GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Tại sao ta hay phân vân lo lắng?

Bài Tin mừng cho thấy tiểu vương Hêrôđê rất để ý đến tình hình thời sự: Ông “nghe tất cả những gì đã xảy ra” (Lc 7,7). Những sự việc đã xảy ra lúc đó là những sự việc gì? Đó là việc đồn về Đức Giêsu.
Tại sao ta hay phân vân lo lắng?
THỨ NĂM TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN
Lc 9,7-9

c3878d0a0a44a6641ef71aeb7b01f339“Vậy ông này là ai mà ta (Hêrôđê) nghe đến những chuyện như thế” (Lc 7,9).

Bài Tin mừng cho thấy tiểu vương Hêrôđê rất để ý đến tình hình thời sự: Ông “nghe tất cả những gì đã xảy ra” (Lc 7,7). Những sự việc đã xảy ra lúc đó là những sự việc gì? Đó là việc đồn về Đức Giêsu. Có kẻ nói: “Đó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy.” Kẻ khác lại nói : “Ông Êlia xuất hiện đấy”. Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” Ông cũng là con người biết để ý đến tiếng lòng của mình: ông nghe và sau khi nghe, ông “phân vân lắm” (Lc 7,7). Sở dĩ ông phân vân, vì hơn ai hết, ông biết rõ ai là thủ phạm đã giết ông Gioan Tấy Giả: “Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi!”. Ông những tưởng khi chém đầu Gioan, ông sẽ yên thân, không còn bị ai làm phiền, quấy nhiễu. Nhưng không ngờ lại có vị khác khiến ông một lần nữa lại phải băn khoăn: “Vậy ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” (Lc 7,9). Cũng như Gioan và còn hơn cả Gioan, Đức Giêsu đã thu hút sự chú ý của ông, bắt ông phải suy nghĩ. Ông lại “tìm cách để gặp Đức Giêsu” (x, Lc 7,9).

Tại sao Hêrôđê cứ phải bận tâm suy nghĩ? Câu trả lời hẳn đã quá rõ. Không phải chỉ vì ông là một con người như bao người luôn luôn hỏi mình đâu là ý nghĩa của cuộc đời. Chính sự tự hỏi này mới làm cho con người là người. Con vật không có khả năng này. Nhưng hơn nữa, Hêrôđê tự hỏi vì với ông, có tật thì giật mình. Thật vậy, đối với những kẻ có vấn đề như Hêrôđê: ham mê sắc dục, giết người giệt khẩu thì lương tâm ông sẽ không để ông yên. Bất cứ một vấn đề gì khác thường xẩy đến đều có thể khiến kẻ có vấn đề như ông bất an. Lương tâm của những loại người này không để họ yên. Lương tâm họ sẽ chất vấn, sẽ “hạch hỏi” họ hoài hoài.

Quả vậy, Đức Giêsu đến đã khiến vua Hêrôđê đứng ngồi không yên: “phân vân lắm”. Sự xuất hiện của Ngài đã khiến ông không thể không rà xoát lại những việc ông đã làm và rồi nhận ra rõ hơn những hành vi ông thực hiện: Chính ông đã ra tay chém đầu Gioan. Tuy nhiên, điều đáng buồn là lương tâm ông ta đã không còn răng để cắn rứt nữa! Sắc dục và quyền lực nơi ông quá lớn. Ông đã đi đến chỗ chỉ còn mải mê tìm kiếm sự lạ, tìm dịp để thỏa mãn óc tò mò của mình mà thôi: “Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu.” Như chúng ta biết, sau này ông có dịp gặp Đức Giêsu (khi Philatô cho người đưa Đức Giêsu đến với Hêrôđê) nhưng cuộc gặp gỡ ấy chẳng mang lại ích lợi gì cho ông.

Tại sao Hêrôđê đã có dịp gặp Đức Giêsu, đã biết phân vân về những việc mình làm, băn khoăn tự hỏi về căn tính, vai trò của Đức Giêsu nhưng không tiến xa hơn và do vậy chẳng ích gì cho ông? Câu trả lời là vì ông quá tự cao tự đại, vì động lực của gặp gỡ chỉ là để thỏa mãn óc tò mò, chỉ để kiểm tra, khai thác người mình gặp. Hơn nữa, với sự cao ngạo và cứng lòng, việc gặp gỡ Chúa lại càng làm cho ông thêm tồi tệ hơn và tội của ông càng trở nên trầm trọng hơn.

Bài học về sự gặp gỡ của Hêrôđê với Đức Giêsu khiến chúng ta tự hỏi: Ta có những băn khoăn, trăn trở gì khi gặp Chúa Giêsu? Ta cần gặp gỡ Chúa với tâm tình và thái độ nào cho ích lợi? Cũng bề ngoài, hời hợt? Cũng tự cao, tự đại và hiếu kỳ? Hay chúng ta đến với Chúa bằng sự khiêm tốn, tin tưởng và hoán cải? Đâu là kết quả sự gặp gỡ, trao đổi với Chúa Giêsu mà chúng ta mong mỏi?

Tác giả: Lm. Gioachim Nguyễn Hữu Văn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây