GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Một sứ mệnh bất di bất dịch

Hudson Taylor, 1832-1905, nhà truyền giáo vĩ đại người Anh đến Trung Quốc rao giảng; ông sống ở đó 51 năm. Taylor đã đưa hơn 800 nhà truyền giáo đến đây, bắt đầu với 125 trường học, đem về cho Chúa 18.000 người trong những năm đầu, thành lập hơn 300 cơ sở truyền giáo với hơn 500 người giúp việc địa phương.
Một sứ mệnh bất di bất dịch
stpeter paulThầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời!”.

Hudson Taylor, 1832-1905, nhà truyền giáo vĩ đại người Anh đến Trung Quốc rao giảng; ông sống ở đó 51 năm. Taylor đã đưa hơn 800 nhà truyền giáo đến đây, bắt đầu với 125 trường học, đem về cho Chúa 18.000 người trong những năm đầu, thành lập hơn 300 cơ sở truyền giáo với hơn 500 người giúp việc địa phương. Những ngày đầu tiên, Taylor viết trong nhật ký, “Cho ‘một sứ mệnh bất di bất dịch’, chúng tôi có 25 xu, và tất cả những lời hứa của Chúa!”.

Lời Chúa kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô - Phaolô hôm nay cho thấy, Giáo Hội là một công trình không phải của loài người, nhưng là của Thiên Chúa; bắt đầu không phải “với 25 xu”; nhưng là với những con người hèn yếu “và tất cả những lời hứa của Chúa!”. Chúa Giêsu đã trao cho họ ‘một sứ mệnh bất di bất dịch’; Ngài nói với Phêrô, “Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời!”.

Suốt mọi thời đại, Giáo Hội gặp nhiều ghét bỏ, hiểu lầm, vu khống, chế giễu, và thậm chí, bị tấn công. Mặc dù đôi khi lố ​​bịch và đáng trách do lỗi cá nhân của các thành viên; nhưng thông thường, Giáo Hội đã và đang tiếp tục bị đàn áp do chính sứ mệnh của mình. Thế nhưng, các mục tử chăn dắt Giáo Hội vẫn tiếp nối sứ mệnh của Chúa Giêsu, ‘một sứ mệnh bất di bất dịch’ dẫu phải trải qua bao nhiêu khó khăn; vì đã là công trình của Thiên Chúa thì dấu chấm hết là điều không bao giờ xảy ra. Sứ mệnh ấy được rao truyền một cách rõ ràng, nhân ái, chắc chắn, và có thẩm quyền. Đó là lý do đầu tiên Giáo Hội bị ghét bỏ, và bị bách hại!

Vậy sứ mệnh của Giáo Hội là gì? Là giảng dạy một cách rõ ràng và có thẩm quyền, tuôn đổ ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa qua các Bí Tích, chăn dắt dân Chúa, dẫn họ đến vui hưởng sự sống đời đời. Phêrô và Phaolô không chỉ là hai trong số những tấm gương lớn nhất về sứ mệnh đã được nhận lãnh của Giáo Hội, nhưng còn là nền tảng thực tế mà Chúa Kitô đã thiết lập ‘sứ mệnh bất di bất dịch’ này. Với Phêrô, Chúa Giêsu đã nói, “Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời!”. Chìa khoá này tượng trưng cho quyền lãnh đạo và giáo huấn thiêng liêng của Giáo Hội. Đây là món quà thiêng liêng mà ngày nay được gọi là không thể sai lầm cho người kế vị và những người kế nhiệm. Dẫu cho Phêrô và các đấng kế vị có nhiều yếu đuối, chìa khóa Nước Trời Chúa trao vẫn được bảo tồn và thi hành đúng chức vụ và năng quyền của nó.

Thứ đến, Phaolô, người được kêu gọi để trở nên Tông Đồ Dân Ngoại. Trong thư Timôthê hôm nay, Phaolô nói về ‘một sứ mệnh bất di bất dịch’ ngài đã nhận được và phải chu toàn, “Có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy” Tin Mừng. Như lời Thánh Vịnh đáp ca, Phaolô xác tín, “Chúa đã giải thoát tôi khỏi mọi nỗi kinh hoàng”; đó cũng là tâm sự của Phêrô khi Chúa sai thiên thần đến giải thoát ngài khỏi ngục tối. Cả Phêrô và Phaolô đều đã trả giá cho sự trung thành với sứ mệnh bằng mạng sống của mình. Bài đọc thứ nhất nói về việc Phêrô bị cầm tù; và các thư Phaolô tín tiết lộ những khó khăn của vị Tông Đồ Dân Ngoại. Cuối cùng, cả hai đều trở thành các vị tử đạo.

“Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời!”. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa thật vĩ đại. Con Một Ngài đã đến trần gian thi hành sứ mệnh ấy cách âm thầm và kết thúc cách đau thương; thế nhưng, đây là ‘một sứ mệnh bất di bất dịch’ từ trời, nên việc ngưng thi hành là điều không thể xảy ra! Trong sức mạnh Thánh Thần, các đấng kế vị tiếp tục nhận chìa khoá Nước Trời và thi hành nó đúng với ý muốn của Thiên Chúa. Yếu tố con người không thành vấn đề, cho dù “chỉ với 25 xu”, nhưng điều quan trọng là “những lời hứa của Thiên Chúa”. Chớ gì ân sủng và những tố chất thần linh được ban cho chúng ta qua phép Rửa Tội cũng làm bừng lên lửa tông đồ trong mỗi người; đồng thời, chúng ta nỗ lực hết mình thi hành bổn phận theo đấng bậc một cách trung tín để làm cho nhiều người biết đến Tin Mừng của Chúa hơn.

“Lạy Chúa, xin giúp con can đảm làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh, không phải tử vì đạo, nhưng sống vì đạo, để chu toàn ‘sứ mệnh bất di bất dịch’ Chúa trao”, Amen.

Tác giả: Lm. Minh Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây