GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


CN LỄ LÁ: Tấn kịch bi hài

Trong các nghi lễ phụng vụ, có lẽ không có cử hành nào bi hài gay cấn như phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá. Khởi đầu Thánh Lễ là một cuộc rước long trọng với những lời tung hô “muôn năm”, “vạn tuế”… với những cử chỉ thượng tôn như vẫy lá, nhảy múa, thậm chí trải thảm (áo, lá) ra đường… nhưng rồi sau đó là tuồng thương khó với đầy những lời đả đảo như “phạm thượng”, “đóng đinh”… cùng với những biểu hiện khinh miệt như xé áo, vung tay, nhổ nước bọt, đánh đập, xỉ vả và đóng đinh trên thập giá.
CN LỄ LÁ: Tấn kịch bi hài
CN LỄ LÁ: TẤN KỊCH BI HÀI

9rs2u97Trong các nghi lễ phụng vụ, có lẽ không có cử hành nào bi hài gay cấn như phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá. Khởi đầu Thánh Lễ là một cuộc rước long trọng với những lời tung hô “muôn năm”, “vạn tuế”… với những cử chỉ thượng tôn như vẫy lá, nhảy múa, thậm chí trải thảm (áo, lá) ra đường… nhưng rồi sau đó là tuồng thương khó với đầy những lời đả đảo như “phạm thượng”, “đóng đinh”… cùng với những biểu hiện khinh miệt như xé áo, vung tay, nhổ nước bọt, đánh đập, xỉ vả và đóng đinh trên thập giá.

Tấn kịch trò đời mãi thế: vinh quang khổ nhục, lên cao xuống thấp, phú quý bần hàn, cực thịnh cực suy… Trong biển trần sóng gió nhấp nhô ấy có chuyện đời muôn thuở, có chuyện người đa đoan và có chuyện mình phức hợp… Thử soi ống kính vào một vài nhóm nhân vật để ta cũng soi hình mình trong bóng người…

Một đám dân “sáng nắng chiều mưa”

Người ta thường nói “bạc như dân, bất nhân như lính”. Một đám dân đã được Chúa Giêsu ân cần yêu thương, dạy dỗ, chăm sóc, với cả tấm lòng, lại nghe theo xách động mà chống lại Vị Đại Ân Nhân của mình. Biết bao nhiêu điều hay lẽ phải, biết bao nhiêu lần được Ngài thi ân giáng phúc, biết bao nhiêu dấu lạ phép mầu, giờ đây trở thành lãng quên. Tất cả chỉ còn là bội bạc, thờ ơ, thù ghét, loại trừ, kết án, xỉ vả, tận diệt. Quả là dã man và vô đạo!

Soi hình mình trong đám dân này, liệu ta có thấy mình trong đó? Có thể rất nhiều lần ta đã lãng quên ân tình của Chúa để nghe theo những luận điệu của thế gian mà loại trừ Ngài, nhẹ thì thờ ơ, xao lãng, nặng thì quay lưng đạp bỏ. Chúng ta lãng quên hồng ân sự sống, hồng ân đức tin, hồng ân ơn gọi… đi theo thói đời để cổ võ cho những thói thờ ngẫu tượng mới, biến mình thành con tốt thí cho một guồng máy bất công, bất nhân và vô đạo.

Một đức tin bén rễ sâu trong một tương quan sâu đậm và bền chặt với Chúa Giêsu luôn là ưu tiên trọng tâm và hàng đầu. Phải chăng chuyện cách ly do đại dịch Covid 19 đang là một lời nhắc nhở cho chúng ta về cái gì là cốt lõi của đời sống đức tin? Chưa bao giờ các cộng đoàn dân Chúa của chúng ta im lặng, đơn giản, gọn gàng như thế! Vắng đi những hình thức rầm rộ biết đâu lại chẳng là cơ hội giúp chúng ta đi vào chiều sâu mầu nhiệm để không còn “sáng nắng chiều mưa” nữa mà sống đức tin một cách chân thành, sâu đậm và bền chặt hơn.

Một nhóm quan chức vụ lợi tàn ác

Trong tuồng thương khó, chúng ta cũng thấy hiện hình một nhóm quan chức đạo đời vụ lợi và tàn ác. Hêrôđê và Philatô là những khuôn mặt điển hình cho đám quan chức chính trị độc tài, tham lam, tàn ác. Để giữ vững ngai vàng, để bảo toàn tư lợi, họ sẵn sàng làm tất cả: bóp méo công lý, tàn sát người vô tội… Con người đối với họ chỉ là phương tiện cho mục đích chính trị. Mục đích chính trị có thể biện minh cho mọi phương tiện, kể cả những phương tiện bất nhân và vô đạo nhất.

Thượng tế Caipha, các luật sĩ và biệt phái, đại diện cho giới lãnh đạo tôn giáo vụ lợi và vô cảm. Vì sợ mất ảnh hưởng và sợ liên lụy, họ đã tìm cách kết án tử Chúa Giêsu, cho dù Phi la tô đã nhiều lần muốn bỏ qua. Ở đây chúng ta nhớ đến lời thánh Phaolô: “Lòng tham là cội rễ mọi sự ác”. Vì không muốn mất ảnh hưởng tôn giáo (và phía sau là không muốn mất nguồn lợi tôn giáo), họ đã tìm mọi cách để hạ bệ Chúa Giêsu. Lòng tham thật tàn ác khi nó được dán nhãn tôn giáo! Lòng tham cũng dẫn đến vô cảm vì lòng tham “không đáy”: càng có càng muốn nắm giữ và càng ngại chia sẻ, nhất là không muốn sự phiền hà liên lụy gây ảnh hưởng đến nguồn lợi của mình. Cả một hệ thống “kinh doanh tâm linh” đang hoạt động rất tốt, tự dưng lại có “kẻ phá bĩnh” muốn lật đổ tất cả!

Soi mình vào trong bóng của những vua quan, thượng tế, kinh sư và biệt phái, ta cũng có thể không khỏi giật mình khi thấy ta còn sống đạo cách vụ lợi và vô cảm. Đạo có thực sự là con đường để chúng ta dấn thân “bỏ mình”, “vác thập giá” và “theo Chúa”, tức là quên mình yêu thương phục vụ, hay chỉ là một dịch vụ để đáp ứng nhu cầu vật chất, an toàn và lợi lộc cá nhân? Điều này đúng với mỗi Kitô hữu và đúng hơn với những ai được giao trọng trách lãnh đạo cộng đoàn: “Người làm lớn phải là người rốt hết và phục vụ mọi người”.

Một nhóm đồ đệ thân tín và yếu đuối

Trong nhóm đồ đệ thân tín của Chúa Giêsu, chúng ta thấy bên cạnh những cặp tối sáng như Phêrô –Giuđa, Nhóm Mười Hai – Các Phụ Nữ… thì cũng thấy sự kịch tính trong mỗi nhân vật: Một Phêrô dũng mãnh thề sống chết với Chúa nhưng rồi lại nhát đảm chối Chúa đay đảy, một Giuđa chắc chắn tín cẩn được giao giữ túi tiền nhưng lại tham lam và phản bội, một nhóm phụ nữ yếu đuối nhưng lại can đảm theo Chúa đến tận chân thập giá, những môn đệ “ban đêm” lại công khai xuất hiện xin tháo xác và an táng Chúa…

Nhân vật đằm thắm nhất không ai khác là Đức Mẹ. Một sự hiện diện rất âm thầm nhưng rất đậm sâu, với đức tin trung tín của người môn đệ và tấm lòng từ mẫu của một người mẹ, Mẹ đã thương yêu, thông chia và tháp nhập thân mình vào trong cuộc thương khó ấy cho tới tận hiến lễ đỉnh đồi Golgotha (Stabat Mater).

Soi mình vào mỗi nhân vật ta đều thấy bóng mình ở đó. Cuộc đời mỗi chúng ta đan xen cái mạnh mẽ và yếu đuối, quảng đại và bần tiện, vị tha và ích kỷ, trung tín và phản bội… Cuộc chiến tranh tối tranh sáng vẫn xảy ra từng giây phút trong “tuồng đời” của mỗi người chúng ta. Soi mình là để chúng ta được thanh luyện và biến đổi để phần sáng được lớn lên và khoảng tối được chiếu sáng… Chúng ta được mời gọi nhìn lên Mẹ Maria như mẫu gương của đời ta trong việc cộng tác với chương trình cứu độ của Chúa.

Thánh Giá Chúa Kitô, nguồn cứu độ của ta

Trung tâm điểm và đỉnh cao của Tuần Thánh là Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Qua mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa Kitô cho chúng ta thấy tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa. Tình yêu ấy lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Tình yêu ấy không mệt mỏi trước sự bất nhất của con người. Tình yêu ấy kiên nhẫn trước sự bất toàn của những con người đại diện Ngài cai quản thế giới hay giáo hội. Tình yêu ấy tha thứ và bao dung trước sự mỏng giòn và yếu hèn của mỗi người chúng ta.

Cuộc đời vần xoay như một tấn kịch bi hài, nhưng có một điểm tựa chắc chắn để chúng ta thả neo tin yêu và hy vọng cho thuyền đời của mình, đó là Thánh Giá Chúa Kitô, “nơi Người niềm hy vọng của ta, sức sống của ta, phục sinh của ta”. Đúng vậy, “Thánh Giá đứng vững, cho dẫu trái đất xoay vần” (Stat crux dum volvitur Orbis).

Chừng nào “Thánh giá đứng vững” thì ánh sáng còn chiếu soi bóng tối, tình yêu còn mạnh hơn sự chết, lòng thương xót còn lớn hơn tội lỗi, loài người còn niềm vui và hy vọng. Trái đất sẽ cứ vần xoay, nhiều khi với tốc độ chóng mặt, với nhịp độ kinh thiên động địa, nhưng xin hãy nhớ “Thánh Giá đứng vững” (Stat crux) và “qua Thập Giá sẽ tới ánh sáng và vinh quang” (Per crucem ad lucem/gloriam).
 
Lm. Dominic Trần Ngọc Đăng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây