GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Nếu không chịu sám hối, các ông sẽ chết...

Lời kêu gọi vang vọng trong suốt hành trình Mùa Chay là “hãy sám hối”. Đó cũng là sứ điệp mà ngay từ khởi đầu hành trình rao giảng Chúa Giêsu đã kêu mời: “Hãy sám hối và tin vào tin mừng”.
Nếu không chịu sám hối, các ông sẽ chết...
Chúa Nhật III Mùa Chay C
Xh 3,1-8a.13-15; 1 Cr 10,1-6.10-12; Lc 13,1-9

21 0412 discipleship the power of repentance 1021x640 696x436Lời kêu gọi vang vọng trong suốt hành trình Mùa Chay là “hãy sám hối”. Đó cũng là sứ điệp mà ngay từ khởi đầu hành trình rao giảng Chúa Giêsu đã kêu mời: “Hãy sám hối và tin vào tin mừng”. Một lần nữa, lời kêu mời “hãy sám hối” lại được vang lên trong Chúa Nhật thứ III – Mùa Chay hôm nay. Chúng ta hãy để Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn cho hành trình sám hối trở về của mỗi người chúng ta trong Mùa Chay thánh này, cũng như cho cả hành trình đời sống chúng ta.

Bài đọc I trích sách Xuất Hành viết: Thiên Chúa là Đấng đặc biệt yêu thương Dân Người. Từ việc tuyển chọn Abraham, Thiên Chúa thiết lập một dân riêng. Rồi Thiên Chúa không ngưng bày tỏ lòng thương, chăm sóc và bảo vệ Dân Người tuyển chọn. Thật vậy, khi thấy Dân bị đối xử tàn nhẫn như những nô lệ bên Ai-cập, Thiên Chúa động lòng thương xót. Người hiện ra với ông Môsê, cho ông biết ý định của Người và sai ông đến với con cái Israel để chuẩn bị giải thoát họ khỏi ách nô lệ Aicập đưa về Đất Hứa, một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.

Thánh Phaolô trong bài đọc II muốn các tín hữu, nhất là với các tín hữu Côrintô, nhìn lại biến cố Xuất Hành để rút ra bài học: cho dù con cái Israel đã được Thiên Chúa yêu thương và ban cơ hội để giải thoát, nhưng phần đông trong họ đã không biết tận dụng cơ hội, không nhận ra tình thương Thiên Chúa dành cho họ. Thay vì trung thành và tin tưởng nơi Thiên Chúa, họ lại càm ràm, than trách Môsê – người được Thiên Chúa tuyển chọn; phản bội giao ước Thiên Chúa ký kết với họ. Và kết quả là nhiều người phải chết trước khi vào Đất Hứa. Phaolô lấy đó làm bài học để mời gọi các tín hữu Côrintô hãy sám hối, tin tưởng, phó thác vào tình thương của Thiên Chúa và trung thành với sự hướng dẫn đầy tình nhân ái của Người.

Còn trong bài Tin Mừng, thánh sử Luca trình thuật hai sự kiện, một là: quan tổng trấn Philatô giết một số người Galilê đang khi họ dâng lễ vật trong đền thờ, và biến cố 18 người bị tháp Silôác đổ xuống đè chết.

Trước sự kiện này, người Do thái cho rằng những người phải chết cách đau đớn kia chính là do tội lỗi của họ bởi lẽ người Dothái thường gán cho những người ốm đau, bệnh tật, tai nạn là hậu quả của tội.

Còn Chúa Giêsu thì khẳng định: quan điểm cho rằng những bất hạnh mà con người phải chịu là do tội lỗi của họ là hoàn toàn sai. Điều này được minh chứng qua phép lạ chữa cho người mù từ lúc mới sinh, Chúa Giêsu cho biết anh ta bị mù không phải do anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh (x. Ga 9,3). Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác quyết: "Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.”

Qua đây, Chúa Giêsu muốn thay thế cách mà người Do thái vẫn quan niệm bằng việc nhắc nhở con người phải biết rút ra bài học cho mình khi chứng kiến những gì xảy ra cho người khác. Qua cả hai sự kiện mà bài Tin Mừng nêu lên, một mặt Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ăn năn sám hối khi còn có cơ hội, nếu không ai cũng sẽ chết mà không được hưởng ơn cứu độ, mặt khác, Chúa Giêsu cũng muốn nhắc cho dân chúng ở đó rằng: chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền xét đoán và kết án mà thôi, nên: “Đừng xét đoán để khỏi bị kết án” (Mt 7,1).

Như thế, sứ điệp Lời Chúa hôm nay chính là “sám hối để được tha thứ và cứu chuộc”. Lời mời gọi này ngày nay vẫn con nguyên giá trị, nhưng nhiều người vẫn dửng dưng cho rằng: “Đời còn dài, lo gì, đến lúc già, ăn năn đền tội còn kịp chán. Tên ăn trộm kia còn kịp ăn năn, huống chi là mình!” Thực ra, chỉ những ai dại dột hay kiêu ngạo thì mới cả gan nghĩ như vậy, bởi lẽ trong thực tế đã chứng minh: “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”, cái chết đến cách bất ngờ như kẻ trộm lúc đêm khua hay như chiếc lưới bất thần chụp xuống trên đầu chúng ta. Vì thế, ngay giây phút này, mỗi người hãy ghi nhớ câu nói của thánh Phaolô: “Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12); và lời dạy dỗ của thánh Phêrô: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5,5). Đối tượng của lời kêu gọi sám hối không phải chỉ là những người tội lỗi, nhưng cả những người được coi là đạo đức, ngay chính, cũng phải sám hối.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn phải đối diện với những khó khăn, chẳng hạn đại dịch covid. Dịch bệnh đã để lại những hậu quả nặng nề. Không ít người trong chúng ta ngồi đây cũng đã “nếm mùi” của nó, nhưng cho đến giờ phút này chúng ta vẫn được bình an. Cứ theo bài Tin Mừng hôm nay, không phải chúng ta tốt lành hơn những nạn nhân đã qua đời vì dịch bệnh, mà đúng hơn là Thiên Chúa dủ lòng thương xót cho chúng ta có cơ hội để sám hối, để thay đổi và để sinh hoa trái. Cây không sinh trái là cây vô dụng, con người không sinh ích lợi cho Thiên Chúa và tha nhân cũng là người vô dụng. Hình ảnh chủ vườn chờ trái cây vả trong 3 năm mà không thấy, lại tiếp tục để người làm vườn chăm sóc hy vọng có trái vào năm tới cho thấy sự kiên nhẫn của ông. Thiên Chúa cũng thế, Ngài kiên nhẫn cho con người rất nhiều cơ hội để sửa mình và sinh hoa kết trái trong đời sống của họ.

Về phần chúng ta, chúng ta sống với thái độ tỉnh thức và khôn ngoan nắm lấy từng cơ hội vì không biết khi nào là cơ hội cuối cùng. Đừng bao giờ giả định cơ hội sẽ đến mãi. Biết bao nhiêu người năm trước chúng ta thấy họ nhưng năm nay không còn nhìn thấy nữa. Điều này có thể xảy ra cho chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy xem mỗi ngày và đặc biệt Mùa Chay này như là cơ hội cuối cùng để chúng ta sám hối, trở về với Chúa. Hãy thay đổi và làm cho đời sống bằng sinh hoa trái. “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả đều bị chặt đi” (x. Mt 3,10; Lc 3,9). Chúa vẫn đang cho chúng ta cơ hội và kiên nhẫn đợi chờ chúng ta.

Cầu chúc mỗi tín hữu luôn biết sám hối canh tân vì đó là một lựa chọn khôn ngoan, biết đổi mới đời sống theo thánh ý Chúa là người có phúc. Điều Chúa hằng muốn và chờ đợi là chúng ta hãy thực lòng sám hối, sám hối trong Mùa Chay này và sám hối mỗi ngày để nhận ra tình thương Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Đồng thời, nhờ việc thực lòng sám hối mà đời sống chúng ta được thay đổi và sinh nhiều hoa trái như Chúa vẫn hằng ước mong. Amen. 

Tác giả: Phó Tế Vinhsơn Trần Văn Huy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây