GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Loan báo Tin mừng Chúa Phục Sinh

Chúng ta đang sống trong tuần Bát nhật mừng Chúa Phục Sinh. Phụng vụ gọi đây là những ngày cực thánh (Kinh tiền tụng Phục Sinh I). Việc Phục Sinh của Chúa Kitô là trung tâm của đức tin Kitô giáo, và Tin Mừng Phục Sinh chất chứa niềm vui, niềm hy vọng cho đời sống người Kitô hữu.
Loan báo Tin mừng Chúa Phục Sinh
Thứ Bảy tuần Bát nhật Phục sinh
Cv 4,13-21; Mc 16,9-15

tumblr inline pi88osykts1vl45aq 1280Chúng ta đang sống trong tuần Bát nhật mừng Chúa Phục Sinh. Phụng vụ gọi đây là những ngày cực thánh (Kinh tiền tụng Phục Sinh I). Việc Phục Sinh của Chúa Kitô là trung tâm của đức tin Kitô giáo, và Tin Mừng Phục Sinh chất chứa niềm vui, niềm hy vọng cho đời sống người Kitô hữu. Chính vì thế, mệnh lệnh của Đấng Phục Sinh truyền lại là: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), cần phải được thực hiện một cách cấp thiết. Tức là phải chia sẻ, phải loan báo tin vui, tin mừng về Chúa Phục Sinh tới khắp nơi và cho mọi loài.

Bài đọc I trong sách Công vụ tông đồ tiếp tục cho chúng ta thấy công cuộc rao truyền Danh Chúa Giêsu của Phêrô và Gioan. Trong bối cảnh những người trong Thượng Hội Đồng Do thái nghĩ rằng một khi họ đã đóng đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá, đã tiêu diệt được đối thủ, thì từ nay dân chúng sẽ nghe theo họ; nhưng họ lại phải đương đầu với các môn đệ và đám đông dân chúng đã tin vào Chúa Giêsu. Giới lãnh đao Do thái lấy làm ngạc nhiên về Phêrô và Gioan, vốn là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân (x. Cv 4,13). Tại sao hai ông lại ăn nói được như vậy, thậm chí còn làm được dấu lạ cách tỏ tường khiến cả họ cũng không thể chối cãi được. Và chính điều đó làm cho giới chức Dothái lo sợ mất thế giá, sợ mất lợi lộc vật chất, sợ phải thay đổi niềm tin... Thế nên, họ quyết dùng bạo lực hòng che đậy sự thật, họ tìm cách ngăm đe, cấm cản Phêrô và Gioan không được rao truyền danh Đức Giêsu nữa.

Thật ra, câu trả lời của Phêrô đã cho thấy, nhận định của giới lãnh đạo Do thái là đúng. Tự sức của Phêrô và Gioan thì không thể làm được những việc chính họ và dân chúng đang thấy. Nhưng nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nadarét, Đấng đã đóng bị đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà Phêrô và Gioan đã làm được những việc lạ lùng như vậy (x. Cv 4,10). Các ông đang rao truyền những gì tai đã nghe, mắt đã thấy. Các ông không thể làm khác được vì đó là lệnh truyền của chính Đấng Phục Sinh: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng (x. Mc 16,15). Và các ông rao truyền với lòng can đảm, không sợ cấm cản, không sợ những đe dọa đến từ nhà cầm quyền vì các ông ý thức cần phải nghe lời Thiên Chúa hơn là nghe lời người ta (x. Cv 4,19).

Chúng ta biết rằng, không phải ngay từ đầu các Tông đồ đã có được lòng tin vững vàng vào biến cố Chúa Phục Sinh. Các ông cũng đã cứng lòng, dù đã từng sống với Chúa Giêsu, đã từng được nghe Người giảng dạy, được báo trước về cuộc tử nạn và phục sinh của Thầy mình. Rồi Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với nhiều người khác nhau, những người này đã thuật lại cho các ông, thế mà các ông vẫn không tin. Vì thế, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với chính Nhóm Mười Một, Người khiển trách thái độ cứng lòng của các ông. Người củng cố lòng tin cho các ông, trao cho các ông sứ mạng truyền giáo và rồi các ông ra đi rao giảng khắp nơi có Chúa cùng hoạt động với các ông.

Đức Kitô đã sống lại, đó không chỉ là nền tảng và trọng tâm của niềm tin chúng ta mà còn là điều cốt lõi của tin mừng được rao giảng. Tin mừng mà Giáo hội loan báo không bao giờ tách biệt cái chết khỏi sự phục sinh của Đức Kitô. Điều đó diễn tả trong tời tung hô sau mỗi lần truyền phép trong Thánh lễ, Giáo Hội luôn nối kết cái chết với sự phục sinh: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.

“Hãy đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân”, loan truyền Sứ điệp Phục Sinh là mệnh lênh mà Chúa Giêsu đã truyền lại cho các môn đệ năm xưa cũng là cho Giáo hội, cho mọi người Kitô hữu hôm nay là. Không thể là người Kitô hữu mà lại không loan báo sứ điệp Phục Sinh. Tuy nhiên, sứ điệp Phục Sinh chỉ được loan báo cách trọn vẹn khi giữa những đau khổ, thử thách, người Kitô hữu vẫn thể hiện được niềm tin tưởng phó thác vào tình yêu của Chúa; khi giữa những cảnh đời sấu xa chối bỏ, loại trừ lẫn nhau, người Kitô hữu vẫn một mực sống yêu thương, quảng đại, quên mình.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết mở lòng đón nhận Sứ điệp Phục Sinh và để chính Đức Kitô Phục Sinh củng cố niềm tin cho chúng con, biến chúng con trở nên chứng nhân cho Tin mừng Con Chúa đã phục sinh trong đời sống chúng con, tại những nơi mà chúng con hiện diện. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây