GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Suy niệm Chúa Nhật II Phục Sinh

Tất cả các bài đọc trong các Chúa Nhật sau Chúa Nhật Phục Sinh là các bài nhiệm huấn dành cho toàn thể Giáo Hội, cách đặc biệt là cho các tân tòng. Các bài đọc giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh ở giữa chúng ta.
Suy niệm Chúa Nhật II Phục Sinh
(Ga 20,19-31)

4 19 2Tất cả các bài đọc trong các Chúa Nhật sau Chúa Nhật Phục Sinh là các bài nhiệm huấn dành cho toàn thể Giáo Hội, cách đặc biệt là cho các tân tòng. Các bài đọc giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh ở giữa chúng ta. Chủ đề rất quan trọng trong Chúa Nhật II Phục Sinh là việc cử hành sự hiện diện của Chúa Phục Sinh theo những cách thức khác nhau. Chúng ta tin vào sự phục sinh nhưng chúng ta cũng muốn có bằng chứng cụ thể về quyền năng phục sinh. Quyền năng phục sinh ấy ở đâu trong cuộc sống của chúng ta? Chúng ta muốn sờ chạm thấy, muốn tận mắt thấy một sự hiện diện cụ thể của quyền năng phục sinh ấy.

Trong khi chúng ta có thể tìm kiếm một vài sự biểu hiện cách rõ ràng, hiển nhiên thì các bài đọc lại nói về sự hiện diện của Đức Kitô theo những cách thức mà chúng ta không hề nghĩ tới. Ngài hiện diện chính trong sự đớn đau của bệnh tật, của sự sợ hãi và nghi ngờ và trong các cử hành phụng vụ. Những sự hiện diện này thách thức chúng ta vượt lên vẻ bề ngoài, vượt lên sự nhàm chán và vô vị của cuộc sống, ở đó chúng ta khám phá ra Chúa Phục Sinh trong kinh nghiệm thần bí của cá nhân, trong sứ vụ cộng đoàn tín hữu và trong quyền năng biến đổi của phụng vụ.

Kinh nghiệm huyền bí

Câu chuyện của thánh Tôma cũng là câu chuyện của nhiều người Kitô hữu. Họ không bằng lòng đón nhận lời rao giảng của người khác và muốn tìm kiếm kinh nghiệm cá nhân cho bản thân với Chúa. Trong khi, một khát vọng như thế tự nó không có gì là sai, nhưng coi thường lời nói và chứng từ của người khác có thể dẫn đến sự kiêu ngạo và đánh mất đi cơ hội. Tuy nhiên, trình thuật cho thấy cả sự thấu hiểu cách kiên nhẫn và sự thừa nhận cách khiêm tốn của Thánh Tôma. Điều đó cũng cho thấy rằng, ngay ở giữa cộng đoàn nơi Tôma ít mong đợi gặp Chúa nhất, thì điều đó đã thực sự xảy ra một kinh nghiệm cá nhân giữa ngài với Đấng Phục Sinh. Sau cùng, điều đó không phải là tất cả những gì ngài mong đợi. Thánh nhân đã yêu cầu được đụng chạm vào Đấng Phục Sinh, và khi được Đức Giêsu mời gọi thực hiện điều đó, thay vì đụng chạm vào Đấng Phục sinh, ngài đã tuyên xưng đức tin của mình bằng một cử chỉ tôn thờ.

Nhưng kinh nghiệm huyền bí không dành cho những người thánh thiện siêu phàm. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể được mời gọi đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị thâm sâu khi mà chúng ta ít ngờ tới nhất, tại những nơi khó xảy ra nhất và với những tác động mạnh mẽ nhất trên chúng ta. Trên thực tế, Đức Kitô Phục Sinh luôn hiện diện ngay bên, nơi chúng ta khát khao để bước vào một đời sống được biến đổi nhờ quyền năng của Đấng Phục Sinh.

Tính Cánh Chung của Phụng Vụ

Là thành viên trong cộng đoàn cầu nguyện của các tín hữu có thể là một trong một trong những cảm nghiệm tôn giáo sâu sắc nhất. Cảm nghiệm này  không những biến đổi hiện tại, mà còn cho chúng ta một cái nhìn về tương lai, một niềm hy vọng cánh chung về một tương lai huy hoàng. Cốt lõi của cái nhìn ấy không chỉ được tìm thấy trong bài đọc của sách Khải Huyền, mà còn có thể được nhận thấy trong Bí tích Thánh Thể mà chúng ta tham dự. Điều kỳ diệu của Bí tích Thánh Thể là tái diễn cả hiện tại và tương lai cùng một lúc. Chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể với Đức Kitô, là Đấng đang hiện diện với chúng ta và là Đấng sẽ được mặc khải trọn vẹn trong ngày cánh chung.
Mặc dù, điều quan trọng là mọi thứ liên quan đến cử hành phụng vụ phải được thực hiện với sự cẩn trọng và lòng sùng kính tối đa, nhưng cuộc gặp gỡ thực sự với Thiên Chúa lại diễn ra bên dưới những hình thức bên ngoài này. Các việc cử hành này có thể trợ giúp hoặc cản trở chúng ta, nhưng đó không phải là kinh nghiệm gặp gỡ Chúa thực sự. Các việc ấy là những cánh cửa nhờ đó chúng ta đi vào một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Khi tụ họp để cử hành, chúng ta phải nhớ rằng chúng ta đang bước vào thời điểm cánh chung, ở đó chúng ta sẽ gặp gỡ sự hiện diện của Chúa Phục sinh, Đấng được tôn vinh trước ngai của Thiên Chúa.

Sứ vụ của cộng đoàn

Không giống như thánh Tôma, người lúc đầu không tin chứng cứ ​​của các tông đồ khác, nhiều người ốm đau bệnh tật đã đến với các tông đồ là những vị đã cảm nghiệm quyền năng của Đấng Phục Sinh trong các việc phục vụ cộng đoàn được thực hiện nhân danh Chúa. Chính nhờ những dấu lạ và những điều kỳ diệu do các môn đệ của Chúa Giêsu thực hiện mà những người khác đã được lôi kéo để gia nhập cộng đoàn những người tin. Và với chúng ta cũng vậy. Có những người ở giữa chúng ta, những người phục vụ cho nhu cầu của người khác qua việc thăm viếng những người ốm đau tàn tật, giúp chăm sóc trẻ em, đứng về phía những người bảo vệ kẻ dễ tổn thương, sửa chữa các con đường và giữ an toàn cho xã hội. Có những người mà sự hiện diện của họ là một sự đụng chạm chữa lành, nụ cười của họ sưởi ấm trái tim chúng ta, lời khuyên của họ soi chiếu vào đêm đen của cuộc đời chúng ta. Vẫn còn đó biết bao người xung quanh chúng ta biểu lộ sự hiện diện của Chúa Phục sinh nếu chúng ta mở lòng đón nhận.

Chúng ta có thể là những người vừa kể trong cuộc sống của những người khác. Chúng ta không nhất thiết phải là những thừa tác viên chính thức để làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Chúng ta vẫn có thể có địa điểm như hành lang Salômôn trong bài đọc một, đó là siêu thị của chúng ta, nơi hội họp của chúng ta, văn phòng và xí nghiệp của chúng ta. Chúng ta cũng có thể trở thành những cái đụng chạm mang lại sự chữa lành của Chúa Phục Sinh trong một thế giới đau khổ và bạo lực. Chúng ta có thể trở thành những người thu hút người khác đến với Chúa.

Tác giả: Nhóm dịch Ra Khơi, ĐCV. Bùi Chu chuyển ngữ

Nguồn tin: Dianne Bergant, Preaching the New Lectionary, Second Sunday of Easter, Year C, The Liturgical Press.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây