GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Lời thưa "Lạy Cha", nhân loại được phúc vinh

Tin Mừng theo Thánh Luca nói nhiều đến việc cầu nguyện của Chúa Giêsu. Ngài chính là mẫu gương hoàn hảo nhất về đời sống cầu nguyện.
Lời thưa "Lạy Cha", nhân loại được phúc vinh
Chúa Nhật XVII thường niên C
Lc 11,1-13

unknown 1Tin Mừng theo Thánh Luca nói nhiều đến việc cầu nguyện của Chúa Giêsu. Ngài chính là mẫu gương hoàn hảo nhất về đời sống cầu nguyện. Do đó, các môn đệ đến xin Ngài dạy họ cầu nguyện như Ngài đã làm. Khác với cách cầu nguyện thông thường trước đây của người Do Thái, Tin Mừng hôm nay cho hay việc cầu nguyện được thể hiện như là một hành vi thờ phượng hướng lên Thiên Chúa một cách trực tiếp, cầu nguyện cùng Thiên Chúa với lời thưa trực diện: “Lạy Cha!”

1. Lời thưa: “Lạy Cha”

Lời thưa: “Lạy Cha chúng con ở trên Trời”, trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu dài hơn lời xưng hô trong Tin Mừng theo Thánh Luca: “Lạy Cha”. Cách xưng hô theo thánh Lc chỉ có trong tương quan giữa Đức Giêsu và Chúa Cha. Tuy nhiên, hôm nay Đức Giêsu đã mở tương quan này ra cho mọi người. Ngài đặt mọi người trong tương quan với Thiên Chúa là Cha của họ. Khi Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ kinh Lạy Cha và ban cho con người quyền gọi Thiên Chúa là Abba – Cha ơi! thì Ngài cũng cho con người chia sẻ quyền làm con cùng với sự hiểu biết sâu sắc ấy. Ngài chính là Trưởng Tử, còn chúng ta là những đàn em đông đúc. Đây là ân huệ đặc biệt và vô cùng lớn lao Thiên Chúa trao tặng cho con người. Con người vốn là thụ tạo, giới hạn, bất toàn, thấp kém nhưng được nâng lên làmanh em với Chúa Giêsu, là con Thiên Chúa và được thừa hưởng ân sủng từ Thiên Chúa, Đấng vô hạn, đầy quyền năng và vô cùng Thánh thiện.

2. Hai lời nguyện xin liên quan đến Danh Cha và Nước Cha

Với ân huệ đặc biệt được gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta phải không ngừng xin cho “Danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến” (Lc 11,2). “Danh” ở đây là hiện thân của một người, chứ không chỉ là một cái tên. “Danh” Thiên Chúa có quyền năng và uy quyền như chính bản thân Ngài. “Danh thánh Cha” chính là “Chúa Cha”. Nguyện cho “Danh thánh Cha vinh hiển” nghĩa là cho mọ người nhận biết Thiên Chúa, biết Ngài là Chúa tể vạn vật và cho mọi người cũng được đồng thừa tự ơn làm nghĩa tử của Thiên Chúa là Cha. Khi “Danh thánh Cha vinh hiển” thì con người được thánh hoá khỏi những tục hoá và được phục hồi cứu chuộc.

Lời cầu xin tiếp theo “Triều Đại Cha mau đến” liên hệ chặt chẽ với lời nguyện xin trên. Để “Danh thánh Cha vinh hiển” thì “Triều Đại Cha” phải được thiết lập trên mọi dân nước. Trong Cựu Ước, dân Do Thái vẫn tin rằng Thiên Chúa là vua theo kiểu trần thế của họ. Đến thời Chúa Giêsu, họ càng mong ước Thiên Chúa đến thiết lập Triều Đại trên thế giới. Thực ra Triều Đại Thiên Chúa đã đến, vì Triều Đại Cha đã đến trong bản thân Chúa Giêsu (x.Cv 28,31), nghĩa là khi Chúa Giêsu đến thì “Triều Đại Cha” cũng đến. Thấy Chúa Giêsu là đã thấy Nước Trời, ta cầu xin cho Triều Đại ấy được hoàn thành trọn vẹn, cho mọi người biến đổi và trở về đường công chính, thánh thiện. Có như vậy, “Danh thánh Cha” hiển vinh.

3. Ba lời xin hướng đến con người

Những lời cầu xin trong phần này không được tách rời với hai lời nguyện trước, trái lại phải liên kết với nhau. Những nhu cầu của con người cần đặt trong tương quan với việc “Danh thánh Cha vinh hiển” và “Triệu Đại Cha mau đến”.

Với lời nguyện: “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy” nói lên tính cách lâu dài của cuộc sống. Động từ “cho” ở đây thể hiện sự liên tục, kéo dài, có tính lặp lại và còn diễn tả thêm, đây là ân huệ nhưng không của Chúa cho con người. Ân huệ này đến từ tình yêu và Lòng Thương Xót vô bờ của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương, chăm sóc và quan phòng con người cùng vũ trụ vạn vật. Tuy nhiên, con người đã lạm dụng tự do phạm tội, làm nhơ bẩn tính thánh thiện ban đầu. Loài người đã phạm tội xúc phạm đến Thiên Chúa gây tổn thương cho chính bản thân và cho tình liên đới với tha nhân. Vì thế, Đấng Thánh hôm nay dạy chúng ta phải biết xin ơn tha thứ.

Với lời nguyện: “xin tha tội chúng con” thể hiện con người khiêm hạ, biết nhìn nhận tội lỗi, những yếu đuối bất toàn của mình. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải liên tục xin Thiên Chúa tha thứ, để chúng ta nhận ra Thiên Chúa là người Cha luôn yêu thương và để chúng ta luôn biết cậy dựa vào Ngài. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha thứ tội lỗi con người. Tuy nhiên, để được “tha thứ tội lỗi”, con người cũng phải biết: “tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” (Lc 11,4). “Tha thứ” và “tội lỗi” luôn đi đôi với nhau và rất quen thuộc trong Tin Mừng theo Thánh Luca, vị thầy thuốc đã cho chúng ta thấy một Thiên Chúa đầy lòng xót thương và hay tha thứ, một Thiên Chúa nuôi sống, chữa lành cả phần xác và phần hồn cho con người.

Lời cầu xin sau cùng: “xin đừng để chúng con sa trước cám dỗ”. Chúa Giêsu không dạy chúng ta: xin đừng để bị cám dỗ, vì trong đời người, không ai tránh khỏi những cám dỗ thử thách. Do hậu quả của tỗi lỗi, sự bất toàn của vạn vật và sự giới hạn của bản thân mà những thử thách, cám dỗ luôn đeo bám con người. Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy xin cùng Cha của Ngài và cũng là “Cha” của chúng ta ban cho chúng ta có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn, cám dỗ, thử thách này, nhất là các cám dỗ làm chúng ta lìa xa Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới là nguồn sống, nguồn an vui và hạnh phúc đích thực mà thôi.

Như thế, chúng ta phải cầu nguyện không ngừng với Thiên Chúa, như tâm tình của một người con với người cha mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Bởi vì, cầu nguyện chính là hơi thở của mỗi Kitô hữu, cầu nguyện giúp chúng ta tìm được niềm ủi an và sự đỡ nâng trong cuộc sống. Xin cho mỗi người chúng ta biết noi gương các Thánh, làm theo Lời Chúa Giêsu chỉ dạy luôn biết cầu nguyện liên lỉ với Thiên Chúa là Cha. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây