GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Tại sao Chúa dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?

Các môn đệ hỏi Đức Giêsu, “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?” Chúa Giêsu như được thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay xem ra không trả lời trực tiếp câu hỏi TẠI SAO Ngài dùng dụ ngôn mà lại trả lời câu hỏi kẻ nghe dụ ngôn sẽ NHƯ THẾ NÀO.
Tại sao Chúa dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?
THỨ NĂM TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
Mt 13,10-17

images 1“Anh em được ơn hiểu các màu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không” (Mt 13,11).
Các môn đệ hỏi Đức Giêsu, “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?” Chúa Giêsu như được thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay xem ra không trả lời trực tiếp câu hỏi TẠI SAO Ngài dùng dụ ngôn mà lại trả lời câu hỏi kẻ nghe dụ ngôn sẽ NHƯ THẾ NÀO.

Thật vậy, Chúa Giêsu trả lời các môn đệ rằng: “Bởi vì anh em được ơn hiểu các màu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.”Anh em” ở đây là ai? Là các môn đệ. Họ là những người hiểu được dụ ngôn Ngài giảng. Còn “họ” là những ai không phải là môn đệ. Những người này không hiểu được dụ ngôn Ngài giảng. Là môn đệ thì mắt họ thật có phúc vì nhìn là thấy, tai họ thật có phúc vì nghe là hiểu. Còn kẻ không là môn đệ thì có trố mắt nhìn cũng không thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu. Là môn đệ thì được cho thêm và có dư thừa, còn kẻ không làm môn đệ thì ngay cái đang có cũng bị lấy đi.

Vậy, để hiểu được dụ ngôn Đức Giêsu, điều kiện cần là trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Ngược lại, những kẻ từ chối không muốn làm môn đệ Chúa thì không hiểu.

Là môn đệ của Chúa Giêsu nghĩa là gì? Nghĩa là người có lòng khiêm tốn, đơn sơ, có trí cầu tiến, ham học hỏi. Đó là những đức tính của trẻ thơ. Do vậy, có lần Chúa Giêsu nói muốn vào Nước Trời phải trở nên giống như trẻ thơ. Quả vậy, trẻ em thì trong trắng, đơn sơ, ý thức sự yếu kém, non trẻ của mình nên hay hỏi, không ngừng tìm kiếm và nhờ vậy được thầy chỉ bảo, dạy dỗ. Khi được chi dạy, các em vui vẻ, sẵn sàng đón nhận sự hướng dẫn, đi theo mẫu gương của thầy. Nhờ vậy, trẻ em hay người môn đệ không ngừng tiến bộ, có thêm và có dồi dào.

Ngược lại, những người không chịu làm môn đệ vì tưởng rằng (và thường là một cách không ý thức) mình hiểu nhiều biết rộng, tưởng rằng mình đã đủ khôn ngoan và thông sáng, đã đầy ứ rồi, không cần học hỏi thêm gì nữa. Nếu họ có hỏi hay để ý đến ai hay điều gì thì thật ra là để kiểm tra, chấm điểm hầu khẳng định vị thế ưu việt của họ, để chứng tỏ cái tôi kiêu căng của họ. Hoặc nếu họ có để ý đến ai, việc gì thực ra là để tìm kiếm đồng minh hậu thuẫn cho tư tưởng hay lập trường sẵn có của họ. Ngược lại, nếu thấy ai hay điều gì khác, hơn nữa, lại còn trái với suy nghĩ, cách nói năng, hành xử của họ, họ sẽ tìm cách chống phá, triệt hạ. Đây là trường hợp của đa số các Pharisêu và luật sỹ thời Đức Giêsu. Với tâm thế như vậy, họ sẽ không học thêm được gì. Họ thậm chí chỉ còn thấy việc khác như là những chướng tai gai mắt, ai đó là đối thủ, kẻ thù của họ. Do đó, họ có trố mắt nhìn cũng không thấy, có gióng tai nghe cũng chẳng hiểu vì lòng họ đã ra chai đá.

Suy nghĩ về lời dạy và cách đón nhận dụ ngôn của những người nghe Đức Giêsu giảng, chúng ta cần cảnh tỉnh về tâm thế của chúng ta trong cuộc sống, đặc biệt thái độ của chúng ta với Lời Chúa, với các dụ ngôn Đức Giêsu dạy. Chúng ta có thái độ của người môn đệ hay không? Ước chi tâm hồn chúng ta thật mềm mỏng, đơn sơ và đầy thao thức để nhờ vậy Lời Chúa mở mang trí não, sưởi ấm tâm hồn và uốn nắn đời sống chúng ta, giúp chúng ta thăng tiến mỗi ngày. Amen. 

Tác giả: Lm. Gioachim Nguyễn Hữu Văn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây