GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Mỗi vị khách là một hồng ân

Thật dễ để khuyên người khác làm điều gì đó, nhưng thật khó để sống hộ đời nhau và chấp nhận nhau. Trong cuộc sống, chúng ta gặp gỡ, sống chung với rất nhiều người, đôi khi những gì quen quá, thân quá, gần quá, chúng ta lại thấy bình thường, có khi lạnh nhạt khinh thường nhau.
Mỗi vị khách là một hồng ân
THỨ NĂM TUẦN IV PHỤC SINH
Ga 13,16-20

jesus washing feet 10Thật dễ để khuyên người khác làm điều gì đó, nhưng thật khó để sống hộ đời nhau và chấp nhận nhau. Trong cuộc sống, chúng ta gặp gỡ, sống chung với rất nhiều người, đôi khi những gì quen quá, thân quá, gần quá, chúng ta lại thấy bình thường, có khi lạnh nhạt khinh thường nhau. Nhưng việc nhận ra giá trị của nhau và như một quà tặng mà Thiên Chúa gửi đến thì chẳng dễ. Lời Chúa hôm nay cho hay: “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13,20). Cho thấy mỗi người mà chúng ta gặp gỡ chính là một hồng ân mà Chúa ban cho chúng ta. Vậy làm sao để nhận ra Chúa nơi những người đó?

Trước hết, chúng ta học bài học phục vụ của Đức Giêsu: phục vụ không phân biệt. Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu muốn các môn đệ khắc ghi lời Ngài dạy. Ngài đã đưa ra các tương quan: chủ nhà và tôi tớ, người sai đi và người được sai đi để cho các môn đệ hiểu yêu thương phục vụ không bị giới hạn bởi địa vị cao thấp. Chính Đức Giêsu, Ngài thật là Thầy và là Chúa mà còn phục vụ các môn đệ như một người đầy tớ vì: “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (x. Lc 22, 27). Ngài phục vụ cả những người sẽ phản bội Ngài. Qua đó, Chúa muốn làm gương để dạy các môn đệ năm xưa và cho chúng ta hôm nay bài học yêu thương phục vụ.

Tiếp đến, phục vụ trong yêu thương. Phục vụ mà không có yêu thương sẽ trở nên khô cứng, gượng ép, không khác gì cái máy rôbốt. Chúa Giêsu đã yêu thương và rửa chân cho tất cả các môn đệ, trong đó có cả Giuđa, người sẽ phản bội Ngài. Sự yêu thương phục vụ của Đức Giêsu là sự yêu thương thật, thương yêu không loại trừ. Chúa muốn chúng ta học nơi Ngài là sống tình yêu thương phục vụ đó: hãy tha thứ, hãy làm ơn, hãy chúc lành và cầu nguyện cho kẻ bách hại chúng ta. Người môn đệ được mời gọi hãy làm như Chúa đã làm, hãy yêu như Chúa đã yêu. Làm như Chúa nghĩa là phải biết cúi mình phục vụ lẫn nhau. Làm như Chúa nghĩa là phục vụ trong yêu thương và yêu cho đến cùng. Làm như Chúa đã dạy, thì chúng ta sẽ trở nên người có phúc. “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành thì thật phúc cho anh em” (Ga 13,17).

Cuối cùng, phục vụ tha nhân trong ý hướng là đón tiếp và phục vụ chính Chúa. “Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13, 20). Trong cuộc sống, có rất nhiều người đã phục vụ quên mình theo Lời Chúa dạy, họ đã được phúc vinh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều người cảm thấy mình quá quan trọng, cao trọng đến nỗi không thể làm những việc nhỏ nhặt, tầm thường. Khi nào người ta còn bám vào địa vị, danh giá và tự cho mình cái quyền hưởng thụ sự phục vụ thì khó mà cúi mình xuống phục vụ như Chúa dạy.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chính Chúa đã dạy: “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13,20). Như thế, Chúa đã trao cho chúng con rất nhiều cơ hội để đón tiếp, để phục vụ Chúa qua rất nhiều người trong cuộc sống của chúng con. Nhiều khi chúng con thấy như một gánh nặng, hay khó chịu, mệt mỏi khi phải phục vụ anh chị em, phục vụ người thân… Xin Chúa thêm sức cho chúng con, để chúng con nhận ra phục vụ trong yêu thương chính là mối phúc cho chúng con. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Trần Duy Chúc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây