GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Tỉnh thức chờ đón Chúa đến

Trong tiếng La tinh, Adventus có nghĩa là Chúa đến, nhưng lại được dịch sang tiếng Việt là Mùa Vọng - mùa chờ đợi. Để chờ đợi Chúa đến, trong mùa này Giáo Hội mời gọi các Kitô hữu sống ba tâm tình: 1) chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, kính nhớ Con Thiên Chúa đã đến lần thứ nhất với loài người;
Tỉnh thức chờ đón Chúa đến

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG - NĂM B

Is 63,16b-17.19b; 64,2b-8; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37

pray for your sponsored childTrong tiếng La tinh, Adventus có nghĩa là Chúa đến, nhưng lại được dịch sang tiếng Việt là Mùa Vọng - mùa chờ đợi. Để chờ đợi Chúa đến, trong mùa này Giáo Hội mời gọi các Kitô hữu sống ba tâm tình: 1) chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, kính nhớ Con Thiên Chúa đã đến lần thứ nhất với loài người; 2) hướng lòng trông đợi Chúa Kitô sẽ đến lần thứ hai để phán xét và ân thưởng trong ngày tận thế; giữa hai tâm tình đó, còn có một tâm tình thứ 3) sống tốt giây phút hiện tại với thái độ tỉnh thức và sẵn sàng. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay thúc đẩy các Kitô hữu sống tốt ba tâm tình đó của Mùa Vọng.

Tâm tình thứ nhất mà Giáo Hội muốn chúng ta sống trong Mùa Vọng là ăn năn sám hối, trở về với Chúa, xưng thú các tội lỗi của mình để chuẩn bị mừng kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa làm người để cứu thoát chúng ta.

Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia đã tha thiết cầu xin Thiên Chúa đến để cứu Dân Người khỏi tội lỗi, khi nại vào tình thương mà Người đã dành cho tổ tiên và đã chọn các chi tộc Israel làm gia nghiệp của riêng Người. Trong hoàn cảnh hiện tại, ngôn sứ Isaia thúc giục dân thú nhận tình trạng tội lỗi của họ. Bởi vì, chính tội lỗi làm cho dân lạc xa đường lối Thiên Chúa và vì thế họ phải đi lưu đày ở Babylon nên lúc này họ cần phải thú nhận tội lỗi để được Chúa đến cứu thoát.

Với đoàn dân từ đất lưu đày hồi hương, Isaia thấy Giêrusalem bị hoang tàn đổ nát, nên ông cầu xin Thiên Chúa “xé trời mà ngự xuống” để cứu Dân. Khi kêu cầu như thế, vị ngôn sứ biết rằng trong thực tế Thiên Chúa đã luôn kêu gọi Dân trở về mà cầu khẩn danh Chúa để được phục hồi, nhưng họ đã không lắng nghe. Nếu Dân biết sống theo thánh ý Thiên Chúa, đặt mình vào bàn tay Chúa như “đất sét trong tay người thợ gốm” thì chắc chắn sẽ được Chúa cứu thoát.

Tâm tình thứ hai mà Giáo Hội muốn chúng ta sống trong Mùa Vọng là hướng lòng trông đợi Chúa Kitô sẽ đến lần thứ hai để phán xét và ân thưởng trong ngày tận thế, bằng cách từ bỏ lối sống xác thịt theo kiểu người đời mà sống xứng đáng với những ân huệ mà Chúa đã ban cho mỗi người.

Ngay trong phần đầu của thư gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cổ võ các Kitô hữu trung thành với Chúa cho đến cùng. Ngài nhấn mạnh rằng nơi Ðức Kitô Giêsu, Thiên Chúa đã ban cho họ ân huệ phong phú về mọi phương diện, “vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người”, khiến họ không thiếu một ân huệ nào.

Tuy nhiên trên thực tế, các tín hữu Côrintô đã không đáp lại ân huệ đó của Thiên Chúa, khi họ sống chia rẽ, bè phái, kiện tụng, sống theo xác thịt, suy đồi luân lý... Chính vì thế, Thánh Phaolô nhắc họ nhớ lại ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho họ và khuyên họ sống xứng đáng hơn với những ân huệ của Thiên Chúa trong khi chờ đợi ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô. Nhờ vậy họ sẽ được “vững chắc đến cùng”, không ai chê trách được điều gì trong Ngày phán xét của Chúa.

Tâm tình thứ ba mà Giáo Hội muốn chúng ta thực hiện trong mùa vọng là sống tốt giây phút hiện tại với thái độ tỉnh thức.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cảnh báo chúng ta: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”. Rồi Đức Giêsu diễn tả tâm tình ấy bằng hình ảnh ông chủ trẩy phương xa ám chỉ việc Người đã rời thế gian mà đi về với Chúa Cha, và hình ảnh ông chủ trở về ám chỉ việc Người sẽ lại đến trong ngày quang lâm. Giữa hai thời điểm này là quãng thời gian chờ đợi, nhưng cần chờ đợi cách tích cực. Nếu khi ông chủ trẩy đi phương xa đã để nhà lại, trao cho các đầy tớ mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức, thì họ vừa chờ đợi vừa phải làm tốt công việc bổn phận của mình, trong tinh thần sẵn sàng đón chủ nhà, vì họ không biết khi nào chủ sẽ trở về.

Bài Tin Mừng này được đặt trong bối cảnh của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, khi họ nghĩ rằng Chúa sẽ đến nay mai. Vì thế, xảy ra hai trường hợp: hoặc là thụ động, không còn thực hiện các nghĩa vụ trần thế nữa mà chỉ chờ Chúa đến; hoặc ngược lại, vì chờ lâu quá nên chán nản và lơ là, không còn sẵn sàng tỉnh thức nữa. Vì thế, lời Chúa nhắc lại cho các Kitô hữu tiên khởi và cũng cho mọi người chúng ta hôm nay rằng Chúa sẽ đến nhưng không ai biết được giờ nào. Chính vì thế, cần có một thái độ tích cực trong việc chờ đón này. Đó là thái độ sống chủ động, bằng cách vẫn chu toàn các bổn phận của mình, đồng thời phải nghĩ tới yếu tố Chúa đến bất ngờ, để có thái độ và lối sống xứng đáng, trong tư thế sẵn sàng.

Đã có bao nhiêu Mùa Vọng đi qua trong đời sống của chúng ta rồi mà Mùa Vọng nào cũng nhắc ta tỉnh thức và chờ đợi Chúa đến. Nhưng cho tới hôm nay mỗi người chúng ta đã thực hiện được gì trước những lời nhắc nhở ấy chưa? Ước gì chúng ta quyết tâm sống thái độ tỉnh thức là ra đi khỏi giấc ngủ mê của một lối sống tội lỗi. Và chờ đợi là thi hành những trách nhiệm được trao phó cho mình. Như thế, chúng ta sẽ đón được Chúa trong giờ sau hết của mình, và được Chúa đem về vui hưởng hạnh phúc muôn đời. Amen.

Tác giả: Lm. Gioan B. Vũ Quốc Đạt

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây