GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Đức tin trên hành trình theo Chúa

Nếu như Chúa Nhật XXV và XXVI thường niên năm C, phụng vụ lời Chúa và đặc biệt các bài Tin Mừng Chúa Nhật mời gọi chúng ta trở nên như những người quản lý khôn ngoan của Thiên Chúa;
Đức tin trên hành trình theo Chúa
Chúa Nhật XXVII năm C
(Kb 1,2-3; 2, 2-4; 2Tm 1,6-8.13-14; Lc 17,5-10)

11b10fc65ed7cdb7919b7784a6fbad0eNếu như Chúa Nhật XXV và XXVI thường niên năm C, phụng vụ lời Chúa và đặc biệt các bài Tin Mừng Chúa Nhật mời gọi chúng ta trở nên như những người quản lý khôn ngoan của Thiên Chúa; biết sử dụng của cải trong tinh thần liên đới sẻ chia với anh chị em, thì với Chúa Nhật hôm nay, phụng vụ lời Chúa nêu bật chủ đề đức tin trên hành trình theo Chúa. Đức tin ấy đòi hỏi chúng ta cần phải có lòng kiên trung, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

Thật vậy, bài đọc một được trích trong sách ngôn sứ Kha-ba-cúc, ngôn sứ này sống trong giai đoạn đen tối của lịch sử Do Thái: luân lý suy đồi, tôn giáo pha tạp, vua quan lầm lạc và đi ngược lại với giáo huấn của Chúa. Khi ngôn sứ chứng kiến những cảnh bất công xảy ra cho người lành, ông thắc mắc tại sao Thiên Chúa không ra tay tiêu diệt bọn ác nhân! Ông than trách Thiên Chúa: “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe” (Kb 1,2). Giữa lúc ngôn sứ chán nản và dường như thất vọng ấy, thì Chúa đã trả lời ông. Ngài hứa với ông, người công chính sẽ được Chúa bù đắp, kẻ gian ác sẽ phải diệt vong. Ngài phán: “Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình” (Kb 2,4). Lời hứa này đã tiếp sức cho vị ngôn sứ, để ông can đảm thực thi sứ vụ của mình, vì ông biết ông luôn có Chúa ở cùng.

Kế đến, bài đọc hai, được trích trong thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi cho ông Ti-mô-thê. Trong thư, thánh Phaolô đã khơi dậy nơi Ti-mô-thê những hồng ân của Thiên Chúa mà ông đã được lãnh nhận qua việc đặt tay của mình. Những hồng ân ấy giúp ông sống và làm chứng cho Tin Mừng. Một cách cụ thể, thánh nhân khuyên ông hãy kiên nhẫn và mạnh dạn làm chứng cho Tin Mừng của Chúa: “ anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2Tm 1,8).  Không chỉ khuyên nhủ người môn đệ của mình bằng lời nói mà chính thánh Phaolô đã nêu gương, đã sống mẫu mực, thánh nhân minh chứng về lòng trung thành của mình đối với Chúa, ngay cả trong tù ngục xiềng xích.

Bài Tin Mừng được mở đầu bằng một lời xin của các Tông đồ với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5). Sở dĩ các ông xin Chúa điều đó, vì dù đã được nghe những lời Chúa giảng, được chứng kiến những phép lạ Chúa làm, được trở thành Tông đồ của Chúa, nhưng chính con đường của Thầy mình đang đi các ông cũng chưa hiểu; các ông theo Chúa với những mục tiêu trần thế, rồi những đòi hỏi của Thầy mình vẫn là một thách đố cho các ông, nên các ông xin Chúa ban thêm lòng tin cho mình. Lời cầu xin này cho thấy, các tông đồ đã khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối của mình trong đức tin. Trước lời thỉnh cầu của các ông, Chúa đã không trả lời trực tiếp, nhưng Ngài đưa ra đã dùng một hình ảnh để so sánh : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6).

Thực ra, không có ai dùng đức tin mà dời cây dâu cả. Cho nên, khi dùng hình ảnh này Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến hiệu quả của lòng tin. Khi chúng ta làm việc với lòng tin, chúng ta sẽ làm được những việc vượt quá sức con người. Một sự phó thác dù nhỏ bé đến đâu, nếu được thực hiện với đức tin, thì vẫn có thể đạt được kết quả lớn lao kỳ diệu. Vì khi ấy người ta làm việc không dựa vào sức riêng, nhưng nhờ vào quyền năng Thiên Chúa. Lòng tin vững chắc, không hồ nghi, không lay chuyển của con người vào nơi Thiên Chúa có thể giúp dời núi chuyển non.

Không dừng lại ở đó, Chúa Giêsu còn đề cập đến cung cách sống của người có lòng tin qua hình ảnh ông chủ và người đầy tớ. Người đầy tớ trong nhà, là người luôn ý thức mình lệ thuộc vào ông chủ, phục vụ chủ. Chủ nhân chính là người đã cưu mang mình và lo liệu sắp xếp cho mình, vì thế, anh làm việc không phải vì tính lương, tính công với chủ mà trái lại, làm việc vì lòng yêu mến và biết ơn chủ. Do đó, anh tìm mọi cách và làm mọi việc khiến ông chủ vừa lòng, mong đáp đền ơn của chủ. Cũng vậy, con người có bổn phận phục vụ Thiên Chúa là Ông Chủ tối cao, vì Ngài đã dựng nên con người. Hơn nữa, Thiên Chúa còn đầu tư vào con người tất cả những gì cần thiết để làm việc sinh lời cho Ngài như: ơn thánh, thời gian, sức khỏe, tài năng. Khi con người ra sức làm việc để sinh lời tương xứng cho Chúa, đó mới chỉ là hoàn tất bổn phận hay công bằng, vì mượn vốn thì phải trả cả lời lẫn vốn. Vì mọi sự trên đời là của Thiên Chúa, nên Ngài không cần phải biết ơn con người, như Chúa Giêsu nói hôm nay: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). Qủa vậy, ở đời này, mỗi khi chúng ta làm được việc gì, suy cho cùng, chúng ta cũng chỉ làm những việc bổn phận của mình mà thôi và tất cả đều nhờ ơn Chúa, vì “không có Chúa, chúng ta không thể làm gì được” ( Ga 15,5).

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống và làm việc với cái nhìn của đức tin. Hãy làm việc với sự tin tưởng vào Thiên Chúa, cố gắng hết mình và phó dâng kết quả công việc cho Chúa, dù thành công hay thất bại. Hơn thế nữa, chúng ta cần sống đức tin bằng hành động, như lời thánh Giacôbê: “Đức tin không hành động là đức tin chết” (Gc 2,17). Để đức tin sinh ơn ích, mỗi người chúng ta hãy sống như người đầy tớ tầm thường trước mặt Chúa, chu toàn bổn phận với những công việc hàng ngày một cách khiêm nhường, không cần ai biết đến, không tìm quyền lợi cho mình. Đó cũng là cách chúng ta trao ban niềm tin, minh chứng niềm tin cho người khác.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây