GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Đừng tham lam quá đáng của cải vật chất

Sách Tiên tri Isaia có đoạn chép rằng: “Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ” (Is 38,12)
Đừng tham lam quá đáng của cải vật chất
Chúa Nhật XVIII mùa Thường Niên C
Gv 1,2;2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21

5f6a362b41fdfea4e8652cf8692f322dSách Tiên tri Isaia có đoạn chép rằng: “Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ” (Is 38,12). Lời này cho thấy cuộc sống quá mong manh, nay còn mai mất như hoa sớm nở chiều tàn, nhưng con người ngày nay dường như quên mất điều đó nên họ sống gấp, sống vội, sống hưởng thụ, chỉ lo vun vén, tích cóp của cải vật chất, bất chấp mọi thủ đoạn. Trước thảm cảnh bi đát này, Lời Chúa hôm nay mời gọi: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống của con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15).

Thật vậy, do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, thước đo giá trị của cuộc sống con người bị đảo lộn. Nhiều người bị vòng xoáy vật chất lôi cuốn, khiến họ trở nên tham lam vô độ và khó có thể vững bước trên con đường thiện lành được. Thánh Gioan Maria Vielay đã khẳng định: “Tham lam là sự yêu thích quá mức những của cải vật chất thế gian. Tham lam là sự say mê sai quấy và tai hại khiến chúng ta quên mất Thiên Chúa, cầu nguyện, các Bí tích, mà chỉ nghĩ đến những thứ như vàng bạc, nhà cửa, đất đai... Người tham lam giống như con heo đi tìm thức ăn trong đống bùn lầy dơ dáy mà không biết chúng từ đâu ra. Nghiêng chiều về thế gian, người tham lam không còn mơ ước những của cải thiêng liêng. Hạnh phúc của họ không còn là Thiên Đàng nữa”.

Người tham lam không làm điều gì tốt lành cho đến lúc chết. Họ say sưa tích góp của cải, lúc nào cũng lo lắng về nó, nếu bị mất mát một chút, họ tiếc rẻ ngày đêm. Sống trong giàu sang, họ vẫn không thỏa mãn, giống như một người ở giữa sông nhưng bị chết khát; nằm trên đống gạo nhưng bị chết đói. Người tham lam có mọi sự, nhưng không dám tiêu xài; vàng là vật thánh của họ, họ sùng bái nó như chúa của mình”. Đúng như Lời Chúa trong Sách Giảng Viên: “Có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và là đại hoạ” (Gv 2,21).

Quả thật, của cải có công dụng cho cuộc sống hiện tại, nhưng nó không phải là cái bảo đảm an toàn cho chúng ta. Không một thứ của cải vật chất nào có thể đảm bảo cho chúng ta trong cuộc sống này, vì của cải nay còn mai mất. Vậy những của cải trần gian không thể kéo dài cuộc sống, dù chỉ kéo dài trong chốc lát, đến kỳ hạn Thiên Chúa đã định, cái chết bất ngờ đến gọi chúng ta. Nếu ngụp lặn trong sự giàu sang, hy vọng sống lâu hạnh phúc là một điều dại dột, thì cũng dại dột không kém khi cho rằng giàu có là để hưởng thụ cho riêng mình mà không chia sẻ cho tha nhân hoặc không đóng góp vào việc chung.

Mục đích của cuộc sống ở đời này là chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu, cuộc sống trong Thiên quốc. Vì thế, chúng ta đừng để lòng tham lam che mờ chân lý căn bản này, đừng để lòng tham làm những việc hạ phẩm giá con người, phẩm giá con Thiên Chúa, đừng để lòng tham mà giết chết tình huynh đệ, tình bạn bè. Chính Đức Giêsu cho biết: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa và vừa làm tôi tiền bạc”. Người phú hộ cả đời chỉ làm tôi tiền của, tích trữ thật nhiều vật chất, trang điểm tô vẽ bản thân, vỗ béo cho thân xác mà quên mất hay coi nhẹ việc tô điểm hoặc tích trữ của cải cho linh hồn, cho phần rỗi đời sau. Sống theo Lời Đức Giêsu dạy, chính Thánh Phaolô đã khuyên nhủ các tín hữu Côlôxê năm xưa và chúng ta hôm nay: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,2).

Hơn nữa, chúng ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu nói về những điều kiện để theo Ngài: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá của mình mỗi ngày mà theo Ta”. Chúa muốn chúng ta giữ thế quân bình với của cải, dùng của cải đúng mục đích và biết dùng của cải mà liên đới, chia sẻ với người khác. Chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống tinh thần nghèo khó và siêu thoát, biết phó thác cuộc đời và vận mạng mình cho Thiên Chúa Đấng hằng yêu thương chăm sóc chúng ta để cho dù mình giàu có dư thừa cũng không cậy dựa vào của cải, không coi nó là mục đích của đời người. Chỉ có Chúa mới là chỗ dựa duy nhất, mới mang lại hạnh phúc và sự sống đời đời cho chúng ta, đồng thời xin Chúa cho mình biết quảng đại chia sẻ cho những ai túng thiếu, và giúp vào công việc chung.

Lạy Chúa, Xin Chúa ban cho chúng con luôn biết chọn Chúa, lấy Chúa làm gia nghiệp, biết dùng của cải chóng qua ở đời này để mua lấy của cải và hạnh phúc đích thực trên Trời - Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Lời Chúa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây