GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Một suy nghĩ đáng sợ

Blaise Pascal nhận định, “Quả là một sự dữ khi mắc đầy lầm lỗi, nhưng sẽ là một sự dữ lớn hơn khi đầy lầm lỗi mà không nhận ra chúng!”. Như vậy, tệ hơn biết mấy, khi biết đó là lầm lỗi nhưng từ chối nhìn nhận nó và vờ nghĩ rằng, nó không phải là tội. Đó là ‘một suy nghĩ đáng sợ!’.
Một suy nghĩ đáng sợ
judas iscariot“Thưa Thầy, có phải con không?”, Chúa đáp, “Đúng như con nói!”.

Blaise Pascal nhận định, “Quả là một sự dữ khi mắc đầy lầm lỗi, nhưng sẽ là một sự dữ lớn hơn khi đầy lầm lỗi mà không nhận ra chúng!”. Như vậy, tệ hơn biết mấy, khi biết đó là lầm lỗi nhưng từ chối nhìn nhận nó và vờ nghĩ rằng, nó không phải là tội. Đó là ‘một suy nghĩ đáng sợ!’.

Ý tưởng của Pascal lộ nguyên hình nơi con người Giuđa qua Tin Mừng hôm nay, “Thưa Thầy, có phải con không?”. Giuđa có phủ nhận không? Giuđa có thực sự nghĩ rằng, ông không phản bội? Chúng ta không biết chắc chắn điều đang diễn ra trong tâm trí Giuđa; nhưng rõ ràng là, Giuđa đã phản bội! Thế nhưng, ông không thừa nhận điều đó với chính mình! Giuđa phủ nhận!

Phủ nhận, nếu được viết ra dưới dạng viết tắt, cách nào đó, nó có nghĩa là, “Tôi thậm chí không biết mình đang nói dối!”. Phải chăng Giuđa vì đã đắm chìm trong tội lỗi của ông, ông sa lầy đến nỗi không thể thừa nhận với chính mình, chứ đừng nói thừa nhận với người khác; rằng, ông đang nói dối và chuẩn bị phản bội Thầy mình vì tiền. Đúng là ‘một suy nghĩ đáng sợ!’.

Nó đáng sợ vì nó tiết lộ một trong những hậu quả của tội lỗi là ‘sự dai dẳng’. Tội lỗi dai dẳng đeo bám làm cho việc phạm tội trở nên dễ dàng hơn! Và cuối cùng, khi cố chấp trong cùng một tội, tội đó dễ dàng được hợp lý hoá, biện minh và ‘được’ phủ nhận hoàn toàn là tội. Một khi mắc kẹt trong vòng xoáy tội lỗi dai dẳng này, một vòng xoáy luôn đi xuống, thật khó để người ta có thể thoát ra! Và thường, cách duy nhất để tồn tại trong tâm lý là tiếp tục phủ nhận, và phủ nhận!

Đây là một bài học quan trọng cho chúng ta trong Tuần Thánh này. Tội lỗi không bao giờ là điều thú vị khi nhìn vào nó; phải hết sức can đảm mới có thể đối diện nó! Nhưng chúng ta thử tưởng tượng, nếu Giuđa thực sự thú nhận những gì ông sắp làm; hoặc nếu Giuđa sấp mình dưới chân Chúa Giêsu, trước các đồng môn, nói cho Thầy và anh em biết toàn bộ sự thật… thì có lẽ, hành động lương thiện này đã cứu được linh hồn vĩnh cửu và mạng sống của ông. Điều này rất đau đớn và nhục nhã, nhưng nếu vượt qua được, thì đó là một việc làm không thể đúng đắn hơn!

Điều này cũng đúng với chúng ta! Có lẽ chúng ta không ở vào thời điểm mà tội có thể dẫn chúng ta đến sự phản bội Chúa Giêsu hoàn toàn như Giuđa; nhưng mỗi người đều có thể tìm thấy một số loại hình tội lỗi của mình trong Tuần Thánh này. Bạn và tôi, chúng ta hãy tìm cách khám phá, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, một số ‘nếp tội’ hoặc thói quen xấu vốn đã hình thành. Đây sẽ là một khám phá tuyệt vời nếu chúng ta có thể đối mặt tội lỗi ‘đầu nậu’ này với lòng trung thực và sự dũng cảm. Điều này cho phép bạn bóc trần mọi tội lỗi của mình, và cho phép bạn chiến thắng nó, để khám phá sự tự do mà Chúa Kitô Phục Sinh muốn bạn trải nghiệm!

“Thưa Thầy, có phải con không?”, câu nói buồn nhất này hẳn đã làm trái tim Chúa Giêsu tổn thương sâu sắc khi chứng kiến ​​việc phủ nhận tội mình nơi Giuđa. Cũng thế, nhiều lần phủ nhận tội mình, nên chúng ta không thành tâm thống hối. Hãy biến Tuần Thánh này thành thời gian cho sự trung thực và chính trực. Lòng thương xót Chúa sâu sắc và thuần khiết đến nỗi, nếu hiểu được nó, không ai cần phải tiếp tục phủ nhận tội mình dưới bất cứ hình thức nào, ‘một suy nghĩ đáng mừng!’. Chúa Giêsu sẵn sàng ‘nâng đỡ sự nhọc nhằn’ của chúng ta, Ngài là vị Thiên Sai nhân ái; Isaia hôm nay cho biết, “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn”. Từ đó, mỗi người có thể thưa lên, “Lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày!” như tâm tình tạ ơn của Thánh Vịnh đáp ca.

“Lạy Chúa, vẫn còn kịp! Xin giúp con dám sấp mình trước toà Cáo Giải ngay hôm nay; ở đó, Chúa Xót Thương đang đợi để ôm lấy con; và con sẽ trải nghiệm thế nào là tự do!”, Amen.

Tác giả: Lm. Minh Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây