GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Ngước mắt nhìn lên và chìm sâu vào trong

Cha Pedro Arrupe truyền giáo tại Nhật Bản, một đất nước khủng hoảng toàn diện sau thế chiến thứ hai. Ngài kể, “Một thiếu nữ trẻ có thói quen cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể; cô thường lướt nhẹ đôi chân trần đến cung thánh
Ngước mắt nhìn lên và chìm sâu vào trong
japonese girl praying“Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng…”.

Cha Pedro Arrupe truyền giáo tại Nhật Bản, một đất nước khủng hoảng toàn diện sau thế chiến thứ hai. Ngài kể, “Một thiếu nữ trẻ có thói quen cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể; cô thường lướt nhẹ đôi chân trần đến cung thánh. Với lòng kính tôn, cô quỳ bất động, ngước mắt lên, đăm đăm nhìn nhà chầu. Ngày nọ, khi cô vừa ra khỏi thánh đường, tôi gặp cô. Một cách dè dặt, tôi hướng cô về Bí tích Thánh Thể. Tôi hỏi, “Con xin gì với Chúa?”; cô đáp, “Con có xin gì đâu!”, rồi cô lặng thinh. Tôi xấu hổ vì câu hỏi khá tò mò đã khiến cô bối rối. Sau một hồi, cô đáp, “Con chỉ muốn chìm sâu trong Chúa!””.

Kính thưa Anh Chị em,
Một người trần còn chỉ muốn một điều, là chìm sâu trong Chúa, phương chi Con Thiên Chúa làm người. Thật ý nghĩa! Tin Mừng những ngày qua và cả hôm nay mở đầu, “Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng…”. Chúa Giêsu ‘ngước mắt lên và chìm sâu vào trong’ ‘mầu nhiệm Chúa Cha’ để nguyện cầu với Cha trước khi rời cõi thế. Thánh Gioan thật ý tứ khi dùng cụm từ này, và Hội Thánh đã lấy lại để mở đầu cho các bài Tin Mừng được đọc trong những ngày qua.

Hành động ngước mắt lên trời của Chúa Giêsu khi thân thưa với Cha cho thấy tính cách siêu việt của Ngôi Cha. ‘Siêu việt’ có nghĩa là Chúa Cha trên hết và vượt trên tất cả; thế giới không thể chứa đựng được Ngài. Bắt đầu với cử chỉ này, Chúa Giêsu thừa nhận tính ‘cao vời khôn ví’ của Cha. Thế nhưng, ở đây, chúng ta cần lưu ý đến tính đời đời bền bỉ trong mối quan hệ Cha - Con này; đó là sự Nên Một của Hai Ngôi, “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”, một quan hệ tạo nên sự duy nhất sâu sắc trong bản tính Thiên Chúa; nghĩa là Cha và Con hoàn toàn hiệp nhất nên một với nhau. Vì thế, khi cầu nguyện, Chúa Giêsu chìm sâu trong mối quan hệ này; hơn thế nữa, Ngài còn ước mong các môn đệ và tất cả những ai nhờ họ mà tin vào Ngài cũng được gắn kết vào mối quan hệ đời đời ấy.

Mặc dù ‘siêu việt’ hay ‘cao vời khôn ví’ có thể không phải là một phần trong vốn từ vựng hàng ngày của chúng ta; thế nhưng, các khái niệm này đáng để chúng ta thấu hiểu và suy gẫm. Hãy làm quen với ý nghĩa của chúng và đặc biệt hơn, làm quen với việc ‘ngước mắt lên và chìm sâu vào trong’ tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha - Con và Thánh Thần mỗi khi cầu nguyện.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu giúp chúng ta tin rằng, mỗi khi cầu nguyện, chúng ta nhân danh Ngài; và chính lúc ấy, chúng ta thông phần vào sự hiệp nhất của Cha và Con; chúng ta thông chia sự sống và tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là, khi cầu nguyện, chúng ta cũng bắt đầu bằng cách nhận thức tính siêu việt của Thiên Chúa; chúng ta ‘ngước mắt lên và chìm sâu vào trong’ Chúa Giêsu để nhìn thấy sự huy hoàng, vinh quang, vĩ đại, quyền năng và uy nghi của Thiên Chúa, Đấng ở trên tất cả và vượt qua tất cả. Thật đáng kinh ngạc! Vì khi chúng ta cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu, thì chính Thiên Chúa, Đấng vinh hiển và siêu việt ấy, giờ đây, lại ngự xuống trong linh hồn chúng ta, hoà quyện với chúng ta, yêu thương chúng ta; Ngài thiết lập một mối quan hệ cá nhân sâu sắc với chúng ta. Hai chiều kích ‘lên xuống’ này không cưỡng chống nhau; ngược lại, kết hợp và có tác dụng thu hút chúng ta vào mối quan hệ mật thiết với Đấng sáng tạo và duy trì vạn vật, dẫu chúng ta là loài hay chết. Bấy giờ, mỗi người chúng ta sẽ nghe được tiếng của Ngài, tiếng mà Ngài đã nói với Chúa Giêsu sau phép rửa của Gioan, “Con là Con rất yêu dấu của Ta!”.

Thánh Phaolô trong câu chuyện của sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay hẳn cũng đã ‘ngước mắt lên và chìm sâu vào trong’ Chúa Giêsu, Đấng sai ngài, cũng là Đấng đang ở cùng ngài giữa bách hại và giam cầm; nhờ đó, ngay trong đồn bót, giữa đêm khuya, Phaolô đã nghe được những lời đầy ủi an, “Hãy can đảm lên! Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy!”. Phải chăng đó là đáp từ của Chúa Giêsu cho lời khẩn nguyện của Phaolô mà Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thổ lộ, “Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Ngài!”.

Anh Chị em,
Chúa Giêsu đã ‘ngước mắt lên và chìm sâu vào trong’ Chúa Cha, trong cõi tâm hồn mình; ở đó, Ngài không những đã gặp được Cha mà còn gặp các môn đệ và tất cả những ai tin vào Ngài. Khi chúng ta đứng trước nhan Thiên Chúa, hoặc khi rước lấy Thánh Thể Ngài, thì đó là sự ngước nhìn và chìm sâu thăm thẳm của con người trong Đấng Tối Cao. Nhưng ở đây, thật tuyệt vời! Chính lúc ấy, Chúa Giêsu lại ngắm nhìn chúng ta khi chúng ta đến với Ngài; và tuyệt vời hơn, khi chúng ta rước lấy Thịt Máu Ngài, để Ngài chìm sâu trong chúng ta; cũng thế, cả khi chúng ta nghe và đọc Lời Ngài! Như vậy, đón nhận Ngài, chúng ta đón nhận sự sống Thiên Chúa đang tuôn chảy vào thân xác, linh hồn và con tim của mình. Được nên một với Chúa, con người trần nơi chúng ta không còn là tầm thường, nhưng mỗi người bấy giờ, trở nên con của Thiên Chúa, con của Thần. Ôi huyền nhiệm! Ôi cao cả!

“Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã cho con biết rằng, sự sống trong con là chính sự sống của Chúa. Xin cho con trong ngày, thỉnh thoảng biết ngừng lại vài giây để ‘ngước nhìn lên và chìm sâu vào trong’; ở đó, Ba Ngôi Thiên Chúa đang sống với con, hầu con biết thờ lạy và yêu mến Ngài”, Amen.

Tác giả: Lm. Minh Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây