GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Cầu nguyện với tâm tình con thảo

Cầu nguyện có vị trí rất quan trọng Trong đời sống của người Kitô hữu. Cầu nguyện được ví như hơi thở của người tín hữu. Người nào khô khan nguội lạnh, thiếu cầu nguyện như người ốm bệnh, khó thở hay sắp tắt thở.
Cầu nguyện với tâm tình con thảo
Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm C
St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13

v4 460px pray the lords prayer step 1 version 2 jpg webpCầu nguyện có vị trí rất quan trọng Trong đời sống của người Kitô hữu. Cầu nguyện được ví như hơi thở của người tín hữu. Người nào khô khan nguội lạnh, thiếu cầu nguyện như người ốm bệnh, khó thở hay sắp tắt thở. Cầu nguyện chính là cách diễn tả niềm tin, thể hiện sự nối kết với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Ngài thấu suốt cõi lòng và hoàn cảnh từng người, không bao giờ làm ngơ khi thấy con cái đau khổ chạy đến với Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta sống tương quan cha con thân mật với Thiên Chúa qua kinh Lạy Cha và dạy chúng ta cầu nguyện cách kiên trì không được nản chí.

Khi xuống trần gian, Đức Giêsu không dạy điều gì mà Ngài không làm gương trước. Cả cuộc đời Đức Giêsu là một chuỗi cầu nguyện liên lỉ không ngừng. Ngài cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Nhìn Thầy Giêsu cầu nguyện, các môn đệ cũng muốn học cách cầu nguyện của Thầy nên đã thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Và Chúa đã dạy các ông thưa chuyện với Thiên Chúa qua kinh Lạy Cha. Trước hết, Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đệ cầu nguyện với tâm tình con thảo, xưng hô với Thiên Chúa một cách thân tình như chính Ngài đã sống thân tình với Chúa Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Với lời thân thưa này, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta đi vào một tương quan đặc biệt với Thiên Chúa, đó là tương quan cha-con. Thiên Chúa và con người không còn xa cách, nhưng gần gũi như người trong gia đình. Vì thế, chúng ta không còn phải ngần ngại để thân thưa với Chúa, cũng đừng ngại trải lòng ra với Thiên Chúa khi vui cũng khi buồn.

Tiếp theo, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết phải đặt thứ tự ưu tiên trong việc cầu xin. Trước hết, chúng ta phải cầu xin cho Danh Cha được rạng sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời. Với những lời xin này, chúng ta xin cho mọi người, mọi dân tộc được nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa là Cha, được đón nhận tình yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa.

Kế đó là những lời cầu xin cho các nhu cầu chung và riêng, của linh hồn và thể xác mỗi người và cộng đoàn. Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày, xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có lỗi với chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Ở bốn lời cầu xin này, trước hết là xin cơm bánh no đủ hàng ngày. Với nhu cầu hàng ngày này, Chúa Giêsu không dạy chúng ta xin nhiều đến dư thừa để thỏa mãn sự tham lam của con người, nhưng chỉ xin để chúng ta biết sử dụng vừa đủ cho mình và cho anh chị em. Kế đến là xin Thiên Chúa tha thứ những lỗi lầm thiếu sót của chúng ta. Lời cầu xin này thể hiện thái độ khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn của thân phận con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa và làm tổn thương lẫn nhau. Hơn thế nữa, lời cầu xin tha thứ này còn là quyết tâm của mỗi người sẽ tha thứ khi có anh em xúc phạm đến mình như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Cuối cùng, xin chớ để chúng con sa trước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Sau khi chịu phép rửa tội, cuộc đời chúng ta cũng là một hành trình xuyên qua hoang địa trần gian để tiến về đất hứa đích thực là thiên đàng. Chúng ta cũng gặp phải nhiều cám dỗ do ba thù bày ra là: thế gian, ma quỷ và xác thịt. Khi nhận ra sự yếu đuối của mình, chúng ta tha thiết khẩn cầu Chúa gìn giữ và giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ. Quả thật, khi chúng ta biết chạy đến với ngài, cậy dựa vào sức mạnh của Ngài, chúng ta sẽ vượt thắng cám dỗ, chiến thắng ma quỷ.

Chúa Giêsu không chỉ dạy ta biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng Ngài còn dạy chúng ta phải kiên trì cầu nguyện trong bất cứ hoàn cảnh nào, Ngài dùng dụ ngôn một người nửa đêm đến gõ cửa nhà bạn của mình xin sự giúp đỡ để nói về sự kiên trì này. Mặc dù anh đã như bị từ chối nhưng anh vẫn không nản, cho dù anh phải chờ đợi, nhưng anh vẫn không mất kiên nhẫn, cuối cùng anh đã được như ý anh muốn. Chúa muốn chúng ta phải có thái độ kiên nhẫn tin tưởng khi cầu xin cùng Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã kết luận câu chuyện: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ gặp, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” Vì Thiên Chúa còn tốt hơn người bạn tốt gấp bội phần vì Ngài là Cha của chúng ta.

Lời Chúa hôm nay một lần nữa giúp chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương. Ngài không thể nhắm mắt làm ngơ trước những đau khổ của con cái, Ngài sẵn sàng ra tay trợ giúp khi chúng ta kêu cầu tới Ngài. Tuy nhiên, con người ngày nay hay bị sự nóng vội chi phối. Lúc bình thường thì ít nhớ đến Chúa, ít cầu nguyện, chỉ khi gặp khó khăn thử thách mới tìm đến Chúa, khấn xin đủ điều và muốn Chúa ra tay làm phép lạ ngay tức khắc để giải quyết vấn đề chúng ta kêu xin. Nếu chưa được như mong muốn, chúng ta thường thất vọng và không muốn cầu nguyện nữa. Đàng khác, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ xin Chúa làm theo ý mình, muốn Chúa chấp nhận ngay giải pháp của ta, mà ít khi chúng ta cầu xin Chúa giúp ta biết chọn giải pháp của Chúa.

Trong cầu nguyện, nhiều khi Chúa không ban theo ý của ta, cũng không thay đổi hoàn cảnh khó khăn của ta, nhưng thực ra Chúa lại ban cho chúng ta cách khác theo ý của Chúa: Chúa ban cho ta sức mạnh để ta đương đầu với khó khăn thử thách; qua những khó khăn thử thách, Chúa giúp chúng ta trưởng thành hơn trong đức tin, ban cho ta sự kiên nhẫn và lòng tín thác nơi Chúa.

Cử hành Thánh lễ là dịp tốt nhất giúp chúng ta cầu nguyện đẹp lòng Chúa vì chúng ta cầu nguyện chung với cả Giáo Hội, cầu nguyện nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, chính nhờ Người với Người và trong Người. Xin Chúa cho chúng ta biết cầu nguyện theo tinh thần Chúa dạy và kiên trì cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây