GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Vâng lời Thầy, con thả lưới

Chúng ta có thể nhận ra chủ đề ơn gọi và sự đáp trả được nhắc đến trong các bài đọc của Chúa Nhật tuần này. Thiên Chúa kêu gọi một số người mà Ngài muốn để cộng tác với Ngài trong việc công bố ơn cứu độ cho muôn người. Bài đọc 1 trình bày việc Thiên Chúa gọi Isaia khi ông đang tham dự phụng vụ thánh trong đền thờ, ông được thấy vinh quang và sự thánh thiện của Thiên Chúa, đồng thời.
Vâng lời Thầy, con thả lưới
Chúa Nhật thường niên C
Lc 5,1-11

download 1Chúng ta có thể nhận ra chủ đề ơn gọi và sự đáp trả được nhắc đến trong các bài đọc của Chúa Nhật tuần này. Thiên Chúa kêu gọi một số người mà Ngài muốn để cộng tác với Ngài trong việc công bố ơn cứu độ cho muôn người. Bài đọc 1 trình bày việc Thiên Chúa gọi Isaia khi ông đang tham dự phụng vụ thánh trong đền thờ, ông được thấy vinh quang và sự thánh thiện của Thiên Chúa, đồng thời. Ông nhận ra thân phận ô uế, lỗi tội của mình. Sứ thần của Thiên Chúa đã thanh tẩy ông bằng than hồng, trước khi ông thưa lên: “Dạ, con đây, xin sai con đi”.

Thánh Phaolô trong bài đọc hai trình bày việc Đức Kitô gọi và sai thánh nhân đi loan báo Tin Mừng cho dân ngoại đang lúc ngài hăng say bắt bớ các Kitô hữu tại Đamát. Biến cố ngã ngựa và kinh nghiệm mù lòa đã giúp Phaolô ý thức về thân phận yếu hèn và sự bất toàn của mình, đồng thời giúp thánh nhân nhận ra ơn thánh của Thiên Chúa qua việc được chữa lành. Kết quả là thánh nhân đã hăng say đi rao giảng tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho dân ngoại. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cho Phêrô chứng kiến cảnh đám đông chen lấn nhau đến gần Ngài để nghe lời Thiên Chúa và mẻ cá lạ lùng. Trước các sự việc xảy ra, Phêrô đã ý thức về thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi”. Đức Giêsu đã an ủi và khích lệ thánh nhân “đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Cuộc đời về sau của thánh nhân minh chứng cho lời hứa của Đức Giêsu đối với thánh Phêrô.


Tin Mừng hôm nay cung cấp cho chúng ta những định hướng ơn gọi Kitô hữu. Trước hết, Chúa muốn mỗi kitô hữu lắng nghe Lời Chúa “Dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe Lời Thiên Chúa”. Dịch Covid gây ra biết bao khó khăn cho con người, nhưng giúp con người sống có chiều sâu hơn trong tương quan với Chúa, nhận ra tầm quan trọng của đời sống tâm linh như: đói khát Lời Chúa và Thánh Thể, khát khao đời sống cộng đoàn... Thực tế còn cho thấy những cơn khát vật chất như: lương thực, tiện nghi, danh vọng, quyền lực… gia tăng mạnh mẽ trong thế giới ngày và là mối nguy cơ khiến chúng ta quên đi cơn đói khát Lời Chúa và Thánh Thể. Chúa Giêsu nơi những con người yếu đuối của cuộc sống vẫn đang hằng ngày nói lời “Ta khát”: khát phần rỗi của nhân loại, khát yêu thương và làm lan toả yêu thương tới mọi người. Cuốn phim Mẹ Têrêsa Calcutta có đoạn nói về việc Mẹ thánh nhìn ra nhu cầu của tha nhân qua một cụ ông hành khất chìa chiếc bát về phía thánh nhân và nói “tôi khát”. Đó là thời khắc Mẹ cảm nhận rằng lời Đức Giêsu “Ta khát” đang vang vọng và mời gọi Mẹ phành động quyết liệt hơn. Mẹ đã suy nghĩ, bàn hỏi và quyết định chọn dấn thân phục vụ người nghèo để nên thánh.

Tiếp đến, Tin Mừng còn chỉ ra cho chúng ta kinh nghiệm về ơn thánh Chúa. Sức riêng con người không thể, nhưng nhờ ơn thánh Chúa, con người có thể làm được. Phêrô, một ngư phủ thâm niên, nhưng đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì đã thực sự bị hấp dẫn bởi lời đầy quyền năng và mẻ cá lạ lùng Chúa cho. Sự kiện này chỉ ra sự bất toàn, yếu đuối của con người không thấm vào đâu với quyền năng của Đức Giêsu. Một bác đã khá cao tuổi và từng trải trong nghề xây dựng đã chia sẻ: ngày trước bác làm việc không biết mệt mỏi, tinh thần hăng hái như thể bàn tay mình làm nên tất cả, giải quyết mọi sự ổn thỏa, nhưng chính lúc đang tràn trề nhuệ khí, quá cậy dựa vào sức riêng của thì kết quả lại thất bại: thất bại trong đời sống gia đình và công việc, thậm chí có cả những thất bại không thể dậy nổi. Sau khi tập sống buông bỏ và phó thác, bác nhận lại thành công cácht bất ngờ. Bác lại xác tín hơn rằng đó thực sự là hoa trái của đời sống cầu nguyện, lắng nghe và tin tưởng vào sức mạnh của Thiên Chúa. Sức riêng chúng ta không thể làm được gì “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5) hay như chính Thánh Phêrô đại diện các tông đồ đã thưa đầy xác tín rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Đây là lời thưa của một con người đã từng trải nghiệm thất bại, chối từ được nâng đỡ và đứng dậy để bước đi.

Cuối cùng, tất cả chúng ta hãy dấn thân trên hành trình thu phục con người thời đại như thánh Phêrô tông đồ. Chúng ta được mời gọi thực thi ơn gọi và sứ mạng đã lãnh nhận qua bí tích Rửa tội, tham dự vào chức năng rao giảng Tin Mừng bằng đời sống chứng tá. Nếu như công việc bắt cá đòi hỏi kiên nhẫn, thức khuya dậy sớm thì công việc rao giảng Tin Mừng mời gọi mỗi người trau dồi đạo lý, tâm lý và kiên nhẫn hoán cải tâm hồn con người thời đại. Đây là ơn gọi của mỗi người như Isaia đã thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế” hay như Phaolô “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ vì đã ngược đãi Hội Thánh” thậm chí như Phêrô trong Tin Mừng “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi”. Nhưng, chúng ta vững tin rằng Thiên Chúa đã kêu gọi ta thì Ngài cũng sẽ ban ơn thánh cần thiết để chúng ta chu toàn sứ mạng mà Ngài gửi gắm. Amen.

Tác giả: Gb. Phan Văn Điền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây