GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Ở lại trong tình yêu của Chúa

Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta trong tình yêu của Chúa: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” bởi vì tình yêu bắt nguồn từ Ba Ngôi Thiên Chúa, qua lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con”. Trong mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi, Chúa Cha yêu Chúa Con đã nhiệm xuất ra Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi liên kết mật thiết với nhau, quy hướng về nhau đến nỗi trở nên một với nhau.
Ở lại trong tình yêu của Chúa
Thứ Năm tuần V Phục Sinh
Ga 15, 9-11

shepherd and sheepChúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta trong tình yêu của Chúa: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” bởi vì tình yêu bắt nguồn từ Ba Ngôi Thiên Chúa, qua lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con”. Trong mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi, Chúa Cha yêu Chúa Con đã nhiệm xuất ra Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi liên kết mật thiết với nhau, quy hướng về nhau đến nỗi trở nên một với nhau.

Chúa Giêsu đã ở trong tình yêu của Chúa Cha bằng cách tuân giữ lệnh truyền của Chúa Cha. Các môn đệ được mời gọi ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu bằng cách tuân giữ lệnh truyền của Người: “Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người”.

Như vậy, đối với Chúa Giêsu, yêu thương và tuân giữ lệnh truyền luôn đi đôi với nhau. Tình yêu sẽ thật sự và trọn hảo khi sẵn sàng hy sinh quan điểm của mình để chấp nhận người khác, nhưng không phải do sợ hãi hoặc tính toán, mà là để làm theo ý muốn và ước nguyện của người mình yêu. Không có sự kết hợp của hai ý muốn, tình yêu sẽ không bao giờ được trọn vẹn. Sự tuân phục lẫn nhau là tiêu chuẩn đích thực của một tình yêu trưởng thành.

Xét cho cùng, một tình yêu đích thực đòi hỏi phải chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Đó cũng là nền tảng của một gia đình và xã hội tốt đẹp. Giềng mối của mọi đố kỵ, chia rẽ dẫn đến bạo động, hận thù và chiến tranh đều do thái độ bất khoan dung. Khi không chấp nhận để người khác có suy nghĩ khác với mình, một niềm tin và một cách sống khác với mình, người ta sẽ tìm các hạn chế tự do hoặc loại trừ người khác.

Chiến tranh, chết chóc, đau khổ, đều phát xuất từ chỗ con người không biết chấp nhận nhau. Ai cũng muốn người khác suy nghĩ như mình, phải sống như mình. Ý thức hệ cũng tự cho là ưu việt và cũng muốn áp đặt trên người khác ngay cả bằng bạo lực. May thay, con người ngày nay mỗi lúc mỗi ý thức hơn về sự đa diện của các nền văn hóa, các khuynh hướng chính trị, tôn giáo. Sự trưởng thành của nhân loại được thể hiện qua chính sự chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, chấp nhận tư tưởng của người khác. Khoan dung là thái độ mà con người ngày nay đang cần hơn bao giờ hết.

Chúng ta hãy thay đổi não trạng, hãy mang lấy một quả tim mới, quả tim biết yêu thương, biết tôn trọng phẩm giá và tự do của người khác, đó là điều mà chúng ta phải cầu xin trong cuộc sống mỗi ngày, để chúng ta được ở lại trong tình yêu của Chúa và của nhau. Amen.

Tác giả: Lm. Gioan B. Vũ Quốc Đạt

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây