GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Thiên Chúa giàu lòng xót thương

Hôm nay, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ thắc mắc tại sao cha chủ tế mặc lễ phục màu hồng? Xin thưa, bởi vì ngoài lễ cưới thì màu hồng được sử dụng hai lần trong năm: vào Chúa nhật III Mùa Vọng và Chúa nhật IV Mùa Chay
Thiên Chúa giàu lòng xót thương
Chúa Nhật IV Mùa Chay C
Gs 5,9a.10-12; 2 Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32 

images 3Hôm nay, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ thắc mắc tại sao cha chủ tế mặc lễ phục màu hồng? Xin thưa, bởi vì ngoài lễ cưới thì màu hồng được sử dụng hai lần trong năm: vào Chúa nhật III Mùa Vọng và Chúa nhật IV Mùa Chay để mời gọi người tín hữu vui mừng vì ngày lễ Chúa Giáng Sinh đã gần kề, cũng như để chuẩn bị mừng đại lễ Chúa Phục Sinh sắp tới. Vào Chúa Nhật IV Mùa Chay, chúng ta mừng vui vì đã trải qua hơn một nửa hành trình của Mùa Chay. Hơn thế nữa, chúng ta còn mừng vui vì thấy được lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại, và cho mỗi người chúng ta, qua chính sứ điệp lời Chúa hôm nay.

Bài đọc một trích từ sách Giô-suê, lúc này dân Ít-ra-en đã chấm dứt giai đoạn hành trình trong sa mạc và chuẩn bị cho giai đoạn định cư ở Đất Hứa. Suốt 40 năm đi trong sa mạc, Thiên Chúa đã luôn che chở, hướng dẫn, dạy dỗ và thanh luyện họ. Sau khi vào Đất Hứa, Thiên Chúa đã truyền lệnh cho dân thực hiện nghi thức cắt bì, mừng lễ Vượt Qua và dùng hoa màu địa phương thay cho Manna. Nghi thức cắt bì nhắc nhớ họ về giao ước mà Thiên Chúa ký kết với tổ phụ Ápraham (x. St 17,9-14).Ngài hứa sẽ bảo vệ họ sống hạnh phúc trong Đất Hứa nếu họ trung thành tuân giữ các giới răn của Ngài. Mừng lễ Vượt Qua để nhắc nhớ dân về cuộc giải thoát vĩ đại mà Thiên Chúa đã thực hiện khi đưa dân ra khỏi Ai Cập. Hôm sau lễ Vượt Qua, họ đã dùng thổ sản trong xứ, đánh dấu một giai đoạn mới mở ra cho dân. Lời hứa của Thiên Chúa về một vùng Đất Hứa, vùng đất chảy sữa và mật, nay thành hiện thực trước mắt họ.

Trong bài đọc hai, thánh Phaolô nhấn mạnh cho các tín hữu Cô-rin-tô về lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã cho nhân loại được hòa giải với Ngài nhờ Đức Kitô. Quả vậy, sáng kiến hòa giải bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng “không còn chấp tội nhân loại nữa” (2 Cr 5,19). Thiên Chúa không những không chấp tội của nhân loại, mà còn dùng cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, để tha thứ tội lỗi và cho nhân loại được hòa giải với Ngài. Không những thế, Đức Kitô còn chọn các tông đồ và trao ban cho các ông và những người kế vị, sứ vụ giao hòa con người với Thiên Chúa. Bởi vậy, nhân danh Đức Kitô, thánh nhân đã tha thiết kêu mời các tín hữu, cũng như nhân loại hãy quay trở về giao hòa với Thiên Chúa. 

Tình yêu thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại, nhất là cho tội nhân được Chúa Giêsu diễn tả một cách độc đáo hơn qua dụ ngôn người cha nhân hậu trong bài Tin Mừng. Có thể nói, dụ ngôn này là một trong những áng văn chương tuyệt vời nhất của Kinh Thánh, bày tỏ cho chúng ta về lòng lòng nhân hậu của Thiên Chúa, mà nhân vật người cha là biểu tượng. Dụ ngôn không nói rõ tại sao người con thứ muốn bỏ nhà ra đi, nhưng việc anh đòi chia gia tài khi cha mình vẫn còn sống, là điều xúc phạm không thể tha thứ, có khác nào muốn cha mình chết sớm? Dẫu vậy, người cha vẫn tôn trọng tự do của anh, ông đã chia gia tài cho hai con và sẵn sàng để anh ra đi.

Có tiền bạc trong tay, anh ta bắt đầu ăn tiêu phung phí. Khi hết tiền, anh ta lâm vào cảnh túng thiếu khốn cùng. Đúng là “còn bạc, còn tiền còn đệ tử, hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”, lúc này chẳng còn ai ở bên để giúp anh. Anh ta phải đi ở đợ cho người khác, người ta sai anh ra đồng chăn heo, anh ao ước có đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng cũng chẳng có (Lc 15,14-17). Phẩm giá con người của anh còn thua cả loài heo, con vật được coi là nhơ bẩn theo truyền thống Do-thái. Giờ đây, anh mới hối hận và quyết tâm đứng dậy trở về với cha mình.

Ở quê nhà, từ ngày người con thứ ra đi, người cha luôn ra ngóng vào trông, ngày nào cũng ra ngõ đứng chờ, hy vọng anh sẽ quay về. Cảm động nhất là phút giây người cha gặp lại người con thứ: “Anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). Phút giây vắn vỏi ấy mà chất chứa tình thương vô bờ của người cha: ông không kết án, không trách móc, nhưng thắm thiết dịu dàng bao bọc lấy cuộc đời người con. Sự trở về của người con là niềm vui lớn nhất của người cha, đến nỗi ông mở tiệc tưng bừng để đón con trở về. Bởi lẽ, như ông nói, con ông đã mất mà nay lại tìm thấy, đã chết mà nay đã sống lại (Lc 15,23-24). Niềm vui hội ngộ thật vui mừng xiết bao!
 
Khi người con thứ trở về cũng là lúc hình ảnh người con cả xuất hiện. Anh xem ra vẫn là người con ngoan, vì khi người con thứ đòi chia gia tài và bỏ nhà ra đi, thì anh vẫn ở lại với cha mình. Tuy nhiên, chỉ có thân xác anh ở nhà, còn tâm hồn thì xa cha: anh làm việc không phải với tâm tình của người con hiếu thảo, mà như một người hầu mong được cha trả công, anh chưa thấu hiểu tâm hồn rộng mở của cha mình. Anh tỏ ra tức tối với lối hành xử của cha; anh còn phủ nhận tình huynh đệ máu mủ khi gọi em mình là “thằng con của cha đó” (Lc 15, 30). Trước thái độ của anh, người cha đã năn nỉ và giãi bày cho anh hiểu, đồng thời khuyên anh hãy bao dung đón nhận đứa em lầm lỗi vừa trở về.

Hình ảnh hai người con trong dụ ngôn phải chăng cũng là hình bóng của mỗi người chúng ta? Chúng ta có thể giống như người con thứ sống phóng đãng, tội lỗi, đã phung phí những ân huệ và khả năng Chúa ban; có thể giống như người con cả, cố chấp, không hòa đồng với những người xung quanh, hay xét đoán, phê bình người khác, không bao dung với những sa ngã, yếu đuối của anh chị em mình. Dù mang hình ảnh người con nào, chúng ta hãy nhớ Thiên Chúa là Cha nhân hậu, vẫn hằng chờ đợi để tha thứ cho ta. Chúng ta cần tự vấn lương tâm của mình, để sám hối trở về với Thiên Chúa, với tha nhân. Mùa Chay trở nên ý nghĩa nhiều hay ít, điều đó tùy thuộc vào mức độ thành tâm thiện chí hoán cải đời sống của mỗi người chúng ta. Amen.

Tác giả: Phó tế Phaolô Nguyễn Văn Hiền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây