từ ban công, đừng lẫn lộn hạnh phúc với chiếc ghế bành, đừng sống cả cuộc đời mình trước cái màn hình, đừng như những chiếc xe nằm trong bãi đậu xe, đừng nhìn thế giới như những khách du lịch (số 143), đừng đùn đẩy cho những người khác làm tác nhân của sự thay đổi, đừng bàng quan nhìn cuộc sống (số 174), đừng mong sứ vụ dễ dàng và thoải mái, đừng đợi đến ngày mai mới đóng góp năng lực, sự gan dạ và sự sáng tạo cho việc biến đổi thế giới này (số 178).

Một vài việc dấn thân thiết thực bạn trẻ có thể làm trong mùa Vọng này: đặt điện thoại xuống để thực hiện những cuộc thăm viếng trực tiếp, có thể đó là những người thân ngay trong gia đình dòng họ; ngừng tìm kiếm và chia sẻ những thông tin viển vông hay mải loay hoay với những cuộc tán gẫu vu vơ để dành thời gian quan tâm tìm hiểu về đời sống Giáo hội và trách nhiệm của mình trong đó; tham gia một hoạt động từ thiện bác ái nào đó....

Mùa Vọng là thời gian hồng ân để chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến. Thật thích hợp khi dùng thời gian này để nỗ lực tăng cường các việc đạo đức bề ngoài nhưng cũng cần dành vị trí xứng đáng cho việc thăng tiến đời sống nội tâm. Hơn nữa có thể nói, đời người là một mùa Vọng kéo dài. Ước gì mỗi bạn trẻ sẽ sống mùa Vọng cuộc đời trong tỉnh thức và từ bỏ, trong vui tươi và dấn thân để hăm hở đón mừng Con Chúa đến, luôn biết ham thích những sự trên trời để được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh[13].

Một mẫu gương sống mùa Vọng cách tuyệt hảo mà người trẻ cần noi theo chính là Đức Trinh Nữ Maria. Chính trong thời gian cử hành mùa Vọng, Giáo hội hân hoan mừng lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thiên Chúa đã làm cho Đức Trinh Nữ khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ và gìn giữ Mẹ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi nhờ công nghiệp của Con Chúa chịu chết sau này, để xứng đáng đón Con Chúa giáng trần[14]. Chúng ta có thể học nơi Đức Maria lòng hân hoan tín thác đón nhận Lời Chúa, tâm tình chiêm niệm thinh lặng chuẩn bị chờ Chúa đến, tuy dẫu không quên sự ân cần tới tha nhân khi thăm viếng bà Êlisabét[15]. Nhờ lời Đức Mẹ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa ban cho mỗi người trẻ được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước Chúa ngự đến trong tâm hồn.


[1] x. Những quy luật tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch, số 39.
[2] Khái niệm “VUCA” dùng để mô tả về thế giới “đa cực”, được xác lập khi thoả 4 điều kiện: Volatility (biến động), Uncertainty (không chắc chắn), Complexity (phức tạp), Ambiguity (mơ hồ). Khái niệm VUCA được sử dụng lần đầu tiên năm 1987 bởi Warren Bennis và Burt Nanus (theo Wikipedia) và được Trường Chiến tranh Quân đội Mỹ công bố vào đầu những năm 90 để mô tả về thế giới “đa cực” xuất hiện sau Chiến tranh Lạnh. Lần gần đây nhất thế giới của chúng ta rơi vào tình trạng VUCA là trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Và phải nhìn nhận rằng dịch Covid-19 với những tác động sâu sắc mà nó mang lại đã đặt thế giới vào trạng thái VUCA một lần nữa (xem thêm tại: https://www.prudential.com.vn/vi/blog-nhip-song-khoe/binh-tinh-song-giua-trang-thai-vuca/).
[3] PHANXICÔ, Tông huấn Christus Vivit (25/3/2019), số 18.
[4] NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường hy vọng, số 172.
[5] Sách Gương Chúa Giêsu, quyển III, chương XV: Chỉnh đốn hành vi ngôn ngữ.
[6] PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), số 280.
[7] PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), số 5.
[8] x. PHAOLÔ VI, Tông huấn Gaudete in Domino (09/5/1975), số 8: “Xã hội kỹ thuật có thể làm tăng thêm nhiều dịp cho lạc thú, nhưng lại rất khó tạo niềm vui”.
[9] PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate (19/3/2018), số 128.
[10] Triết lý “tang ping” (nằm thẳng/ nằm phẳng/ nằm ườn/ nằm yên mặc kệ đời) xuất hiện nơi một bộ phận giới trẻ Trung Quốc và trở thành một trào lưu gây nhiều tranh cãi. Theo đó, những bạn trẻ theo lối sống “nằm thẳng” chủ trương lao động ở mức độ tối thiểu, làm việc đủ để tồn tại (xem thêm tại: https://zingnews.vn/trao-luu-nam-thang-de-doa-giac-mong-trung-hoa-post1272868.html).
[11] Hiện tượng “lười biếng xã hội” xuất hiện nơi những người chỉ muốn “sống nhờ” hay chủ trương làm càng ít càng tốt. Lười biếng xã hội là xu hướng của con người - trong sự có mặt, tham gia của những người khác - làm việc kém hiệu quả đi khi thực hiện các nhiệm vụ đơn giản bởi vì sự đóng góp cá nhân mang tính vô danh (x. KNUD S. LARSEN - LÊ VĂN HẢO, Tâm lý học xã hội trong cuộc sống hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021, tr. 290-291).
[12] LÊ QUANG UY, “Sống vui, sống hữu ích” trong UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN - HĐGMVN, Tập san Logos 07: Người trẻ và xã hội, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2021, tr. 161-162.
[13] x. Lời nguyện Chúa Nhật II Mùa Vọng.
[14] x. Lời nguyện Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày 08/12.
[15] PHAN TẤN THÀNH, Magnificat - Thánh Mẫu học, Học viện Đaminh, 2010, tr. 224-225.

Tác giả: Xuân Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây