GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Thẩm quyền của Chúa Giêsu

Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng câu hỏi của nhóm thượng tế và kỳ lão chất vấn Chúa Giêsu: “Ông lấy quyền nào mà làm những chuyện ấy?” Để hiểu được lý do tại sao họ đặt ra câu hỏi này, chúng ta nên biết qua một chút sự việc đã xảy ra trước đó. Trong bối cảnh Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, dân chúng đón rước tung hô vang trời (Mt 21,9t).
Thẩm quyền của Chúa Giêsu
Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng
Mt 21,23-27

download 2Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng câu hỏi của nhóm thượng tế và kỳ lão chất vấn Chúa Giêsu: “Ông lấy quyền nào mà làm những chuyện ấy?” Để hiểu được lý do tại sao họ đặt ra câu hỏi này, chúng ta nên biết qua một chút sự việc đã xảy ra trước đó. Trong bối cảnh Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, dân chúng đón rước tung hô vang trời (Mt 21,9t). Và sau đó là việc Chúa xô đổ bàn ghế, xua đuổi những người buôn bán, dẹp bỏ những tệ đoan lạm dụng trong đền thờ, là nơi giới chức hồi đó cho duy trì để trục lợi (Mt 21,12t). Tất cả những lời nói và việc làm của Chúa đều được dân chúng ủng hộ, từ đó họ “tức tối” và tìm cách loại bỏ Ngài gấp rút.

Hơn nữa, nhóm thượng tế và kỳ lão cho rằng họ biết rõ tông tích của Chúa Giêsu, sinh ra và lớn lên ở Nazareth, một làng quê hẻo lánh như vậy thì có điều gì tốt đâu! (Ga 1,46). Họ biết Ngài là con bác thợ mộc nghèo khó, chẳng theo học một trường luật sĩ hay biệt phái nào cả. Ngài cũng không thuộc về dòng tộc tư tế của họ. Cho nên, họ biết rằng Ngài chẳng có quyền gì trên họ, và cũng chẳng có tư cách gì mà làm những chuyện ấy. Vì thế, họ đặt thêm câu hỏi thứ hai để chất vấn về thẩm quyền của Chúa: “Ai ban quyền đó cho ông?” Cả hai câu hỏi đều cho thấy họ muốn thách thức Chúa và không tin vào thẩm quyền của Ngài. Mục đích của họ là bắt bẻ và tìm cớ để hại Ngài.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn tỏ ra khoan dung trước thái độ ích kỷ và cố chấp của họ. Ngài đặt ra cho họ một câu hỏi, không phải để bắt bẻ hay gài bẫy họ, mà là để mời gọi họ đón nhận sự thật: “Vậy phép rửa của Gioan bởi đâu mà có?” Câu hỏi này khiến họ phải suy nghĩ nát óc mà vẫn không tìm ra câu trả lời. Bởi vì, nếu họ trả lời “bởi trời” mà có, thì họ phải tin nhận Chúa Giêsu là Đấng cứu thế và có uy quyền của Thiên Chúa, đúng như lời Gioan tiền hô đã loan báo; còn nếu họ nói “bởi người ta” thì lại sợ dân chúng phản đối. Cho nên, cuối cùng họ đành phải trả lời: “Chúng tôi không biết”. Đó là một lần họ nói dối công khai, lừa dối chính Chúa, nhưng Chúa đã trả lời bằng một câu thách thức lương tâm chai lỳ của họ: “Vậy thì tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó”. Nói thế không phải là Chúa không biết thẩm quyền của Ngài. Sau này, chính Ngài đã quả quyết với các môn đệ: “Thầy đã được trao mọi quyền năng trên trời dưới đất” (Mt 28,18).

Thực ra, Chúa Giêsu nhắc đến phép rửa của Gioan tẩy giả là muốn các thượng tế và kỳ lão chấp nhận sự thật mà tin vào Ngài. Cuộc đời và lời giảng dạy của Gioan không những thu hút nhiều người đến nghe giảng, mà còn chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Vậy mà chính ông Gioan chỉ coi mình là tiếng kêu trong hoang địa, dọn đường cho Chúa Giêsu là Đấng cứu thế đến sau ông. Lời của Gioan Tẩy giả chính là một chứng từ về sự thật: “Đấng đến sau tôi, quyền thế hơn tôi và tôi không đáng cởi dây giày cho Ngài”. Nhưng họ vẫn cố chấp và ác ý, khiến họ không thể trở thành môn đệ của Ngài. Dù sao, Chúa Giêsu vẫn mãi là Thiên Chúa uy quyền như thế, vì Ngài bất biến, vĩnh cửu và toàn năng. Uy quyền của Chúa vẫn lan tỏa ra qua lời Chúa thay đổi mọi tâm hồn. Uy quyền của Chúa vẫn tỏ lộ ra trong phép Thánh Thể và qua cuộc sống, qua vũ trụ, qua những biến cố đời người và thế giới.

Lạy Chúa Giêsu, Mùa Vọng này xin cho chúng con nhận ra uy quyền của Chúa trên cuộc đời chúng con, để chúng con luôn được sống trong sự quan phòng đầy tình thương và quyền năng của Chúa. Amen.

Tác giả: Lm. Gioan B. Vũ Quốc Đạt

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây