GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Ý nghĩa của việc Thánh Thần hiện xuống

Trong nggày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, tất cả Giáo Hội được lãnh nhận một luồng khí mới, kết quả của lời hứa mà Chúa Giê-su dành với các Tông Đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Đấng ấy chính là Chúa Thánh Thần.
Ý nghĩa của việc Thánh Thần hiện xuống
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

012713 2Trong nggày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, tất cả Giáo Hội được lãnh nhận một luồng khí mới, kết quả của lời hứa mà Chúa Giê-su dành với các Tông Đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Đấng ấy chính là Chúa Thánh Thần.

Cách đây một tuần, chúng ta mừng lễ Chúa lên trời, ngày lễ đánh dấu kết thúc sự hiện diện của Chúa Giê-su nơi trần gian. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không để chúng ta mồ côi vì mầu nhiệm Thăng Thiên chỉ là một sự thay đổi cách thế hiện diện của Chúa Giêsu nơi trần gian và nơi con người. Ngài hiện diện qua Thánh Thần, Đấng được Chúa Cha ban xuống cho Giáo Hội, cho từng người, qua lời thỉnh cầu của Chúa Giê-su.

Sự kiện này cho thấy tình yêu của Chúa Giê-su dành cho con người là một tình yêu trung tín đến cùng “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào thầy…” (Ga 14,1). Lời mời gọi ấy đã được minh chứng qua sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay.

Chúa Thánh Thần hiện xuống còn là dấu chứng của một tình yêu trao ban liên tục và không giới hạn. Chúa Giê-su đã không để các môn đệ và Giáo Hội phải bơ vơ, ngay khi về trời Người đã thay thế đổi cách hiện diện. Ngài hiện diện qua Thần Khí, sức mạnh thiêng liêng. Thánh Thần là hơi thở của sự sống mới luôn tràn đầy trong Giáo Hội.

Chúa Thánh Thần hiện xuống cũng minh chứng cho một tình yêu Thiên Chúa đa sắc thái. Nếu như sự hiện diện của Chúa Giê-su là sự hiện diện hữu hình của một Thiên Chúa làm người; thì sự hiện diện của Chúa Thánh Thần là một sự hiện diện thiêng liêng tuyệt đối nhưng mang lại một sức mạnh vô biên. Sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống là một sự gắn kết tuyệt hảo, chứng thực rằng lời cầu nguyện của Chúa Giê-su cho Giáo Hội hiệp nhất nên một đã thành hiện thực.

Nối kết những lời hứa của Chúa Giê-su trước khi về trời với sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, cho chúng ta xác tín vào một Thiên Chúa tình yêu. Đúng như lời xác tín của tác giả Tin Mừng Gioan: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Yêu đến cùng không chỉ là chết cho người mình yêu, nhưng chết đi rồi vẫn còn lo lắng, vẫn còn tìm cách bảo vệ cho người yêu. Đó là một thứ tình yêu không giới hạn, khác xa với tình yêu của con người. Về nguyên tắc, tình yêu vợ chồng phải là một tình yêu không giới hạn, nhưng không biết đã có ai sống được đòi hỏi ấy không. Chúa Giê-su đã sống điều đó, để làm gương cho chúng ta.

Chúa Thánh Thần được ban xuống cho Giáo Hội, cho chúng ta nhận ra được cái độc đáo của tình yêu Ki-tô giáo, một tình yêu vừa vật chất vừa vô hình, vừa cụ thể vừa thiêng liêng, đó là sự hiện diện chuyển giao giữa Chúa Giê-su hữu hình và Chúa Thánh Thần vô hình. Tình yêu nơi con người cũng nên như thế, không nên đòi hỏi những dấu chỉ cụ thể để chứng tỏ tình yêu cho nhau, vì những diễn tả chỉ là tương đối. Ngược lại, ta cũng không thể chấp nhận một thứ tình yêu không hành động. Vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em, bạn bè,… phải sống với nhau bằng sự tôn trọng thẳm sâu bên trong, nhưng cũng bằng những biểu hiện cụ thể bên ngoài, để chứng tỏ một đời sống có trách nhiệm.

Sự hiện diện của Thánh Thần, còn chứng tỏ một tình yêu liên tục của Thiên Chúa dành cho con người: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14,18). Nhân loại từ khi được bước vào miền ánh sáng của Thiên Chúa tạo dựng, đã chưa một lần phải bơ vơ, vì nếu không nhân loại đã chết. Sự thay đổi cách thế hiện diện, đi từ hữu hình vào vô hình, Thiên Chúa vẫn bảo toàn tình yêu ấy dành cho con người. Tình yêu mà con người đang dành cho nhau, cũng mang sắc thái tình yêu Thiên Chúa, có lúc cụ thể, cũng có lúc âm thầm. Nhưng, không phải con người luôn duy trì được tình yêu dành cho nhau. Xa nhau tình yêu dễ cạn, nên đã dẫn đến sự bất chung. Sự nghèo túng cũng làm tình yêu dễ biến chất vì gánh nặng áp lực vật chất sinh ra cau có, gắt gỏng. Đời sống sung túc cũng làm tình yêu thay đổi vì ham hưởng thụ mà vươn mình đi xa quá chớn… Chúng ta hãy nhìn lên Chúa, để thấy được một tình yêu cao thượng và giá trị vô biên mà biết hy sinh cho nhau.

Chúa Giêsu đã nói “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63). Như vậy, con người tồn tại được là bởi Thần Khí. Lời Chúa hôm nay mời gọi người tín hữu: đã sống nhờ Thần Khí thì phải sinh hoa trái trong Thần Khí. Thánh Phaolô đã nói “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23). Vậy, ai sống được những điều này là đang sống trong Thần Khí của Đức Kitô.

Đời sống Ki-tô hữu lữ hành là chu toàn bổn phận trần thế. Tuy nhiên, thánh Phao-lô cũng khuyên nhủ người tín hữu, rằng đừng quá chú tâm  đến những gì thuộc thế gian mà bỏ qua khát vọng Nước Trời. “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2).

Nguyện xin Thánh Thần chân lý kiện toàn tình yêu nơi mỗi người chúng ta, để ai nấy biết nỗ lực cố gắng sống những đòi hỏi của Tin Mừng, để tình yêu Chúa luôn được triển nở trong tâm hồn mỗi người, và có sức lan tỏa để xoa dịu mọi nỗi đau của cuộc đời. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Đoàn Văn Tuân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây